Nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine tỏ dấu hiệu sẵn sàng đàm phán với Nga trong chuyến công du Trung Quốc
Ngoại trưởng Ukraine cho biết Kyiv sẵn sàng giao tiếp với phía Nga nếu Moscow ‘sẵn sàng đàm phán một cách thiện chí.’
Hôm 24/07, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng Kyiv sẽ sẵn sàng bắt đầu lại việc đàm phán với Moscow nếu phía Nga thể hiện thiện chí thực lòng sẵn sàng đàm phán.
Ông Kuleba đưa ra thông điệp này trong một cuộc họp với nhà ngoại giao hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Vương Nghị, tại Quảng Châu, một trung tâm công nghiệp và xuất cảng lớn ở miền nam Trung Quốc. Đây là chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc của nhà ngoại giao hàng đầu Ukraine kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện.
Theo một bản tóm tắt cuộc họp do Bộ Ngoại giao Ukraine công bố, trong cuộc họp hôm 24/07, ông Kuleba nhắc lại “lập trường đã khẳng định” của Ukraine “rằng nước này sẵn sàng giao tiếp với phía Nga trong quá trình đàm phán ở một phạm vi nhất định, khi Nga sẵn sàng đàm phán một cách thiện chí, nhưng hiện tại về phía Nga không cho thấy có sự sẵn sàng nào như vậy.”
Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Bắc Kinh, ông Vương cho biết chính quyền này đã “cam kết chắc chắn sẽ thúc đẩy các giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng” trong khi đề cao việc Bắc Kinh sẵn sàng đóng “vai trò mang tính xây dựng” trong việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
ĐCSTQ đã muốn đặt mình vào vai trò một bên trung gian hòa bình trong suốt cuộc chiến này, bắt đầu hồi tháng 02/2022, chỉ vài tuần sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn.” Bắc Kinh đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga cũng như không gọi đó là một cuộc xâm lược.
Ukraine chỉ trích Trung Quốc
Hôm 23/07, ông Kuleba đến Trung Quốc và dự kiến ở lại 4 ngày. Trước khi đến Quảng Châu, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết các cuộc gặp của ông tại Trung Quốc sẽ tập trung vào việc tìm hiểu “các cách để ngăn chặn sự xâm lược của Nga” và “vai trò có thể có của Trung Quốc trong việc đạt được một nền hòa bình bền vững và công bằng.”
Chuyến công du này diễn ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy chỉ trích chính quyền Trung Quốc và cáo buộc chính quyền này trợ giúp Nga phá hoại hội nghị hòa bình của ông ở Thụy Sĩ hồi tháng trước.
Tổng thống Ukraine đặc biệt chỉ trích ĐCSTQ vì đã không thực hiện lời hứa không trợ giúp cho các nỗ lực chiến tranh của Nga.
Ông Zelenskyy cho biết ông Tập đã hứa với ông rằng Bắc Kinh sẽ “đứng sang một bên và sẽ không trợ giúp vũ khí cho Nga” trong cuộc điện đàm hồi tháng 01/2023.
Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như hành động ngược lại.
Đề xướng hòa bình
Kyiv hiện đang hướng tới một hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế lần thứ hai vào tháng Mười Một, mà ông Zelenskyy cho biết ông mong muốn có “các đại diện của Nga” tham gia.
Vào ngày đánh dấu tròn một năm Nga bắt đầu xâm lược, Trung Quốc công bố kế hoạch “12 điểm” nhằm chấm dứt xung đột. Kế hoạch này kêu gọi đàm phán hòa bình và tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước nhưng không yêu cầu Moscow rút quân khỏi Ukraine hoặc lên án cuộc xâm lược. Ông Putin đã ca ngợi kế hoạch này, trong khi các quốc gia phương Tây phần lớn xem đó là một biện pháp nhằm câu thêm thời gian cho các hành động quân sự của Nga.
Gần đây hơn, Trung Quốc công bố “thỏa thuận sơ bộ chung” sáu điểm với Brazil, kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu được cả Nga và Ukraine công nhận để thảo luận về con đường giải quyết cuộc chiến này.
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times