Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc kêu gọi trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ
‘Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Trung Quốc,’ ông Nicholas Burns cho biết.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns đã kêu gọi chế độ cộng sản Trung Quốc trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công, những người đã bị tấn công một cách kinh hoàng vì tín ngưỡng của họ trong 25 năm qua.
Vị đại sứ này đã đưa ra tuyên bố hôm 22/07, ngay sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt chiến dịch lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại nhóm tín ngưỡng này. Việc chế độ đàn áp nhóm này đã khiến một số lượng lớn các học viên bị bắt giữ, bỏ tù, hoặc thậm chí bị sát hại để lấy nội tạng.
Ông Burns kêu gọi chế độ này trả tự do cho tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ cũng những người khác đang bị cầm tù tại Trung Quốc vì đức tin của mình.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [PRC] trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì đức tin của họ, trong đó có các học viên Pháp Luân Công,” ông Burns cho biết trong một tuyên bố trên nền tảng truyền thông xã hội X.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã kỷ niệm 25 năm ngày bắt đầu chiến dịch bức hại.
“Hôm nay chúng tôi trân trọng đánh dấu 25 năm kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) bắt đầu chiến dịch đàn áp các học viên Pháp Luân Công,” đại sứ quán này cho biết trong một tuyên bố hôm 23/07 trên X.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện kết hợp các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Vào cuối những năm 1990, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người đã thực hành môn tu luyện này tại Trung Quốc. Lợi ích sức khỏe và tác động tích cực đến xã hội của môn tập này cũng nhận được sự ca ngợi từ các tổ chức và truyền thông nhà nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân từ lâu đã lo sợ rằng Đảng đã mất đi sự thống trị của mình đối với đời sống thường nhật ở Trung Quốc, nên ông xem sự phổ biến rộng rãi của môn tập này là mối đe dọa. Vào ngày 20/07/1999, ông Giang sử dụng quyền lực của mình để phát động một chiến dịch toàn diện bức hại Pháp Luân Công. Kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ và vô số người bị sát hại, theo Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Sau hơn hai thập niên, cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn là một ưu tiên hàng đầu của các công an, công tố viên, và thẩm phán của ĐCSTQ tại hơn mười hai tỉnh ở nước này, theo một bản phân tích các tài liệu chính thức của Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Trong sáu tháng đầu năm nay, các tòa án ở Trung Quốc đã kết án tù hoặc các hình phạt khác đối với 218 người vì theo tập Pháp Luân Công, theo dữ liệu được thu thập từ Minh Huệ, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ theo dõi cuộc bức hại nhóm tín ngưỡng này. Do khó khăn trong việc thu thập các thông tin liên quan từ Trung Quốc, Minh Huệ tin rằng con số thực tế cao hơn nhiều.
Một tòa án độc lập tại London đã xác nhận rằng các học viên bị giam giữ dễ trở thành nạn nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn. Vào năm 2019, Tòa án độc lập điều tra Trung Quốc China Tribunal đã kết luận rằng hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên quy mô lớn,” với các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chủ yếu. Hoạt động này vẫn đang diễn ra và cung cấp các bộ phận nội tạng cho ngành ghép tạng béo bở của đất nước này.
Thực trạng ĐCSTQ đàn áp một cách đẫm máu nhóm tín ngưỡng này đã làm dấy lên sự chỉ trích từ các quan chức Hoa Kỳ và lãnh đạo các nhóm ủng hộ quyền lợi.
“Trong 25 năm, CHND Trung Hoa đã đàn áp và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công—một môn thiền định ôn hòa—vì đức tin của họ,” Đại sứ Toàn quyền của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain cho biết trong một tuyên bố hôm 20/07 trên X.
“Chúng tôi ủng hộ vững chắc cộng đồng Pháp Luân Công tại CHND Trung Hoa và trên khắp thế giới.”
Các nhà lập pháp ở Canada, Úc, Vương quốc Anh, Slovenia, và một số quốc gia Á Châu như Nhật Bản và Đài Loan, cũng đã kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times