Vì sao giới trung lưu Trung Quốc bất chấp tính mạng mạo hiểm vượt biên đến Hoa Kỳ?
Vào năm ngoái, thương nhân Trung Quốc Lý Tiểu Tam (Li Xiaosan) đã cùng con trai mười mấy tuổi của mình vượt qua lục địa Trung Mỹ với hành trình 5,000 kilomet (3,107 dặm) để đến Hoa Kỳ.
Tại Colombia, họ bị bọn cướp có vũ trang cướp hết mọi vật dụng quý giá. Họ vượt qua những khu rừng rậm và đầm lầy hiểm trở ở Panama, và phải trải qua hành trình nguy hiểm trên biển kéo dài 12 giờ đồng hồ tại Mexico.
Trong dịp Tết Nguyên Đán 2024, cha con ông Lý Tiểu Tam đã trò chuyện qua video với người thân ở Trung Quốc. Khi nói chuyện với người thân, con trai ông đã khóc nức nở, ông Lý nói với con trai rằng: “Tự do không phải là miễn phí.”
Theo Al Jazeera, những năm gần đây, có hàng ngàn người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu đã vượt qua châu Mỹ, đi hàng ngàn kilomet để đến biên giới phía nam Hoa Kỳ với hy vọng được nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Hai cha con ông Lý chỉ là một trong hơn 37,000 công dân Trung Quốc bị bắt giữ khi vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ trong năm 2023.
“Chính trị và kinh tế của quốc gia này (Trung Quốc cộng sản) đen tối vô cùng,” ông Lý nói với Al Jazeera. “Con người sống ở đó không có chút hy vọng nào.”
Ông Lý Tiểu Tam sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Nam, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông tự lập công ty và trở nên giàu có, trở thành tầng lớp trung lưu sở hữu nhiều tài sản địa ốc. Tuy nhiên, chính sách zero COVID của ĐCSTQ đã phá nát công việc kinh doanh của ông; thêm vào đó, tính cách thẳng thắn của ông cũng bị công an của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để ý.
Cuộc khủng hoảng địa ốc và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc đang ảnh hưởng đến tài sản của các gia đình trung lưu. Cùng với đó, chính quyền ĐCSTQ ngày càng kiểm soát chặt chẽ mọi mặt cuộc sống của người dân, từ việc hạn chế tự do ngôn luận trên mạng đến kiểm duyệt truyền thông, gây ra sự bất mãn trong dân chúng. Nhiều người mất niềm tin vào tương lai của Trung Quốc và tìm kiếm lối thoát.
Đối với tầng lớp trung lưu, việc bỏ lại tất cả những gì họ có ở Trung Quốc—công việc, nhà cửa, người thân, các mối giao thiệp—cần rất nhiều sự quyết tâm. Sau khi đến Hoa Kỳ, ông Lý Tiểu Tam nói với hãng truyền thông Al Jazeera: “Tôi không có gì ở Hoa Kỳ, nhưng tôi được hưởng thụ tự do ngôn luận.”
“Tôi có thể nói bất cứ điều gì mình muốn, không cần lo lắng về việc công an đến gây rối,” ông Lý nói.
Không nhiều người trong tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc lựa chọn di cư đến Hoa Kỳ. Những người giàu có hơn có thể chọn hình thức đầu tư di cư, còn những người không mấy giàu thì có khó được cấp thị thực Hoa Kỳ. Năm ngoái, tỷ lệ từ chối thị thực du lịch và thương mại của công dân Trung Quốc là 27%, cao hơn trước đại dịch. Vì vậy, một số người thuộc tầng lớp trung lưu đã chọn cách vượt biên vào Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ, trong năm tài khóa 2024, chỉ tính đến tháng Năm, đã có gần 56,000 người di cư Trung Quốc bị phát hiện tại các cửa biên giới tây nam Hoa Kỳ với Mexico và biên giới Hoa Kỳ-Canada. Con số này vượt qua tổng số 52,700 người của cả năm tài khóa 2023.
Từ tháng 01 đến tháng 05/2024, có khoảng 10,171 người di cư Trung Quốc vượt qua khu rừng đầm lầy Darién Gap ở Panama, một khu vực hiểm trở dài khoảng 60 dặm (96.5 km) nối liền Nam Mỹ và Trung Mỹ. Theo số liệu di dân của Panama, số người di cư trong cả năm 2023 là 25,565 người, trong khi từ năm 2010 đến năm 2022 tổng cộng chỉ có 2,381 người. So sánh số liệu cho thấy, trong năm 2024, công dân Trung Quốc là nhóm lớn thứ tư từ Colombia đến tỉnh Darién.
Trong số những người Trung Quốc di cư đến Hoa Kỳ, có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu như ông Lý Tiểu Tam. Luật sư di trú Erika Pinheiro từng nói với New York Post rằng: “Những người Hoa (vượt biên) mà tôi gặp tại biên giới San Diego, California nếu không phải là tầng lớp trung thượng lưu, thì ít nhất cũng là tầng lớp trung lưu của Trung Quốc.”
Năm 2023, Ecuador đã trở thành trạm trung chuyển quan trọng đối với hàng chục ngàn công dân Trung Quốc dự định tới biên giới Mexico-Hoa Kỳ. Nhiều người cuối cùng vượt qua biên giới để vào tiểu bang California.
Nhiều người di cư Trung Quốc đi từ Ecuador đến Tijuana và các điểm khác ở Baja California, với hành trình dài hơn 3,000 dặm (khoảng 4828 kilommet), phải vượt qua rừng rậm, sa mạc, và thành phố, rồi vào quận San Diego của Hoa Kỳ. Hầu hết người di cư Trung Quốc sẽ đầu thú với đội tuần tra biên giới Hoa Kỳ và xin tị nạn.
Hôm 18/06/2024, Ecuador đã tuyên bố tạm dừng thỏa thuận miễn thị thực với Bắc Kinh, lý do số lượng người di cư bất hợp pháp gia tăng một cách “đáng lo ngại.” Nhưng các nhà phân tích cho rằng, các tuyến đường thay thế mới sẽ sớm được tìm ra, mặc dù chi phí có thể tăng lên, nhưng người Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục vượt biên vào Hoa Kỳ.
Hãng thông tấn Al Jazeera đã đưa tin về một trường hợp người Trung Quốc vượt biên khác là ông Vương Văn Sâm (Vincent Wang), hiện đang chờ đợi lịch hẹn tị nạn tại Mexico để vào Hoa Kỳ.
Ông Vương Văn Sâm từng kinh doanh một khách sạn ở Đại Lý, Trung Quốc. Cũng giống như ông Lý Tiểu Tam, chính sách zero COVID đã khiến công việc kinh doanh của ông Vương xuống dốc. Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa, kinh tế trì trệ khiến công việc kinh doanh của ông không thể phục hồi.
Ông Vương nói với Al Jazeera rằng, tình cảnh của ông đã khiến ông mất niềm tin vào chính trị quốc gia, không còn nhìn thấy tương lai của mình ở Trung Quốc, nên ông hy vọng có thể có một cuộc sống tự do hơn trong nửa đời còn lại.
Đầu năm nay, ông đã đi phi cơ tới Ecuador và sau đó đến Hoa Kỳ. Khi đang chờ đợi ở Mexico City, ông nói rằng nếu được tị nạn ở Hoa Kỳ, ông sẵn sàng sống một cuộc sống tiết kiệm và làm những công việc vất vả.