TNS Marco Rubio giới thiệu Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công nhắm vào nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ
Các thượng nghị sỹ có hành động để giải quyết cuộc đàn áp và nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn của Bắc Kinh nhắm vào học viên Pháp Luân Công.
Hôm 31/07, Thượng nghị sỹ Marco Rubio đã giới thiệu một dự luật nhằm ngăn chặn nạn sát hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng được nhà nước bảo trợ của chính quyền Trung Quốc.
Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công sẽ quy định rằng chính sách của Hoa Kỳ là tránh hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng và buộc Bắc Kinh phải chấm dứt “bất kỳ chiến dịch thu hoạch nội tạng nào do nhà nước bảo trợ.”
Theo dự luật này, tổng thống Hoa Kỳ sẽ cần cung cấp cho các ủy ban Quốc hội có liên quan danh sách những người ngoại quốc được xem là đã “cố ý và trực tiếp tham gia hoặc tạo thuận tiện cho hoạt động thu hoạch nội tạng không tự nguyện ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Những người trong danh sách này sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ hoặc tham gia các giao dịch tại Hoa Kỳ. Bất kỳ thị thực hiện hành nào mà họ có đều sẽ trở nên vô hiệu.
Dự luật cũng quy định mức phạt dân sự lên tới 250,000 USD và mức phạt hình sự lên tới 1 triệu USD và 20 năm tù đối với người vi phạm.
Trong vòng một năm kể từ khi dự luật trở thành luật, Bộ trưởng của các bộ Ngoại giao, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, cùng với Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, sẽ được yêu cầu đưa ra một báo cáo về hoạt động ghép tạng ở Trung Quốc, bao gồm cả vấn đề liên quan đến các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác.
Những quan chức này sẽ cần phải nộp một danh sách các khoản tài trợ của Hoa Kỳ cho hoạt động cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc trong 10 năm qua. Những quan chức này cũng sẽ được yêu cầu xác định xem liệu cuộc đàn áp Pháp Luân Công có cấu thành “hành động tàn bạo” theo Đạo luật Ngăn chặn Tội diệt chủng và Hành động Tàn bạo Elie Wiesel năm 2018 hay không.
Những nhà đồng tài trợ cho dự luật Thượng viện này bao gồm các Thượng nghị sỹ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin), Roger Marshall (Cộng Hòa-Kansas), và Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina).
Hồi tháng Sáu, Hạ viện đã thông qua một phiên bản giống hệt như dự luật này, do Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) và 18 nhà lập pháp khác dẫn đầu.
Nếu được Thượng viện thông qua và [được tổng thống] ký thành luật thì dự luật Hạ viện kể trên sẽ trở thành đạo luật liên bang đầu tiên thách thức cuộc bức hại của Trung Quốc và hoạt động buôn bán nội tạng bất hợp pháp của nước này nhắm vào nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công.
Dự luật này được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi nhóm tính ngưỡng này đánh dấu 25 năm Trung Quốc cộng sản phát động cuộc đàn áp. Với các bài công pháp thiền định và các bài giảng tập trung vào các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, Pháp Luân Công đã được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc trong những năm 1990, với ước tính khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học. Nhưng kể từ tháng 07/1999, nhóm này đã phải đối mặt với một chiến dịch sâu rộng do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ thị nhằm “xóa sổ” họ, bao gồm bỏ tù, tra tấn, lao động cưỡng bức, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Ông Rubio đã công bố dự luật này như một phương pháp đương đầu với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cộng sản. Hai đề xướng lập pháp khác bao gồm Đạo luật Ngăn chặn ĐCSTQ nhằm xử phạt các quan chức ĐCSTQ và các thành viên trưởng thành trong gia đình họ vì “các hành vi gây hấn, áp bức, và vi phạm nhân quyền.”
“Trung Quốc Cộng sản đã có thể trốn tránh trách nhiệm sau [khi tiến hành] một chiến dịch tàn ác trên diện rộng,” ông Rubio nói trong một tuyên bố. “Từ việc thực hiện các hành vi diệt chủng đối với các nhóm tôn giáo và sắc tộc, cho đến dẫn đầu việc triệt sản và phá thai cưỡng bức, cũng như thống trị các ngành khoáng sản và công nghệ quan trọng, và cản trở chủ quyền của một số đối tác trong khu vực, Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho những hành vi này.”
Một số tiểu bang đã và đang có hành động chống lại nạn thu hoạch nội tạng. Kể từ tháng 06/2023, Texas, Utah, và Idaho đã ban hành các đạo luật nhằm ngăn chặn công ty bảo hiểm chi trả cho các ca phẫu thuật cấy ghép nếu nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Vấn đề này cũng đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, với hàng chục chuyên gia nhân quyền liên kết với Liên Hiệp Quốc cho biết họ “hoảng hốt tột độ trước các báo cáo về cáo buộc ‘thu hoạch nội tạng’ nhắm vào các nhóm thiểu số, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi Giáo, và tín đồ Cơ Đốc Giáo bị giam giữ ở Trung Quốc.”
Năm 2022, Nghị viện Âu Châu cũng đã thông qua nghị quyết về “mối lo ngại sâu sắc về các báo cáo hoạt động thu hoạch nội tạng từ các tù nhân ở Trung Quốc dai dẳng, có hệ thống, vô nhân đạo, và được nhà nước hậu thuẫn, và cụ thể hơn là từ các học viên Pháp Luân Công.” Nghị quyết tuyên bố rằng hành vi thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ “có thể cấu thành tội ác phản nhân loại.”
Trong nhiều báo cáo gần đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Hai ngày sau khi Hạ viện thông qua Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã kêu gọi ĐCSTQ cho phép “các cuộc điều tra độc lập và minh bạch về hệ thống cấy ghép nội tạng của quốc gia này” đồng thời “hoan nghênh các nhà quan sát độc lập điều tra tính xác thực của những báo cáo này.”