Ông Tập Cận Bình và Trung Quốc: Không còn thời gian, sẵn sàng tấn công
Xuất bản lần đầu tiên bởi Viện Gatestone
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hạm đội hải quân của mình đến các vùng biển lân cận và xa xôi.
Đáng kể nhất là Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân đã cử hai nhóm tàu tấn công đi vào Biển Đông. Nhóm tấn công lớn hơn, với nòng cốt là hàng không mẫu hạm Sơn Đông, đã hoạt động ngoài khơi đảo chính Luzon của Philippines trước khi quá cảnh vào Tây Thái Bình Dương để thực hiện các hoạt động bay trên biển. Nhóm còn lại là Nhóm Tấn công Viễn chinh do tàu tấn công đổ bộ lớp Yushen Type 075 dẫn đầu—đây là một trong những tàu lớn nhất và tân tiến nhất của Trung Quốc. Bốn trong số các tàu tuần dương lớp Renhai Type 055 của Trung Quốc, được mô tả là “chiến hạm mặt nước nguy hiểm nhất thế giới,” đã hộ tống hai nhóm tàu tấn công.
Hàng không mẫu hạm mới nhất của Trung Quốc, chiếc Phúc Kiến, đã tiến hành đợt thử nghiệm trên biển lần thứ ba.
Trung Quốc và Nga bắt đầu cuộc “Tập trận Chung trên Biển 2024” tại cảng Trạm Giang ở phía nam tỉnh Quảng Đông, trụ sở của Hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, tổng cộng có 56 phi cơ — nhiều nhất từ trước đến nay trong một ngày — đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, một số bay đến vị trí gần 33 hải lý tính từ mũi phía nam của đảo chính Đài Loan. Cùng lúc đó, 10 phi cơ khác của Trung Quốc lượn bên ngoài khu vực.
Tuần duyên hạm 5901 của Hải cảnh Trung Quốc được phát hiện gần bãi cạn Sabina của Philippines, ở Biển Đông. Chiến hạm này được mệnh danh là “Quái vật” vì khối lượng giãn nước 12,000 tấn.
Cuối cùng, bốn chiến hạm hải quân Trung Quốc đã đi qua các đảo Alaska gần đó, tránh xa lãnh hải này nhưng đi vào trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hoa Kỳ (vùng biển cách bờ biển từ 12 đến 200 hải lý). Như ông James Fanell, đồng tác giả cuốn “Embracing Communist China: America’s Greatest Strategic Failure” (tạm dịch: Nắm Bắt Trung Quốc Cộng Sản: Thất Bại Chiến Lược Lớn Nhất của Mỹ) nói với Viện Gatestone, đây là lần thứ năm kể từ năm 2015, Trung Quốc điều chiến hạm vào trong khu vực EEZ của Mỹ.
Ông Fanell, cũng là thuyền trưởng đã về hưu của Hải quân Hoa Kỳ, từng giữ chức vụ Giám đốc Hoạt động Tình báo và Thông tin tại Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho biết: “Trong vài tuần qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chứng minh cho khu vực này—và quan trọng hơn là với Hoa Thịnh Đốn—rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chủ nhân của các vùng biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Tại sao nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lại hành động nhanh như vậy vào thời điểm này để giành quyền kiểm soát các vùng biển ngoại vi? Nhà phân tích nổi tiếng về Trung Quốc Willy Lam đã viết vào tháng Mười năm ngoái rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc có lẽ nhìn thấy cánh cửa cơ hội đang khép lại và do đó đang vội vàng sáp nhập lãnh thổ.
Tại một hội nghị của các sỹ quan quân đội tại một trong những căn cứ cách mạng nổi tiếng nhất của Trung Quốc hồi tháng Sáu, ông Tập được cho là đã đưa ra những tuyên bố nghe có vẻ khủng khiếp. “Chúng ta đến Diên An để tổ chức một cuộc họp quân sự, chuẩn bị cho một cuộc nội chiến,” ông nói trong một phiên bản của bài diễn văn của mình. Nội dung lời phát biểu của ông, hiện đang được lưu hành rộng rãi, vẫn chưa được xác nhận.
Dù có tham chiến hay không thì ông cũng đã sẵn sàng cho chiến sự. Cả Financial Times và CNN đều đưa tin rằng các doanh nghiệp đã và đang thành lập các đơn vị quân đội trong tổ chức của họ. Mạng lưới truyền thông này đưa tin: “Các công ty Trung Quốc đang tăng cường lực lượng dân quân giống như những năm 1970.”
Ông Tập Cận Bình đang tham gia vào tiến trình xây dựng quân đội nhanh nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến. Ngoài ra, ông còn thanh trừng các sỹ quan quân đội phản đối chiến tranh, ra sức bảo vệ chế độ của mình khỏi các lệnh trừng phạt, dự trữ ngũ cốc và các hàng hóa khác, khảo sát Hoa Kỳ về các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, và điều động thường dân chuẩn bị cho chiến tranh. Đồng thời, ông tái khẳng định sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, thị trường tài chính, và hầu hết tất cả các khía cạnh khác của xã hội. Nói tóm lại, ông tiến hành sự kiểm soát toàn trị đối với Trung Quốc.
Những biện pháp kiểm soát đó, cùng với các biện pháp khác, đang bóp nghẹt nền kinh tế nước này. Hôm 15/07, Bắc Kinh báo cáo mức tăng trưởng GDP trong quý 2 là 4.7% so với cùng thời kỳ năm trước, nhưng con số đó khó có thể phù hợp với những dấu hiệu kinh tế trì trệ [của Trung Quốc]. Chẳng hạn, việc quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát mâu thuẫn với mức tăng trưởng mạnh mẽ được báo cáo.
Vấn đề là ông Tập từ chối trao quyền cho người tiêu dùng để họ có thể tạo ra một nền kinh tế dựa trên tiêu dùng. Tại sao ông ấy lại từ chối lời khuyên gần như thống nhất là trao tiền vào tay những người dân Trung Quốc bình thường? Một trong các lý do là làm như vậy sẽ khiến nỗ lực xây dựng nền kinh tế thời chiến của ông ấy bị suy yếu.
“Đội ngũ tuyên giáo của ông Tập Cận Bình cố gắng hết sức để che đậy sự thật rằng một cuộc khủng hoảng niềm tin đối với chế độ của ông ta đang lan rộng, nhằm đảo ngược tình trạng suy thoái kinh tế xuất phát từ việc tái áp đặt các chính sách thời Mao theo chủ nghĩa tân Stalin,” ông Charles Burton của tổ chức tư vấn Sinopsis có trụ sở tại Praha nói với Viện Gatestone. “Việc ông bác bỏ nghị trình ‘mở cửa và cải tổ’ tiến bộ của ông Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm ông Đặng đã dẫn đến một vòng xoáy đi xuống nghiêm trọng. Điều này đi kèm với sự bất mãn ngày càng tăng của người dân đối với kiểu lãnh đạo đàn áp, sùng bái cá nhân của ông Tập.”
Ông Tập có một cơ hội—có lẽ là cơ hội cuối cùng—để đảo ngược các xu hướng. Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản đã khai mạc hôm 15/07, được tổ chức 5 năm một lần, và có thông lệ tập trung vào các vấn đề kinh tế. Những người lạc quan đã hy vọng rằng ông Tập sẽ đưa ra tín hiệu về các chính sách mới, nhưng giờ đây, kỳ vọng là vô cùng thấp vì có vẻ như thay vì thế, ông sẽ tăng gấp đôi các sáng kiến do nhà nước dẫn đầu để tăng chi tiêu cho sản xuất và cơ sở hạ tầng.
Các chính sách kinh tế của ông đều nhấn mạnh đến việc chuẩn bị cho chiến tranh và ông có vẻ quyết tâm đưa Trung Quốc tham chiến bất chấp tiền đồ thế nào. “Dù không thể thắng, chúng ta vẫn phải chiến đấu,” ông Tập được cho là đã nói như vậy với các sỹ quan quân đội vào năm 2017, liên quan đến Đài Loan.
Tại sao ông ấy lại nói những câu như vậy? Suy cho cùng, chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh với “đồng hương” Đài Loan vào thời điểm này sẽ không được lòng những người dân Trung Quốc khốn khổ.
Tôi tin rằng Tập muốn có chiến tranh—hoặc chí ít là leo thang căng thẳng—để ngăn chặn các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc có hành động chống lại ông. Ông không tìm cách tập hợp người dân Trung Quốc bằng những hành động khiêu khích hoặc thậm chí là một tấn công; mà ông ấy muốn hạ bệ các đối thủ chính trị trong Đảng Cộng sản.
“Nếu Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản sắp tới không đưa ra được các biện pháp mạnh mẽ để khôi phục niềm tin vào khả năng xoay chuyển tình thế của Đảng,” ông Burton, cũng là một cựu nhà ngoại giao Canada từng làm việc tại Bắc Kinh, cho biết, “lựa chọn duy nhất để ông Tập ngăn chặn việc mãn nhiệm không thể tránh khỏi của mình sẽ đặt Trung Quốc vào vị thế chiến tranh dân tộc chủ nghĩa và tham gia vào các hành động tức thời nhắm vào Đài Loan hoặc một số nước láng giềng khác.”
Vị anh hùng của ông Tập, ông Mao Trạch Đông, đã điều động người dân Trung Quốc thông qua Cách mạng Văn hóa không phải để được họ ủng hộ mà để lợi dụng họ hạ bệ các lãnh đạo cấp cao đang âm mưu truất phế ông. Ông Tập Cận Bình có thể áp dụng chiến thuật này, nhưng lần này là muốn nhanh chóng xâm chiếm lãnh thổ hoặc có thể chỉ khiến căng thẳng trong khu vực dâng cao.
Tuy nhiên, tình hình có thể vượt quá tầm kiểm soát, gây xung đột khắp khu vực hoặc trên thế giới. Thật không may, ông Tập có thể trở nên liều lĩnh, và nếu tình hình tiếp tục xấu đi, ông có thể không quan tâm đến khả năng thắng thua
Ông Tập có thể chưa đưa ra quyết định tham chiến, nhưng rõ ràng ông ấy đã đưa ra quyết định mạo hiểm với chiến tranh. Điều đó có nghĩa là ông ấy có thể tấn công vào lúc chúng ta ít ngờ tới nhất.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times