Sinh viên Anh quốc được cảnh báo về chiến thuật chiêu dụ của gián điệp Trung Quốc
Một chuyên gia tình báo cho biết những sinh viên và nhà nghiên cứu tập trung vào sự nghiệp có thể trở thành mục tiêu của các đặc vụ ngay cả khi họ không cho rằng bản thân sở hữu thông tin nào có giá trị.
Một chuyên gia tình báo và an ninh cảnh báo rằng các sinh viên và nhà nghiên cứu người Anh không không chút mảy may ngờ vực đã trở thành mục tiêu của gián điệp Trung Quốc và cuối cùng có thể “vô tình làm việc cho đối thủ” mà không hề hay biết.
Ông Anthony Glees, giáo sư danh dự tại Đại học Buckingham cho biết, các đặc vụ của chế độ cộng sản đã để mắt tới những sinh viên đầy triển vọng, những người có khả năng sẽ “trở thành người ra quyết định, và ở một vị trí mà sẽ nắm giữ thông tin tình báo bí mật để truyền tới Trung Quốc.”
Cảnh báo này được đưa ra khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các nhà ngoại giao hôm thứ Sáu (29/12) rằng họ cần thuyết phục dư luận ngoại quốc ủng hộ chính quyền Trung Quốc bằng ngôn ngữ và phương pháp hợp lý hơn trong khi xây dựng một “đội quân sắt” trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và không tránh né việc tranh đấu.
Mô tả khái niệm mà ông gọi là “kỹ thuật gián điệp truyền thống của cộng sản,” ông Glees nói với The Sun rằng các điệp viên sẽ “kết bạn với những sinh viên cô đơn” chăm chỉ, dẫn dụ họ đến Trung Quốc và biến họ trở thành đầu mối thông tin có giá trị.
Theo báo cáo được công bố hôm thứ Bảy (30/12), chuyên gia này cho biết các trường đại học hàng đầu của London là nơi săn lùng chính của các điệp viên Trung Quốc, và các Viện Khổng Tử cũng vậy. Các viện này là nơi chuyên thu hút nhóm sinh viên quan tâm đến văn hóa Trung Quốc.
Trong khi các mục tiêu lớn nhất thường là những sinh viên và nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực nhạy cảm như viễn thông và phát triển vũ khí, những “người Anh ngây thơ” khác không tin rằng kiến thức của họ đặc biệt hữu dụng cũng có thể trở thành nạn nhân của các điệp viên Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một “bức tranh tình báo phong phú của Vương quốc Anh,” ông cảnh báo.
“Một trong những điều cụ thể mà họ muốn là tìm hiểu mọi thứ về những người có thể là đối thủ hoặc sẽ đối địch với Trung Quốc trong tương lai gần, và việc đó bao gồm cả Vương quốc Anh và những điều có thể khiến chúng ta cảm thấy hoàn toàn không liên quan đến Trung Quốc,” ông nói.
Ông Glees cảnh báo rằng các mục tiêu sẽ bị thu hút bằng quà tặng, mỹ nữ, hoặc các chuyến du lịch văn hóa tới Trung Quốc, cũng như những lời xu nịnh và cả tiền mặt.
“Họ nói với những người này rằng họ đang thực hiện các nghiên cứu tuyệt vời được quan tâm nhiều nhất và đó là một sức hút rất mạnh mẽ,” ông Glees nói, đồng thời cho biết thêm rằng gần đây, Bắc Kinh đã thu hút các nhà nghiên cứu đến Trung Quốc bằng các ưu đãi tiền mặt.
“Điều xảy ra là sự thành công của quý vị với tư cách là một nhà nghiên cứu bắt đầu phụ thuộc vào tiền bạc cũng như sự hợp tác với Trung Quốc,” ông nói. “Do đó, những chiến thuật này khá tinh vi.”
Một khi các mục tiêu đến Trung Quốc, họ sẽ được chiêu đãi đồ uống đắt tiền và được những giai nhân chào đón trong khi các đặc vụ khác làm việc để thu thập thông tin hữu ích.
Ông Glees mô tả: “Và người Anh sẽ cung cấp thông tin mà đối với họ dường như hoàn toàn vô dụng hoặc hiển nhiên, nhưng hoàn toàn phù hợp với trò chơi ghép hình của Trung Quốc mà bên đó cần.”
Miêu tả một quá trình phức tạp, ông Glees cảnh báo không nên chủ quan vì đất nước do cộng sản cai trị này “là đối thủ của chúng ta và là địch thủ tiềm tàng của chúng ta.”
Ông nói: “Cơ hội đối với họ là nguy cơ đối với chúng ta, và chúng ta cần hiểu được điều đó để có hành động phù hợp.”
“Quý vị không cần phải cường điệu để thấy làm thế nào lại có mối tương quan trực tiếp giữa một sinh viên người Anh đang làm việc trong ngành kỹ thuật, có thể là kỹ sư, ở độ tuổi hai mươi, người mà mười năm sau đã tìm được một công việc và tạo cơ hội [cho người Trung Quốc] tiếp cận được bí mật hạt nhân,” ông nói.
Ông nói thêm: “Những nhóm gián điệp này có thể gây ảnh hưởng rất lớn vì mọi người không biết rằng họ đang vô tình làm việc cho đối thủ.”
Cảnh báo được đưa ra sau khi MI5 cho biết các đặc vụ Trung Quốc đã nhắm đến ít nhất 20,000 người Anh trên các trang web như LinkedIn để lấy thông tin.
Các nghị viên Anh đã bị một phen bất ngờ vào đầu năm nay sau khi có thông tin tiết lộ rằng, vào tháng Ba cảnh sát đã bắt giữ một nhà nghiên cứu trong Quốc hội có nhiều mối quan hệ tốt và một người đàn ông khác vì nghi ngờ phạm tội theo mục 1 của Đạo luật Bí mật Chính thức (Official Secrets Acts) năm 1911. Những người này đã được cho tại ngoại cho đến tháng 01/2024.
Người ta phát hiện ra rằng nhà nghiên cứu này đã được một nghị viên cao cấp thuê. Đây là một nghị viên bị ĐCSTQ trừng phạt và đã giúp định hình chính sách Trung Quốc của Vương quốc Anh. Nhà nghiên cứu này đã bác bỏ các cáo buộc chống lại mình thông qua luật sư.
Vương quốc Anh cũng như các quốc gia phương Tây khác đã ngày càng cảnh giác hơn trước các mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra kể từ khi COVID-19 lan rộng trên toàn cầu sau sự che đậy của ĐCSTQ và khi chế độ này siết chặt sự kiểm soát đối với Hồng Kông.
Năm ngoái, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố cái gọi là “kỷ nguyên vàng” của mối bang giao Trung-Anh đã kết thúc, nhưng một báo cáo công bố hồi đầu năm nay đã chỉ trích chính phủ hành động quá muộn để giải quyết những rủi ro do ĐCSTQ gây ra.
Báo cáo cho biết Vương quốc Anh nằm trong danh sách các mục tiêu gián điệp và can thiệp của Bắc Kinh, do ảnh hưởng toàn cầu và mối bang giao của quốc gia này với Hoa Kỳ. Báo cáo cũng cho rằng phản ứng của chính phủ Anh đối với các rủi ro là “hoàn toàn không thỏa đáng.”
Trò chuyện với các nhà ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu (29/12), ông Tập nói tại một hội nghị ở Bắc Kinh rằng họ đã phải chịu áp lực kể từ đại dịch COVID-19 khi “các thế lực bên ngoài” leo thang nỗ lực “đàn áp và kiềm chế.”
Lãnh đạo ĐCSTQ nói với các nhà ngoại giao rằng họ cần phải “kết bạn,” nhằm chiếm được trái tim và tâm trí của người dân cũng như của các chính trị gia, đồng thời sử dụng công cụ của “Mặt trận Thống nhất” để giành được sự ủng hộ của quốc tế.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times