Các nhà lập pháp Hoa Kỳ ủng hộ Pháp Luân Công phản đối cuộc bức hại 25 năm qua của ĐCSTQ
Các nghị sỹ Quốc hội lên án cuộc áp bức nhân quyền trắng trợn của chế độ cộng sản này, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công.
Các Thượng nghị sỹ và các Dân biểu Hoa Kỳ đã gửi thư và những tuyên bố bằng video ủng hộ Pháp Luân Công vào đêm trước ngày 20/07 — ngày đánh dấu năm thứ 25 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động chiến dịch bức hại học viên của môn tu luyện này vào năm 1999.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện bao gồm các bài giảng đạo đức đặt trọng tâm vào các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn cùng năm bài công pháp thiền tĩnh tại.
Sau khi được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992, môn tu luyện này đã trở nên phổ biến và lan truyền chủ yếu qua khẩu truyền. Theo ước tính chính thức, vào cuối thập niên đó đã có từ 70 triệu đến 100 triệu người tập luyện Pháp Luân Công. Cho rằng sự phổ biến này là mối đe dọa đối với sự kiểm soát của chế độ, vào năm 1999, nhà lãnh đạo ĐCSTQ đương thời Giang Trạch Dân đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch đàn áp quy mô lớn nhằm xóa bỏ môn tu luyện này.
Cộng đồng quốc tế đã lên án việc ĐCSTQ sử dụng các biện pháp tuyên truyền, tẩy não, bắt giữ trái phép, tra tấn, và thậm chí thu hoạch nội tạng từ những tù nhân lương tâm này để cố gắng trấn áp Pháp Luân Công.
Cuộc bức hại này vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc cho đến ngày nay, nhưng Pháp Luân Công vẫn tiếp tục được tập luyện trên khắp thế giới, hiện có mặt ở hơn 100 quốc gia.
Hôm 18/07, phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Vedant Patel cho biết Hoa Kỳ “sẽ không ngần ngại thực hiện các hành động thích đáng” đối với cuộc bức hại không ngừng của ĐCSTQ nhắm vào môn tu luyện Pháp Luân Công.
“Chúng ta đã chứng kiến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) thực hiện một số biện pháp trong nhiều năm qua mà chúng tôi xem là hành vi đàn áp các quyền cơ bản của con người,” ông nói. “Đó là điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục nêu ra trực tiếp với các quan chức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
PRC là từ viết tắt của tên chính thức của Trung Quốc cộng sản, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Hạ Viện thông qua dự luật
Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) đã bảo trợ cho đạo luật mà Hạ viện vừa mới thông qua nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại này và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người đồng lõa với các hoạt động thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ. Vừa qua, ông Perry cũng có bài diễn văn trước các học viên Pháp Luân Công qua video tại một buổi mít tinh ở Hoa Thịnh Đốn đánh dấu ngày bắt đầu cuộc bức hại này.
“Tôi muốn quý vị biết rằng tôi sát cánh cùng quý vị, và Hoa Kỳ sát cánh cùng quý vị. Chúng tôi muốn mang đến ánh sáng hy vọng cho tất cả những người bị bức hại trong sự khổ nạn lâu dài của Pháp Luân Công, và để quý vị biết rằng hy vọng vẫn còn hiện hữu,” ông nói trong một tuyên bố.
Dân biểu Blaine Luetkemeyer (Cộng Hòa-Missourie), người đồng bảo trợ cho dự luật, cho biết trong một tuyên bố rằng ĐCSTQ đã vũ khí hóa chính quyền để phỉ báng Pháp Luân Công.
“Những vụ ngược đãi của chế độ này vượt ra ngoài phạm vi các học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả cuộc đàn áp trên diện rộng đối với quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và tự do tôn giáo,” ông nói.
Ông Luetkemeyer tuyên bố rằng, “Chúng ta phải đoàn kết với các học viên Pháp Luân Công và tất cả những người phải chịu đựng dưới chế độ đầy áp bức ở Bắc Kinh.”
Các nhà lập pháp lưỡng đảng đoàn kết với Pháp Luân Công
Nhiều nhà lập pháp bày tỏ lòng biết ơn đối với các học viên Pháp Luân Công vì đã nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, và qua đó vạch trần bản chất vô đạo đức của ĐCSTQ trong suốt 25 năm qua.
“Việc thu hoạch nội tạng có hệ thống từ các tù nhân không tự nguyện, được ĐCSTQ hậu thuẫn, được coi là một trong những hành vi kinh khủng nhất vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo,” Dân biểu Jason Smith (Cộng Hòa-Missouri) viết trong một tuyên bố. “Dũng khí được thể hiện qua những nỗ lực của quý vị trong việc đương đầu với những bất công này là rất quan trọng trong việc bảo vệ các quyền tự do căn bản.”
“Tôi sẽ tiếp tục đoàn kết với quý vị trong cuộc chiến phản bức hại, và tôi hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của quý vị nhằm phơi bày những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng do ĐCSTQ thực hiện,” ông viết.
Dân biểu Nancy Mace (Cộng Hòa-South Carolina) cho biết cuộc bức hại có hệ thống của ĐCSTQ là “đáng lo ngại sâu sắc” và cảm ơn các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới vì “cam kết kiên định của họ đối với công lý và tự do.”
“Pháp Luân Công, với các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, đại diện cho những giá trị cần được đón nhận chứ không phải bị tấn công,” bà viết. “Chúng tôi kiên quyết phản đối các thủ đoạn đàn áp của ĐCSTQ. Hành động của họ rõ ràng là một nỗ lực nhằm trấn áp bất kỳ nhóm nào đe dọa đến sự kiểm soát độc tài của họ.”
“Bất kể những nỗ lực của ĐCSTQ để xóa sổ pháp môn này, Pháp Luân Công đã thể hiện sự kiên cường và sức mạnh đáng kinh ngạc. Thệ ước kiên định của những học viên đối với các nguyên lý của họ thực sự rất truyền cảm,” bà Mace nói.
“Dũng khí của họ khi đối diện trước cuộc đàn áp nghiêm trọng như vậy là lời nhắc nhở mạnh mẽ về khả năng của tinh thần con người trong việc kiên cường đối mặt với khó khăn và vượt qua trở ngại.”
Dân biểu Young Kim (Cộng Hòa-California), chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là một người Mỹ gốc Triều Tiên, có người thân đã đào tẩu khỏi Bắc Hàn và bản thân bà là một nhà hoạt động nhân quyền.
“Tôi vinh dự được tham gia cùng quý vị hôm nay khi chúng ta tập hợp cùng nhau ủng hộ nhân quyền chống lại những cuộc áp bức nhân quyền tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công trong suốt 25 năm qua,” bà nói trong một tuyên bố qua video. “Tôi sẽ tiếp tục kiên quyết phản đối cuộc áp bức này của ĐCSTQ.”
Dân biểu Sanford Bishop Jr. (Dân Chủ-Georgia) cảm ơn các học viên Pháp Luân Công vì sự cống hiến của họ cho nhân quyền và cho biết dịp này là cơ hội để người Mỹ “tái khẳng định sự đoàn kết của chúng tôi cùng với học viên Pháp Luân Công và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại bất công mà họ phải chịu đựng.”
Dân biểu Sam Graves (Cộng Hòa-Missouri) viết trong một bức thư rằng ông “đoàn kết” với Pháp Luân Công và phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ. “Những hành động diệt chủng này là không thể dung thứ và không có chỗ trong thế giới ngày nay,” ông viết.
Thượng nghị sỹ Todd Young (Cộng Hòa-Indiana) cho biết Hoa Kỳ có “nghĩa vụ đạo đức trong việc bảo vệ và giữ gìn các quyền cơ bản của con người, cả trong nước và quốc tế,” và rằng ông sát cánh cùng Pháp Luân Công chống lại cuộc bức hại này.
Dân biểu Dan Newhouse (Cộng Hòa-Washington) nói trong một tuyên bố qua video, rằng, “Chúng ta phải nhận thức được tính cấp bách của thực trạng này và đoàn kết chống lại ĐCSTQ.”
Dân biểu Eleanor Holmes Norton (Dân Chủ-Hoa Thịnh Đốn) viết rằng, “Tôi đoàn kết cùng nhiều học viên Pháp Luân Công đang tranh đấu cho quyền tự do được nói và thực hành đức tin mà họ lựa chọn. Tôi lắng nghe quý vị, và tôi sát cánh cùng quý vị.”
Các nhà lập pháp kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại
Dân biểu Bill Pascrell Jr. (Dân Chủ-New Jersey) cho biết các hành động của ĐCSTQ không thể được tiếp tục.
“Ngày qua ngày, chúng ta chứng kiến cuộc bức hại tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các cộng đồng tôn giáo, những người không mong muốn gì hơn ngoài việc được tự do thực hành tôn giáo và bày tỏ chính mình. Cuộc đàn áp này phải chấm dứt,” ông nói. “Sự trấn áp của chế độ độc tài Trung Quốc đối với Pháp Luân Công và các nhóm tôn giáo khác là một sự ô nhục trên đất nước của họ.”
Dân biểu Rob Wittman (Cộng Hòa-Virginia) nhấn mạnh thực tế là cuộc đàn áp của ĐCSTQ không dừng lại ở biên giới của họ mà chế độ này còn nhắm vào các học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại, và Hoa Kỳ phải nói rõ rằng ĐCSTQ không thể hành động trên đất Mỹ.
“Thật đáng buồn là không thể thống kê được số nạn nhân, nhưng chúng tôi biết rằng trong một phần tư thế kỷ qua, hàng triệu người đã bị giam giữ hoặc cầm tù và nhiều người khác bị sát hại qua hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức dưới bàn tay của ĐCSTQ. Đây là những tội ác trầm trọng chống lại nhân phẩm và phải chấm dứt ngay lập tức,” ông viết.
Dân biểu French Hill (Cộng Hòa-Arizona), người đồng bảo trợ Đạo luật Ngừng Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức được Hạ viện thông qua vào năm 2023, cho biết “đã đến lúc người Mỹ và những người dân và các quốc gia có cùng chí hướng, yêu tự do phải giải quyết vấn đề khủng khiếp này thông qua lập pháp và chấm dứt không chỉ hành vi vô nhân đạo này mà còn đứng lên chống lại sự gây hấn ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Thượng nghị sỹ Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho) cho biết sự kiên định của học viên Pháp Luân Công trong việc nâng cao nhận thức đã có tác dụng.
“Đầu tháng này, Idaho đã thi hành một luật mới quy định rằng việc các công ty bảo hiểm y tế chi trả cho một ca cấy ghép nội tạng hoặc chăm sóc sau cấy ghép được thực hiện ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào được biết là đã tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức là bất hợp pháp,” ông viết. “Tôi sẽ tiếp tục làm việc để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về tội ác của họ.”
Thượng nghị sỹ Roger Marshall (Cộng Hòa-Kansas) cho biết Pháp Luân Công đã trải qua “kiểu bức hại nghiêm trọng nhất mà nhân loại từng biết” dưới bàn tay của ĐCSTQ, và cuộc bức hại này “phải chấm dứt ngay lập tức.”
Ông trích dẫn lời của một người đồng hương Kansas khác, cựu Tổng thống Dwight D. Eisenhower: “Đức tin là sức mạnh vĩ đại nhất mà con người có được. Đức tin thúc đẩy con người đạt đến sự vĩ đại trong tư tưởng, lời nói và hành động.”
Dân biểu Gerry Connolly (Dân Chủ-Virginia) đã gặp các học viên Pháp Luân Công và nghe những câu chuyện về sự đàn áp mà họ hoặc gia đình họ phải trải qua ở Trung Quốc, đồng thời viết trong một lá thư rằng ông dành “sự ủng hộ kiên định” đối với các hoạt động của họ.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times