Taki Katei: Họa sĩ Nhật Bản mẫu mực trung thành với nghệ thuật truyền thống
Họa sĩ Nhật Bản Taki Katei (1830-1901) đã sống trong thời kỳ sinh động nhất của lịch sử Nhật Bản: đó là thời kỳ Nhật Bản vừa mới mở cửa với phương Tây. Trong giai đoạn đó, nhiều nghệ sĩ đã lồng ghép các yếu tố nghệ thuật Tây phương vào các tác phẩm của họ, nhưng Taki vẫn trung thành với nghệ thuật truyền thống Nhật Bản.
Ông lớn lên trong thời kỳ nghệ thuật Nhật Bản đề cao và tôn vinh những giá trị truyền thống. Những họa sĩ đặc biệt thường vay mượn các yếu tố truyền thống trong hội họa cổ điển Trung Hoa, đồng thời tuân theo lối truyền thống từ những nghiên cứu cuộc sống: con người cho đến động vật và thực vật.
Họa sĩ Taki bắt đầu học những truyền thống này khi mới 6 tuổi. Năm 20 tuổi, ông đến Nagasaki để có thể tiếp cận với văn hóa Trung Hoa. Vào thời điểm đó, Nagasaki là cảng duy nhất mở cửa ở Nhật Bản và giao thương thì chỉ hạn chế với một vài quốc gia như Hà Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại đây, Taki có thể giao lưu với những họa sĩ và văn nhân Trung Quốc, những người đã trực tiếp chỉ dạy cho ông về văn hóa của họ.
15 năm sau đó, ông đã đi khắp đất nước Nhật Bản để học hỏi những phương pháp nghệ thuật truyền thống. Thời gian này, ông đã sáng tạo số lượng lớn tác phẩm và trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Năm 1866, ông thành lập một trường nghệ thuật tại tư gia tại thủ đô Tokyo để truyền dạy nghệ thuật truyền thống Nhật Bản.
Đến năm 1868, đất nước Nhật Bản rơi vào tình trạng rối loạn. Tướng quân Tokugawa – “đại tướng quân” của thời kỳ Edo- (1603-1867) bị lật đổ, chế độ phong kiến Nhật Bản chấm dứt. Hoàng đế Nhật Bản đã thay thế tướng quân, trở thành người thống trị tối cao và trị vì với tư cách là hoàng đế Minh Trị.
Từ đó, một thời kỳ chuyển đổi to lớn đối với Nhật Bản bắt đầu. Đất nước mở cửa với thế giới, và truyền thống thường xếp thứ hai sau những gì thuộc về Tây phương hóa. Ví dụ như, người dân đất nước này đã vui mừng đón nhận đầu máy hơi nước cùng với phong cách kiến trúc và trang phục của phương Tây.
Chính phủ đã mở các viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật, đồng thời khuyến khích các nghệ sĩ lồng ghép các yếu tố của nghệ thuật Tây phương vào các tác phẩm của họ.
Tuy nhiên, Taki vẫn trung thành với văn hóa truyền thống và thực hành nghệ thuật của mình. Ông thuộc Hiệp Hội Nghệ Thuật Nhật Bản, một nhóm các nghệ sĩ tìm cách duy trì và quảng bá hình thức hội họa Nhật Bản truyền thống.
Tranh vẽ Nhật Bản, cũng như trong nghệ thuật cổ điển Trung Hoa, sử dụng những thành tố thiên nhiên để biểu đạt nội hàm. Ví dụ, hoa mẫu đơn với nhiều lớp cánh tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng, và một con hươu tượng trưng cho tuổi thọ. Hươu được xem là sứ giả linh thiêng trong hệ thống tín ngưỡng Thần đạo. Theo truyền thuyết, có một Kami (vị Thần) đã cưỡi trên lưng một con hươu tại đền Kasugataisha ở Nara, miền nam Nhật Bản.
Họa sĩ Taki và những học trò của ông đã dùng ngôn ngữ nghệ thuật Á Đông này – một ngôn ngữ được chuyển tải không phải bằng chữ viết hay lời nói, mà bằng biểu tượng. Taki đã tôn vinh truyền thống này trong suốt cuộc đời mình.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times