Ngay ở nơi tăm tối nhất, âm nhạc vẫn giúp tâm hồn ta thăng hoa
Có một thành viên của băng đảng nọ đã ngồi tù gần cả đời người, anh nói rằng anh chưa một lần khóc trong suốt cuộc đời mình. Anh đã mai táng mẹ, mai táng cha, và cảm tưởng như cánh cửa tương lai khép lại khi anh bị kết án phải ngồi tù trong nhiều thập kỷ, có lẽ là cả phần đời còn lại. Nhưng sau đó, khi ở trong tù, anh đã được nghe buổi hòa nhạc thính phòng. Và anh đã khóc.
Eric Genuis là tác giả của những bản nhạc mà người đàn ông trên đã nghe. Genuis kể lại: “Người đàn ông này đứng dậy sau buổi biểu diễn, xăm trổ đầy mình, thân hình cao tới 9 yard, và anh tâm sự: Tôi rất xúc động. Tôi đã không kìm được nước mắt trong suốt hai giờ diễn. Tôi chưa bao giờ khóc trong đời. Chưa bao giờ. Mẹ tôi mất, bố tôi mất, tôi rất buồn nhưng chưa bao giờ khóc. Điều này là gì vậy?”.
Nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc Genuis kể: “Tôi nhớ mình đã thực sự bị cuốn hút bởi điều này. Đây là một người đàn ông đã trải qua cả cuộc đời trong nhà giam, bị xét xử và bị kết án khi còn là thiếu niên, và hiện đã gần 60 tuổi. Chà, đó là gì? Đó là trái tim con người”.
Genuis đã nhiều lần chứng kiến những phản ứng tương tự. Một tù nhân khác tại Massachusetts nói: “Trong đời mình tôi đã giết rất nhiều người. Sau khi nghe thứ âm nhạc này, tôi đã được thăng hoa với nhân tính của mình. Tôi sẽ không bao giờ làm tổn thương người khác nữa”.
Genuis tâm sự “Buổi hòa nhạc của tôi gợi lên một cảm xúc sâu sắc, chính âm nhạc mới mang đến điều đó. Đó không phải chỉ là việc tôi bước vào và nói chuyện với họ, và rồi họ cảm thấy thoải mái với tôi. Âm nhạc đã phá tan mọi rào cản, cho phép họ gặp gỡ phần nhân tính của chính mình. Có những thứ tưởng chừng như đã bị chôn vùi vĩnh viễn mà nay lại phục sinh, và suy nghĩ lại, suy ngẫm và chữa lành từ đó”.
Ngay khi mới bắt đầu sự nghiệp, Genius đã nguyện sẽ đến bất cứ nơi nào đón nhận âm nhạc của mình. Ông biểu diễn trong các buổi hòa nhạc tổ chức riêng cho các ngôi sao điện ảnh, hay diễn tấu dưới một cây cầu dành cho các cựu chiến binh vô gia cư. Triết lý của ông là viết nên những bản nhạc hay, có thể truyền đi niềm hy vọng. Và ông đã làm việc không mệt mỏi để mang điều ấy đến cho người khác, vì với ông, đó là việc cần thiết.
“Có điều gì đó bí ẩn về cái đẹp, và đó là lý do tại sao mọi người đều nên đắm chìm trong những thứ đẹp đẽ như thế”, ông nói.
Khát khao cái đẹp
Trong gần ba thập kỷ, Genuis tự bỏ thời gian và tiền bạc để mang âm nhạc đến những nơi thiếu vắng niềm hy vọng, như trung tâm cai nghiện, nhà giam… Một vài năm trước, Genuis thấy như thế vẫn là chưa đủ, vậy nên ông bắt đầu tổ chức chương trình Concert for Hope (Hòa nhạc Hy vọng) để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.
Genius cho biết, cho đến nay ông đã thực hiện gần 1.000 buổi hòa nhạc trong nhà tù, trong đó có hàng trăm nhà tù dành cho thanh thiếu niên.
Trong phòng có 300 tù nhân, tất cả đều bị xét xử và bị kết án khi còn ở tuổi thiếu niên với mức án lên tới vài thập kỷ. Genuis nhớ đến một thủ lĩnh băng đảng trẻ tuổi ngồi ngay phía trước mình. Cậu ta không thích thú khi phải tham gia một buổi hòa nhạc cổ điển, nhưng khi âm nhạc cất lên, cậu bỗng trở nên say mê với tiếng vĩ cầm.
Genius nhớ lại: “Cậu ấy đặt tay lên trái tim mình, quay đầu lại và nói: Đó là điều đẹp nhất”. “Cậu ta nói: Tại sao tôi chưa bao giờ nghe thấy điều này trước đây?”.
“Giờ đây, chúng ta đang sống trong thời đại internet nên chàng trai này có thể nghe bất cứ thứ gì cậu muốn, bất cứ khi nào cậu muốn. Chúng ta với tư cách là cha mẹ, là người trưởng thành, cũng như giáo viên và nhà giáo dục, với tư cách là những người đứng đầu nhà thờ – tất cả những nhà lãnh đạo cộng đồng đều có quyền tiếp cận chàng trai này, và chúng ta đã cho cậu những gì? Cậu ấy biết rất nhiều về các bản nhạc rap băng đảng, nhưng chưa bao giờ có ai giới thiệu cho cậu thứ gì đó đi vào trái tim và lay động tâm hồn, nâng cao nhân tính của cậu, đồng thời mang đến sự kinh ngạc và điều kỳ diệu, sáng tạo trong cuộc sống và nâng đỡ cậu, và nhận ra phẩm giá cao đẹp mà cậu ấy có với tư cách là một con người. Và đó là tác dụng của cái đẹp”.
Tại Mỹ có khoảng 2,3 triệu người đang ở tù, và trên khắp đất nước, có rất nhiều văn hóa xoay quanh nhà tù. Những người trẻ này nói với Genuis rằng sẽ không ai quan tâm nếu họ vào tù. Một phạm nhân kể với Genuis nếu anh ta vào tù, mọi người sẽ chỉ hỏi tại sao điều đó không xảy ra sớm hơn. Genuis cũng nói chuyện với những thanh niên sắp ra tù, hỏi về kế hoạch sắp tới và họ trả lời rằng họ sẽ trở lại tù trong thời gian ngắn. Và nếu họ gây ra một số thiệt hại nghiêm trọng cho băng đảng đối thủ, có thể là giết người, thì điều đó sẽ nâng cao địa vị của họ khi bị bắt trở lại tù.
“Họ không được chăm sóc, không ai chăm sóc cho những người này”, Genuis nói. “Tất cả họ bị lãng quên, bị bỏ rơi, không có khuyên nhủ, không có tình yêu thương, không có sự chỉ dẫn, họ không có gì cả”.
Genuis từng gặp một thanh niên 23 tuổi, cậu ta nói đùa về việc bị kết án tới ba kiếp. Genuis hỏi: “Cậu ổn chứ?”, nhưng chàng trai trẻ không hề bận tâm.
“Điều ấy quá quen thuộc với cậu, hờ hững đến mức tôi nghĩ rằng, một số người không coi việc gạt họ sang bên lề là điều tàn khốc, bởi có thể từ cảm xúc và từ nội tâm họ đã vứt bỏ cuộc sống của mình từ rất lâu rồi”, Genuis nói. Ở nơi của những người bị lãng quên và không còn hy vọng, người ta đã phớt lờ nhân tính của họ, và điều ấy chẳng có giá trị gì với họ nữa”.
“Vì vậy, những gì tôi muốn làm là nâng đỡ họ, tôi muốn mang cho họ hy vọng”, Genuis nói.
Vào tháng 12/2019, một phụ nữ trẻ ở Nam Carolina đứng lên sau buổi hòa nhạc và nói: ‘Tôi đang ở đáy vực cuộc đời mình, tôi đã ở đây, đã quên cảm giác là một con người. Và giờ giờ đây tôi lại cảm thấy mình là một con người’. Vì vậy, vâng, vẻ đẹp có thể nâng đỡ con người”.
Sau khi ra tù, cô đã viết cho ông một lá thư kể về hy vọng mới của mình. Cô viết: “Đây là bước ngoặt”.
Ông chia sẻ: “Đó là những gì tôi muốn, tôi muốn đến và nâng cao tính nhân văn của mọi người, nhắc nhở họ về nhân tính của mình”.
Sau đại dịch, Genuis dự định sẽ tập trung nhiều hơn vào việc chơi nhạc trong trường học và thành lập một chương trình mang tên “Project Detour” cho trẻ em.
Genius kể: “Tôi muốn ngăn các em nghĩ rằng nhà tù là một phần của cuộc sống”.
Nâng đỡ tâm hồn
Khổng Tử giảng, muốn biết tiêu chuẩn đạo đức của một quốc gia thì “âm nhạc sẽ cho câu trả lời”. Còn Plato nói: “Âm nhạc là quy luật của đạo đức. Nó trao linh hồn cho vũ trụ, đôi cánh cho tâm trí, sự bay bổng cho trí tưởng tượng, sự hấp dẫn tươi vui cho cuộc sống và cho mọi thứ”.
“Tôi tin rằng điều họ nói đều đúng”, Genuis nói. “Tôi tin rằng âm nhạc là thứ ngôn ngữ nói lên trái tim, trí óc và linh hồn theo những cách mà ngôn từ không bao giờ chạm tới. Âm nhạc và vẻ đẹp có quyền năng – nó cũng là ngôn ngữ, nó giao tiếp – để nâng cao bí ẩn đằng sau một con người, nâng cao thứ bản chất đó, nâng cao thứ làm họ trở nên sinh động – chính là tâm hồn, và nếu bạn có thể – sẽ khiến họ thăng hoa và xúc động”.
Ông nói: “Âm nhạc có thể tạo ra sự kinh ngạc và kỳ diệu trong trí tưởng tượng của con người, vì vậy tôi nghĩ điều quan trọng trong sự hình thành thế hệ trẻ của chúng ta là hãy để họ đắm chìm trong vẻ đẹp của âm nhạc”. Genuis cho rằng, nhạc giải trí cũng có vị trí riêng, nhưng nó không phải là vẻ đẹp giá trị, thứ mà rất nhiều người trong nền văn minh của chúng ta đang khao khát.
Từ một khía cạnh khác của cuộc sống, Genuis có thể vẫn làm một giáo viên vật lý, sống cuộc sống bình yên với khoản lương hưu hậu hĩnh.
“Nhưng khi còn ở trong lớp, tôi thường viết về các giai điệu, và sau giờ học, tôi ở trong thư viện để nghe Beethoven”, ông kể lại. Genuis là một nghệ sĩ piano tài năng, nhưng không giống như hầu hết các nhạc sĩ theo đuổi âm nhạc, ông đã được định hướng để sáng tác.
“Tôi sẽ chỉ viết, viết và viết”, ông nói. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình làm việc này để kiếm sống hay để biểu diễn, tôi chỉ viết vì tôi yêu việc sáng tác âm nhạc”.
Với Genuis đó là một món quà. Ông tin rằng mình đã được ban tặng khả năng tuyệt vời này, và vì thế nó cần được chia sẻ. Ông thấy mọi người đều cần nghe thứ âm nhạc đẹp đẽ và cảm thấy thôi thúc phải toàn tâm toàn ý làm điều đó.
“Đó không phải là vì để nổi tiếng hay bất kỳ điều gì khác, đó chỉ là để kết nối mọi người. Tôi bắt đầu biểu diễn ở khắp mọi nơi”, ông nói. Sau đó, ông được mời đến một nhà tù, và nghĩ: Tại sao không?
“Khi tôi thấy những trái tim tan vỡ có phản ứng mạnh mẽ như vậy, tôi đã nghĩ, chà, thật tuyệt!”.
Genius đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để mang âm nhạc của mình đến với mọi người.
“Tôi từng đến rất nhiều nơi tối tăm trên thế giới”, ông nói. “Rất khó khăn, tôi không thể kể cho bạn nghe đã có bao nhiêu buổi sáng lúc 3 giờ tôi lái xe từ nơi này tới nơi khác, tôi kiệt sức và nghĩ: Tôi đang làm gì thế này? Tôi nên ngủ ở nhà! Và bắt đầu đặt câu hỏi với mọi thứ. Điều này là gì? Nó có mục đích nào không?”.
Nhưng Genius luôn suy nghĩ tích cực, ông cho rằng điều đó là nhờ có âm nhạc. Ông tin tưởng tuyệt đối vào điều này.
“Đây là điều tuyệt vời nhất mà tôi có, và dù phải lội suối trèo đèo tôi vẫn sẽ đem nó đến cho mọi người”.
Khi Genuis sáng tác, ông đã chạm tới hy vọng. Đó là sự kết hợp giữa điều kỳ diệu và sự kinh ngạc, giống như một đứa trẻ nhìn vào trong viên gạch và thấy tòa lâu đài. “Đó là hy vọng, là những điều kỳ diệu đáng kinh ngạc của cuộc sống. Từ câu hỏi ‘Ồ, tôi tự hỏi mình có thể xây dựng được gì từ miếng Lego này’ dẫn đến câu hỏi ‘Ồ, tôi tự hỏi cuộc sống có gì dành cho tôi’”.
“Tất cả điều kỳ diệu, điều kinh ngạc và niềm hy vọng này chính là nhân tính trong con người, đó là cuộc sống. Khi cuộc đời ném điều gì đó tồi tệ vào một đứa trẻ 10 tuổi và không ai quan tâm, như cậu thanh niên 23 tuổi (nói rằng mình bị kết án tới ba kiếp), hy vọng của cậu đã chết từ lâu rồi”, Genuis tâm sự. Nhưng nếu bạn muốn cho mọi người thấy hy vọng, bạn nhắc nhở họ nhớ về phần nhân tính trong mình, thì âm nhạc – những bước sóng phù du – sẽ làm được điều đó theo cách mà ngôn từ không thể làm được.
“Tất cả chúng ta đều nhận ra vẻ đẹp khi chúng ta thấy nó, đó không phải là điều bạn có thể thảo luận hay mô tả hay có thể nhận xét. Thực sự đó là một thứ ngôn ngữ cao hơn”, ông nói. “Một thứ ngôn ngữ có thể tiếp cận được ở tầng cao hơn lời nói, kết nối với chúng ta, và chúng ta hiểu nó”.
Tôi đã đến và biểu diễn ở các trường đại học, họ thậm chí còn không biết cello là gì”, ông kể. “Âm nhạc luôn có tính giải trí nhưng chưa bao giờ được đặt đúng vị trí đích thực của nó”.
“Ông ấy nói: Tôi đã làm rất nhiều điều khủng khiếp trong chiến tranh mà tôi sợ rằng mình sẽ phải trả giá. Tôi không cảm thấy bản thân được tha thứ hay có thể tha thứ cho chính mình. Tôi thậm chí không nhớ cảm giác con người hay cảm giác chính mình là như thế nào”, Genuis kể lại. “Và sau đó ông ấy nói: Còn ngay bây giờ tôi nhớ tôi là ai. Tôi không muốn buông tay. Tôi sợ nếu buông tay, tôi sẽ lại quên mất mình là ai.”
“Đó là câu chuyện về sự thống khổ, nhưng đó cũng là câu chuyện về sự cứu rỗi. Có ai mà không cần cứu rỗi? Tất cả chúng ta đều cần và tất cả chúng ta nên tìm kiếm sự thật, làm tất cả những gì có thể để mang lại hy vọng và mang lại sự cứu rỗi cho cuộc sống của mọi người”, Genuis chia sẻ.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times