Một gia đình phương Tây giúp người dân Trung Quốc phản bức hại suốt 25 năm
Một ngày đầu năm 1999, người thanh niên gốc Iran Babak Baniasadi, đang sống tại Hoa Kỳ, nhìn thấy một nhóm người Trung Quốc đang luyện khí công trên đường phố của thành phố Denver.
Khi đó, ông đang chịu áp lực lớn trong cuộc sống, rơi vào trạng thái trầm cảm và chán nản. Lúc biết rằng nguyên tắc của Pháp Luân Công là “chân, thiện, và nhẫn,” ông cảm thấy nội tâm có một loại cộng hưởng mạnh mẽ. “Tôi không thể nói rằng mình hoàn toàn thấu hiểu nguyên tắc này, nhưng tôi biết không có giá trị nào tốt đẹp hơn ‘chân, thiện, và nhẫn.’ Chính vì vậy, một cách tự nhiên, ông Babak Baniasadi đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.
Ông nhận thấy rằng Pháp Luân Công không chỉ mang lại cho ông một cơ thể khỏe mạnh mà quan trọng hơn là giúp ông duy trì một tâm thái bình hòa.
“‘Chân, thiện, và nhẫn’ là điểm tựa trong cuộc sống của tôi. Nếu không có sự chỉ dẫn này, tôi thực sự khó có thể điều khiển được cuộc sống hiện đại [vốn dĩ luôn] hỗn loạn và khó hiểu,” ông Babak Baniasadi nói. Mặc dù ông xuất thân từ một gia đình Hồi Giáo, trong quá trình trưởng thành cũng đã tìm hiểu qua các tôn giáo khác như Kitô Giáo, Công Giáo, và Phật Giáo, nhưng ông phát hiện chỉ có “chân, thiện, và nhẫn” mới là điều bản thân luôn tìm kiếm. “Sống theo nguyên tắc đạo đức này, cuộc sống của quý vị sẽ có điểm tựa, có chỉ dẫn, và quý vị có thể tìm thấy con đường thực sự của mình. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất của Pháp Luân Công đối với tôi.”
Nhưng chỉ sau sáu tháng, ông Babak Baniasadi nhận được thông tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành đàn áp Pháp Luân Công. Ông cảm thấy bối rối, không hiểu tại sao ĐCSTQ lại muốn hại người dân của họ. Ông lên mạng tìm hiểu tình hình, mới biết ĐCSTQ là một chế độ tàn nhẫn và có ý thức hệ phi nhân tính. Lúc này ông mới hiểu được nguyên nhân của sự bức hại—rất đơn giản, đó là “kẻ xấu bức hại người tốt.”
Ông Babak Baniasadi lập tức bắt đầu hành động. Ông tìm đến nói chuyện với các chính khách, các hãng truyền thông. Ông cũng đến tĩnh tọa trước tòa nhà của Liên Hợp Quốc, đăng bài trên mạng, tham gia các cuộc diễn hành của Pháp Luân Công trên khắp thế giới, phát tờ thông tin trên đường phố… Cho đến nay (năm 2024), ông đã kiên trì trong suốt 25 năm, nỗ lực lên tiếng cho các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc và tranh đấu vì nhân quyền của người dân Trung Quốc.
“Những hoạt động này đã trở thành nội dung chính trong cuộc sống của tôi,” ông Babak Baniasadi nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. Lúc này đây, ông đang đứng trong hàng ngũ của cuộc diễn hành kỷ niệm 25 năm phản bức hại của ĐCSTQ tại khu phố người Hoa ở Manhattan, New York.
Ông Babak Baniasadi hiện là một doanh nhân, điều hành một công ty vật liệu xây dựng. “Nếu không đứng lên vì những gì bản thân tin tưởng, thì quý vị còn có thể tin tưởng vào điều gì nữa đây, vì vậy quý vị phải đứng lên.”
Đứng cạnh ông Babak Baniasadi là vợ ông, bà Julian Baniasadi, một phụ nữ người Đức. Họ gặp nhau khi cả hai đang thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công trước tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ.
Bà Julian bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1998. Ngay khi nghe tin về cuộc bức hại ở Trung Quốc, bà đã đứng ra lên tiếng cho người dân Trung Quốc, chống lại sự bức hại.
“Vì Pháp Luân Công không tham gia vào chính trị nên ban đầu [chúng tôi] chỉ tổ chức một số cuộc thảo luận. Nhưng sau đó, chúng tôi nhận ra rằng: đây không phải là chính trị, đây là những người tốt đang bị bức hại, chúng tôi phải lên tiếng cho những người không thể lên tiếng,” bà Julian nói.
Đứng bên cạnh bà Julian là chị gái bà Nina Hamrle, người đã biết đến Pháp Luân Công từ em gái mình. Lúc đó, bà Nina bị đau đầu gối, sắp phải phẫu thuật. Bà còn gặp các vấn đề khác như dị ứng và mất cân bằng nội tiết. Tinh thần của bà cũng đang ở trạng thái suy sụp, đôi khi thậm chí bà còn muốn tự tử.
Sau tám tuần tu luyện Pháp Luân Công, tất cả các triệu chứng của bà Nina đều biến mất, bà trở nên lạc quan và tích cực. “Vì vậy, đối với tôi, Pháp Luân Công không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, mà còn mang đến sự chỉ dẫn trong cuộc sống của tôi. Nói một cách đơn giản là Pháp Luân Công đã cho tôi sinh mệnh thứ hai.”
Khi mới nghe về việc bức hại, bà Nina cho rằng đó chỉ là trò đùa, bởi lẽ bà nghĩ rằng không có một chính phủ nào lại gây khó khăn cho nhóm người tuân theo các nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn.” Cho đến khi bà nghe nói rằng người thân của một người bạn Trung Quốc của em gái mình bị ĐCSTQ bỏ tù vì kiên trì với tín ngưỡng Pháp Luân Công, bà đã lập tức hành động.
Ngày 20/11/2001, bà Nina cùng 35 học viên Pháp Luân Công từ nhiều quốc gia khác đã đến quảng trường Thiên An Môn, giương cao tấm biểu ngữ lớn với ba chữ “Chân, Thiện, Nhẫn.”
“Tôi vô cùng biết ơn Pháp Luân Đại Pháp, biết ơn Sư Phụ, đối mặt với sự đàn áp tàn khốc này, tôi không chút do dự mà đứng lên,” bà Nina nói. “Tôi muốn nói với mọi người trên thế giới rằng: Pháp Luân Đại Pháp là tốt!”
Đó là tiếng lòng chung của cả gia đình họ. Họ đã lên tiếng vì người dân Trung Quốc, kiên quyết chống lại sự đàn áp trong suốt 25 năm mà không thay đổi.