Sức mạnh của âm nhạc: Hiệu ứng Mozart
Âm nhạc của Mozart có thể mang lại điều gì hơn nữa ngoài tác dụng giải trí? Các nhà khoa học trên thế giới khẳng định rằng âm nhạc của thiên tài Mozart giúp con người thông minh hơn và cải thiện sức khỏe. Ngay cả loài bò và cây cối cũng thích nghe nhạc của ông. Mới đây, một công ty của Đức còn khuyên mọi người nên bật nhạc Mozart trong quá trình xử lý nước thải! Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các nghiên cứu về cái gọi là “Hiệu ứng Mozart”.
Âm nhạc Mozart cải thiện chỉ số IQ
Vào năm 1995, các nhà khoa học của Đại học California lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Hiệu ứng Mozart”. Các nhà khoa học này đã phát hiện ra rằng sau khi nghe nhạc Mozart thì các sinh viên đạt được điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra IQ. Họ cũng thử nghiệm nhạc điện tử, âm nhạc tối giản, sách nói, và các liệu pháp thư giãn nhưng không loại nào có tác dụng bằng nhạc của Mozart.
Các nhà nghiên cứu Frances Rauscher, Gordon Shaw, và Katherine Ky đến từ Trung tâm Khoa học Thần kinh nghiên cứu về học tập và trí nhớ đã viết trong bài đăng trên tạp chí Khoa học Thần kinh về kết quả thí nghiệm: “36 sinh viên đại học nghe 10 phút đầu của bản Sonata của Mozart cho hai đàn piano, K448 (Đây là tác phẩm chơi trên piano, được sáng tác vào năm 1781, khi Mozart 25 tuổi) đều đạt chỉ số IQ Stanford- Binet (Chỉ số kiểm tra khả năng suy luận về hình học- không gian) trung bình cao hơn từ 8 đến 9 điểm trong thang đo kiểm tra so với việc sau khi họ nghe các liệu pháp thư giãn hoặc thiền định. Hiệu quả tăng cường này chỉ kéo dài 10-15 phút.
Một nghiên cứu kéo dài 5 ngày được thực hiện với 79 sinh viên cũng ghi nhận “sự gia tăng đáng kể từ ngày 1 đến ngày 2 là tăng 62% đối với nhóm nghe nhạc Mozart so với tăng 14% đối với nhóm thiền định và 11% đối với nhóm hỗn hợp [nhóm đã nghe các loại âm nhạc và các bản ghi âm khác]. Nghiên cứu này đã kết luận rằng “Có lẽ phản ứng của vỏ não đối với âm nhạc là một manh mối thiết yếu để khám phá ‘mật mã’ hoặc ngôn ngữ bên trong của chức năng não cao cấp hơn”.
Âm nhạc Mozart tác động tích cực đến quá trình tạo sữa
Năm 2007, Hãng truyền thông Tây Ban Nha EI Mundo đã đưa tin trong một bài báo cho biết: Những con bò trong một trang trại ở Viellanueva del Pardillo, Tây Ban Nha, sản xuất từ 30 đến 35 lít (khoảng 8 đến 9 ga – lông) sữa mỗi ngày so với chỉ 28 lít ở các trang trại khác. Theo chủ trang trại, ông Hans-Pieter Sieber cho biết, có được kết quả này là nhờ bản Cocerto soạn cho sáo và soạn cho đàn Harp cung D của Mozart mà ông cho 700 con bò Friesian (bò sữa giống Hà Lan) nghe vào thời điểm vắt sữa. Ông cũng khẳng định sữa có vị ngọt hơn.
Theo tin tức của đài ABC, các nhà sư ở Brittany, nước Pháp được cho là những người đầu tiên phát hiện ra sự thích thú của bò đối với nhạc Mozart. Cho đến nay, các nông dân từ Israel đến các nông dân ở Anh đều bật nhạc cổ điển cho bò nghe.
Cải thiện sức khỏe cho trẻ sinh non
Vào tháng 1 năm 2010, tạp chí Nhi Khoa đã công bố một nghiên cứu của các nhà khoa học Israel cho thấy nhạc Mozart giúp cho trẻ sinh non tăng cân nhanh hơn. Các nhà nghiên cứu đã bật 30 phút nhạc Mozart cho 20 trẻ sinh non tại Trung tâm Y tế Tel Aviv Sourasky nghe trong 2 ngày liên tiếp và so sánh mức tăng cân của những đứa trẻ này với một nhóm trẻ khác không nghe nhạc.
Các bác sĩ ghi nhận rằng trẻ sơ sinh nghe nhạc sẽ bình tĩnh hơn, do đó giảm tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi (gọi tắt là REE).
Các nhà nghiên cứu đã kết luận trong nghiêu cứu của họ rằng: “Tiếp xúc với nhạc Mozart làm giảm đáng kể tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi ở trẻ sinh non khỏe mạnh. Chúng tôi cho rằng tác động của âm nhạc này lên tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi có thể giải thích một phần “Hiệu ứng Mozart” giúp cải thiện việc tăng cân với đối tượng này.”
Âm nhạc Mozart được ứng dụng trong quy trình xử lý nước thải
Vào năm 2010, một nhà máy xử lý nước thải gần Berlin nước Đức đã thử nghiệm hệ thống âm thanh sử dụng nhạc Mozart do công ty Mundus của Đức sản xuất. Tác phẩm nhạc “Cây sáo thần” được phát ra trong quá trình vi khuẩn ăn sinh khối. Thời gian đầu, nhà máy dường như hủy bỏ kế hoạch sau vài tháng thử nghiệm. Nhưng sau một năm, khi đến thời điểm làm sạch bùn, nhà máy này phát hiện ra rằng họ chỉ phải vận chuyển 6,000 mét khối nước thải (khoảng 212 cubic feet) đi thay vì 7,000 mét khối như trước đây.
Detlef Dalichow, một chuyên gia về quản lý xử lý nước thải nói với tờ báo Märkische Allgemeine rằng, “Chúng tôi vận chuyển bùn thải ít hơn đáng kể.”
Công ty đã tiết kiệm khoảng 10,000 euro chi phí vận chuyển bùn thải. Công ty Mundus cho biết các loa của hệ thống âm thanh cố gắng mô phỏng chính xác âm thanh trong phòng hòa nhạc.
Cây cối nghe âm nhạc sẽ phát triển như thế nào?
Từ những năm 1970, người ta đã cho cây cối nghe các loại âm nhạc. Cây thích một số loại nhạc, nhưng một số loại nhạc khác làm cho cây chết đi. Tuy nhiên, cây cối đặc biệt yêu thích âm nhạc của Mozart.
Một trong số thí nghiệm đầu tiên về mối liên hệ giữa cây cối và âm nhạc được thực hiện vào năm 1973 khi sinh viên Dorothy Retallack đã sử dụng Buồng điều khiển sinh học của trường Cao đẳng Nữ giới Colorado để đưa các cây thí nghiệm vào hai buồng phát thanh khác nhau. Trong một buồng, những cây này phải nghe nhạc rock trong 3 giờ một ngày. Ở buồng khác, đài phát thanh được điều chỉnh loại nhạc nhẹ trong 3 giờ mỗi ngày.
Những cây nghe nhạc nhẹ phát triển khỏe mạnh, và thân của chúng bắt đầu cong về hướng đài phát thanh. Tuy nhiên, những cây nghe nhạc rock có lá nhỏ hơn và ngả thân xa đài phát thanh. Các cây nghe nhạc rock cao ngẳng và rất mảnh, và 16 ngày sau chúng chết gần hết.
Sinh viên này đã tiếp tục tiến hành các thí nghiệm với nhiều loại âm nhạc khác nhau. Cây ngả thân tránh xa dòng nhạc rock của Led Zeppelin và Jimi Hendrix nhưng dường như chúng rất thích các bản nhạc cổ điển của Bach được chơi bằng organ và nhạc jazz. Cô nhận thấy cây trồng thích nghe nhạc cổ điển miền Bắc Ấn Độ được chơi bằng đàn sitar. Chúng tỏ ra thờ ơ hoàn toàn với nhạc đồng quê.
Vườn nho
Vào năm 2001, khi tìm phương pháp sinh thái để ngăn sâu bọ phá hoại những cây nho, ông Carlo Cignozzi, một người yêu âm nhạc, đã thiết lập hệ thống loa khắp khu vườn nho Tuscan, II Paradiso di Frassina (địa điểm nổi tiếng của nước Ý bật nhạc của Mozart trong các vườn nho) rộng 24 mẫu Anh của mình. Ông bắt đầu bật tuyển tập nhạc cổ điển, bao gồm nhạc của Mozart cho những cây nho nghe suốt 24 giờ trong ngày, và ông nhận ra rằng những cây nho này dường như phát triển nhanh hơn. Cignozzi cho biết những cây nho gần loa nhất phát triển nhanh hơn các cây ở xa và chỉ thích nghe nhạc cổ điển thay vì nhạc pop hay nhạc rock.
Năm 2006, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Florence đã nghiên cứu thêm về đề tài này. Theo giáo sư nông nghiệp Stefano Mancuso, những cây nho được chăm sóc bằng âm nhạc sẽ trưởng thành nhanh hơn những cây không được tiếp xúc với âm nhạc. Âm nhạc cũng có những ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của cây nho và tổng diện tích lá trên mỗi cây nho.
Chuột trong mê cung
Ông Frances Rauscher, một trong các nhà khoa học tham gia nghiên cứu “Hiệu ứng Mozart” đầu tiên năm 1995, tiếp tục nghiên cứu hiệu ứng này đối với những chuột con vào năm 1998. Một nhóm chuột được tiếp xúc với nhạc của Mozart từ trong bụng chuột mẹ và thêm 60 ngày sau sinh. Nghiên cứu đã cho thấy những con chuột con này có khả năng định hướng trong mê cung tốt hơn những con chuột con sống trong yên lặng hoặc cho tiếp xúc với tiếng ồn trắng hoặc nhạc của nhà soạn nhạc theo phong cách tối giản Philip Glass.
Một nghiên cứu do các nhà khoa học Des Robinson và Jason Jen cùng thực hiện tại Đại học Wisconsin và được công bố trên tạp chí Nghiên cứu thần kinh cho biết: “Vào ngày thứ 3 những con chuột con được tiếp xúc với nhạc Mozart đã thoát khỏi mê cung nhanh hơn và ít sai sót hơn những con chuột trong các nhóm khác. Sự khác biệt này còn tăng mức độ khi qua ngày thứ 5. Điều này còn cho thấy rằng việc tiếp xúc nhiều lần với âm nhạc phức tạp giúp cải thiện được khả năng nhận biết thời gian và không gian ở chuột. Khi thử nghiệm trên người cũng cho kết quả tương tự.
Y Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times