Quyển Thiên thư thần kỳ – Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ
Tại các nơi như miếu Đại thuộc núi Thái Sơn, Dục Khẩu thuộc Hoa Sơn, miếu Nhạc thuộc núi Tung Sơn, Sùng Linh Môn thuộc núi Hằng Sơn và rừng bia thuộc tỉnh Tây An, đều có dấu tích bia khắc của Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ (Ngũ Nhạc: tức năm núi Nhạc: Hoa Sơn, Thái Sơn, Tung Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn. Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ: dáng vẻ thực sự của năm núi Nhạc). Có người gọi Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ là Thiên thư vô tự thần bí, trong Hán Vũ Đế nội truyện có ghi chép về lai lịch kì lạ của Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ.
Theo ghi chép trong Hán Vũ Đế nội truyện, Tây Vương Mẫu thấy được tâm cầu đạo của Hán Vũ Đế, vì để giúp ông kiên định chí hướng tu đạo, bà đã giáng hạ vào Vương cung của Đại Hán, chuẩn bị truyền thụ đạo Pháp cho Vũ Đế.
Trong lúc nói chuyện, Hán Vũ Đế trông thấy một quyển sách được gói trong một túi gấm màu tím nằm trong tráp của Tây Vương Mẫu, bèn hỏi: “Đó là sách gì, có thể xem được không?”
Tây Vương Mẫu lấy quyển sách ra và nói rằng đây là Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ của Tam Thiên Thái Thượng Đạo Quân, là Thiên thư tuyệt mật trên thiên giới. Một số Thần Tiên ở núi Thanh Thành muốn được xem quyển sách này, do đó Tây Vương Mẫu dự định đem quyển sách này đến cho họ.
Tây Vương Mẫu cho Hán Vũ Đế biết về lai lịch của quyển Thiên thư này:
“Xưa kia, Tam Thiên Thái Thượng Đạo Quân nhìn xuống bốn bề Trời đất, quan sát chiều dài của đại dương sông ngòi, và độ cao thấp của núi non. Để đại địa được vững chắc, ông bèn lập ra Thiên trụ để ổn định Ngũ Nhạc sơn mạch, trấn giữ tứ phương.
Ông lấy núi Côn Luân làm Tiên cung; lấy đảo Bồng Lai thuộc biển Bột Hải làm đạo quán của các vị chân nhân đắc đạo; đặt nước Thần tại đầu nguồn của cực âm; để Thiên đế trấn giữ nơi mặt trời mọc”.
“Phương Trượng (tên Thần Sơn) thần sơn là thất tu mệnh, Tịnh đảo ở biển lớn là nơi tu Đạo thành Tiên. Ông để Hoàng Đế, Viêm Đế và con cháu đời đời vĩnh viễn sinh sôi nảy nở tại đảo Doanh Châu ở phía Đông, hay còn được gọi là nhân gian Tiên cảnh này”.
Hình dáng uốn lượn của sông ngòi và hướng của sơn mạch đều rất giống văn tự, Thái Thượng Đạo Quân dựa vào đó để tạo ra Đồ Phù văn tự, những văn tự này là bằng chứng giao lưu với Tiên giới.
“Các vị Tiên đeo Đồ Phù bên mình tựa như bảo vật truyền thụ đạo thuật; các đạo sĩ khi vân du khắp các vùng núi non sông nước đều đeo theo Đồ Phù này, thì có thể được các vị Thần linh tôn kính”.
Truyền thuyết này được lưu truyền đến ngày nay. Nhưng rốt cuộc thì Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ có ý nghĩa gì, người đời sau có rất nhiều cách giải thích. Có các cách giải thích tiêu biểu như sau:
Cách nói thứ nhất, cho rằng sự xuất hiện của Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ là căn cứ theo diễn hóa của Ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, biểu hiện cho 5 phương hướng, Tây Nhạc Đồ đối ứng với Kim, Đông Nhạc Đồ đối ứng với Mộc, Bắc Nhạc Đồ đối ứng với Thủy, Nam Nhạc Đồ đối ứng với Hỏa, Trung Nhạc Đồ đối ứng với Thổ. Cách nói này tương đối phù hợp với truyền thuyết–Thái Thượng Đạo Quân căn cứ theo nguyên lí tương sinh tương khắc và sức sống mãnh liệt của Ngũ hành để ổn định Ngũ Nhạc, trấn giữ đại địa, khiến Hoàng Đế, Viêm Đế và con cháu đời đời kiếp kiếp không ngừng sinh sôi nảy nở tại vùng đất này.
Một cách nói khác lại cho rằng: Đông Nhạc Đồ vẽ chính là Thanh long (rồng xanh), Tây Nhạc Đồ vẽ chính là Bạch hổ (hổ trắng), Nam Nhạc Đồ vẽ là Chu tước, Bắc Nhạc Đồ vẽ là Huyền Vũ, Trung Nhạc Đồ vẽ là Thổ Thần.
Cách nói thứ 3, căn cứ theo những gì được viết trong Tạng Kinh, Đông Nhạc Thái Sơn, Đồ Phù giống như một chữ “Thiên” theo kiểu chữ Triện (có cách nói là chữ “Vũ” tức là “mưa” ) , tượng trưng cho việc Thượng Thiên chi phối muôn vạn chúng sinh trên mặt đất, cai quản vận mệnh của thế nhân; Đông Nhạc Thái Sơn là quần linh chi phủ, cai quản sinh tử, phú quý, quan vận v.v… của nhân gian. Nam Nhạc Hành Sơn, Đồ Phù giống như một con cá, ẩn dụ hình ảnh cá hóa rồng, cai quản tinh tượng, biên giới, kiêm cai quản các việc liên quan đến ngư long thủy tộc. Bắc Nhạc Hằng Sơn, Đồ Phù giống như một loài linh quy hoặc quỷ tộc nhiều chân, cai quản 4 con sông lớn là Trường Giang, Hoàng Hà, Hoài Hà và Tế Thủy, kiêm việc cai quản các loài thú bốn chân. Tây Nhạc Hoa Sơn, Đồ Phù giống một lò luyện đan rực lửa, cai quản các loại tài nguyên khoáng sản như vàng bạc đồng sắt. Ngay chính giữa là Trung Nhạc Tung Sơn, cai quản đất đai sông núi trong thiên hạ, kiêm cai quản các loài động vật ăn cỏ như trâu, dê v.v…
Truyền thuyết nói rằng những người tu đạo ở trong núi sâu rừng già nếu đeo Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ, thì các loài tà vật như yêu độc, ma quỷ trong núi sẽ không dám lại gần. Người thường nếu đeo Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ thì khi qua sông, vào núi sâu hay đi đường khuya v.v thì tất cả các loại sơn tinh, thủy quái, yêu ma v.v đều lẩn trốn, không dám hiện thân ra làm hại. Bách tính dân gian cũng dùng Ngũ Nhạc Đồ làm tranh treo trong nhà, cũng khởi tác dụng trấn yêu trừ tai họa. Bộ Thiên thư này thật là thần kỳ.
Tài liệu tham khảo: Tạng Kinh; Thái Bình quảng ký, quyển 3
Do Tống Bảo Lam thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa Ngữ