Đạo giáo: Là tôn giáo hay là khoa học?
Trong một cuộc phỏng vấn cuối năm 1960, ngôi sao phim Hong Kong và nhà võ thuật Lý Tiểu Long đã tuyên bố triết lý “Hãy giống như nước.” Câu nói này không chỉ là khẳng định về triết lý võ thuật (kung-fu) của Lý Tiểu Long; nó còn được mượn dùng như một chiến thuật của chiêu thức linh hoạt và kháng cự.
“Vô hình, vô dạng như nước.” Đối với những ai đã quen thuộc triết học Trung Hoa cổ đại, rõ ràng rằng phép ẩn dụ về nước của Lý bắt nguồn từ luận thuyết kinh điển “Đạo Đức Kinh của Lão Tử”.
Nếu một trong những học thuyết của Đạo giáo có thể được áp dụng cho võ thuật hiện đại, thì chúng ta cũng có thể hỏi rằng: ý nghĩa đương đại của Đạo giáo (Taoism) là gì?
“Vô vi” là một trong những khái niệm căn bản nhất của Đạo giáo (nghĩa đen: không hành động). Chúng ta có thể diễn giải là “nghệ thuật của sự tĩnh lặng”. Làm thế nào một “thái độ tiêu cực” như vậy có thể đem lại lợi ích cho các hoạt động nguy hiểm nhiều như thách đấu tay đôi?
Trong các bản viết tiểu sử của Lý Tiểu Long, quá trình rèn luyện gian khổ để làm chủ bí mật của sự vô vi được trình bày một cách chi tiết. Theo các nhà viết tiểu sử, sư phụ của Lý Tiểu Long là Diệp Vấn, luôn khuyến khích học trò của mình “thư giãn” khi luyện võ thuật. Còn Lý Tiểu Long khi đó là một chàng trai trẻ nóng vội ôm giữ mục tiêu duy nhất là hạ gục mọi đối thủ. Với tâm lý háo thắng như vậy, anh cảm thấy khó mà hiểu được tầm quan trọng của “thư giãn”– nhất là trong tình huống bị tấn công.
“Khi ý thức về bản thân của tôi phát triển đến mức mà các nhà tâm lý học gọi là ‘ràng buộc kép’*, sư phụ của tôi [Diệp Vấn] sẽ đến bên tôi và nói, ‘Tiểu Long, hãy tự cứu mình bằng cách thuận theo sự tự nhiên của vạn vật mà không cản trở chúng. Hãy ghi nhớ rằng đừng bao giờ thách đấu với tự nhiên; đừng bao giờ đối đầu trực diện với bất kỳ khó khăn nào; thay vào đó, hãy điều khiển chúng bằng cách đu dây với chúng. Tuần này, đừng luyện tập. Hãy về nhà và suy nghĩ kỹ về điều đó,’” Lý Tiểu Long kể lại.
Hầu hết những nhà bình luận đã bỏ qua ý nghĩa câu cuối cùng của sư phụ Diệp: “Hãy về nhà và suy nghĩ kỹ về điều đó.” Luyện tập nhiều hơn không đồng nghĩa với việc trở nên sáng suốt hơn. Và sự thông minh có được dường như thông qua việc “không hành động” gì cả vì hoạt động nhiều sẽ dẫn đến quá tải cảm xúc. Cảm giác bức bách sẽ làm suy giảm sự minh mẫn của trí óc và sinh ra “suy nghĩ kém”. Vì thế, không hành động, hay là sự tĩnh lặng lại là con đường trí tuệ.
“Sau nhiều giờ thiền định và tập luyện, tôi đã bỏ cuộc và đi chèo thuyền một mình. Trên biển, tôi nghĩ về tất cả những lần tập luyện trước đây của mình và trở nên tức giận, đấm vào những cơn sóng! Ngay lúc đó – chính thời khắc đó – một ý nghĩ đến với tôi: nước này không phải là cốt lõi tuyệt đối của kung-fu sao? Chẳng phải nước này vừa rồi đã thể hiện [nguyên lý] võ thuật cho tôi sao? Tôi đánh nó, nhưng nó không hề hấn gì. Tôi tấn công nó một lần nữa bằng tất cả sức lực của mình, nhưng nó vẫn không có chút hề hấn! Sau đó tôi đã cố gắng nắm lấy một ít, nhưng không thể. Nước này, chất lỏng mềm mại nhất thế giới, có thể được đổ vào một cái lọ nhỏ nhất, thì chỉ có vẻ yếu mềm. Trên thực tế, nó có khả năng thâm nhập các vật liệu cứng nhất thế giới. Chính là nó! Tôi muốn giống như bản chất tự nhiên của nước.
Bất thình lình, một chú chim bay ngang qua và hình ảnh của chú ta phản chiếu xuống mặt nước. Trong khi tôi đang say sưa tiếp thu bài học về nước, một cảm giác bí ẩn hàm chứa ý nghĩa khác lại hiện ra trong tôi: Chẳng phải là những ý nghĩ và cảm xúc khi tôi thách đấu với đối thủ cũng giống như hình ảnh phản chiếu của những chú chim bay trên mặt nước đấy chứ? Đây chính xác là điều mà sư phụ Diệp muốn nói về vô vi – không phải là vô cảm hay không có cảm giác gì, mà là một người không bị dính mắc hay cản trở bởi cảm xúc của chính mình. Do đó, để điều chỉnh bản thân, trước tiên tôi phải làm chủ chính mình bằng cách hành động thuận với bản chất của tôi, thay vì là đối kháng với nó,” Lý kết luận.
Lý Tiểu Long có thể đã phóng đại toàn bộ câu chuyện để gây ấn tượng với chúng ta. Nghe có vẻ giống như sự giác ngộ bất ngờ của một vị thiền sư. Tình huống này có lẽ thực tế hơn: Lý xem lại một trong những chương của “Đạo Đức Kinh” và nhận ra rằng, không giống như môn Quyền Anh Tây phương, võ thuật Trung Hoa luôn bao hàm nền tảng triết lý.
Cho đến nay, việc một vị Đạo sĩ hoặc một nhà sư Phật giáo có thể đồng thời là một người luyện tập kung-fu chính là minh chứng cho cái nhìn sâu sắc này. Điều đó không xảy ra trong các tôn giáo Tây phương. Một mục sư Công giáo có thể yêu thích Quyền Anh như một thú vui, nhưng nó không liên quan gì đến niềm tin tôn giáo của ông ấy.
Đạo giáo không chỉ là một tôn giáo, nó hướng đến sự hiểu biết toàn diện về cơ chế hoạt động của thân thể con người, chẳng hạn như điều tức, tự chữa lành, và kéo dài tuổi thọ. Cố học giả người Anh Joseph Needham đã làm việc không mệt mỏi trong nhiều thập kỷ để khôi phục công trình khoa học này cho độc giả Tây phương.
Chúng tôi may mắn được ở trong nền văn hóa nói tiếng Hoa vì việc tập luyện khí công và thiền định không phải là một hoạt động học thuật, mà là một truyền thống lâu đời của công chúng. Các học viên khí công hiểu rằng thở kém có tác động tiêu cực đến sức khỏe, ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp. Bên cạnh đó, họ còn phát hiện ra rằng cơ thể có khả năng tự chữa lành. Nhiều bệnh nhân bị các bệnh kinh niên đã được chữa khỏi bằng cách kiên trì luyện tập khí công.
Quay lại lời khuyên của sư phụ Diệp Vấn dành cho Lý Tiểu Long thời trẻ về việc “vô vi”, chúng ta có thể nói thêm rằng đó không chỉ là “thái độ” mà còn là về kỹ thuật thở khoa học. Chúng ta không thể đạt được sự yên tĩnh chỉ bằng cách “bình tĩnh”. Chúng ta cần hiểu cơ chế hoạt động của cơ thể vì nó kiểm soát suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta điều chỉnh tâm trí của mình thông qua việc kiểm soát hơi thở và nhịp tim. Và có rất nhiều bản thảo của Đạo giáo cổ đại đã bàn luận về các phương pháp thích hợp để đạt được mục tiêu này. Thật đáng tiếc là các chuyên gia Tây phương và các nhà tâm lý học chỉ mới bắt đầu xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc trong những năm gần đây.
Nhiều người xem Đạo giáo là điều gì đó hết sức “thần bí”. Đây là một cách hiểu sai lầm. Trên thực tế, Đạo giáo là một trong những tín ngưỡng “khoa học” nhất thế giới, và bằng cách nghiên cứu chúng một cách đúng đắn, chúng ta có thể đạt được trí huệ thâm sâu hơn về bản thân và vũ trụ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ràng buộc kép* (double-bind) là một tình huống khó khăn mà cho dù bạn quyết định thực hiện bất kỳ hành động nào, bạn cũng không thể thoát khỏi những kết quả khó chịu.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times