Bản kiến nghị toàn cầu mới kêu gọi các quốc gia hành động chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ
Giáo sư Wendy Rogers cho biết: ‘G7 có cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo trong vấn đề này.’
Các tổ chức nhân quyền đang kêu gọi G7 và các quốc gia khác hành động chống lại tội ác của chế độ cộng sản Trung Quốc đã cưỡng bức thu hoạch nội tạng các tù nhân lương tâm vẫn còn sống, đặc biệt là học viên Pháp Luân Công.
Theo tuyên bố ngày 22/07, Tổ chức Bác sỹ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn và Liên minh Quốc tế nhằm Chấm dứt Tình trạng Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC) đã phát động một bản kiến nghị toàn cầu nhằm phá vỡ “vạn lý tường thành im lặng do Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dựng lên xung quanh sự tàn bạo” của hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Tiến sỹ Torsten Trey, Giám đốc điều hành của DAFOH, cho biết trong một tuyên bố: “Sau hơn hai thập niên sát hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng trong một cuộc diệt chủng không ngừng nghỉ, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề cấp bách về lương tâm: liệu chúng ta sẽ tiếp tục im lặng và tiếp tay cho thủ phạm ở Bắc Kinh, hay chúng ta sẽ can đảm đứng lên và kiên quyết nói rằng không ai phải bị sát hại để bị lấy đi nội tạng, và không một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, được phép thoát khỏi tội ác phản nhân loại này.”
“Để nhân phẩm được tôn trọng trên thế giới này, chúng ta phải chấm dứt ngay hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Những cáo buộc về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công vẫn còn sống bị giam giữ trong các trại tập trung lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2006, bảy năm sau khi ĐCSTQ phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm xóa bỏ nhóm tín ngưỡng này vì lo sợ rằng sự phổ biến của môn tu luyện này sẽ đe dọa đến sự cai trị độc tài của họ.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, được truyền ra công chúng Trung Quốc vào năm 1992. Môn tu luyện này bao gồm các bài luyện công tĩnh chỉ cũng như các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Theo ước tính chính thức, ít nhất 70 triệu người đã tu luyện pháp môn này vào năm 1999.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, cuộc bức hại vẫn tiếp diễn không ngừng cho đến ngày nay, và hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động cũng như các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ và vô số người đã bị sát hại.
Kể từ năm 2015, Bắc Kinh đã tuyên bố chỉ lấy nội tạng từ những người hiến tặng tự nguyện, nhưng các nhà điều tra đã bác bỏ tuyên bố này. Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp san khoa học BMC Medical Ethics đã tìm thấy bằng chứng thuyết phục rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đã làm giả dữ liệu hiến tặng nội tạng.
Cũng trong năm 2019, Tòa án độc lập điều tra Trung Quốc (China Tribunal) có trụ sở tại London đã kết luận rằng chế độ này đã thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm trong nhiều năm “trên quy mô lớn,” với học viên Pháp Luân Công là nguồn nội tạng chính.
ĐCSTQ đã sử dụng quyền lực kinh tế và ngoại giao của mình để ngăn cản mọi người lên tiếng về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, Tiến sỹ Trey cho biết ĐCSTQ đã bắt đầu một “mạng lưới ảnh hưởng tinh vi” để ngăn chặn thông tin liên quan đến tội ác này đến được với công chúng.
Ngoài G7, bản kiến nghị cũng kêu gọi Argentina, Úc, Ấn Độ, Israel, Mexico, Nam Hàn, và Đài Loan hành động để giải quyết vấn đề này.
Bản kiến nghị nêu rõ các chính phủ nên “ban hành tuyên bố chung lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], kêu gọi chấm dứt ngay lập tức và thực hiện một kế hoạch hành động liên chính phủ.”
Theo bản kiến nghị, kế hoạch hành động này nên bao gồm các biện pháp bảo vệ công dân để tránh thực hiện cấy ghép ở Trung Quốc, cấm mọi trao đổi liên quan đến hoạt động cấy ghép với quốc gia này, và mở các phiên điều trần thường niên trước Nghị viện.
Hơn nữa, bản kiến nghị còn kêu gọi mở “các cuộc điều tra để xác định trách nhiệm giải trình đối với bất kỳ hành vi được thực hiện nhắm vào học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, và những người khác ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trái ngược với các điều khoản của Công ước Diệt chủng.”
“Thế giới phải ngừng nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác phản nhân loại đang xảy ra ở Trung Quốc. Những tù nhân lương tâm vô tội đã, và đang tiếp tục bị sát hại để lấy nội tạng của họ nhằm phục vụ cho mục đích cấy ghép,” bà Wendy Rogers, một giáo sư danh dự đến từ Đại học Macquarie của Úc và là chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quốc tế của ETAC, cho biết trong một tuyên bố.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times