Luật chống gián điệp mới của Bắc Kinh khiến người Nhật ở Trung Quốc lo ngại
Luật chống gián điệp mới do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra hôm 01/07 đã làm dấy lên mối lo ngại rộng rãi trong cộng đồng nhân viên của các công ty ngoại quốc tại Trung Quốc do định nghĩa về hoạt động gián điệp được mở rộng. Một khảo sát cho thấy hơn một nửa các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc bày tỏ lo ngại về các hoạt động trong tương lai của họ ở đất nước này.
Hồi tháng Bảy, tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản đã khảo sát 118 công ty Nhật Bản tại Trung Quốc về tác động của luật chống gián điệp mới của ĐCSTQ đối với các công ty Nhật Bản. Tổng cộng có 88 công ty đã trả lời khảo sát.
Kết quả cuối cùng được công bố hôm 11/08 cho thấy trong số 88 công ty này, 15 công ty “rất lo lắng” và 48 công ty “hơi lo lắng” về luật chống gián điệp. Tổng tỷ lệ công ty trả lời lo lắng là 53.4%.
Chỉ có 11 công ty được hỏi, tương đương 9.3%, là “không quá lo lắng.” Tuy nhiên, một số công ty “không quá lo lắng” vẫn chưa bắt đầu các hoạt động của họ tại Trung Quốc. Điều này có thể cho thấy họ chưa biết rõ về chế độ này. 14 công ty, tương đương 11.9%, đã chọn “khác” và không có công ty nào chọn “không hề lo lắng.”
Cuộc khảo sát cho thấy 86 trong số 88 công ty đã thực hiện các biện pháp để đối phó với luật chống gián điệp. Nhiều người đã cảnh báo nhân viên của họ ở Trung Quốc và những người đi công cán biết về luật mới này. Các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc lo ngại về nguy cơ nhân viên của họ bị bắt giữ tùy tiện trong cuộc sống hàng ngày và khi đi công cán.
Luật mới mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp. Trước đây, định nghĩa pháp lý về hoạt động gián điệp tập trung vào việc tiết lộ cái gọi là bí mật nhà nước và thông tin tình báo. Phiên bản mới đã mở rộng định nghĩa để bao gồm các tài liệu, dữ liệu, thông tin và các mục liên quan đến an ninh quốc gia, cũng như xúi giục, lôi kéo, ép buộc, hoặc hối lộ công chức nhà nước.
Ngoài ra, luật này không đưa ra định nghĩa cụ thể về an ninh quốc gia hay bí mật quốc gia, do đó, nhiều nhà quản lý công ty Nhật Bản ở Trung Quốc lo lắng rằng ĐCSTQ sẽ sử dụng cáo buộc gián điệp để tùy tiện giam giữ nhân viên của họ trong tương lai, trong khi mối bang giao giữa hai nước ngày càng căng thẳng.
Theo luật chống gián điệp ban đầu được thông qua hồi năm 2014, tổng cộng 17 công dân Nhật Bản đã bị giam giữ và 9 người trong số họ đã bị kết án chính thức. 11 người đã được trả tự do sau khi bị cầm tù tùy tiện hoặc hoàn thành bản án của họ, và một người qua đời trong tù. Hiện tại có năm công dân Nhật Bản đã bị ĐCSTQ giam giữ hoặc đang thụ án trong tù.
Chính quyền Trung Quốc luôn tổ chức các phiên tòa kín. Vẫn chưa rõ những công dân Nhật Bản này đã vi phạm luật nào hoặc liệu họ có thực sự tham gia hoạt động gián điệp hay không.
‘Điệp viên Nhật Bản’ mô tả các hành vi vi phạm nhân quyền
Ông Eiji Suzuki đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp và bị bỏ tù sáu năm. Hồi tháng Hai, ông đã tham dự một phiên điều trần tại Quốc hội Nhật Bản do các nhà lập pháp vốn lo ngại về các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc thuộc mọi giới chính trị tổ chức. Ông Suzuki đã chia sẻ kinh nghiệm của mình và kêu gọi chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
Ban đầu, ông Suzuki khá thân thiết với các quan chức Trung Quốc, thậm chí còn nghiên cứu về chính trị và các mối bang giao của Trung Quốc. Ông có mối quan hệ thân thiết với ông Trương Hương Sơn (Zhang Xiangshan), cựu phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Trung ương của ĐCSTQ kiêm phó chủ tịch Hội Hữu nghị Trung Quốc–Nhật Bản.
Vào thời điểm ông Suzuki bị bắt hồi năm 2016, ông đã đến Trung Quốc hơn 200 lần và giữ chức chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Thanh niên Nhật Bản–Trung Quốc.
Hồi tháng 07/2016, ông Suzuki bất ngờ bị sáu nhân viên an ninh nhà nước Trung Quốc bắt giữ tại Phi trường Quốc tế Bắc Kinh vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Ông đã bị giam tại một địa điểm cách biệt và ngột ngạt, đồng thời bị thẩm vấn suốt bảy tháng.
Ông Suzuki nói rằng căn phòng mà ông bị giam giữ không có đồng hồ, không có giấy bút, không có TV, thậm chí không có nhà vệ sinh hay vòi tắm, rèm cửa luôn được khép lại và đêm nào ông cũng ngủ khi đèn bật sáng.
Ông nhớ lại rằng một lần ông đã cầu xin lính canh cho ông nhìn thấy chút ánh sáng mặt trời và chỉ được phép ra ngoài cửa sổ trong 15 phút. Sau đó, ông Suzuki đã bị kết án sáu năm tù.
Tháng 10/2022, ông được trả tự do và trở về Nhật Bản.
Ông Suzuki được cho là bị bắt vì đã hỏi một quan chức ĐCSTQ về Bắc Hàn và một số việc khác. Khi truyền thông Nam Hàn đưa tin rằng ông Jang Song-thaek, con rể của ông Kim Jong-il, bị xử tử, chỉ vì hiếu kỳ, ông Suzuki đã hỏi một quan chức Trung Quốc về những gì đã xảy ra. Vị quan chức này trả lời rằng ông ấy không chắc chuyện gì đã xảy ra. Đây được cho là bằng chứng về việc thu thập thông tin tình báo bất hợp pháp của ông Suzuki. Ông cảm thấy không thể hiểu nỗi việc ông bị cáo buộc một tội vô lý như vậy. Ông nói rằng trong tương lai, những người khác có thể bị ĐCSTQ đối xử giống như thế và ông kêu gọi chính phủ Nhật Bản bảo vệ công dân của mình ở Trung Quốc.
Thật không may, một tháng sau tuyên bố công khai của ông Suzuki, một giám đốc điều hành Nhật Bản khác đã bị cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc bắt giữ tại Bắc Kinh. Hồi tháng Ba, một giám đốc điều hành người Nhật của Astellas Pharma tại Trung Quốc đã bị cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc bắt giữ trước khi hoàn thành thời hạn làm việc và trở về Nhật Bản. Ông là một giám đốc điều hành cao cấp ở độ tuổi 50 và trước đây ông là thành viên của Phòng Thương mại Trung Quốc–Nhật Bản.
Nhiều doanh nhân Nhật Bản ở Trung Quốc nhận ra rằng bất kỳ ai cũng có thể bị bắt vì bất kỳ lý do gì. Theo NHK, một cư dân Nhật Bản ở Bắc Kinh cho biết rất khó đối phó với sự bất định về việc chính xác điều gì tạo thành một hành vi vi phạm luật chống gián điệp và cách khuyên nhân viên đề phòng.
Chính phủ kêu gọi thận trọng khi đến thăm Trung Quốc
Sau khi luật chống gián điệp mới của Trung Quốc được thực thi, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo trên trang web của mình rằng bất kỳ hành vi nào được xem là “gây tổn hại đến an ninh quốc gia” ở Trung Quốc đều có thể bị điều tra theo luật mới. Cảnh báo này bao gồm cả những nguy cơ bị cơ quan an ninh nhà nước giam giữ tùy tiện và nhận các cáo buộc và bản án bất công. Nhật Bản đang khuyên công dân của mình nên thận trọng khi đến Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đưa ra các ví dụ cụ thể về những gì có thể tạo thành tội gián điệp dựa trên các trường hợp trong quá khứ, chẳng hạn như tham gia các hoạt động tôn giáo ở những địa điểm không được phép, tham gia vào các cuộc điều tra thống kê, khảo sát học thuật, khảo sát địa chất, và khảo sát khảo cổ mà không được phép. Bộ này cũng cảnh báo rằng ở Trung Quốc, điện thoại di động, máy điện toán, và các thiết bị điện tử khác có thể bị giám sát, cũng như khi sử dụng mạng xã hội và thư điện tử.
Một công ty tư vấn có trụ sở tại Tokyo cho biết họ nhận được vô số câu hỏi từ các công ty có nhân viên người ngoại quốc ở Trung Quốc về luật chống gián điệp của chính quyền, bao gồm cả cách cảnh báo nhân viên và khách doanh nhân ở Trung Quốc. Nhiều công ty đang cân nhắc hủy bỏ các vụ sự kiện kinh doanh ở Trung Quốc và giảm số lượng nhân viên làm việc tại quốc gia này, đặc biệt là sau vụ bắt giữ giám đốc điều hành Astellas Pharma hồi tháng Ba. Công ty khuyên mọi người nên hành động theo lời khuyên về an toàn du lịch do chính phủ Nhật Bản đưa ra hồi tháng Sáu.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times