Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.36): ‘Sống đến già, học đến già’
Nguyên văn
蘇老泉,二十七,
始發憤,讀書籍。
彼既老,猶悔遲,
爾小生,宜早思。
若梁灝,八十二,
對大廷,魁多士。
彼既成,眾稱異,
爾小生,宜立志。
Âm Hán Việt
Tô Lão Tuyền, Nhị thập thất,
Thủy phát phấn, Độc thư tịch.
Bỉ ký lão, Do hối trì,
Nhĩ tiểu sinh, Nghi tảo tư.
Nhược Lương Hạo, Bát thập nhị,
Đối đại đình, Khôi đa sĩ.
Bỉ ký thành, Chúng xưng dị,
Nhĩ tiểu sinh, Nghi lập chí.
Tạm dịch
Lão Tuyền Tô Tuân, năm hai bảy tuổi,
Mới hạ quyết tâm, nghiên cứu kinh sách.
Trò nhỏ như bạn, nên sớm suy nghĩ.
Giống như Lương Hạo, tám mươi hai tuổi,
Đối đáp triều đình, đứng đầu học sĩ,
Ông thành công rồi, dân chúng khen ngợi,
Trò nhỏ như bạn, nên sớm lập chí.
Từ vựng
(1) Tô lão tuyền (蘇老泉): chính là Tô Tuân, tự là Minh Doãn, hay gọi là lão Tuyền, là một văn học gia nổi tiếng thời Bắc Tống.
(2) thủy (始): bắt đầu, mới.
(3) phát phẫn (發憤): hạ quyết tâm, quyết định, gắng đạt được tiến bộ tinh thông.
(4) bỉ (彼): hắn, nó, người ấy, anh ta. Ở đây chỉ Tô Tuân.
(5) ký (既): đã, rồi.
(6) lão (老): chỉ tuổi tác không nhỏ.
(7) do (猶): còn, vẫn còn.
(8) hối (悔): hối hận.
(9) trì (遲): trễ, muộn.
(10) nhĩ (爾): anh, ngươi, bạn, các anh, các bạn, các ngươi.
(11) tiểu sinh (小生): thế hệ trẻ tuổi, người thanh niên.
(12) nghi (宜): cần phải, nên.
(13) tảo tư (早思): suy nghĩ sớm một chút, nghĩ cho rõ ràng.
(14) nhược (若): như, giống như.
(15) Lương Hạo (梁灝): người thời Tống, rất thích đọc sách, năm 82 tuổi thi đỗ Trạng Nguyên.
(16) đối (對): trả lời, đối đáp, đáp lời.
(17) đại đình (大廷): triều đình.
(18) khôi (魁): hạng nhất, người đứng đầu.
(19) đa sĩ (多士): rất nhiều người đọc sách.
(20) bỉ (彼): kia, nọ, ở đây là chỉ Lương Hạo.
(21) thành (成): thành công.
(22) xưng dị (稱異): tán thưởng, khen ngợi sự đặc biệt, xuất sắc của anh ta.
Dịch nghĩa tham khảo
Tô Tuân triều Tống, mãi đến năm 27 tuổi mới hạ quyết tâm cần phải nỗ lực đọc sách. Như Tô Tuân, tuổi tác đã lớn, vẫn còn hối tiếc vì bản thân đọc sách quá muộn, các bạn trẻ tuổi tiểu bối, cần phải suy nghĩ sớm một chút, nghĩ rõ ràng đạo lý bên trong đó.
Còn Lương Hạo triều Tống, 82 tuổi mới thi đỗ Trạng Nguyên, tại đợt thi đình (kỳ thi cuối cùng ở cung điện do nhà vua chủ trì) ở triều đình vẫn đối đáp trôi chảy, thể hiện ra tài năng nổi bật trong tất cả người đọc sách dự thi, trở thành Trạng Nguyên.
Như Lương Hạo lớn tuổi như thế, còn có thể nỗ lực không ngừng thi đỗ Trạng Nguyên, đạt được chí hướng mà mình đã kiên định lập ra từ trước, tất cả mọi người đều khen ngợi thành tựu trác tuyệt (xuất sắc vượt trội) của ông. Còn các bạn là học sinh trẻ tuổi, càng cần phải noi theo tinh thần của ông, nhân thuở thiếu thời lập định chí hướng, sớm chăm chỉ học tập.
Đọc sách luận bút
Ở hai bài học trước, là từ góc độ của những người gia cảnh bần hàn, gặp phải nghịch cảnh, mà động viên người ta không nên để những điều kiện khách quan gây trở ngại, chỉ cần có quyết tâm thì có thể khắc phục khó khăn, học tập sẽ thành công. Bài học này vẫn là động viên người ta cần phải đọc sách, chẳng qua là đổi góc độ, từ góc độ tuổi tác mà khuyên giải, đồng thời đưa ra hai tấm gương nổi tiếng là nhà văn Tô Tuân và Lương Hạo của triều Tống.
Họ bắt đầu muộn, khi ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách thì tuy hối hận chưa chắc đã kịp, nhưng có can đảm gắng sức vượt lên. Mục đích là khuyến khích những người khởi đầu dù muộn bao nhiêu cũng không sao cả, nhưng cần phải rút ra bài học kinh nghiệm, hãy sớm đọc sách chớ có bỏ lỡ thời gian. Nhưng điều cơ bản là, cuối cùng Tô Tuân đã có thể tự giác đọc sách, là bởi vì tự mình đã minh bạch được rằng mục đích của đọc sách là không nên vì công danh (xem câu chuyện bên dưới). Triều đình thông qua khoa cử để chọn lấy nhân sĩ có tài, vì mong tìm được hiền tài an bang trị quốc, nhưng nếu như thí sinh chỉ là vì công danh mà tham gia, thì đã đi ngược lại với ý nguyện ban đầu về lập chí của người đọc sách. Nói cách khác, trong khi động viên mọi người sớm học tập và đọc sách, thì đồng thời cũng không quên nhắc nhở họ rằng đọc sách cần phải có mục đích trong sáng.
Mặt khác là không được để quan điểm của đời thường trói buộc, học đến già thi đến già, thi đỗ hay không thi đỗ không phải là mục đích. Đọc sách đến già học tập đến già là để cho mình có kiến thức, tỏ tường đạo lý mới là mục đích, đây chính là niềm vui của bản thân, cứ như vậy thì chính là không ngừng đề cao sự tu dưỡng và kiến thức của bản thân. Lương Hạo và Tô Tuân đều là những người chân chính hiểu được mục đích của việc đọc sách, do đó mới hăng hái tiến lên, không cần người khác khuyên, cũng không sợ người khác chế giễu, bởi vì trong tâm họ đều hiểu được mình đọc sách là vì tu chính bản thân, noi gương Thánh hiền. Nếu như thi không đậu thì sẽ làm một người tốt, nếu như thi đậu, vậy sẽ làm thêm việc cứu giúp thiên hạ, có thể tiến có thể lùi, không hề chấp trước, trong lòng hiểu rõ những việc này. Minh bạch ra điểm này, thì sẽ không dao động phương hướng và ý chí của mình, văn chương viết ra sẽ có tư tưởng sâu rộng, bởi vì ‘văn như kỳ nhân’ (văn giống như người).
Có thể thấy rằng sớm đọc sách và sớm lập chí, đồng thời hiểu được thực sự lập chí là như thế nào, đối với người đọc sách mà nói là vô cùng quan trọng.
Câu chuyện “Tô Tuân nỗ lực đọc sách”
Tô Tuân là người Mi Sơn, Mi Châu triều Tống, ông cùng con cả Tô Thức (tức Tô Đông Pha), và con thứ Tô Triệt, đều là văn nhân nổi tiếng Trung Quốc, người đời gọi ba người họ là “Tam Tô”.
Thời thiếu niên Tô Tuân là người không thích đọc sách, lúc 27 tuổi, anh họ của ông đỗ khoa cử làm quan, ông mới đột nhiên nghĩ đến việc mình cần phải nỗ lực đọc sách. Thế là ông quyết tâm, dốc lòng nghiên cứu Lục kinh và các học thuyết Bách Gia. Một năm sau, Tô Tuân tham gia thi cử, nhưng thật không may, ông thi rớt. Quay về nhà, ông thở dài thườn thượt nói rằng: “Ta nhất định là đã chuẩn bị không đầy đủ, cho nên mới không thể có tên trên bảng vàng. Nhưng mà tham gia thi cử để cầu lấy công danh thì thực sự không phải là mục đích của học tập và đọc sách”. Thế là ông lấy toàn bộ văn chương viết hơn một năm đem đốt sạch. Từ đó đóng cửa nỗ lực đọc sách, không còn cất bút viết văn chương nữa.
Trải qua 5-6 năm chăm chỉ đọc sách, Tô Tuân cảm thấy học thức có tăng trưởng lớn, có thể cầm bút viết văn trở lại. Khi ông hạ bút, do tri thức uyên bác, thường trong thời gian rất ngắn có thể hoàn thành một thiên văn chương mấy ngàn chữ, luận điểm văn chương chính xác, kiến giải độc đáo, được giới trí thức lúc bấy giờ tôn sùng.
Trong những năm niên hiệu Gia Hựu (1056-1063) thời Hoàng đế Tống Nhân Tông, Tô Tuân mang theo Tô Thức và Tô Triệt đến kinh đô Biện Kinh. Sau khi xem văn chương của Tô Tuân, Âu Dương Tu vô cùng tán thưởng tài hoa của ông, đã tiến cử ông cho Tể tướng lúc bấy giờ là Hàn Kỳ. Hàn Kỳ cũng rất khen ngợi tài văn chương của Tô Tuân, trọng đãi ông rất nhiều. Từ đó Tô Tuân vang danh thiên hạ, người người tranh nhau đọc văn chương của ông, cũng bắt chước phương pháp sáng tác của ông. Ông có ảnh hưởng sâu xa đối với thời bấy giờ và cả thế hệ sau này.
Câu chuyện “Lương Hạo hơn tám mươi tuổi đậu Trạng Nguyên”
Lương Hạo triều Tống, từ nhỏ đã yêu thích đọc sách. Lúc trẻ mỗi năm ông đều tham gia ứng thí song năm nào cũng rớt. Lương Hạo cũng không nhụt chí, từ đầu đến cuối kiên trì không ngừng đọc sách, trước sự châm chọc giễu cợt của người khác ông chỉ cười nhạt, tiếp tục chuẩn bị ứng thí kỳ thi năm sau.
Dù cho sau đó con ông thi đỗ Trạng Nguyên, Lương Hạo vẫn ở trong nhà chăm chỉ học. Bạn bè gặp ông đều khuyên rằng: “Con ông đã thi đỗ Trạng Nguyên, sau này ông cũng không lo việc cơm áo nữa, hà tất mỗi năm đều đi thi làm chi?” Thế nhưng Lương Hạo chỉ cười, cũng không vì thế mà thay đổi. Trải qua quá trình không ngừng nỗ lực, cuối cùng năm 82 tuổi ông đã thi đậu Tiến sĩ.
Trên điện đường ông đối đáp trôi chảy, tuổi cao chí càng cao, các quan đại thần đều rất khâm phục ông, Hoàng đế cũng rất khen ngợi ông. Cuối cùng ông đỗ Trạng Nguyên. Sau đó, ông rất xúc động nói với con cháu rằng: “Sống đến già, học đến già. Chỉ cần kiên trì bền bỉ, gậy sắt cũng có thể mài thành kim!”
(Còn tiếp)
Bài viết đăng lại từ Chánh Kiến Việt ngữ.
Quý vị tham khảo bản gốc từ zhengjian.org