NATO thảo luận về kế hoạch thu hồi các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở châu Âu nếu chiến tranh Ukraine lan rộng
Gần đây, theo tiết lộ của các quan chức nắm rõ thông tin, NATO đang thảo luận về việc một khi cuộc xung đột với Nga leo thang, NATO sẽ lấy lại hoặc bán các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) sở hữu tại châu Âu để giảm thiểu rủi ro. Những cơ sở hạ tầng này bao gồm các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao.
CNN dẫn lời ba quan chức NATO tham gia thảo luận cho biết, Hoa Kỳ đang dẫn đầu cùng các quan chức NATO bàn đến các biện pháp hành động trước để thu hồi một số dự án cơ sở hạ tầng mà ĐCSTQ sở hữu ở châu Âu, và giao cho Liên minh Âu Châu (EU) quản lý những tài sản này. Các biện pháp này là nhằm ứng phó với nguy cơ cuộc xung đột với Nga lan rộng ra Đông Âu.
Thông tin cho biết, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ tiết lộ rằng, cuộc thảo luận đã mở rộng phạm vi của các cơ sở hạ tầng này từ lĩnh vực công nghệ thông thường sang các lĩnh vực công nghệ cao như điện toán lượng tử, vi mạch bán dẫn, và viễn thông.
Các quan chức NATO cho biết, nếu chiến tranh bùng nổ thì các cơ sở hạ tầng này “gần như chắc chắn sẽ bị các quốc gia Âu Châu quốc hữu hóa hoặc tiếp nhận quyền điều hành dưới [danh nghĩa] các biện pháp an ninh khẩn cấp. Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể kiện ra tòa sau đó.”
Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay diễn ra từ ngày 09 đến ngày 11/07 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ với chủ đề chính là giúp đỡ Ukraine đánh bại Nga. Do ĐCSTQ giúp sức cho Nga trong cuộc chiến Ukraine, nên trong tuyên bố chung kỷ niệm 75 năm thành lập NATO, 32 nhà lãnh đạo các nước thành viên đã bày tỏ sự lên án mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với ĐCSTQ. Đồng thời chỉ ra rằng, ĐCSTQ là “nhân tố thúc đẩy quyết định” việc Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine, và tiếp tục đặt ra thách thức có hệ thống đối với an ninh của khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương.
Tuyên bố cho biết, qua “mối liên kết đối tác không giới hạn” với Nga và sự trợ giúp trên quy mô lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, ĐCSTQ đã trở thành “kẻ thúc đẩy chiến tranh.”
CNN dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ cho biết, họ lo ngại rằng nếu cuộc xung đột mở rộng hơn thì Bắc Kinh có thể sử dụng cơ sở hạ tầng của mình ở châu Âu để cung cấp viện trợ vật chất cho Nga. Các quan chức cho biết, mục tiêu của họ là tìm ra một con đường giải quyết xung đột tiềm ẩn trước khi xung đột đó thật sự xảy ra.
Ba quan chức NATO tham gia phỏng vấn đã nói với CNN rằng cuộc thảo luận về hành động đối với cơ sở hạ tầng vẫn còn ở giai đoạn đầu, và các quốc gia thành viên NATO tham gia với mức độ khác nhau. Một phát ngôn viên của NATO cho biết Hoa Kỳ, với vai trò lãnh đạo cuộc thảo luận, cần tiếp tục các cuộc thảo luận song phương để bảo đảm nhận được sự ủng hộ cần thiết.
Mười năm trước, khi châu Âu vẫn đang cố gắng thoát khỏi khó khăn kinh tế do khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra, ĐCSTQ đã lợi dụng cơ hội này để mang chính sách “Vành đai và Con đường” tới các quốc gia Âu Châu.
Từ năm 2013, ĐCSTQ đã đầu tư hàng chục tỷ dollar Mỹ vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở châu Âu thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường.” Các khoản đầu tư này bao gồm các tuyến đường sắt nối liền Đông Âu với Trung Quốc và các bến cảng ở Bắc Hải và Biển Baltic.
Điều đặc biệt gây tranh cãi là khi ông Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm Ý vào năm 2019, chính phủ Ý đã đồng ý tham gia sáng kiến cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” mang tính biểu tượng này. Ý là thành viên duy nhất của Nhóm G7 tham gia sáng kiến.
Tuy nhiên, đến tháng Ba năm nay, chính phủ mới của Ý đã chính thức rút khỏi “Vành đai và Con đường.”
Hồi tháng Sáu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo ĐCSTQ rằng nếu ĐCSTQ tiếp tục giúp đỡ Nga thì họ sẽ phải gánh chịu hậu quả.