Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.35): Gian khổ đọc sách, có ngày thành tựu
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10
Nguyên văn
如囊螢,如映雪,
家雖貧,學不輟。
如負薪,如掛角,
身雖勞,猶苦卓。
Âm Hán Việt
Như nang huỳnh, Như ánh tuyết,
Gia tuy bần, Học bất chuyết.
Như phụ tân, Như quải giác,
Thân tuy lao, Do khổ trác.
Tạm dịch
Như túi đom đóm, như mượn ánh tuyết,
Gia cảnh tuy nghèo, không ngừng học tập.
Như nghề gánh củi, như sách treo sừng,
Thân tuy cực khổ, vẫn đạt thành tựu.
Từ vựng
(1) như (如): giống, giống như.
(2) nang (囊): đem đồ vật chứa vào trong túi.
(3) huỳnh (螢): chỉ ánh sáng phát ra từ đom đóm. Xa Dận triều Tấn nhà rất nghèo khó, không có tiền mua dầu thắp đèn, thế là bắt đom đóm bỏ vào trong túi, nhờ vào ánh sáng phát ra từ đom đóm để đọc sách.
(4) ánh tuyết (映雪): ánh sáng do tuyết phản xạ. Tôn Khang triều Tấn bởi vì nhà rất nghèo khó, ban đêm lợi dụng ánh sáng do tuyết phản chiếu để đọc sách.
(5) xuyết (輟): đứt đoạn.
(6) phụ (負): vác, cõng, gánh.
(7) tân (薪): củi lửa. Chu Mãi Thần triều Hán, nhà nghèo ham đọc sách, kiếm sống bằng nghề đốn củi. Khi đốn củi xong về nhà, vừa đi vừa học thuộc lòng sách. Sau đó ông được Hán Vũ Đế khen ngợi, đảm nhiệm chức Hội Kê Thái thú.
(8) quải giác (掛角): treo sừng, đem sách treo lên sừng trâu. Trong sách “Tân Đường Thư – Lý Mật Truyện” ghi rằng Lý Mật triều Tùy, “Ngồi trên lưng bò, yên lót lá bồ, vậy mà vẫn treo một túi vải đựng sách “Hán Thư” lên sừng bò, một tay nắm dây dắt bò, một tay lật sách mà đọc”.
(9) do (猶): như cũ, còn, vẫn còn.
(10) khổ trác (苦卓): trong khổ cực mà đạt được thành tựu lớn lao.
Dịch nghĩa tham khảo
Xa Dận triều Tấn, vì gia cảnh rất nghèo khó, không có tiền mua dầu thắp đèn đọc sách, thế là ông bèn bắt đom đóm chứa trong túi mỏng, lợi dụng ánh sáng yếu ớt phát ra từ đom đóm để đọc sách. Còn Tôn Khang triều Tấn, vào ban đêm thường lợi dụng ánh sáng phản chiếu của tuyết mà đọc sách, hai người họ tuy nghèo khổ, nhưng không ngừng tìm tòi học hỏi.
Chu Mãi Thần của triều Hán, gia cảnh bần hàn, làm nghề đốn củi để kiếm sống, thường thường nhân lúc đốn củi xong thì đọc sách, trên đường gánh củi về nhà đều đọc thuộc lòng văn chương. Còn Lý Mật triều Tùy thì dốc lòng cầu học, đem “Hán thư” treo lên sừng bò chịu khó mà đọc. Họ tuy hoàn cảnh cơ cực đến thế nhưng vẫn chịu đựng gian khổ mà chăm chỉ học tập.
Đọc sách luận bút
Túi huỳnh, ánh tuyết, gánh củi, treo sừng, là miêu tả một người trong hoàn cảnh gian nan khốn khổ mà vẫn có thể chăm chỉ đọc sách. Một người đã vượt qua được khảo nghiệm thì sẽ không vì hoàn cảnh gian nan mà thay đổi chí hướng của mình, càng sẽ không vì vậy mà oán trời trách đất. Những điển cố về các nhân vật được đề cập đến ở đây khi xưa mọi nhà đều biết, người người đều biết, họ đã trở thành những tấm gương cho những người đọc sách.
Họ không chỉ chăm học mà còn hiểu được mục đích học tập một cách rất rõ ràng, minh bạch đạo lý làm người và làm quan, tuyệt đối không phải như ngày nay người ta chỉ vì phú quý và lợi ích. Cho nên Xa Dận trong chuyện túi huỳnh (túi đom đóm) mặc dù cuối cùng làm quan lớn nhưng có thể xả thân thủ nghĩa (xem câu chuyện bên dưới), Tôn Khang trong chuyện ánh tuyết cũng làm quan đến chức Ngự sử Đại phu, do tích được đức mà dòng dõi của ông sau này sinh xuất ra được danh y tế thế Tôn Tư Mạc.
Ngay cả Chu Mãi Thần nhìn trên bề mặt giống như vì cầu lấy công danh, kỳ thực là một người có trí tuệ tri thiên mệnh, thậm chí ông biết rõ khi nào mình sẽ phú quý, còn khuyên nhủ vợ nên nhẫn chịu bần hàn, tương lai tất có ngày thoát khổ. Những việc trải qua của Khương Thái công (Khương Tử Nha) cũng như vậy, mục đích là để lưu lại một đoạn văn hóa như thế cho mọi người, khuyến khích con người cần chịu khó chăm chỉ học tập, cũng cảnh tỉnh nữ giới phải giữ được đức hạnh lúc nghèo khổ, bằng lòng với số mệnh.
Bài này và bài trước đều lấy câu chuyện người đọc sách có gia cảnh nghèo khổ làm ví dụ để khích lệ mọi người chăm chỉ chịu khó đọc sách, tương lai tất có thành tựu, không thể vì thân nơi nghịch cảnh, do những điều kiện khách quan mà bị hạn chế, lấy đó làm lý do mà từ bỏ chí hướng đọc sách.
Câu chuyện “Xa Dận chịu khó đọc sách bằng túi đom đóm”
Thời Đông Tấn có vị thiếu niên tên là Xa Dận, tự là Vũ Tử, ra đời trong gia đình làm quan. Ông chăm chỉ ra sức học hành, đọc nhiều sách vở, chăm chỉ không ngừng.
Bởi vì trong nhà không có tiền mua dầu để thắp đèn chiếu sáng, Xa Dận rất buồn, khi trời tối thì việc gì cũng không làm được, chỉ có thể đi ngủ sớm. Xa Dận muốn tận dụng buổi tối đọc sách thêm một chút, nhưng vắt óc suy nghĩ nhiều ngày, mà vẫn không có cách nào.
Một tối mùa hè nọ, ông ngồi ở ngoài cửa đọc thuộc lòng nội dung sách, bỗng nhiên trước mắt có mấy con đom đóm đang bay lượn, những ánh đom đóm trong đêm tối trở nên rất sáng. Thế là ông nảy ra một kế, bắt rất nhiều đom đóm cho vào một túi lụa trắng, lấy ánh sáng từ đom đóm để chiếu sáng.
Từ đó, ông dựa vào cái túi đom đóm này mà chịu khó đọc sách mỗi ngày, cuối cùng trở thành một người có học thức uyên bác, làm người công chính, có lòng can đảm trượng nghĩa dám nói thẳng, là người có thể xả thân thủ nghĩa (hy sinh thân mình để giữ đạo nghĩa).
Ông làm quan rất được lòng người, vang danh khắp triều đình và cả trong dân chúng, từng nhậm chức Ngô Hưng Thái thú, Hộ quốc Tướng quân, cuối cùng làm quan Lại bộ thượng thư. Do ông báo cáo cho triều đình về Cối Kê Vương thế tử Tư Mã Nguyên Hiển kiêu căng phóng đãng mà gặp nạn, bị ép tự vẫn, trước khi chết ông giận dữ nói: “Ta há sợ chết sao? Ta nguyện chết một lần để vạch trần kẻ quyền lực mà gian trá mà thôi!” Cuối cùng ông đã lấy cái chết để biểu đạt rõ ý chí của mình, nhận được sự kính ngưỡng của hậu thế, là một vị Nho gia chân chính.
Câu chuyện “Chu Mãi Thần gánh củi chịu khó đọc sách”
Chu Mãi Thần, tự Ông Tử, là người đất Ngô. Gia cảnh nghèo khó, lại thích đọc sách, ông không có tài sản, dựa vào nghề đốn củi mà sống qua ngày. Lúc gánh củi xuống núi, vừa đi vừa đọc sách, vợ ông cũng gánh củi đi theo sau. Người vợ nhiều lần khuyên ông đừng ngâm tụng, ca hát trên đường nữa, Chu Mãi Thần không nghe theo lời khuyên, ngược lại càng đọc càng hăng say.
Vợ ông vì chuyện này mà cảm thấy xấu hổ, liền muốn bỏ đi. Chu Mãi Thần lại cười nói: “Khi tôi năm mươi tuổi nhất định sẽ phú quý, bây giờ tôi đã hơn bốn mươi tuổi rồi. Bà theo tôi nhiều năm ăn ở cực khổ như vậy, chờ lúc tôi phú quý, nhất định tôi sẽ báo đáp ân đức của bà.” Vợ ông tức giận nói: “Người như ông cuối cùng sẽ chết đói trong cống rãnh mà thôi, làm sao có thể phú quý đây!” Chu Mãi Thần không cách nào giữ vợ ở lại, cũng đành mặc cho vợ ra đi.
Có một lần, Chu Mãi Thần một mình gánh củi trên đường vừa đi vừa ngâm nga, đi đến chỗ nghĩa địa, đúng lúc gặp được người vợ cũ cùng chồng mới cúng viếng mồ mả. Bà thấy Mãi Thần cơ hàn khốn khó, đã cho ông một phần cơm nước đỡ đói. Mấy năm sau, được Nghiêm Trợ là người cùng huyện tiến cử, Mãi Thần được Hán Vũ Đế triệu kiến, ông được Hoàng đế khen ngợi, về sau nhậm chức Thái thú quận Cối Kê.
Khi ông đi tới quận Cối Kê trình diện, dân chúng dọn dẹp đường nghênh đón ông. Mãi Thần đi vào đến địa hạt đất Ngô, trông thấy vợ cũ cùng chồng đang sửa đường với dân chúng, ông liền dừng xe, đưa hai người họ về dinh Thái thú, sắp xếp cho nơi ăn chốn ở. Hễ là người từng có ơn với ông, ông đều nhất định báo đáp.
(Còn tiếp)
Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.36): ‘Sống đến già, học đến già’
Bài viết đăng lại từ Chánh Kiến Việt ngữ.
Quý vị tham khảo bản gốc từ zhengjian.org