Học viên Pháp Luân Công nêu bật cuộc bức hại 25 năm qua của ĐCSTQ tại buổi diễn hành ở New York
Ngày 20/07 đánh dấu 25 năm ngày chính quyền Trung Quốc phát động chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
NEW YORK—Hôm 20/07, hàng trăm học viên Pháp Luân Công đã tham dự một cuộc diễn hành qua Khu phố người Hoa ở Manhattan, kêu gọi chấm dứt chiến dịch bức hại kéo dài 25 năm qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào môn tu luyện này.
Ngay sau nửa đêm ngày 20/07/1999, ĐCSTQ đã khai triển một chiến dịch trên khắp toàn quốc, đột kích vào nhà của các học viên Pháp Luân Công và tiến hành các vụ bắt giữ trái pháp luật. Vào thời điểm đó, ước tính cứ 13 người ở Trung Quốc thì có một người đang tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện chiểu theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, cùng với năm bài công pháp thiền định.
Chiến dịch sâu rộng này, vốn vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay, đã khiến số lượng học viên nhiều vô kể bị giam giữ, tra tấn, sách nhiễu, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Kể từ năm 1999, những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công nhằm nâng cao nhận thức trên phạm vi quốc tế về cuộc bức hại của ĐCSTQ đã phơi bày những hành vi ngược đãi nhân quyền của nhà cầm quyền này cũng như những nỗ lực thao túng thông tin vượt ra ngoài biên giới của họ, và vạch trần bản chất của nhà cầm quyền cộng sản này.
‘Cứ mỗi năm trong suốt 25 năm qua’
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, cứ vào ngày 20/07, bà Li Li, một học viên Pháp Luân Công, đều tham gia các cuộc biểu tình để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp này.
Vào ngày hôm đó của năm 1999, bà Li đang trên chuyến bay từ Trung Quốc sang Mỹ để công tác. Sau khi bà hạ cánh xuống New York để gặp chồng là ông Annan Ma, ông đã kể cho bà nghe về chuyện đã xảy ra.
Ngay lập tức bà gọi cho người chăm sóc con gái 5 tuổi của mình, người này cho biết công an đã đến đột kích nhà bà ba lần, tịch thu bất kỳ tài liệu nào liên quan đến Pháp Luân Công. Bà không hề hay biết rằng, lúc 3 giờ chiều ở Trung Quốc, truyền thông nhà nước đã phát sóng tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công trên khắp cả nước.
Bà Li kể rằng bà và chồng đã đến Hoa Thịnh Đốn để thỉnh nguyện tại Đại sứ quán Trung Quốc nhưng vô ích. Lần biểu tình đầu tiên kéo dài ba ngày, lần biểu tình tiếp theo kéo dài 15 ngày.
“Năm nào cũng như năm nào, cứ mỗi năm vào ngày 20/07, chồng tôi và tôi sẽ tham gia biểu tình để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại này. Chúng tôi đến D.C. mỗi năm để phản đối cuộc bức hại và thỉnh cầu tất cả những người tử tế trên thế giới hãy đứng lên phản đối cuộc bức hại này,” bà Li nói. “Cứ mỗi năm trong suốt 25 năm qua.”
Hai vợ chồng hiện đều là công dân Mỹ, đã không trở lại Trung Quốc kể từ năm 1999, và sau này đã đoàn tụ với con gái ở Hoa Kỳ.
Khi ông Ma còn là một ký giả truyền hình ở Trung Quốc, có người đã giới thiệu cho vợ ông tập Pháp Luân Công để có sức khỏe tốt. Bà Li khi đó mắc nhiều loại bệnh không thể chữa khỏi, và Pháp Luân Công đã trở nên phổ biến một phần vì nhiều học viên cho biết họ nhận được nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Các ước tính cho thấy số người tu luyện vào khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu vào cuối những năm 1990. Là một ký giả, ông Ma nhận thấy được sự phổ biến của môn tu luyện này. Nhưng khi vợ ông bắt đầu tập Pháp Luân Công, ông đã tận mắt nhìn thấy những lợi ích sức khỏe mà môn tu luyện này mang lại khi bà khỏi hết các loại bệnh tật trước kia.
Ông chia sẻ rằng Pháp Luân Công dạy mọi người sống theo chân, thiện, và nhẫn—thực tế là dạy người ta trở thành người tốt. Rồi đột nhiên, chính quyền cộng sản bắt đầu gọi môn tu luyện này là “tà” trong các chương trình phát sóng trên khắp toàn quốc.
“Gần 100 triệu người ở Trung Quốc đang thực hành môn tu luyện này; thì các vị nói tất cả họ đều là tà sao? Không ai lại đi tin vào điều đó cả,” ông Ma nói.
Ông Ma cho biết, người dân Trung Quốc đã từng trải qua các chiến dịch bức hại quy mô lớn của ĐCSTQ trong quá khứ, đáng chú ý nhất là trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Do đó, ông và nhiều người khác có thể nhìn thấu được sự tuyên truyền của nhà cầm quyền này.
Hai vợ chồng đều nói rằng Hoa Kỳ sát cánh cùng Pháp Luân Công phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ, qua việc một dự luật vừa mới được thông qua tại Hạ viện, Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công, trong đó xác định cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với học viên Pháp Luân Công là bất hợp pháp.
“Tôi hy vọng đây là điều mà những người chứng kiến cuộc diễn hành sẽ hiểu được,” ông Ma nói.
Hôm 20/07, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đưa ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại này.
“Hôm nay chúng tôi trang trọng đánh dấu 25 năm kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) bắt đầu một chiến dịch đàn áp học viên Pháp Luân Công,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố, sử dụng tên chính thức của Trung Quốc.
Ông Miller nói: “Chúng tôi kêu gọi CHND Trung Hoa chấm dứt chiến dịch đàn áp và trả tự do cho tất cả những người bị cầm tù vì đức tin của họ.”
Sự ủng hộ trên toàn cầu
Các gia đình đến từ Đức, Pháp, và Tây Ban Nha đã chứng kiến cuộc diễn hành ở Khu phố người Hoa, bày tỏ sự ủng hộ dành cho Pháp Luân Công, và ngưỡng mộ những nỗ lực không mệt mỏi của họ nhằm nâng cao nhận thức [về cuộc bức hại này].
“Mọi người phải biết chuyện gì đã xảy ra, và chúng tôi ủng hộ nỗ lực đó,” ông Carlos Gutierrez đến từ Tây Ban Nha bày tỏ. “Mọi người đều phải biết về cuộc bức hại đó. Đó là một hành động rất tốt để cho mọi người thấy chuyện gì đang xảy ra.”
Bà Marissa Cruz đến đến từ Đức nói: “Đó là việc đúng đắn nên làm.” Bà đã biết đến Pháp Luân Công cách đây vài năm khi các học viên ở Đức tổ chức một cuộc diễn hành và bà đã dừng lại để ký tên thỉnh nguyện nhằm chấm dứt cuộc bức hại cũng vào ngày 20/07. “Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ và giả vờ như đó không phải là vấn đề của chúng ta.”
‘Biểu diễn từ trái tim’
Hàng trăm học viên đã tham gia cuộc diễn hành kéo dài gần hai tiếng từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Một đội múa rồng dẫn đầu, theo sau là đoàn nhạc diễn hành Thiên Quốc, toàn bộ đều là học viên Pháp Luân Công, những người trong thời gian rảnh rỗi sẽ cùng nhau luyện tập và sáng tác các bản nhạc nguyên tác.
Ông Steve Gigliotti, một học viên Pháp Luân Công, một thành viên của đoàn nhạc diễn hành này kể từ khi đoàn nhạc được thành lập vào năm 2006, cho biết: “Quý vị có thể thấy rằng có rất nhiều vẻ đẹp và nỗ lực trong việc luyện tập.” Học viên Pháp Luân Công ở nhiều nơi trên khắp thế giới cũng đã thành lập nhiều nhánh Thiên Quốc Nhạc Đoàn riêng. “Tất cả đều là những tác phẩm nguyên tác được viết từ trái tim và được biểu diễn từ trái tim.”
Bà Lidia Li, một học viên tu luyện Pháp Luân Công được 27 năm, đã tham gia cuộc diễn hành với vai trò là thành viên của một nhóm biểu diễn theo nhạc khác—nhóm trống lưng. Nhóm này đã hoạt động từ năm 2001 và bà Li gia nhập vào năm 2017.
“Tiết mục biểu diễn trống lưng này cho mọi người thấy nền văn hóa truyền thống Trung Hoa đích thực là như thế nào, và đây cũng là điều cho thấy Pháp Luân Đại Pháp thực sự là gì,” bà Li chia sẻ. “Với mỗi nhịp trống, chúng tôi muốn truyền tải đến người nghe tinh thần của chân, thiện, và nhẫn.”
“Pháp Luân Đại Pháp là tốt, và chân, thiện, nhẫn đều là những điều tốt; sống làm một người chân thành, tử tế, và bao dung là điều tốt cho mọi người, cho bất kỳ xã hội hay quốc gia nào,” bà Li nói. “Tự do tôn giáo là một quyền căn bản, và chúng ta cần ủng hộ quyền này.”