Nhận định của chuyên gia: Trung Quốc-Belarus tập trận gần biên giới NATO làm dấy lên cảnh báo, kéo các các đồng minh của Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn
Cuộc tập trận quân sự chung giữa Trung Quốc và Belarus, được tiến hành gần biên giới với Ba Lan, một thành viên NATO, đã bắt đầu hôm 08/07. Hành động này được xem là sự khiêu khích của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với NATO.
Các chuyên gia Đài Loan nhận định rằng đó là một chiến lược thiếu khôn ngoan và chỉ khiến Hoa Kỳ cũng như các đồng minh NATO cảnh giác, làm cho họ xích lại gần nhau hơn.
Hôm 10/07, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm 32 thành viên đã ban hành Tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh Hoa Thịnh Đốn. Tuyên bố này lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga và chỉ trích ĐCSTQ là một “nhân tố quyết định” cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine, làm suy yếu trật tự quốc tế, và thách thức các lợi ích, an ninh, và các giá trị của NATO.
Một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc, quân đội Trung Quốc và Belarus đã bắt đầu một cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày tại Brest, Belarus. Cuộc tập trận có tên “Hùng ưng Đột kích 2024” (Eagle Assault 2024) này diễn ra tại bãi tập trượt tuyết Brest, cách Ba Lan chưa đầy hai dặm (3 km) và cách Ukraine 17 dặm (27 km).
“Cuộc tập trận giữa Belarus và Trung Quốc này cho thấy Trung Quốc đang ngày càng tiến sát NATO ở châu Âu hơn bao giờ hết, cũng như ở châu Phi, Bắc Cực, và những nơi khác,” Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm 12/07, sau hội nghị thượng đỉnh NATO. Ông mô tả các cuộc tập trận này là “biểu hiện cho sự hợp tác giữa các chế độ độc tài” ủng hộ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.
Sau khi Belarus tham gia vào các sáng kiến này, nước này và Trung Quốc đã có sự tăng trưởng nhanh chóng trong cả thương mại lẫn hợp tác chính trị quốc tế. Các cuộc tập trận quân sự chung gần đây càng nổi bật thêm liên minh này và chứng minh Belarus có vai trò chiến lược trong việc cung cấp cho Trung Quốc chỗ đứng ở Đông Âu để có thể trực tiếp ngăn chặn các lực lượng NATO.
Từ ngày 14 – 17/07, ĐCSTQ và Nga đã tổ chức một cuộc tập trận chung trên biển ở Biển Đông, bao gồm phòng không, tác chiến chống tàu ngầm, và các hoạt động cứu hộ trên biển. Nhân vật truyền thông cấp cao và là nhà bình luận quân sự Kỳ Nhạc Nghĩa (Qi Leyi) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng các cuộc tập trận đồng thời này ở Châu Á-Thái Bình Dương và Châu Âu nhằm mục đích chống lại việc điều động chiến lược do Hoa Kỳ lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Kỳ cho biết: “Mỗi bước đi trong chiến lược của ĐCSTQ đều chứng minh rằng phán đoán của Hoa Kỳ và châu Âu là đúng đắn: ĐCSTQ là một nguồn đe dọa.”
Hoa Kỳ và NATO đưa ra cảnh báo
Hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây tại Hoa Thịnh Đốn đã nhấn mạnh cam kết của tổ chức này trong việc nâng cao nhận thức tập thể, tăng cường năng lực phục hồi, và chuẩn bị cho các mối đe dọa tiềm tàng từ ĐCSTQ.
Ông Stoltenberg nói trong cuộc họp báo bế mạc hôm 11/07: “Trung Quốc đã trở thành nhân tố quyết định trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Thông qua mối quan hệ đối tác không giới hạn và viện trợ cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga. Điều này bao gồm việc chuyển giao các vật liệu lưỡng dụng như các linh kiện vũ khí, thiết bị, và nguyên liệu thô. Chúng tôi đồng ý rằng Trung Quốc không thể tiếp tục tiếp sức cho cuộc xung đột quân sự lớn nhất ở châu Âu mà không ảnh hưởng đến lợi ích và danh tiếng của Bắc Kinh.”
Cùng ngày, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: “Chúng ta phải bảo đảm ông Tập [Cận Bình] hiểu rằng việc làm suy yếu cả khu vực Thái Bình Dương và châu Âu, cũng như có mối quan hệ với Nga và đối phó với Ukraine đều sẽ phải trả giá.”
Việc ĐCSTQ tăng cường sức mạnh quân sự và tiếp tục bành trướng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan, và Biển Đông đã gây ra mối đe dọa trực tiếp đến Đài Loan, Nhật Bản, và Philippines. Kể từ năm 2022, NATO đã mời các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương—Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, và New Zealand—tham gia các hội nghị thượng đỉnh.
Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với an ninh Châu Âu-Đại Tây Dương. NATO đặt mục tiêu tăng cường mối quan hệ đối tác và giải quyết các thách thức an ninh chung với các nhà lãnh đạo từ Úc, Nhật Bản, New Zealand, Nam Hàn, và Liên minh Âu châu.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, giải thích với The Epoch Times rằng tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là rất trọng yếu đối với NATO vì các tuyến thương mại quan trọng giữa Đông Bắc Á và châu Âu. Đặc biệt, Nam Hàn, Nhật Bản, và Đài Loan rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng của NATO. Khi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải đối mặt với các mối đe dọa từ ĐCSTQ thì việc NATO mở rộng ảnh hưởng sang khu vực này là điều đương nhiên.
Ông Tô chia sẻ rằng: “Năm nay, sáu quốc gia, bao gồm Pháp, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Vương quốc Anh, đã cử tàu đi qua Eo biển Đài Loan. Điều này thể hiện lập trường của NATO trước các mối đe dọa của ĐCSTQ.”
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan gần đây đã thông báo rằng NATO và các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ khởi động bốn dự án chung mới tập trung vào Ukraine, trí tuệ nhân tạo, thông tin giả, và an ninh mạng, đồng thời nêu bật mối liên kết ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ, châu Âu, và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Kỳ lưu ý rằng gắn liền châu Âu với việc hợp tác an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là sự thay đổi lớn nhất kể từ Chiến Tranh Lạnh, đánh dấu một sự thay đổi to lớn trong chính trị quốc tế và an ninh toàn cầu.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times