Các nhà lập pháp từ 15 quốc gia kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công
Ngày 20/07 đánh dấu 25 năm kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch bức hại đối với nhóm tín ngưỡng này.
Theo một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ, hơn 130 nghị sỹ từ 15 quốc gia đang kêu gọi chính quyền cộng sản Trung Quốc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Trong một tuyên bố chung, các nghị sỹ cho biết họ “mạnh mẽ lên án 25 năm diễn ra cuộc áp bức nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.” Họ kêu gọi chính quyền Trung Quốc “chấm dứt ngay lập tức” cuộc bức hại kéo dài 25 năm qua và “phóng thích vô điều kiện tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ và các tù nhân lương tâm khác.”
Tuyên bố này được đưa ra bởi tổ chức Friends of Falun Gong (Những người bạn của Pháp Luân Công) được thành lập vào năm 2000 tại Hoa Kỳ. Ông Alan Adler, giám đốc điều hành của tổ chức bất vụ lợi này, cho biết trong một tuyên bố rằng nhóm “đang bảo trợ cho chiến dịch này nhằm giúp khuếch đại tiếng nói của những người mong muốn chứng kiến cuộc bức hại bất công này được chấm dứt.”
“Với những chữ ký này, chúng tôi cho thấy rằng mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể cố thực hiện tội ác trong bí mật, nhưng sự thật đã bị lộ ra ánh sáng rồi,” ông Adler nói. “Các thành viên nổi bật của cộng đồng quốc tế đang cùng nhau lên án tội ác phản nhân loại này, và chúng ta sẽ cùng nhau khôi phục tự do và công lý cho một nhóm tín ngưỡng bị hãm hại oan sai.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện bao gồm các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý chân, thiện, và nhẫn cùng các bài công pháp tĩnh tại. Năm 1992, môn tu luyện này được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc và trở nên vô cùng phổ biến, với ước tính chính thức thời điểm đó có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người đã theo học vào cuối thập niên này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem sự phổ biến của Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với sự cai trị độc tài của mình nên đã phát động chiến dịch “xóa sổ” môn tu luyện này vào ngày 20/07/1999. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ và vô số người đã bị sát hại.
Nhiều học viên Pháp Luân Công đã thiệt mạng bởi cuộc thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước Trung Quốc bảo trợ. Năm 2019, Tòa án độc lập điều tra Trung Quốc (China Tribunal), một tòa án nhân dân độc lập ở London, kết luận rằng chính quyền này đã cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm trong nhiều năm “trên quy mô lớn,” với nguồn nội tạng chính là từ các học viên Pháp Luân Công.
Tuyên bố chung viện dẫn một nghị quyết được Nghị viện châu Âu thông qua hồi tháng Một. Nghị quyết này kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về chiến dịch đàn áp tín ngưỡng của ĐCSTQ.
Kháng nghị quốc tế
Để đánh dấu 25 năm diễn ra cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với môn tu luyện này, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức các cuộc mít tinh và diễn hành ở các thành phố trên khắp thế giới trong tháng này, bao gồm ở Toronto và Vancouver, Canada; Đài Bắc, Đài Loan; Sydney và Melbourne, Úc; Osaka, Nhật Bản; Seoul, Nam Hàn; London; San Francisco; Los Angeles; Thành phố New York; và Hoa Thịnh Đốn.
Tại cuộc diễn hành ở Sydney hôm 18/07, Thượng nghị sỹ liên bang của New South Wales David Shoebridge cho biết đã đến lúc phải suy ngẫm xem liệu chính phủ Úc đã làm đủ để tăng cường luật pháp của mình “để bảo đảm rằng không ai đến từ Trung Quốc hoặc bất kỳ chế độ nào khác tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng phi đạo đức.”
Trong một tuyên bố, nghị sỹ Đảng Tự Do tiểu bang Victoria của Úc David Limbrick gọi sự kiện đánh dấu 25 năm này là “một ngày truyền tải nguồn cảm hứng.”
Ông nói: “Đảng Tự Do tin rằng các chính phủ khắp nơi nên làm nhiều hơn nữa để ghi nhận giai đoạn lịch sử áp bức này và bảo vệ quyền tự do cũng như tín ngưỡng của [các học viên Pháp Luân Công].”
Trong một tuyên bố, thành viên Thượng viện Nhật Bản Hiroshi Yamada gọi cuộc bức hại của ĐCSTQ là “man rợ và vô nhân đạo.” Ông nói rằng Tokyo nên “phản đối mạnh mẽ” với Bắc Kinh về cuộc bức hại này.
Trong một cuộc tập hợp ở Đài Bắc hôm 20/06, Ủy viên Hội đồng thành phố Đài Bắc của Đài Loan Hồng Kiến Nghĩa (Hung Chien-yi) đã kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng, nói rằng “nhân quyền là những giá trị phổ quát.”
Nghị sỹ Đảng Bảo Thủ Canada Michael Cooper đã chia sẻ trên nền tảng truyền thông xã hội X những bức ảnh chụp khi ông tham gia một cuộc diễn hành ở Edmonton.
“Bất kể sự tàn bạo của ĐCSTQ, [các học viên] Pháp Luân Công đã cho thấy sự kiên định phi thường. Canada phải tham gia cùng các đồng minh để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho tội ác diệt chủng của mình,” ông viết.
Thành viên Hạ viện Anh, Nam tước Cox, cho biết trong một tuyên bố: “Không một chính phủ nào lại đi sát hại công dân của mình chỉ vì đức tin của họ. Đây là điều không thể chấp nhận được trong thế giới ngày nay.”
Ông Engin Eroglu, một thành viên của Nghị viện Âu Châu, đã đăng trên X nói rằng dấu mốc 25 năm này sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở đến “tất cả những người ở Trung Quốc đã bị từ chối quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.”
Tại Hoa Kỳ, các nhà lập pháp lưỡng đảng từ Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về ĐCSTQ đã lên tiếng ủng hộ các học viên Pháp Luân Công.
“Tôi sẽ luôn ủng hộ tự do tôn giáo và nhân quyền chống lại các chế độ áp bức như ĐCSTQ,” Dân biểu Michelle Steel (Cộng Hòa-California) viết trong một bài đăng trên X.
“Là người Mỹ, cam kết của chúng tôi đối với tự do tôn giáo và nhân quyền ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) và trên toàn thế giới là không lay chuyển,” Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois), thành viên cấp cao của ủy ban, và Dân biểu Haley Stevens (Dân Chủ-Michigan), cùng bày tỏ trong một tuyên bố chung.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times