Nhân viên viễn thông Florida bị buộc tội theo dõi học viên Pháp Luân Công và những người bất đồng chính kiến khác cho Bắc Kinh trong hàng thập niên
Cơ quan tình báo Trung Quốc đã chỉ thị một công dân Hoa Kỳ sinh ra tại Trung Quốc theo dõi những người Trung Quốc bất đồng chính kiến, các công ty Hoa Kỳ, và người chủ Hoa Kỳ của mình.
Các nhà chức trách Hoa Kỳ đã buộc tội một nhân viên viễn thông ở Florida vì đã theo dõi cộng đồng bị bức hại Pháp Luân Công và các những người Trung Quốc bất đồng chính kiến khác trong nhiều năm thay mặt cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một bản cáo trạng liên bang mới được công bố cho thấy.
Người đàn ông này, có tên Ping Li, là một công dân Hoa Kỳ nhập cư từ Trung Quốc. Trong hơn 13 năm, từ khoảng tháng 01/2012 đến tháng Bảy năm nay, ông Li bị cáo buộc đã làm việc với tư cách là đặc vụ hợp tác cho Bộ An ninh Nhà nước—cơ quan thu thập thông tin tình báo hàng đầu của Trung Quốc.
Theo yêu cầu của một quan chức của bộ này ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, người đàn ông 59 tuổi này đã thu thập thông tin cá nhân của những người Trung Quốc bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, các chính trị gia, và tổ chức bất vụ lợi của Hoa Kỳ, cũng như các học viên và người ủng hộ nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công mà chế độ này đã cố gắng tiêu diệt trong 25 năm qua bằng nhiều hình thức bức hại, tẩy não, và tra tấn.
Hôm 22/07, cảnh sát tư pháp liên bang đã bắt giữ ông Li. Ông đã ra hầu tòa lần đầu tiên vào hôm thứ Hai trước khi được tại ngoại. Nếu bị kết án, ông Li phải đối mặt với mức án lên tới 15 năm tù.
Vụ việc này đánh dấu hành động mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ trước nỗ lực vươn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đến Hoa Kỳ nhằm đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện tự cải thiện bản thân dựa trên các giá trị chân, thiện, và nhẫn.
Theo bản cáo trạng, với những hạn chế nghiêm ngặt về quyền truy cập thông tin qua Internet, các quan chức tình báo Trung Quốc thường xuyên dựa vào “các mối liên lạc hợp tác” ở ngoại quốc để có được thông tin nhạy cảm từ Hoa Kỳ và những quốc gia khác, và để đe dọa những người bất đồng chính kiến.
Tài liệu tòa án cho biết đây là khía cạnh mà ông Li, người đã nhiều lần làm việc cho một “công ty viễn thông lớn của Hoa Kỳ và một công ty công nghệ thông tin quốc tế,” đã đóng một vai trò nào đó.
Để liên lạc với quan chức tình báo Trung Quốc, ông Li đã tạo ra “nhiều” tài khoản thư điện tử với thông tin ghi danh giả mạo và dùng nhiều cách khác nhau để tránh bị cơ quan chấp pháp Hoa Kỳ phát hiện.
Theo tài liệu tòa án, trong số những gì ông Li gửi qua thư điện tử theo yêu cầu của quan chức ngoại quốc kia là tên và thông tin tiểu sử của một học viên Pháp Luân Công ở St. Petersburg, Florida, và thông tin chi tiết về hai tác giả người Israel đã viết một cuốn sách liên quan đến Pháp Luân Công, lần lượt vào tháng 08/2012 và tháng 04/2013.
Các công tố viên liệt kê ra 5 chuyến đi mà ông Li đã thực hiện tới Trung Quốc để gặp quan chức này.
Trong thập niên qua, ông được cho là đã chia sẻ thông tin liên quan đến các năng lực giám sát điện tử của chính phủ Hoa Kỳ và những hoạt động của các tổ chức bất vụ lợi của Hoa Kỳ. Theo bản cáo trạng, hồi năm 2017, ông ta cũng đã lập một kế hoạch hướng dẫn đào tạo cho quan chức này và tải lên một tài khoản thư điện tử Trung Quốc, yêu cầu quan chức này xóa tệp sau khi đọc.
Ông ta được cho là đã cung cấp thông tin chi tiết về những công ty thuê mướn ông hai lần theo yêu cầu. Một lần là về văn phòng chi nhánh mới mở của một “công ty viễn thông lớn của Hoa Kỳ” mà bản cáo trạng không nêu tên, vào tháng 03/2015. Lần thứ hai là vào tháng 03/2022, với các tài liệu đào tạo về an ninh mạng từ nơi làm việc mới của ông ta, một công ty công nghệ thông tin quốc tế.
Tháng 05/2021, quan chức Trung Quốc này đã yêu cầu thông tin về các sự kiện xâm nhập mạng nhắm vào các công ty Hoa Kỳ, trong đó có vụ được công bố rộng rãi do nhà nước Trung Quốc chỉ đạo xâm nhập mạng một công ty lớn của Hoa Kỳ. Theo đơn kiện, ông Li phúc đáp bằng cách gửi thông tin về phản ứng của chính phủ Hoa Kỳ.
Tháng 06/2022, vị quan chức này đã yêu cầu ông Li giúp xác định vị trí của một người Trung Quốc đã trốn sang Hoa Kỳ, bị tình báo Trung Quốc nghi ngờ có địa chỉ cư trú tại Hoa Kỳ. Ông Li được cho là đã trả lời cùng ngày với thông tin chi tiết về những người chủ của địa chỉ đó.
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times