Nghiên cứu: Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc chịu án tù gấp đôi mức trung bình
Báo cáo của tổ chức Safeguard Defenders được đưa ra trùng với dấu mốc 25 năm diễn ra cuộc đàn áp của ĐCSTQ nhắm vào Pháp Luân Công, bắt đầu vào ngày 20/07/1999.
Theo một nghiên cứu gần đây, tại Trung Quốc, những cá nhân có niềm tin vào sự lương thiện có thể phải đối mặt với mức án tù dài gấp đôi so với những người bị kết tội ẩu đả và gây rối.
Báo cáo mới nhất của tổ chức phi chính phủ về nhân quyền Safeguard Defenders cho thấy chính quyền Trung Quốc tiếp tục biện minh cho việc bắt giữ và kết án dài hạn đối với các học viên Pháp Luân Công bằng cách sử dụng Điều 300 đầy tranh cãi theo Luật Hình sự Trung Quốc. Mặc dù luật này cũng được áp dụng cho các tổ chức tôn giáo bị bức hại khác ở Trung Quốc, tổ chức phi chính phủ này lưu ý rằng phần lớn các trường hợp theo Điều 300 được ghi nhận đều liên quan đến các học viên Pháp Luân Công.
Theo báo cáo, từ năm 2008 đến năm 2020, mức án tù trung bình theo Điều 300 lên đến hơn 5 năm, cao hơn gấp đôi mức trung bình 2.3 năm đối với “tội” gây gổ và gây rối theo Điều 293, một cáo buộc thông thường được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp dụng đối với những người bảo vệ nhân quyền.
“Hơn một nửa số trường hợp trong cơ sở dữ liệu của chúng tôi là liên quan đến Điều 300, và điều đó được duy trì hàng năm ngoại trừ ba trường hợp trong mẫu của chúng tôi, cho thấy ĐCSTQ đã quyết tâm trừng phạt những học viên [Pháp Luân Công] như thế nào,” tổ chức Safeguard Defenders cho biết.
Báo cáo đã phân tích có khoảng 1,400 trường hợp trong số hơn 10,000 vụ kết án liên quan đến nhân quyền ở Trung Quốc từ năm 2008 đến năm 2020. Dữ liệu được thu thập từ ba nguồn: cơ sở dữ liệu riêng của Safeguard Defenders, Ủy ban Điều hành- Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc, và tổ chức phi chính phủ Những người bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders).
Báo cáo cho thấy hầu hết các trường hợp đều tập trung ở khu vực phía đông bắc Trung Quốc, trong đó tỉnh Hắc Long Giang có số lượng cao nhất. Khu vực này là nơi phong trào tu luyện Pháp Luân Công bắt đầu vào đầu những năm 1990. Tỉnh Tứ Xuyên ghi nhận số trường hợp cao thứ hai.
Báo cáo cũng xem xét sự phân bổ theo giới tính của những người bị kết án theo Điều 300 và phát hiện ra rằng nữ giới bị kết án với tỷ lệ cao hơn 50% so với nam giới.
Cuộc bức hại và đàn áp xuyên quốc gia
Báo cáo của Safeguard Defenders được xuất bản hôm 22/07, trùng với dấu mốc 25 năm diễn ra cuộc đàn áp của ĐCSTQ nhắm vào Pháp Luân Công, bắt đầu từ ngày 20/07/1999.
Canada cùng với các chính phủ, chuyên gia, và các nhóm nhân quyền quốc tế đã kêu gọi chính quyền này chấm dứt cuộc bức hại vốn đã dẫn đến nhiều trường hợp tra tấn, lạm dụng, và tử vong do bị thu hoạch nội tạng khi còn sống.
“Cũng có bằng chứng cho thấy nhiều học viên đã tử vong trong khi bị giam giữ – một số bị lấy đi nội tạng – trong khi nhiều người khác bị bức hại từ bên ngoài hệ thống tư pháp này và bị đưa đi trong tình trạng khủng khiếp vào trại lao động hoặc trại tâm thần,” theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ này.
Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định bắt nguồn từ truyền thống Phật Gia, gồm các bài tập và bài giảng đạo đức đặt trọng tâm vào nguyên lý chân, thiện, nhẫn. Trong vòng một thập niên kể từ khi được giới thiệu rộng rãi vào năm 1992, các ước tính chính thức cho thấy có khoảng từ 70 đến 100 triệu người theo tập ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990.
Xét thấy các bài giảng tâm linh và sự phổ biến của Pháp Luân Công là đi ngược lại hệ tư tưởng vô thần chính thức của chế độ, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm xóa bỏ môn tu luyện này. Bất kể cuộc đàn áp này, hàng triệu học viên ở Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hành đức tin của mình cho đến ngày nay.
Tổ chức Safeguard Defenders lưu ý rằng các luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với cuộc bức hại của ĐCSTQ vì bảo vệ cho các học viên Pháp Luân Công. Trường hợp đáng chú ý nhất là luật sư Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), người đã mất tích từ năm 2017.
Ngoài ra, chế độ này còn tai tiếng với việc mở rộng cuộc bức hại Pháp Luân Công ra ngoại quốc bằng cách thuê người ủy nhiệm và thực hiện các nỗ lực gây ảnh hưởng. Báo cáo trích dẫn một trường hợp năm 2023 tại Hoa Kỳ, trong đó hai người đàn ông bị buộc tội tìm cách hối lộ một quan chức Hoa Kỳ để giúp ĐCSTQ “lật đổ” phong trào Pháp Luân Công.