Khi đàn áp Pháp Luân Công, ĐCSTQ tìm cách định hình lối suy nghĩ của người Mỹ
Các chiến dịch gây ảnh hưởng ngầm của Trung Quốc nhằm thao túng quan điểm của người dân về thế giới để mang lại lợi ích cho chính quyền cộng sản này.
HOA THỊNH ĐỐN—Chính quyền cộng sản Trung Quốc đang thao túng cách suy nghĩ và lối đưa tin của phương Tây khi tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cho biết tại một sự kiện đánh dấu năm thứ 25 chiến dịch của Bắc Kinh nhằm “xóa sổ” môn tu luyện này.
Trong 25 năm qua, giới truyền thông phương Tây đã lặp lại những tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc phỉ báng Pháp Luân Công. Các biên tập viên và các tổ chức y tế đã bác bỏ tính xác thực của một loạt bằng chứng cho thấy chính quyền này đang cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân chính trị và những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc. Trong khi đó, các rạp hát ở phương Tây đã ngừng tổ chức các buổi biểu diễn vạch trần các cuộc áp bức nhân quyền của chế độ này.
Hôm 17/07, những người tham dự hội thảo trình bày tại Viện Hudson đã trích dẫn những trường hợp để chứng minh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang tiến hành một chiến dịch gây ảnh hưởng trên toàn cầu hiệu quả như thế nào.
“Đó là một cuộc chiến tranh tuyên truyền,” bà Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, nói với The Epoch Times. Bà còn nói thêm rằng những người Mỹ trở thành nạn nhân của các chiến dịch như vậy có nguy cơ thực hiện những hành động đi ngược lại lợi ích của chính Hoa Kỳ.
Tại một cuộc họp báo hôm 18/07, Bộ Ngoại giao cho biết bộ đã đặt việc chống lại các chiến dịch này làm một hành động ưu tiên trên toàn cầu.
“Chúng tôi rất cảnh giác về mối đe dọa mà một số quốc gia đặt ra khi nói đến việc truyền bá thông tin sai lệch và tin giả, không chỉ ngay trong chính quốc gia của họ mà còn cả ở các quốc gia khác, như ngay bên trong Hoa Kỳ này,” Phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Vedant Patel nói với The Epoch Times.
Trước đây, Bộ Ngoại giao đã cảnh báo về những nỗ lực như vậy. Bộ này cho biết trong một báo cáo hồi tháng 09/2023 rằng Bắc Kinh chi hàng tỷ dollar để tìm cách tạo ra một “cơ sở hạ tầng khuyến khích toàn cầu” nhằm chiêu dụ các chính phủ, giới tinh hoa, ký giả, và xã hội dân sự ngoại quốc tiếp nhận lối đưa tin được ưu tiên của ĐCSTQ. Nếu không được kiểm soát, điều đó có thể tạo ra “những thành kiến và kẽ hở thậm chí có thể khiến các quốc gia đưa ra quyết định đặt lợi ích kinh tế và an ninh của họ phụ thuộc vào lợi ích của Bắc Kinh.”
Hoa Kỳ là một ‘chiến trường cốt lõi’
Theo bà Shea và những người khác tham gia hội thảo của Viện Hudson, về chủ đề Pháp Luân Công, chiến lược của chính quyền này đã có tác dụng rất lớn, đôi khi vô cùng hiệu quả.
Năm 1999, chính quyền cộng sản này bắt đầu tiến hành bức hại một cách có hệ thống nhắm vào học viên của Pháp Luân Công — một môn tu luyện thiền định và hướng dẫn người tu luyện sống theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Vào thời điểm cuộc bức hại bắt đầu, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Bên cạnh sử dụng biện pháp giam giữ tùy tiện, lao động cưỡng bức, và nhiều hình thức tra tấn khác nhau, Bắc Kinh còn bắt đầu một chiến dịch phỉ báng — qua tất cả các kênh truyền thông, sách giáo khoa, v.v. — để biện minh cho cuộc bức hại, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở hải ngoại.
Chiến lược của ĐCSTQ trong các chiến dịch gây ảnh hưởng là chọn một vấn đề gây tranh cãi mà người phương Tây quan tâm, tạo ra những tin tức tiêu cực xoay quanh vấn đề đó, sau đó tìm cách đẩy lên các kênh truyền thông lớn.
Ông Levi Browde, giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã đưa ra ví dụ về các bài đăng của lãnh sự quán Trung Quốc từ năm 2009 nói rằng Pháp Luân Công cấm hôn nhân giữa các chủng tộc.
Điều đó “hoàn toàn vô nghĩa,” ông nói tại sự kiện, đồng thời lưu ý rằng bản thân ông, cũng là một học viên Pháp Luân Công và là một người đàn ông da trắng, đã kết hôn với một người phụ nữ Trung Quốc.
ĐCSTQ không sử dụng chiến thuật tuyên truyền cụ thể đó ở Trung Quốc “bởi vì phân biệt chủng tộc không phải là vấn đề nổi bật ở đó, nhưng phân biệt chủng tộc rõ ràng là một vấn đề nổi bật ở Mỹ,” ông nói. “Họ đưa vấn đề này đến đó và xem ai sẽ tiếp nhận.”
Năm 2020, tuyên bố này đã được đưa lên trang nhất của The New York Times, một ví dụ về vấn đề trọng điểm này của ĐCSTQ đã xâm nhập vào xã hội phương Tây như thế nào.
Trong nhiều năm qua, những chiến thuật như vậy đã được đưa vào các chỉ thị của Bắc Kinh.
Ông Larry Liu, nhà thống kê và nhân viên liên lạc Quốc hội của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã nêu ra một tài liệu nội bộ năm 2017 của chính quyền tỉnh Hà Nam hướng dẫn các quan chức cấp thấp hơn sử dụng mối quan hệ đối tác giữa các thành phố của Trung Quốc và phương Tây “để hoàn toàn thu hẹp không gian đối với các hoạt động của Pháp Luân Công ở hải ngoại.”
Tài liệu này kêu gọi “xây dựng các nguồn lực phi chính phủ” để “đấu” với Pháp Luân Công và “điều động các cá nhân yêu nước và thân tín, chẳng hạn như các chuyên gia, học giả, phóng viên, và các nhà lãnh đạo cộng đồng người Hoa ở hải ngoại có ảnh hưởng lớn ở Mỹ quốc và các quốc gia khác” nhân danh Bắc Kinh để lên tiếng và thúc đẩy nhiều bản tin từ giới truyền thông ngoại quốc nhằm xúc tiến các mục tiêu của chính quyền này.
Năm 2015, ông Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), quan chức hàng đầu của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, cơ quan giám sát bộ máy an ninh và tư pháp của Trung Quốc, đã có bài diễn văn nói với những người phụ trách tiến hành cuộc bức hại môn tu luyện này rằng “việc đấu với Pháp Luân Công” là một “cuộc tranh giành chính trị với các lực lượng chống Trung Quốc ở phương Tây.”
Ông Mạnh gọi Hoa Kỳ là một “chiến trường cốt lõi” trong cuộc tranh giành này.
“Chúng ta phải nắm bắt cơ hội khi các nước phương Tây ngày càng cần đến chúng ta, và thúc đẩy các quốc gia liên quan cấm hoặc hạn chế các hoạt động của tổ chức … ‘Pháp Luân Công,’ đồng thời cố gắng trấn áp các cơ sở hoạt động lâu dài, các nhà bảo trợ, và các đối tác của họ,” một đoạn trích của bài diễn văn, được gắn nhãn “cơ mật,” đã viết.
ĐCSTQ thực hiện chiến lực này thông qua “tuyên truyền rộng rãi và thông tin sai lệch nhằm mục đích bôi nhọ các học viên” và xem họ là kẻ thù nguy hiểm của nhà nước, theo ông Dư Mậu Xuân, cố vấn chính sách về Trung Quốc dưới thời chính phủ Tổng thống Trump. Ông Dư cũng đã có bài diễn văn quan trọng tại sự kiện diễn ra hôm 17/06.
“Chiến dịch phỉ báng có hệ thống này không chỉ kích động sự thù ghét và phân biệt đối xử, mà còn nhằm che giấu cộng đồng quốc tế về bản chất thực sự của các hành động [từ ĐCSTQ],” ông nói.
Các hành động của ĐCSTQ, theo ông Dư, “là sự vi phạm trực tiếp đến các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.”
Ông Browde cho biết ông đã tận mắt cảm nhận được lực tác động của chiến dịch gây thù ghét của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ. Ông kể rằng có một lần ông bước vào một cửa hàng ở Khu Phố Tàu tại Manhattan sau khi hoàn thành bài thiền định Pháp Luân Công ở một công viên gần đó. Người chủ cửa hàng, vui mừng khi gặp một khách hàng phương Tây, rồi nhìn vào chiếc T-shirt của ông có dòng chữ “Pháp Luân Công Là Tốt” bằng tiếng Hoa và tiếng Anh.
“Tôi sẽ không bao giờ quên vẻ nhăn nhó trên khuôn mặt của cô ấy,” ông nói. “Giống như cô ấy vừa xem một bộ phim kinh dị hay gì đó. Cô ấy ngần ngại. Cô ấy quay đi rồi trở vào trong cửa hàng.”
Thao túng truyền thông
Vì hầu hết người dân Mỹ không có kinh nghiệm cá nhân về tất cả các vấn đề khác nhau mà chúng ta nghe được nên chúng ta phải dựa vào các phương tiện truyền thông và các kênh thông tin khác để tìm hiểu. Những người tham gia hội thảo cho rằng đây là lý do tại sao ĐCSTQ nhắm vào giới truyền thông phương Tây để truyền bá thông điệp của họ.
Ông Browde lưu ý một số trường hợp trong đó một hãng thông tấn đã tin theo luận điệu của Bắc Kinh để rồi trích dẫn nguyên văn mà không đưa ra ngữ cảnh.
“Điều đó rất đáng lo ngại khi quý vị xem ĐCSTQ như một nguồn tin đáng tin cậy cho [thông tin về] một nhóm mà họ đang bức hại vô cùng khủng khiếp,” ông nói.
“ĐCSTQ biết điều đó. Và đó là cách họ có thể gây được ảnh hưởng, rằng họ thực sự có thể thay đổi cách mọi người suy nghĩ và cảm nhận.”
Năm 2019, cựu phóng viên của The New York Times, bà Didi Tatlow, nói với Tòa án độc lập điều tra Trung Quốc (China Tribunal), cơ quan đang điều tra nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước bảo trợ của Bắc Kinh nhắm vào học viên Pháp Luân Công, rằng các biên tập viên không khuyến khích bà theo đuổi những tin tức về chủ đề này, chủ yếu nói với bà rằng “không có gì mới cả” đối với tin tức này vì chính quyền Trung Quốc đã cam kết chấm dứt những hoạt động như vậy.
Trong một lời khai bằng văn bản, bà cho biết rằng một biên tập viên khác nói với bà rằng những ai tin vào những cáo buộc như vậy đều nằm “ngoài sự ủng hộ.”
Sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều năm, tòa án có trụ sở tại London này kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã sát hại các tù nhân lương tâm rồi bán nội tạng của họ để thu lợi.
“Kết luận cho thấy rất nhiều người đã tử vong không rõ nguyên nhân theo cách khủng khiếp đến mức không thể diễn tả nổi,” Chủ tọa tòa án Geoffrey Nice QC cho biết khi đưa ra phán quyết hồi tháng 06/2019.
Ông Browde cho biết những gì mà lời khai của bà Tatlow đã tiết lộ có ý nghĩa đối với nhiều bài báo.
Ông nói với The Epoch Times rằng [một điều] “gây tổn hại sâu sắc” là khi một hãng thông tấn lớn nghe theo chính quyền Trung Quốc về chủ đề này và đưa ra quyết định trong việc biên tập rằng chủ đề này không còn đáng để đưa tin nữa.
Ông cũng tiết lộ “một trong những phần xảo quyệt nhất” trong cuộc đàn áp của nhà cầm quyền này là “thuyết phục người dân Mỹ rằng sự thật không phải là sự thật trên những mặt trận này.”
Khi chính quyền này dùng sức ảnh hưởng và áp lực để bịt miệng những lời chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của họ, thì sự hợp tác vẫn tiếp tục diễn ra giữa các công ty Trung Quốc và phương Tây trong lĩnh vực y tế, với các thiết bị và công nghệ y khoa được đưa vào Trung Quốc có thể trợ giúp cho tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức, vốn đã trở thành ngành công nghiệp thu lợi hàng tỷ dollar ở Trung Quốc.
“Họ không biết rằng họ đang giúp chính quyền Trung Quốc sát hại người dân để lấy nội tạng. Tại sao vậy? Bởi vì họ đã bị lừa dối về điều đó, hoặc họ chưa bao giờ nghe nói về việc đó,” ông Browde nói. “Đó là cách làm hại mọi người, bởi vì giờ đây họ phải nghĩ về thế giới — trong trường hợp này là ngành cấy ghép tim — theo cách mà chính quyền Trung Quốc muốn họ nghĩ.”
Trong lĩnh vực biểu hiện nghệ thuật, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã ráo riết truy đuổi công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun có trụ sở tại New York, một công ty lưu diễn toàn cầu hàng năm để giới thiệu những nét đẹp nhất của văn hóa Trung Hoa qua các thời đại, trước thời cộng sản. Một số vở vũ kịch từ Trung Quốc đương đại mô tả cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Trong nỗ lực nhằm buộc hủy bỏ các buổi biểu diễn của Shen Yun, các quan chức Trung Quốc đã gửi thư, gọi điện thoại, và đôi khi đích thân đến gặp các quan chức và địa điểm địa phương, nói xấu Pháp Luân Công, đồng thời đe dọa trả đũa kinh tế.
ĐCSTQ thường nói rằng ở Trung Quốc, Pháp Luân Công bị dán nhãn là “tà giáo,” một thuật ngữ mà ĐCSTQ biết sẽ gây ra phản ứng ở phương Tây.
“Họ đang cố gắng đưa vào đầu người Mỹ và nói, ‘Quý vị đâu có muốn xem chương trình do một tà giáo dàn dựng,” ông Browde nói.
Ông nói thêm rằng đó là một công cụ mà chính quyền này có thể sử dụng để chống lại bất kỳ cá nhân, tổ chức, hoặc quốc gia nào.
Ông Browde nói rằng đây là lý do tại sao người dân Mỹ nên cảnh giác trước những kiểu đe dọa này cũng giống như cảnh giác với chiến tranh bằng vũ khí. ĐCSTQ tìm cách kiểm soát Hoa Kỳ mà không cần nổ súng.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times