Trung Quốc mở rộng phạm vi của luật bảo vệ bí mật nhà nước để thúc đẩy an ninh quốc gia
Điều khoản mới liên quan đến ‘các bí mật về công việc’ có thể gây ra nhiều bất ổn hơn cho doanh nghiệp ngoại quốc tại Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc đã sửa đổi luật bảo vệ bí mật nhà nước để mở rộng phạm vi thông tin mà chính quyền này cho là nhạy cảm, điều mà một số chuyên gia cho rằng có thể gây ra nhiều bất ổn hơn cho các doanh nghiệp ngoại quốc đang hoạt động tại nước này.
Chính quyền này đã thảo luận về những thay đổi đối với “Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước” trong nhiều tháng, và phiên bản cuối cùng của luật này đã được công bố hôm thứ Ba (27/02) sau khi được cơ quan lập pháp bù nhìn cấp cao nhất của Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, thông qua. Lãnh đạo cao nhất của chính quyền này, ông Tập Cận Bình, đã ký một sắc lệnh thông qua sửa đổi luật bảo vệ bí mật nhà nước, sẽ có hiệu lực vào ngày 01/05.
Bản sửa đổi luật bảo vệ bí mật nhà nước này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục tập trung vào an ninh quốc gia làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng các nhà đầu tư và nhà lập pháp ngoại quốc. Trong ba năm qua, Trung Quốc đã đưa ra bộ luật kiểm soát dữ liệu sâu rộng và mở rộng luật chống gián điệp trong khi cơ quan tình báo hoạt động ngầm của nước này công khai kêu gọi người dân cảnh giác trước các gián điệp ngoại quốc.
Những thay đổi trong luật bảo vệ bí mật nhà nước bao gồm việc đưa ra một khái niệm mới gọi là “các bí mật về công việc.” Theo nội dung văn bản được công bố trực tuyến của luật này, khái niệm này được định nghĩa một cách chung chung là thông tin mà “không phải là các bí mật nhà nước nhưng sẽ gây ra tác động bất lợi nhất định nếu bị rò rỉ.” Điều luật này quy định rằng các quy tắc cụ thể nói về cách quản lý “các bí mật về công việc” sẽ được cung cấp riêng, mà không đưa ra bất kỳ mốc thời gian nào.
Theo Tân Hoa Xã, một quan chức của Cơ quan quản lý Quốc gia về Bảo vệ Bí mật Nhà nước nói với các phóng viên rằng sửa đổi này cũng “quy định một cách rõ ràng về quyền quản lý bí mật của Đảng trong bộ luật này.”
Quan chức ẩn danh này mô tả sự thay đổi pháp lý mới nhất này là cần thiết, cho rằng phát triển công nghệ và những thay đổi liên quan đến tình hình trong và ngoài nước đã mang đến “những thách thức mới” trong việc bảo vệ các bí mật nhà nước.
Sửa đổi luật này cũng được đưa ra sau khi một kho tài liệu khổng lồ gồm hơn 500 tài liệu từ một nhà thầu an ninh mạng Trung Quốc, I-SOON, bị rò rỉ trên mạng, khiến các hoạt động gián điệp mạng trên toàn thế giới của chính quyền này bị giám sát chặt chẽ.
Bản sửa đổi luật này “cho thấy một khía cạnh khác rằng xã hội Trung Quốc hiện đang vô cùng bất ổn. Đó là lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn nói về ‘các thế lực thù địch ngoại bang,’” ông Diêu Thành (Yao Cheng), một cựu trung tá trong quân đội Trung Quốc, nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống của The Epoch Times.
Ông nói thêm: “Họ muốn tăng cường quyền kiểm soát đối với toàn bộ xã hội thông qua luật bảo vệ bí mật nhà nước.”
Rủi ro gia tăng đối với các công ty ngoại quốc
Đây là lần thứ hai Bắc Kinh sửa đổi luật bảo vệ bí mật nhà nước kể từ khi luật này được ban hành hồi năm 1988. Bản sửa đổi trước đó, được thông qua hồi năm 2010, đã bị chỉ trích vì định nghĩa mơ hồ về những gì cấu thành nên bí mật nhà nước.
Một số nhà phân tích Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng điều khoản mới liên quan đến “bí mật công việc” có thể làm tăng rủi ro cho các cá nhân tiến hành kinh doanh tại Trung Quốc.
“Kêu gọi bảo vệ những tài liệu này … có thể dẫn đến việc xác định quá mức ‘các bí mật về công việc’, gây tổn hại đến quyền được biết của công chúng và khiến nhân viên gặp thêm rủi ro,” ông Jeremy Daum, một học giả nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai thuộc Trường luật Yale, nói trong một bài xã luận đăng trên trang web của mình, China Law Translate (Giải thích Luật Trung Quốc).
Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã trấn áp các công ty ngoại quốc, bao gồm cả việc đột kích các văn phòng tư vấn quản lý và phạt họ những khoản tiền lớn.
Năm ngoái, công an Trung Quốc đã bắt giữ 5 nhân viên địa phương của Mintz, một công ty chuyên thẩm định doanh nghiệp của Hoa Kỳ, và đóng cửa văn phòng của công ty này ở Bắc Kinh. Nhà chức trách cũng chính thức bắt giữ một giám đốc của hãng dược phẩm Nhật Bản Astellas vì nghi ngờ làm gián điệp.
Hồi tháng Một, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận rằng năm 2022, một công dân Anh đã bị kết án 5 năm tù vì các cáo buộc hoạt động gián điệp.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times