Hoạt động gián điệp của ĐCSTQ bành trướng khắp mọi nơi
Những người làm gián điệp cho Trung Quốc dường như đang hoạt động sôi nổi hơn bình thường.
Một người được cho là kẻ trộm công nghệ đến từ Trung Quốc đã bị bắt ở California hôm 06/02. Ông ta bị cáo buộc đã sao chép hàng nghìn tệp trong máy điện toán thuộc về người chủ cũ của mình — một nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ chuyên về theo dõi phi đạn — và mưu toan tiết lộ thông tin đó cho “các chương trình nhân tài” của Trung Quốc trong ba năm trở thành công dân Hoa Kỳ.
Cùng ngày, có tin tức về gián điệp mạng của Trung Quốc ở Hà Lan, được cho là đã đột nhập vào mạng lưới quốc phòng của nước này. Các tin tặc đã chèn phần mềm độc hại vào hệ thống máy điện toán và ám chỉ đến truyện ngắn của ông Roald Dahl, “Lamb to the Slaughter” (Chiếc đùi cừu Sát nhân) trong đó một người vợ sát hại người chồng không mảy may ngờ vực của mình. Trong một báo cáo, tình báo Hà Lan lưu ý rằng “vụ việc này không phải là một trường hợp cá biệt, mà là một phần của xu hướng gián điệp chính trị rộng lớn hơn của Trung Quốc nhắm vào Hà Lan và các đồng minh của nước này.” Trước đây, Hà Lan đã lên án Trung Quốc vì có hoạt động gián điệp công nghiệp nhằm vào các trường đại học và công ty của Hà Lan, bao gồm cả việc mua lại công nghệ in thạch bản bán dẫn và không gian.
Một phần trong hoạt động gián điệp phổ biến nhất của chính quyền Trung Quốc là ở Canada. Cuối cùng thì những lo ngại ở đó cũng đã truyền đến tai các phương tiện truyền thông toàn cầu, khi mà The Economist đưa tin về các cáo buộc can thiệp bầu cử đã giúp nhiều người theo chủ nghĩa thiên tả lên nắm quyền, trong đó có Thủ tướng Justin Trudeau. Cáo buộc can thiệp này đã cản trở các chiến dịch bầu cử của những người theo phái bảo tồn truyền thống, trong đó có cựu Thành viên Quốc hội Michael Chong, người đã lên án hành vi đàn áp nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Hôm 07/02, có tin tức về các cáo buộc mới đối với một người được cho là gián điệp Trung Quốc làm việc cho một công ty cấp nước của Canada nghiên cứu các vật liệu pin. Cảnh sát Canada cáo buộc rằng công dân Trung Quốc này “đã cung cấp thông tin về công ty công ích này cho một trường đại học Trung Quốc và các trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc, chưa kể ông ta còn xuất bản các bài báo khoa học và nộp các bằng sáng chế cho họ chứ không phải cho công ty dịch vụ công ích này,” theo truyền thông Canada. Một người bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc tên là Cameron Ortis làm việc trong lực lượng cảnh sát Canada, và theo một sĩ quan, người này “đã trù định chuyển thông tin được bảo vệ” cho ít nhất một quan chức Trung Quốc. Hôm 07/02, ông này bị kết án 14 năm vì đã tiết lộ bí mật nhà nước.
Theo một bài báo hôm 01/02 trên tờ The Guardian, năm 2017 ước tính có khoảng 5,000 gián điệp Trung Quốc tại Đài Loan khiến nước này phải tăng cường hành động chấp pháp chống lại hoạt động gián điệp. Vấn đề khiến người ta bàn ra tán vào đó là liệu điều này là do cơ chế thực thi pháp luật có cải thiện hơn hay là do có nhiều gián điệp hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào dấu hiệu gia tăng tổng thể trong hoạt động gián điệp của nhà cầm quyền [Trung Quốc], thì câu trả lời hẳn nhiên là vế sau. Những người bị kết án hoặc bị cáo buộc hoạt động gián điệp ở Đài Loan bao gồm một số quan chức quân sự và chính trị gia cấp cao của nước này, các sĩ quan trong đội bảo vệ tổng thống, cũng như các nhóm thiểu số những người đến từ Trung Quốc được Bắc Kinh tuyển dụng để do thám những người khác trong nhóm của họ. Những người này gồm có người Mông Cổ và người Tây Tạng.
Trong vài năm qua, cá nhân tôi đã nghe những câu chuyện về việc người Duy Ngô Nhĩ được chiêu mộ ở các quốc gia khác để do thám lẫn nhau, còn ở Vương quốc Anh, thì tôi lại nghe được những câu chuyện về việc theo dõi các quan chức đại sứ quán và đe dọa cư dân Tây Tạng.
Hôm 07/02, xuất hiện một báo cáo về căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ về việc Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc dự định gửi một tàu do thám đến “sân sau” của New Delhi ở Maldives. Các chuyên gia cho rằng con tàu này sẽ tiến hành hoạt động gián điệp hải dương học quan trọng cho chiến tranh tàu ngầm. Điều này có thể bao gồm lập bản đồ khoa học về đáy biển, cũng như theo dõi sóng trên mặt biển và dưới biển, dòng chảy, thủy triều, cũng như các nỗ lực phát hiện những dấu hiệu âm thanh từ tàu đối phương.
Trung Quốc đã mở một trạm mới ở Nam Cực mà các chuyên gia cảnh báo có thể sẽ được sử dụng để thu thập thông tin tình báo về hải quân, viễn trắc hỏa tiễn, và tín hiệu (SIGINT) ở các quốc gia lân cận, bao gồm cả ở các nước đồng minh của Hoa Kỳ là New Zealand và Úc, nơi có các cơ sở không gian quan trọng. Dẫu rằng Nam Cực được cho là không được sử dụng cho mục đích quân sự theo một thỏa thuận năm 1961 mà Trung Quốc đã ký kết, nhưng gần như chắc chắn rằng năm căn cứ của Trung Quốc ở đó đang được sử dụng cho chính xác là mục đích này. Căn cứ mới này sẽ bao gồm một trạm vệ tinh mặt đất có khả năng quân sự lưỡng dụng.
Những gián điệp làm việc cho Trung Quốc đến từ mọi chủng tộc và sắc tộc, như những điều ở trên đã thể hiện quá rõ. Nhưng là hợp lý khi đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ dữ liệu khỏi những công dân Trung Quốc và bất kỳ ai thuộc bất kỳ sắc tộc nào có quan hệ sâu rộng với Trung Quốc, bao gồm cả gia đình thân thiết hoặc các khoản đầu tư ở Trung Quốc. Điều này bao gồm tất cả những người trong cộng đồng khoa học gia và sinh viên STEM là công dân Trung Quốc cho đến các CEO là công dân Hoa Kỳ điều hành các công ty như Apple có hoạt động bán hàng và sản xuất rộng rãi tại Trung Quốc.
Chính phủ Hoa Kỳ đang lâm vào cảnh khó khăn với tính đúng đắn chính trị và những nhầm lẫn về việc đánh đồng những người Mỹ gốc Hoa, những người cần được bảo vệ trước mọi thành kiến phát sinh từ căng thẳng Mỹ-Trung (có rất nhiều), với các công dân và công ty Trung Quốc, những cá nhân và tổ chức vốn được Bắc Kinh quy định theo pháp luật là phải hợp tác khi được các cơ quan tình báo đề nghị làm như vậy.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times