Bản thảo âm nhạc của Beethoven và cảnh giới Thần thánh
Khi Ludwig van Beethoven đặt bút viết các bản nhạc của mình, ông đã biến mực đen và giấy trắng thành một điều gì đó vượt xa những thứ thông thường. Vào năm 1907, J.P. Morgan đã trải nghiệm phẩm cách đặc biệt này khi ông xem qua một trong những bản thảo gốc của nhà soạn nhạc đại tài.
Morgan đang kinh doanh ở Paris thì nghe tin một thương nhân đang sinh sống ở Florence, Ý đã tổ chức một buổi hòa nhạc chơi bản thảo gốc của Beethoven cho Violin và Piano, Bản Sonata số 10 cung G Major (Sol Trưởng), Op. 96.
“Ngài Morgan cho rằng điều đó thực sự thú vị,” Robin McClellan, trợ lý giám tuyển – phụ trách âm nhạc tại Thư viện và Bảo tàng Morgan, nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại về buổi triển lãm “Beethoven 250: Bản thảo âm nhạc có chữ ký của Ludwig van Beethoven.”
Morgan nhanh chóng bắt một chuyến tàu đến Florence và có mặt tại nhà của vị doanh nhân. Ông ngồi xuống và xem qua bản thảo, điều này khiến ông vô cùng kinh ngạc.
“Bản thảo là một cách để cảm nhận sự gần gũi với Beethoven,” McClellan nói. Morgan đã mua bản thảo và nó trở thành một trong những bản thảo âm nhạc đầu tiên trong bộ sưu tập của Morgan. Nó được trưng bày trong triển lãm kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven.
Triển lãm bao gồm tổng cộng 11 tác phẩm, được chia thành hai phần: thứ nhất là những nốt nhạc lộn xộn trong bản nháp âm nhạc mà nhà soạn nhạc đại tài đã ghi lại trong suốt cuộc đời của mình; thứ hai, các bản thảo đầy đủ nhiều trang.
Triển lãm cho phép bạn kết nối với Beethoven, đây có thể là một trải nghiệm siêu việt, vì xét cho cùng, âm nhạc của ông không chỉ đơn giản là để giải trí.
Tác giả, nhà soạn nhạc và nhà phê bình âm nhạc đầu thế kỷ 19 E.T.A. Hoffmann nói về Beethoven, “Vương quốc của ông ấy không thuộc thế giới này.”
Ông McClellan nói, Beethoven “được xem là người kết nối được với một số chân lý tâm linh vượt xa con người bình thường chúng ta. Beethoven đã nỗ lực hết mình và có thể dạy hoặc truyền lại chân lý đó cho người bình thường chúng ta.”
Từ hỗn độn đến tuyệt mỹ
McClellan đã không nghiên cứu chi tiết những bản thảo cụ thể này trước khi bắt đầu làm việc tại Morgan. Nhưng việc phân tích đủ loại ý tưởng âm nhạc trải dài trên những bản nháp của Beethoven trong phần đầu tiên của cuộc triển lãm không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
McClellan nói, “Tôi bị ấn tượng bởi sự lộn xộn và hỗn loạn của [các ghi chép]. Điều đó có ý nghĩa vì chúng không nhằm mục đích để trình bày trước công chúng. Chúng thực sự là ‘ghi chép cho bản thân.’”
Nhưng thông tin cần thiết lại bị thiếu trong các ghi chép ban đầu của Beethoven. Ví dụ, đôi khi nó không ghi rõ liệu các nốt nằm ở khóa âm bổng hay âm trầm hay cao độ dự định là bao nhiêu. May thay, bản thân McClellan cũng là một nhà soạn nhạc, vì vậy ông đã có thể phân tích âm nhạc một cách thành thục.
“Nó không giống như [âm nhạc] chỉ bật ra khỏi trang giấy,” ông nói. “Tôi phải thực hiện một chút công việc thám tử để cố gắng tái tạo lại ngụ ý thực sự của ông ấy ở đây.”
Nhưng hành trình gian khổ của McClellan với các tác phẩm của Beethoven dường như chỉ được đền đáp khi nhà soạn nhạc đại tài tự mình trải qua quá trình sáng tạo đó. Trái ngược với Mozart khi âm nhạc của Mozart thường được truyền tải đến ông một cách trọn vẹn, Beethoven đã phải lao động vất vả, McClellan nói.
McClellan nói: “Dựa vào những bản phác thảo này, một trong những điều mà [Beethoven] nổi tiếng là ông đã mất bao nhiêu công sức để có được kết quả cuối cùng và điều đó khó khăn, vất vả như thế nào. Ông ấy được xem như một nhân vật anh hùng, phiêu lưu vào các cảnh giới tâm linh và sau đó quay lại và truyền đạt những chân lý sâu sắc mà ông ấy đã khám phá ra.”
Qua quá trình gian khổ này, Beethoven đã khai quật được một viên ngọc – một giai điệu ngắn hoặc một đoạn nhạc. Ví dụ nổi tiếng nhất là đoạn nhạc “da-da-da-daaa da-da-da-daaa” ở đầu Bản giao hưởng thứ năm. Ông ấy lặp đi lặp lại nhịp điệu ngắn đó trong suốt bản nhạc. Điều này trái ngược với việc diễn tấu một giai điệu, sau đó một giai điệu khác, rồi đến một giai điệu khác.
Âm nhạc của Beethoven thường “dựa trên một giai điệu hoặc nhịp điệu nhỏ;” McClellan cho biết “mọi phần của một bản nhạc đều quay trở lại với hạt giống nhỏ đó, thứ hợp nhất âm nhạc.” “Nó cho phép người nghe theo dõi cảm xúc của bản nhạc. Hạt giống nhỏ đó giống như một nhân vật. Sau đó, nó giúp ông ấy kể một câu chuyện khi nhân vật đó biến đổi và trải qua những trải nghiệm khác nhau.”
Tiến đến cảnh giới Thần thánh
Beethoven không chỉ có ảnh hưởng đến việc thực hành sáng tác mà còn đưa phẩm chất siêu hình của âm nhạc vào cuộc sống hàng ngày. Trong những thế kỷ trước, một hội thánh sẽ cùng nhau lắng nghe các bài thánh ca trong nhà thờ, cùng chia sẻ kinh nghiệm tập thể. Nhưng vào thế kỷ 19, ở đỉnh cao của thời kỳ âm nhạc Lãng mạn, việc trải nghiệm đã mang tính cá nhân và riêng tư.
Với âm nhạc của Beethoven, “với tư cách là người nghe, bạn có thể đi vào nơi sâu thẳm bên trong và để âm nhạc truyền tải chân lý sâu sắc hoặc ý nghĩa sâu sắc nào đó đến với cá nhân bạn,” McClellan nói. “Bạn không cần tất cả những yếu tố khác của tôn giáo … Khi bạn có thể nghe nhạc của Beethoven, bạn có thể tiến trực tiếp vào cõi thần thánh đó.”
Để biết thêm thông tin, hãy xem video về triển lãm “Beethoven 250: Bản thảo âm nhạc có chữ ký của Ludwig van Beethoven.”
Tân Dân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times