Mục đích cao cả của âm nhạc Beethoven, bản ‘Sonate Ánh Trăng’ bất hủ
Ludwig van Beethoven là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm người Đức, ông được ca ngợi là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại.
Beethoven từng nói: “Từ khi lên 4 tuổi, âm nhạc đã bắt đầu trở thành nghề nghiệp thời trẻ của tôi. Vì sớm quen biết với ‘nàng thơ’ âm nhạc duyên dáng, dẫn dắt tâm hồn tôi theo sự đồng điệu thuần khiết, tôi đã trở nên yêu mến nàng, và dường như với tôi nàng chính là của mình”.
Khi mới 7 tuổi, Beethoven đã có buổi biểu diễn piano đầu tiên trước công chúng. Sau đó, ông kiếm sống và hỗ trợ gia đình bằng cách dạy và biểu diễn trong dàn nhạc. Ở độ tuổi 20, những tác phẩm và khả năng chơi đàn của ông đã rất nổi tiếng. Ông tài năng đến nỗi, ý tưởng sáng tác đến với ông từ nguồn cảm hứng vô tiền khoáng hậu.
“Âm thanh vang lên, chúng gầm thét như vũ bão trong đầu cho tới khi tôi ghi chúng lại”, ông chia sẻ.
Vào thời điểm đó, Beethoven là một nghệ sĩ piano điêu luyện được rất nhiều người săn đón, khiến người ta cảm giác ông có trong tay cả thế giới. Nhưng tới độ tuổi ngoài 30 thì bi kịch ập đến, ông bắt đầu mất dần thính giác và đến năm 1819, ông bị mất thính giác hoàn toàn.
“Phải thú nhận rằng tôi sống một cuộc sống rất khốn khổ. Trong gần hai năm, tôi đã không còn tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào, chỉ vì tôi không thể nói với mọi người rằng: Tôi bị điếc. Nếu như có công việc nào đó khác thì tôi đã có thể đối phó với tình trạng bệnh tật của mình. Nhưng trong nghề nghiệp của tôi, đó là một sự tàn nhẫn khủng khiếp”, Beethoven viết trong một bức thư gửi cho Franz Wegeler, theo tiểu sử của ông.
Đối với một nhạc sĩ tài năng như Beethoven, người từng nói rằng “âm nhạc đến với tôi dễ dàng hơn lời nói”, thì mất thính giác là bi kịch lớn nhất trong cuộc đời ông.
Di sản bất tử
Những năm từ 1803 đến 1812 được gọi là thời kỳ đỉnh cao của Beethoven: Ông sáng tác 72 bài hát, 1 vở opera, 6 bản giao hưởng, 4 bản hòa nhạc độc tấu, 5 bản tứ tấu cho đàn dây, 6 bản sonata cho đàn dây, 7 bản sonata cho piano, 5 bộ biến tấu cho piano, 4 bản overture, 4 bản tam tấu và 2 bản lục tấu cho đàn dây. Hầu hết các tác phẩm nổi tiếng của Beethoven đều được sáng tác trong thời gian này, và đó là bằng chứng cho những thành tựu đáng kinh ngạc của ông.
Bản “Sonate Ánh Trăng” được sáng tác vào năm 1801, ban đầu được gọi là bản Piano Sonata số 14 của Beethoven. Đây có lẽ là một trong những nhạc phẩm cổ điển phổ biến nhất được tải xuống kể từ khi nó xuất hiện trên Internet.
Mãi đến 5 năm sau khi Beethoven qua đời, nhà phê bình âm nhạc Ludwig Rellstab mới đặt tên cho bản nhạc trên là “Sonate Ánh Trăng”, vì ông từng nói rằng nó khiến ông nhớ lại khung cảnh mặt trăng phản chiếu trên Hồ Lucerne ở Thụy Sĩ.
Bản Piano Sonata này vừa sâu lắng vừa dữ dội, có thể dễ dàng thu hút trí tưởng tượng của người nghe. Người ta cho rằng, bản nhạc này được Beethoven lấy cảm hứng từ sự say đắm của ông đối với cô học trò 17 tuổi – nữ bá tước Giulietta Guicciardi.
Mục đích cao cả hơn của âm nhạc
Beethoven tin vào mục đích cao cả hơn của nghệ thuật, coi trọng sự sâu sắc và tinh tế của âm nhạc – thứ mà nhiều người cho là chỉ có thể cảm nhận được từ nội tâm chứ không thể diễn đạt ra bằng lời.
Beethoven nói: “Âm nhạc thực sự dẫn lối vào cảnh giới cao hơn so với điều mà nhân loại có thể hiểu được”.
“Đừng chỉ đơn giản thực hành nghệ thuật của bạn, mà hãy buộc bạn phải theo đuổi những bí mật của nó. Nghệ thuật xứng đáng với điều đó, vì nó và tri thức có thể đưa cảnh giới con người lên với Thần”.
Beethoven hy vọng âm nhạc của ông sẽ mang lại giá trị cho nhân loại, không chỉ để giải trí mà còn giúp các thế hệ tương lai có được những hiểu biết sâu sắc về bản thân.
Chris Ford
Thuần Thanh biên dịch