Những người ủng hộ luật cho rằng Quốc hội Hoa Kỳ có thể giúp ngăn chặn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc
Lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng cách đây gần 20 năm, hành vi đàn áp nhân quyền trên diện rộng này của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công đã thu hút hành động từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ.
Trong nhà tù Trung Quốc nơi ông Dư Tân Huy (Yu Xinhui) bị giam cầm trong sáu năm vì đức tin của mình, có một bản danh sách bí mật khiến tất cả mọi người khiếp sợ.
Một hoặc hai lần trong năm, không có thông báo trước, hàng đoàn xe chở những người trong danh sách đó sẽ khởi hành khỏi trại giam—đưa họ đi trong tư thế trói chặt—và không bao giờ quay trở lại.
Ông nhớ một cách rành mạch đó là vào năm 2006, khi những chiếc xe tải lớn với những ô cửa sổ hàn song sắt, xe quân cảnh và xe cứu thương màu trắng xuất hiện bên ngoài nhà tù, và cảnh sát có vũ trang ập vào khu nhà, từng tầng từng tầng một.
“Không được nhìn. Úp mặt vào tường. Nằm yên trên giường,” lính canh hét lên, hô lớn những cái tên, trong đó có ba người ở cùng phòng giam với ông. Những tù nhân đó trông có vẻ hoảng hốt, vội vã bỏ chạy, bỏ lại tất cả đồ đạc.
Ông Dư, một học viên của môn tu luyện thiền định Pháp Luân Công mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành cuộc bức hại kéo dài một phần tư thế kỷ nhằm ‘xóa sổ’ khỏi Trung Quốc, biết một số học viên đã biến mất theo cách như vậy.
Ông nói với The Epoch Times: “Không ai biết khi nào sẽ đến lượt mình.”
Năm 2006, khi khái niệm về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức mới xuất hiện trong nhận thức của công chúng. Thì vào năm đó, một số người tố cáo đã đến The Epoch Times để tiết lộ việc các học viên Pháp Luân Công bị sát hại hàng loạt trong các cơ sở y tế Trung Quốc, và một số nhà điều tra đã bắt đầu nỗ lực nghiên cứu độc lập của họ.
Hạ viện Hoa Kỳ hành động
Hai thập niên sau, vào ngày 15/06/2024, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công.
“Ở Trung Quốc, nếu quý vị có tiền thì quý vị không cần đợi để nhận được một cơ quan nội tạng. … Nguồn cung cấp những nội tạng này đã có sẵn rồi,” người bảo trợ chính của dự luật, Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) cho biết trên nghị trường Hạ viện hôm 25/06.
Ông Perry gọi biện pháp này là “một hành động đã chậm trễ 25 năm.”
Dự luật này là hành động lập pháp đầu tiên của Hoa Kỳ trực tiếp nhắm thẳng vào vấn đề sát hại các học viên Pháp Luân Công theo nhu cầu. Bên cạnh việc xử phạt bất kỳ ai trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thu hoạch nội tạng cưỡng bức, luật này còn có các hình phạt dân sự và hình sự có thể khiến người phạm tội phải ngồi tù lên đến 20 năm.
Vài khoảnh khắc trước khi ông Perry trình bày, một đồng sự thuộc Đảng Dân Chủ của ông, Dân biểu Greg Stanton (Dân Chủ-Arizona), đã gợi lên “nỗi đau khổ không thể tưởng tượng nổi” của các nạn nhân khi ông kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ dự luật.
“Hãy hình dung nỗi kinh hoàng và tuyệt vọng của những người bị cầm tù vì đức tin của mình, để rồi sau đó bị cưỡng bức mổ lấy nội tạng,” ông bày tỏ. “Đây không phải là một câu chuyện xa xôi hay là một con số thống kê. Đây là những con người thực, có gia đình, có ước mơ, những người phải chịu đựng nỗi thống khổ và sự sợ hãi tột cùng.”
Đối với nhiều người ở Trung Quốc và ngoại quốc, dự luật này dường như là một bước ngoặt.
“Đó là một tiền lệ pháp lý quan trọng để bảo vệ nhân quyền quốc tế,” ông Đỗ Văn (Du Wen), từng làm cố vấn cho các quan chức cấp cao Trung Quốc về các vấn đề pháp lý ở Nội Mông, nói với The Epoch Times. Ông Đỗ sau đó đã phải ngồi tù 12 năm vì những cáo buộc chính trị oan trái.
“Nếu Hoa Kỳ có thể sử dụng luật pháp để phơi bày tội ác của ĐCSTQ thì rất có thể các đồng minh khác cũng sẽ làm theo. Điều này sẽ tạo ra áp lực quốc tế buộc ĐCSTQ phải thay đổi,” ông nói.
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một luật gia và nhà bất đồng chính kiến người Úc gốc Hoa, người vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với giới chính trị nội bộ bên trong Trung Quốc, cho biết, diễn biến này đã gửi tín hiệu đến bất kỳ ai ở Trung Quốc có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng đen tối này: cả thế giới đang dõi theo.
Mối bang giao Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc trong bốn thập niên qua đồng nghĩa với việc hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các quan chức Trung Quốc đều có mối liên hệ nào đó với phương Tây. Khi bối cảnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc ngày càng trở nên bất ổn, nhiều người đang gửi con em và thân nhân cũng như chuyển tài sản của họ ra ngoại quốc, tìm đường lui cho bản thân ở Hoa Kỳ nếu khủng hoảng chính trị xảy ra với họ hoặc với chế độ.
Nhưng đạo luật này, nếu được ban hành thành luật, thì có nghĩa rằng “miễn là họ phạm phải những tội ác nhân quyền nghiêm trọng như thu hoạch nội tạng cưỡng bức, thì họ sẽ không được an toàn ngay cả khi đến Mỹ,” ông Viên nói với The Epoch Times. Ông nói, luật này có thể khiến họ nghĩ về những lối thoát khác—bao gồm phơi bày chi tiết về “tội ác phản nhân loại” của nhà cầm quyền và chuộc tội cho những hành động bất lương mà họ đã làm.
Giờ đây, quyết định thông qua và ký ban hành dự luật này sẽ nằm trong tay Thượng viện và Tổng thống Hoa Kỳ.
‘Nội tạng của các anh là tốt nhất’
Với dân số khoảng 1.4 tỷ người, tại Trung Quốc các học viên Pháp Luân Công tạo nên một cộng đồng khá lớn. Khi họ trở thành mục tiêu của cuộc bức hại tàn bạo này vào năm 1999, cứ 13 người dân Trung Quốc thì có một người đang tu luyện môn thiền định này.
Các học viên luôn cố gắng sống theo các giá trị cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn, đồng thời luyện công để giữ cho thân thể khỏe mạnh. Nhưng số lượng đông đảo cũng như lối sống lành mạnh, chan hòa của họ cũng là điều khiến họ dễ bị tổn thương. Ở các học viên này, chính quyền nhận thấy một mục tiêu dễ dàng để nhắm đến làm nguồn cung cấp cho guồng máy thu hoạch nội tạng được công nghiệp hóa này.
Thậm chí trong nhà tù Trung Quốc nơi ông Dư ở 18 năm trước, vấn đề này đã là một bí mật bất thành văn.
“Đừng chống đối Đảng Cộng sản,” một bác sỹ nhà tù, người đã bầu bạn với ông vì họ là đồng hương từng nói với ông Dư như vậy. “Hãy làm như những gì họ bảo. Nếu không, thậm chí anh sẽ không biết mình bị mất mạng như thế nào. Khi việc đó diễn ra, tim, gan, lá lách, và phổi của anh sẽ được lấy mang đi đâu, anh thậm chí còn không biết.”
“Nội tạng của các anh là tốt nhất,” vị bác sỹ này nói. Ông nói thêm rằng các học viên Pháp Luân Công “thường xuyên rèn luyện thân thể, nếu thân thể họ khỏe mạnh thì tất nhiên nội tạng của họ cũng tốt. Vậy anh thử nghĩ xem, chúng tôi muốn chọn anh hơn hay những tù nhân khác hơn?”
Việc đưa câu chuyện này ra thế giới không hề dễ dàng. Người đầu tiên bước ra tố cáo là bà “Annie.” Sử dụng hóa danh để bảo vệ danh tính của mình, bà Annie nói với The Epoch Times vào năm 2006 rằng người chồng cũ là bác sỹ phẫu thuật thần kinh của bà từng thu hoạch giác mạc của các học viên Pháp Luân Công. Bà phát hiện ra việc này vì ông phải chịu đựng “những cơn ác mộng khủng khiếp, thức dậy trong khi la hét và sợ hãi.” Sau khi The Epoch Times phát hành bản tin về bà Annie, bà cho biết đã có những nỗ lực tấn công nhằm sát hại người chồng cũ này.
Ông “Peter” là một ký giả điều tra gốc Hoa sinh sống tại Nhật Bản. Cũng trong năm 2006, ông đã trò chuyện với The Epoch Times để cung cấp thông tin chi tiết về một cơ sở giam giữ ở Tô Gia Đồn, nơi nội tạng đang bị thu hoạch. Ông Peter nhận được những cuộc gọi nặc danh đe dọa, yêu cầu ông để vấn đề này chìm xuống.
Khi những câu chuyện như vậy xuất hiện và khi các nhà điều tra bắt đầu thu thập bằng chứng, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện những thay đổi trên bề mặt nhằm giảm áp lực từ cộng đồng quốc tế. Có vẻ như nhà cầm quyền này đã thiết lập một hệ thống hiến tạng vào năm 2015, đồng thời hứa sẽ ngừng lấy nội tạng từ các tù nhân bị hành quyết. Trước đây, ĐCSTQ tuyên bố rằng nguồn cung cấp nội tạng to lớn của họ là từ các tử tù.
Tuy vậy, các nhà điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy hành vi bất lương này đã chấm dứt. Một phân tích năm 2019 về dữ liệu hiến tạng của Trung Quốc đã phát hiện bằng chứng thuyết phục cho thấy dữ liệu đó đã bị làm sai lệch. Cùng năm đó, sau 12 tháng điều tra, tòa án độc lập điều tra Trung Quốc China Tribunal có trụ sở tại London, đã kết luận rằng tội ác khủng khiếp này vẫn đang diễn ra trên diện rộng.
Người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các tín đồ Cơ Đốc Giáo tại gia cũng bị bức hại vì đức tin của họ. Họ cũng được biết đến là nạn nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn.
Chủ tọa của tòa án China Tribunal, ngài Geoffrey Nice, cho biết trong một phán quyết: “Thu hoạch nội tạng cưỡng bức là điều tàn ác không gì sánh bằng, thậm chí có thể so với—trên cơ sở từng trường hợp tử vong—với các tội ác sát nhân hàng loạt trong thế kỷ trước.”
Hành động ở cấp tiểu bang
Cô Caroline Harris Davila, một dân biểu nhiệm kỳ đầu tiên của cơ quan lập pháp Texas, là một nhân viên tại Thượng viện tiểu bang khi tòa án China Tribunal ra phán quyết. Cô nói với The Epoch Times rằng việc đọc những lời chứng khiến cô thấy kinh hãi và mong muốn được “làm điều gì đó—để thể hiện rõ rằng điều này là không chấp nhận được.”
Vấn đề này không còn quá xa lạ như thế nữa. Bạn của cô biết một người có thân nhân trong gia đình bị mất tích ở Trung Quốc vì tu luyện Pháp Luân Công.
Đối với họ, “đó chỉ là một điều đã được biết đến. Rằng một ngày nào đó, thân nhân hoặc bạn bè của họ sẽ biến mất và họ không bao giờ thực sự biết được chuyện gì đã xảy ra,” cô nói.
Khi Dân biểu Tom Oliverson, một bác sỹ và là chủ tịch Ủy ban Bảo hiểm Hạ viện Texas, bắt đầu soạn một dự luật cấm các quỹ bảo hiểm y tế tiểu bang chi trả cho các ca phẫu thuật ghép tạng từ Trung Quốc, Dân biểu Harris Davila đã nhanh chóng tham gia. Dự luật này đã được cơ quan lập pháp nhất loạt thông qua và trở thành luật vào tháng 06/2023.
Từ đó, nhịp độ thay đổi đã ngày càng nhanh hơn.
Kể từ đó, được tiếp thêm động lực từ State Armor, một nhóm vận động hành lang hướng tới những thay đổi chính sách nhằm “chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc cộng sản,” hai tiểu bang khác là Utah và Idaho cũng đã làm theo. Tiểu bang thứ tư, Arizona, gần như đã đưa dự luật của họ trở thành luật nếu thống đốc không phủ quyết. Trong khi đó, Missouri cũng đã đề xướng những bước đi tương tự.
Ông Michael Lucci là người sáng lập State Armor và đến từ quận của Dân biểu Harris Davila. Ông ghi công cho tiểu bang Texas vì đã đề ra một khuôn khổ mà ông cho rằng mọi tiểu bang đều nên làm theo.
“Tôi nghĩ rằng tôi đã sao chép ngôn ngữ của dự luật này ngay cả trước khi họ đưa dự luật lên cho thống đốc ký ban hành,” ông Lucci nói với The Epoch Times. “Cả 50 tiểu bang đều có thể làm điều gì đó với dự luật này, nội dung luật như vậy sẽ có ý nghĩa ở bất cứ nơi đâu.”
Ông đã trình bày ngay trước khi bước vào cuộc họp với các nhà lập pháp ở Ohio. Ông cho biết mình đã có một khởi đầu muộn khi chỉ mới thành lập tổ chức này hồi tháng Một và cần có thời gian để “tiến hành phần việc giáo dục” về vấn đề này, điều mà nhiều quan chức dân cử trước đây không hiểu biết nhiều.
“Đến năm 2025, tôi đoan chắc với quý vị rằng sẽ có 10 tiểu bang áp dụng dự luật này.”
Chiến dịch gây sức ép của ĐCSTQ
Nhà cầm quyền Trung Quốc chưa bao giờ giảm bớt nỗ lực dập tắt thảo luận về vấn đề này. Năm 2008, khi luật sư nhân quyền người Canada David Matas đang trình bày cho công chúng kết quả cuộc điều tra của ông về tội ác này, thì một người đàn ông nói tiếng Hoa tự nhận mình là một quan chức cảnh sát đã gọi điện đến trong một buổi hỏi đáp trực tiếp để đe dọa ông Matas: “Ông có sợ chết không vậy? Ông đang can thiệp trắng trợn vào các chính sách nội bộ của Đảng chúng tôi.”
Trong những năm gần đây, các nỗ lực tấn công trực tiếp như vậy đã trở nên lẩn khuất hơn dưới hình thức áp lực ngoại giao đối với các nhà lập pháp có lập trường, cưỡng ép kinh tế đối với các công ty và tổ chức học thuật, vũ khí hóa sinh viên Trung Quốc, và từng bước xâm nhập vào cộng đồng y tế.
“Đó là rất nhiều lời đe dọa về hậu quả tiêu cực. Và đây là cách Trung Quốc thao túng các cá nhân cũng như các tiểu bang và các quốc gia khác,” Dân biểu Candice Pierucci của tiểu bang Utah nói với The Epoch Times. Bà là người đã giúp đưa dự luật chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhất loạt thông qua tại tiểu bang của mình.
Bà cho biết: “Thành thật mà nói, tôi không quan tâm họ sẽ nói gì hay làm gì—đây là điều đúng đắn nên làm.”
Bà gọi nhà cầm quyền này là “lạc điệu” khi không hiểu được tâm tư người khác vì đã cố gắng “bắt nạt” các chính trị gia để họ không hành động.
“Họ đang chơi quá đà,” bà nói. “Lẽ ra họ phải là bên đưa ra lời xin lỗi.”
Nhiều nhà lập pháp ở các tiểu bang vẫn chưa hành động hoặc đang xem xét về dự luật này bày tỏ rằng họ không tin là những tội ác như vậy vẫn đang diễn ra trong thế kỷ 21.
Dân biểu tiểu bang Idaho, ông Jordan Redman, người bảo trợ cho dự luật của tiểu bang mình, đang tìm hiểu về thu hoạch nội tạng cưỡng bức ngay khi Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đang dừng chân trong thành phố. Thể hiện những nét đẹp truyền thống của Trung Quốc trước thời cộng sản, màn trình diễn vũ đạo của Shen Yun cũng có một phân đoạn diễn tả Trung Quốc thời hiện đại, kể về một bi kịch gia đình do nạn thu hoạch nội tạng gây ra.
Ông Redman cho biết trong thời gian nghỉ giữa giờ của buổi biểu diễn, ông được hai người con của ông, 9 tuổi và 11 tuổi, liên tục đặt câu hỏi vì hai em cảm thấy khó tiếp thụ một “chuyện hoàn toàn độc ác” như vậy.
Ông nói với The Epoch Times, “Cảm giác như tâm trí bị mụ mị đi vì quá khó tin để mà nghĩ rằng chuyện như vậy có thể xảy ra, và vẫn đang xảy ra ngày nay.” Nhưng ông đang nhận thấy một làn sóng ủng hộ nhằm thay đổi việc đó ở cả cấp tiểu bang và trên toàn quốc.
Ông nói, “Phần khó nhất chính là giúp người dân hiểu rằng đây là một chuyện có thật đang xảy ra.” Nhưng một khi đã hiểu được, thì “thật khó mà quay lưng lại với chuyện như vậy, thế thì phải có hành động thôi.”
Tia hy vọng
Những người sống sót và những người có hiểu biết về lịch sử nhân quyền của chính quyền Trung Quốc vẫn luôn hy vọng sẽ có sự thay đổi.
Ông Trương Quốc Lương (Zhang Guoliang), học viên Pháp Luân Công và là một cơ trưởng của United Airlines, đã phải ngồi tù bốn năm ở Trung Quốc vì đức tin của mình.
“Tất cả những người đang bị ĐCSTQ giam giữ và đàn áp đều có thể trở thành nạn nhân của thu hoạch nội tạng cưỡng bức,” ông Trương nói với The Epoch Times. “Điều này là do hệ thống của ĐCSTQ dẫn đến—miễn là hệ thống này còn hoạt động thì không ai trong hệ thống có thể cảm thấy an toàn.”
Mặc dù nhiều bằng chứng vẫn chỉ là những câu chuyện kể lại do hệ thống của Trung Quốc thiếu minh bạch nhưng dự luật Hạ viện nêu trên, trong đó có một điều khoản quy định về việc điều tra vấn đề này ở Trung Quốc, có thể cho phép Hoa Kỳ khai thác thêm dữ liệu ở cấp chính phủ và khuyến khích nhiều người hơn nữa đang im lặng vì áp lực lên tiếng.
Với ông Dư, trải nghiệm trong tù và việc các học viên mất tích hãy còn ám ảnh. Giống như nhiều người khác bị giam giữ, ông Dư đã trải qua nhiều cuộc xét nghiệm máu và kiểm tra sức khỏe khác trong tù nhưng chưa bao giờ được nhận lại kết quả. Sau này ông mới biết mình đã cận kề cái chết như thế nào.
Cha ông là quan chức quân sự cấp cao ở Quảng Châu. Khi ông Dư ra tù năm 2007, cha ông kể với ông rằng một quản ngục đã nói với ông ấy, rằng con trai ông vẫn còn sống chính là nhờ vào các mối quan hệ trong quân đội của cha.
Ông Dư hiện đang tập trung vào việc giúp đỡ những người khác. Ông cho biết, với những người đồng môn vẫn đang bị đe dọa đến tính mạng của ông ở Trung Quốc, thì bản thân việc phơi bày hành vi tàn ác “kinh khủng” này ra ánh sáng đã là một lớp bảo vệ.
Ông đang hy vọng rằng Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công, vốn đã được Hạ viện thông qua, cũng sẽ nhanh chóng được Thượng viện thông qua và sau đó được tổng thống ký.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times