Cựu quan chức cấp cao: ĐCSTQ trị quốc bằng khủng bố, giả dối lan tràn
Quan trường Trung Quốc chứa đựng vô số bí mật đen tối, nhưng do bị phong tỏa thông tin, người dân bình thường rất khó biết được sự thật đằng sau. Gần đây, ông Châu, một cựu quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đào thoát sang Hoa Kỳ cách đây hai năm, đã tiếp nhận phỏng vấn của ký giả ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, và công bố những nội tình ít người biết trong thể chế này.
“Trung Quốc chẳng khác gì một nhà tù lớn. Còn những nhà tù bên dưới chính là những ‘buồng giam nhỏ’ trong nhà tù lớn đó.” Khi nói về hoàn cảnh sống của người dân Trung Quốc, ông Châu cho biết, điều này không chỉ đúng với người dân bình thường, mà cả với quan chức ĐCSTQ, “bởi vì họ không có bất kỳ tự do nào.”
Không chỉ không có tự do, mà họ còn phải nói dối mỗi ngày. Ông Châu nói, một khi đã bước vào quan trường của ĐCSTQ thì người đó phải nói dối hàng ngày, thậm chí phải sáng tạo ra những từ mới để tâng bốc lãnh đạo. Mỗi lần bị ép nói dối, ông đều cảm thấy rất đau khổ, nhưng nói dối là kỹ năng cơ bản để tồn tại trong quan trường ĐCSTQ. Hàng tuần phải tham gia học tập chính trị, hàng tháng phải tham gia kiểm tra kiến thức về đảng.
Trước khi xuất ngoại vào năm 2019, ông Châu là một quan chức cấp cao vừa mới về hưu của một tỉnh. Ông từng đảm nhiệm vị trí quan trọng tại một cơ quan trực thuộc tỉnh trong thời gian dài và được hưởng đãi ngộ đặc quyền. Nói về lý do rời khỏi Trung Quốc, ông cho biết, nếu trong nước còn một tia hy vọng sống sót, ông cũng sẽ không ra đi. “[Tôi] đã mất hết niềm tin vào tương lai, mất hết hy vọng vào đất nước này, [vì vậy tôi] mới dám từ bỏ gia đình và sự nghiệp, mạnh dạn bước ra khỏi đó.”
Ông Châu còn nhìn thấy những người cùng hàng quan chức như ông phần lớn không có kết cục tốt đẹp sau khi về hưu: 70-80% quan chức “vào tù,” không chỉ mất tự do, tài sản bị tịch thu, mà bạn bè và người thân cũng bị liên lụy.
Trị quốc bằng khủng bố, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trở thành ‘Đông Xưởng’ của quan chức
Ông Châu cho rằng ĐCSTQ thực chất dựa vào khủng bố để trị quốc. “[Họ] dựa vào đàn áp, đánh đập, không cho phép quý vị có tiếng nói khác, chứ không phải dựa vào pháp trị. “Họ không làm theo pháp luật, không có tòa án xét xử, lấy một câu của ‘lãnh đạo’ làm căn cứ pháp lý, điều này không phải là trò cười sao?”
Bởi vì không làm theo pháp luật, các Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật (UBKTKL) hoặc Ủy ban Giám sát (UBGS) do các cấp ủy đảng quản lý đã trở thành những cơ quan quyền lực nhất. Đông Xưởng thời nhà Minh ở Trung Quốc được coi là cơ quan tình báo quốc gia đầu tiên trên thế giới. Người của Đông Xưởng có thể tùy ý bắt giữ quan chức và người dân, khiến triều đình và dân chúng đều kinh sợ. Ông Châu cho biết, hiện nay UBKTKL các cấp của ĐCSTQ cũng tương tự như vậy.
“Trước đây, UBKTKL quản lý cán bộ đảng viên, UBGS phân công quản lý cán bộ hành chính ngoài đảng. Nhưng sau khi hai cơ quan này hợp nhất, mọi người đều có thể bị bắt.” Ông Châu cho biết, vào khoảng năm 2016, quyền lực chống tham nhũng của viện kiểm sát đã bị nhập vào UBKTKL và UBGS, từ đó viện kiểm sát chỉ phụ trách truy tố chứ không phụ trách điều tra vụ án.
Sau khi UBKTKL điều tra, nếu Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, hoặc Bí thư huyện ủy muốn tuyên án cho quý vị, họ sẽ gọi Viện trưởng Viện Kiểm sát và Chánh án tòa án đến văn phòng của mình và nói: “Vụ án này đặc biệt, ít nhất 10 năm hoặc 15 năm trở lên, hai người bàn bạc đi, tôi chỉ cần kết quả, không cần biết các ông làm việc như thế nào.” Nếu đối phương không nghe theo, Bí thư có thể điều chuyển công tác của họ, thậm chí đề nghị trực tiếp miễn nhiệm.
Ông Châu cho biết, không có ai giám sát và kiềm chế UBKTKL và UBGS, nên những quan chức này có thể “đi ngang.” Vì vậy, Viện Kiểm sát, Tòa án, các cơ quan công an đều sợ UBKTKL và UBGS. Hai bộ phận này có thể trực tiếp đề xướng mức án nặng nhẹ, Viện Kiểm sát và Tòa án phải nghe theo, nếu không sẽ bị điều tra. Ông Châu lấy ví dụ, nếu một cán bộ nhỏ của UBKTKL tỉnh đến, thì Bí thư thành ủy hoặc Bí thư huyện ủy bên dưới đều phải tự mình tiếp đón.
Nếu các Bí thư cấp trên muốn xử trí một người, rất đơn giản, chỉ cần phê một tờ giấy cho UBKTKL nói: “Người này bị mọi người tố giác, tìm hiểu xem có vấn đề gì không?”
“Trước tiên, anh ta sẽ bị bắt trong vòng vài ngày, rồi mới điều tra.” Ông Châu nói, “ở Trung Quốc, quan lớn hơn một cấp liền có thể đàn áp cấp dưới, cấp trên điều tra cấp dưới, cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt tôm tép.” Bí thư huyện ủy, Bí thư thành ủy, Bí thư tỉnh ủy đều sẽ sử dụng cách điều tra của UBKTKL đối với cấp dưới của mình.
Theo thống kê cuối năm 2022, toàn Trung Quốc có hơn 90 triệu đảng viên, trong 10 năm qua số người bị lập án điều tra là hơn 4.7 triệu. Ông nói: “Con số này rất đáng sợ, tương đương cứ 20 người thì có 1 người bị điều tra.”
Mặc dù nhìn có vẻ rất nghiêm khắc, nhưng ông Châu cho rằng ĐCSTQ không thực sự chống tham nhũng. “Nếu thật sự chống tham nhũng, họ có thể học theo cách làm của các nước phát triển, công khai tài sản của quan chức, để người dân và truyền thông giám sát, chẳng phải là đơn giản sao? Tại sao phải chống tham nhũng một cách lén lút?”
Các quan chức về hưu trở thành trọng điểm bị đàn áp và khó có kết cục tốt đẹp
Dưới thể chế hiện hành của ĐCSTQ, loại quan chức nào có hoàn cảnh nguy hiểm nhất? Theo quan sát của ông Châu, quan chức về hưu là những người nằm trong hoàn cảnh nguy hiểm nhất. “Hiện nay kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, việc bắt giữ một quan chức cấp sở, ít nhất có thể giúp nhà nước tiết kiệm khoảng 30 triệu nhân dân tệ.”
30 triệu nhân dân tệ được tính như thế nào? Ông giải thích rằng, lương hưu của một quan chức cấp sở thường vào khoảng hơn 100,000 nhân dân tệ mỗi năm, kèm theo chế độ y tế cao cấp. Khi họ đến bệnh viện để chữa một cơn cảm lạnh nhỏ, chi phí thường lên tới hàng chục ngàn nhân dân tệ. Mỗi năm, chi phí y tế của một quan chức cấp sở dao động từ 500,000 đến 1 triệu nhân dân tệ. Vì điều kiện y tế tốt, họ thường sống tới khoảng 90 tuổi; cộng thêm lương hưu, trong 30 năm, tổng chi phí công quỹ cho họ vào khoảng 30 triệu nhân dân tệ.
Vì vậy, ông Châu nói rằng, việc bắt giữ một quan chức cấp sở không chỉ tiết kiệm được khoản chi 30 triệu nhân dân tệ, mà tài sản của quan chức bị điều tra cũng sẽ bị tịch thu. Số tài sản này có thể lên tới vài trăm triệu, ít nhất cũng vài triệu. Thậm chí con cái của họ cũng có thể bị liên lụy và bị tịch thu tài sản.
Ông Châu nhận thấy rằng trước năm 2017, đối với những người sắp về hưu, nếu bị phát hiện tham nhũng, ĐCSTQ sẽ thực hiện chính sách bất ngờ. Họ bị giáng chức mà không bị tống vào tù. Nhưng sau đó chính sách liên tục nâng cấp, hiện nay họ không chỉ phải vào tù mà còn bị truy cứu ngược lại 20, 30 năm về trước, “mục đích của ĐCSTQ là kiếm tiền.”
Nếu vị quan chức đó mất quyền lực thì có thể trở thành con mồi của người khác bất cứ lúc nào. “Khi quý vị về hưu và không còn giá trị lợi dụng, UBKTKL muốn điều tra quý vị lúc nào cũng được.” Ông Châu hồi tưởng rằng khoảng 70-80% quan chức cùng thời với ông đã bị bắt. Một người bạn của ông là “đại biểu nhân dân toàn quốc” của ĐCSTQ đã về hưu nhiều năm trước. Đầu năm nay, ông ấy còn nói chuyện với ông Châu rằng mình an toàn, nhưng không lâu sau đã bị bắt và đến giờ vẫn chưa có phán quyết.
Vì thiếu cảm giác an toàn, nhiều quan chức muốn trốn khỏi Trung Quốc, nhưng rất khó khăn. “Quý vị không có hộ chiếu, muốn trốn cũng không trốn được.” Ông Châu nói, người dân bình thường vượt biên trái phép, quay về thường bị phạt tù khoảng hai năm. Còn cán bộ, đảng viên vượt biên bị bắt sẽ bị phạt tù chung thân, thậm chí bị tử hình, và án tử hình thường không được công khai.
Một quan chức của Ủy ban Quân sự Trung Quốc từng nói với ông Châu và những người khác trong một buổi học tập về đảng rằng mỗi năm có rất nhiều quan chức bị tử hình, nhưng không bao giờ công khai.
Cuộc sống của doanh nghiệp và người dân ngày càng khó khăn
Ông Châu cho biết, hiện nay kinh tế trong nước ngày càng tồi tệ. Nhiều người rất quan tâm đến tình hình kinh tế, “nhưng tầng lớp lãnh đạo của ĐCSTQ không quan tâm.” Ông nói, “Quý vị nhìn Bắc Hàn mà xem, dù quốc gia ấy có khó khăn đến đâu, thì ông Kim Jong-un vẫn luôn sống trong cảnh xa hoa. Cho dù tầng lớp dưới cùng của xã hội không có đồ ăn, không có nhà ở, thì tầng lớp bên trên cũng không bị ảnh hưởng.”
Hiện nay, ở nhiều nơi trong nước, bao gồm các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, các công chức đều đang bắt đầu bị giảm lương. Ngân sách thiếu hụt, quan chức ĐCSTQ bắt đầu càn quét tài sản của dân. Một số doanh nghiệp tư nhân có tích lũy trở thành miếng mồi béo bở của các quan chức.
Theo ông Châu, chính quyền ở vài thành phố và huyện quê nhà ông thường xuyên phạt tiền các doanh nghiệp địa phương. “Hôm nay phạt quý vị vài trăm triệu, ngày mai lại phạt vài trăm triệu, mỗi năm ít nhất phạt năm, sáu trăm triệu.” Các chủ doanh nghiệp phải nộp tiền để được tự do. Nếu không nghe lời, họ có thể bị giam giữ trong nhiều năm.
“ĐCSTQ muốn điều tra doanh nghiệp không dễ dàng lắm sao? Trốn thuế, gian lận thuế, điều tra xong sẽ định tội, cả nhà vào tù,” ông Châu thở dài nói. Nhiều ông chủ không hiểu rõ điều này, một người bạn của ông là một ví dụ. Ông đã khuyên bạn ở lại Mỹ để phát triển, nhưng người này vẫn quyết tâm quay về Trung Quốc. Kết quả ông này vừa về đã bị điều tra, đến giờ vẫn bị giam giữ, “mục đích của họ là muốn lấy tiền của ông ta.”
“Hiện nay một số ít những cá nhân hoặc doanh nghiệp có tiền trong nước vẫn còn hy vọng vào việc ở lại. Nhưng nếu họ không rời đi sớm, tài sản cũng không còn là của họ, tất cả sẽ bị tịch thu.” Ông Châu nói, “Trung Quốc (cộng sản) như thế đấy, không còn cách nào khác.”
Ngoài việc nhắm vào các chủ doanh nghiệp tư nhân, người dân bình thường cũng không thoát khỏi, thậm chí tình cảnh của họ còn tồi tệ hơn. Ông Châu biết được cách làm của một chính quyền địa phương trong việc cưỡng chế phá dỡ: Họ tìm vài người, để bệnh viện tâm thần cấp giấy chứng nhận mắc bệnh tâm thần cho họ. Khi cưỡng chế phá dỡ, những người này có thể đánh đập chủ nhà, thậm chí đánh chết cũng không sao, bởi vì bệnh nhân tâm thần không phải chịu trách nhiệm hình sự.
“Quý vị xem, điều này đen tối đến cỡ nào, ai có thể nghĩ đến những việc như vậy?” ông Châu nói.
Ông cho biết, khi người dân bị oan ức, muốn đi khiếu nại, dù có vượt qua được nhiều tầng lớp ngăn cản, đến được cơ quan khiếu nại quốc gia, họ vẫn có thể bị phản bội. Nếu khiếu nại được ghi danh như thường lệ, thì chính quyền các địa phương sẽ bị mất tiền thưởng cuối năm, quan chức cũng có thể bị kỷ luật. Vì vậy, cơ quan khiếu nại sẽ thông báo cho các địa phương đến đưa người khiếu nại về. Các quan chức địa phương nộp tiền liền có thể xóa số, xóa bỏ ghi chép về việc có người khiếu nại. Dù chịu nỗi oan to lớn đến đâu, người khiếu nại cũng chỉ có thể “nuốt nỗi đau vào trong.”
Suy ngẫm về thể chế chính trị của ĐCSTQ, ông Châu cho rằng, ngay cả theo luật của ĐCSTQ, nó cũng chưa từng ghi danh là đảng phái, chưa từng được người dân bầu chọn. Thực chất nó là một tổ chức phi pháp, lừa dối người dân. Vì để phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ, nên ĐCSTQ thực hiện việc tẩy não, đàn áp, đe dọa…
Ông Châu đã công khai tuyên bố trên trang web “Tam thoái” của ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: Rút khỏi các tổ chức đảng, đoàn, đội của ĐCSTQ.