Gian khổ nhất thời là phúc hay họa?
Sở Chiêu Vương phái người đến thăm hỏi Khổng Tử. Khổng Tử chu du liệt quốc lúc ngang qua biên giới hai nước Trần và Thái thì cũng có ý định đến đến nước Sở bái tạ Sở Chiêu Vương.
Lúc này, đại phu của hai nước tập trung lại cùng nhau nghị luận: “Khổng Tử là bậc thánh hiền thế gian hiếm có, ông ấy có thể nhìn thấu vấn đề của các nước một cách hết sức rõ ràng minh bạch. Nhưng lần này ông ấy đến nước Sở, nếu như được Sở Chiêu Vương trọng dụng thì hai nước Trần và Thái chúng ta há chẳng phải không có ngày trở mình sao?” .
Nói rồi, họ liền phái người chặn đường của Khổng Tử. Khổng Tử bị bao vây, tiến thoái lưỡng nan, bị cắt lương thực suốt 7 ngày liền, chỉ còn cách ăn rau dại chống đói. Tuỳ tùng và học trò của ông đều ngã bệnh, duy chỉ có Khổng Tử là tinh thần dồi dào, mỗi ngày vẫn dạy học không biết mệt mỏi.
Một hôm, Khổng Tử gọi Tử Lộ đến hỏi rằng: “Trong Thi Kinh có nói: Chúng ta chẳng phải là trâu rừng, cũng không phải là mãnh hổ, cớ sao lại lưu lạc nơi đồng không mông quạnh này? Con xem, phải chăng là do hành vi hay cách nghĩ của ta có chỗ nào không đúng? Nếu không tại sao chúng ta lại gặp phải chuyện như thế này được?” .
Tử Lộ tức giận nói: “Con nghe rằng người quân tử có tài đức thì sẽ chẳng gặp sự khốn cùng. Phải chăng do thầy không đủ nhân đức, vì vậy người ta mới không tin tưởng chúng ta? Phải chăng vì thầy không đủ tinh thông mưu trí, do đó người ta mới chặn đường chúng ta? Hơn nữa, thầy chẳng phải đã từng dạy chúng con rằng: “Người làm việc tốt nhất định sẽ được Thượng thiên bảo hộ; kẻ làm điều xấu chắc chắn sẽ bị trừng phạt đó sao? Nhưng thầy lại là một người đầy lòng nhân nghĩa, nỗ lực không ngừng, tại sao vẫn rơi vào bước đường này?” .
Khổng Tử đáp: “Con không hiểu, để ta nói cho con biết. Con cho rằng người nhân đức thì nhất định sẽ được tín nhiệm sao? Nếu vậy thì Bá Di và Thúc Tề đã chẳng chịu cảnh chết đói nơi núi Thú Dương; Con cho rằng bậc trí giả thì chắc chắn sẽ được trọng dụng sao? Nếu vậy thì Tỷ Can sao phải chịu cảnh bị moi tim mà chết? Con cho rằng cứ tận tâm tận lực thì nhất định sẽ có được kết cục tốt đẹp sao? Nếu vậy thì Long Bàng cũng đã không bị Hạ Kiệt xử tử; Con cho rằng người trung thành thẳng thắn can gián thì nhất định sẽ được tiếp nhận sao? Vậy Ngũ Tử Tư cũng đã không bị ban cho cái chết” .
“Có gặp được minh vương hay không đều là do vận mệnh an bài, con người chẳng thể nào thay đổi được. Tuy nhiên, trở thành bậc thánh hiền hay kẻ tiểu nhân thì sự lựa chọn nằm trong tay mỗi người. Ta nói cho con biết, lịch sử xưa nay người tài năng uyên bác nhưng sinh ra nhầm thời không chỉ có một mình Khổng Khâu ta đây, mà còn có rất nhiều những người khác nữa. Nhưng như vậy thì sao chứ? Hoa lan mọc nơi rừng sâu núi thẳm, không phải vì chẳng có ai thưởng thức mùi hương của nó mà nó bèn thôi không tỏa hương. Một người nếu có thể chân tâm tu dưỡng đạo đức thì cũng tuyệt đối sẽ không vì gặp phải cảnh khốn cùng mà thay đổi vậy.”
“Do đó, Tấn Văn Công Trùng Nhĩ trong lúc thân tại thời điểm nguy khốn nhất của nước Tào và nước Vệ mà lập chí trở thành bá chủ thiên hạ; Việt Vương Câu Tiễn thua trận tại Hội Kê, thân làm nô lệ cho Ngô vương Phù Sai. Vì vậy, người chưa từng nếm trải khổ nạn thì thường không xuất được chí lớn; người có một cuộc đời quá thoải mái thì cũng chẳng thể có được một tư tưởng khoáng đạt. Như vậy, gian khổ nhất thời rốt cuộc là phúc hay là họa? Điều này thật đáng suy ngẫm!” (Ý của Khổng Tử là: gian khổ nhất thời có thể khiến con người thức tỉnh, rèn luyện và trở nên mạnh mẽ hơn, đó chính là cái gọi là “gian nan khốn khổ, ngọc nhữ dĩ thành” vậy).
Chỉ có thể chuyên tâm tu đạo, không nên thuận theo lòng người
Khổng tử lại cho gọi Tử Cống đến rồi hỏi : “Trong Thi Kinh có nói: Chúng ta chẳng phải là trâu rừng, cũng không phải là mãnh hổ, cớ sao lại lưu lạc nơi đồng không mông quạnh này? Con xem, phải chăng là do hành vi hay cách nghĩ của ta có chỗ nào không đúng? Nếu không tại sao chúng ta lại gặp phải chuyện như thế này được?”
Tử Cống đáp: “Phải chăng vì đạo lý mà thầy giảng quá rộng lớn uyên thâm, thiên hạ chẳng thể dung chứa nỗi, thầy nên chăng chịu thiệt thòi một chút, lựa ý nói thuận theo người đời?”
Khổng Tử nói: “Một người nông phu giỏi chưa hẳn đã thu hoạch giỏi; một người thợ khéo tay có thể sáng tạo ra tác phẩm tinh xảo nhưng chưa chắc có thể chế tạo ra tác phẩm đúng theo ý người đời; bậc quân tử cũng như vậy, anh ta chỉ có thể chuyên tâm tu Đạo học hỏi, chứ không nên tính toán đến việc người khác liệu có thể tiếp nhận hay không. Tử Cống à, ngươi không suy nghĩ đến việc chăm chỉ tu đạo, mà chỉ nghĩ đến việc làm vừa lòng người, quả thật chí khí không đủ!” .
Người thế tục đương nhiên không cách nào tiếp nhận
Cuối cùng đến lượt Nhan Hồi, Khổng Tử cũng hỏi Nhan Hồi câu hỏi như vậy.
Nhan Hồi đáp: “Đạo lý của thầy quá rộng lớn uyên thâm, thiên hạ tuy lớn nhưng chẳng thể nào dung chứa được. Tuy vậy thầy vẫn không thay đổi chí khí của mình, nếu nói rằng trên thế gian này không một ai có thể trọng dụng thầy, vậy kẻ đáng xấu hổ chính là vị quốc vương có giang sơn có nhân dân kia vậy! Điều này có ảnh hưởng gì đến thầy chứ? Hơn nữa, chính vì người trong thế tục chẳng thể tiếp nhận nổi, mới càng chứng tỏ rằng thầy chính là bậc quân tử thế gian hiếm có vậy!”
Khổng Tử vui vẻ mà rằng: “Nói hay lắm, nếu sau này con phát tài, ta nguyện làm người quản sổ sách cho con” .
Theo “Khổng Tử Gia Ngữ”
Mặc An thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ