Đạo sĩ thời nhà Minh đắc Thần thông hô mưa gọi sấm, quét mây và cầu tuyết
Con người thời hiện đại thường xem các hiện tượng như mưa, sấm sét là một loại hiện tượng thời tiết tự nhiên. Tuy nhiên, thời Trung Quốc cổ đại, lại có rất nhiều đạo sĩ và kỳ nhân dị sĩ có thể dùng pháp thuật siêu phàm để gọi sấm cầu mưa. Cho đến thời nhà Minh, trong tư liệu lịch sử vẫn còn ghi chép rất nhiều câu chuyện về các đạo sĩ có đủ đức hạnh, thành tâm và bí thuật, lập đàn tế làm phép, khiến Thượng Thiên giáng hạ những cơn mưa mát lành, ban huệ trạch cho bá tính khắp nơi.
“Thất Vũ Đạo Nhân” bảy lần cầu mưa
Theo “Lâm Giang phủ chí” ghi chép, vào đầu thời nhà Minh, có một đạo sĩ tên là Hoàng Minh Học ở Diên Chân quán, huyện Tân Dụ, tỉnh Giang Tây. Khi còn nhỏ, việc học hành của ông không thành công. Năm 19 tuổi, ông bèn chuyển đến ở trong quán, và bái đạo sĩ Hoàng Kiến Cực làm sư phụ. Năm 40 tuổi, ông gặp được một dị nhân. Người này đã dạy ông “Tiên thiên ngũ lôi pháp.” Kể từ đó, ông có thể cầu mưa.
Vào năm Hồng Vũ thứ 19 (năm 1386), vùng đất ấy từ mùa xuân đến mùa hạ không hề có một giọt mưa nào. Đạo trưởng Giang Hồ Thiên tiến cử Hoàng Minh Học lên Huyện lệnh. Thế là, Huyện lệnh viết thư thỉnh cầu ông lập đàn tế cầu mưa. Hoàng Minh Học hướng lên trời khẩn cầu, bầu trời lập tức nổi sấm chớp, mưa liên tục giáng xuống trong ba ngày.
Đến năm sau (1387) và năm sau nữa (1388), hạn hán vẫn còn nghiêm trọng, nhưng chỉ cần mời Hoàng Minh Học đến cầu mưa, thì nơi đó lập tức có mưa từ trên trời rơi xuống. Để biểu dương công trạng của ông, Huyện lệnh muốn tặng ông một ít vải. Thế nhưng, Hoàng Minh Học kiên quyết khước từ và nói: “Không phải nhờ đạo thuật của tôi, mà là nhờ lòng thương xót của trời xanh đối với chúng sinh.”
Hai năm sau, huyện Tân Dụ lại gặp phải ba đợt hạn hán nghiêm trọng. May nhờ có Hoàng Minh Học cầu mưa, mùa màng của bá tánh vẫn thu hoạch khá tốt, không bị mất mùa. Tám năm sau, trong huyện xảy ra hạn hán nghiêm trọng, theo yêu cầu của các trưởng lão trong tộc, Hoàng Minh Học được Huyện thừa mời đến cầu mưa. Đạo thuật của ông vẫn linh nghiệm như trước. Ngay khi ông vừa làm phép, thì mưa liền trút xuống.
Huyện thừa hỏi mọi người rằng, Hoàng Minh Học đã cầu mưa tổng cộng bao nhiêu lần? Mọi người đáp: “Từ năm Hồng Vũ thứ 19 đến nay, trong huyện đã gặp phải bảy trận đại hạn, đều tránh được nhờ Hoàng Minh Học cầu mưa.” Nghe xong lời này, Huyện thừa không nén nổi cảm kích, nói: “Nếu như trời mưa một, hai lần, thì có lẽ chỉ là may mắn thôi. Nhưng ông ấy lại khiến mưa bảy lần liên tiếp đổ xuống. Đây không phải là chuyện mà những đạo sĩ bình thường có thể làm được!” Từ đó, Hoàng Minh Học trở thành “Thất Vũ Đạo Nhân” nổi tiếng khắp gần xa.
Vào năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), triều đình hạ lệnh biên soạn Đạo thư. Học trò của Hoàng Minh Học là Vương Nhược Hư đã đến núi Long Hổ để thăm hậu duệ của Trương Thiên Sư. Sau khi nghe về việc cầu mưa của Hoàng Minh Học, ông đã khắc triện một con dấu “Thất Vũ Đạo Nhân” làm quà và viết một bài thơ ca ngợi công đức của Hoàng Minh Học.
“Thủ Pháp Chân Nhân” cầu mưa cho Hoàng Đế
Theo ghi chép trong “Tục văn hiến thông khảo,” “Thủ Pháp Chân Nhân”, tự là Hạo Nhiên, người Gia Định. Khi ông được sinh ra, cốt cách tướng mạo của ông rất khác với người thường. Sau khi trở thành Nho sinh, ông bắt đầu nghiên cứu Kinh Dịch. Một năm nọ, ông lâm bệnh nặng. Lúc này, một đạo sĩ đến thăm ông và nói: “Ngươi hãy tu Đạo đi, không những có thể khỏi bệnh mà còn có thể chấn hưng giáo phái này của chúng ta!” Ông đồng ý, và rất nhanh sau đó bệnh đã khỏi.
Không lâu sau, ông theo Trứ Tôn Chân Nhân và Thiệu Chân Nhân học pháp thuật, và đắc được mọi thứ chân truyền từ họ. Về sau, Trương Chân Nhân ở núi Long Hổ tiến cử ông với triều đình. Triều đình giao ông phụ trách quản lý miếu Đông Nhạc. Được sự tiến cử của Lễ bộ Thượng Thư, ông được thăng làm Thần Nhạc Quán Đề Điểm, Đạo Lục Ti Tả Diễn Pháp, đồng thời làm trụ trì cung Triều Thiên. Cuối cùng, vào giữa những năm niên hiệu Thành Hóa, ông được Hoàng đế phong là “Nguyên Chí Thủ Tĩnh Thanh Hư Cao Sĩ” và “Xung Hư Tĩnh Mặc Ngộ Pháp Tòng Đạo Ngưng Thành Diễn Phạm Hiển Giáo Chân Nhân”, đồng thời ban cáo mệnh, ấn bạc và truy phong cho cha mẹ ông.
“Thủ Pháp Chân Nhân” có tính tình ngay thẳng, nghiêm cẩn và thuần hậu. Dù tinh thông đạo thuật, nhưng trong tâm ông luôn ước thúc bản thân, lấy việc phản tỉnh đức hạnh của bản thân làm trọng. Vì ông dụng tâm thuần lương, nên mỗi lần thi triển pháp thuật đều rất linh nghiệm. Một năm nọ có một đợt hạn hán nghiêm trọng, Hoàng đế lệnh cho ông cầu mưa, rất nhanh sau đó trời liền đổ mưa. Mùa thu năm sau lại có một đợt hạn hán lớn, ông lại lần nữa làm phép và đã thỉnh được những cơn mưa mát lành.
Vào năm thứ ba, thoạt đầu việc cầu mưa không linh nghiệm. “Thủ Pháp Chân Nhân” đã lấy một khối sắt tạo thành một lá bùa và để bề tôi thân tín nhất của Hoàng đế ném nó xuống ao rồng của Hồ Tây. Lá bùa vừa được ném xuống, một đám mây đã nổi lên trên bầu trời phía Tây Nam, nhìn từ xa giống như một đàn chim tụ tập trên ao rồng. Lúc này, một con rồng xanh dài mấy thước đột nhiên xuất hiện ở phía chân trời, không ngừng nhào lộn và lượn vòng. Trước khi các quan đại thần của Hoàng đế kịp trở về cung điện, mưa lớn như trút nước đã đổ xuống.
Hoàng đế rất vui mừng và ban cho ông một ngôi nhà lớn. Sau này, Hoàng đế gọi ông vào cung và hỏi: “Việc cảm ứng giữa trời và người rốt cuộc là tuân theo đạo lý nào?” Ông trả lời: “Muốn cảm động Thiên Địa phải nhờ vào đức hạnh cao thượng. Muốn lay chuyển được Thần linh phải dựa vào tấm lòng kiền thành, ngoài ra không còn cách nào khác.” Hoàng đế nghe xong lời này thì vô cùng tin tưởng, mọi người có mặt cũng rất bội phục.
“Quảng Minh Chân Nhân” có thể khống chế lượng mưa
Theo ghi chép trong “Lạc An huyện chí,” có một đạo sĩ tên là Trương Tất Trinh ở Long Cương, Giang Tây. Vào năm Vĩnh Lạc thứ 13, ông đang trên đường vận chuyển lương thực đến Nam Kinh thì gặp phải một trận mưa lớn. Khi đang trú mưa trong miếu Lão Quân, ông phát hiện các bức tượng Thần bên trong đều bị mưa làm ướt, liền vội lấy ô ra che cho các bức tượng, còn bản thân ông lại rời đi dưới mưa. Đêm đó, ông mơ thấy một vị Tiên quân ban cho ông một cuốn Tiên thư và một thanh kiếm làm bùa. Ngày hôm sau, trên đường đi ông nhặt được một hộp đá đựng hai bảo vật này.
Chẳng bao lâu sau, Nam Kinh phải gặp phải một đợt hạn hán kéo dài suốt ba tháng. Ông dán giấy lên bảng cáo thị ở chợ nói với quan phủ rằng, bản thân có thể gọi sấm sét và cầu mưa. Sau khi các quan trong huyện nhìn thấy, đều vội vàng mời ông đến đăng đàn tế làm phép. Ông hướng lên trời cầu khẩn, chẳng bao lâu sau, bầu trời nổi sấm sét và bắt đầu đổ mưa lớn. Một lúc sau, lượng mưa đã đủ, ông bèn cầu trời một lần nữa và mưa lớn lập tức tạnh ngay.
Về sau, khi Hoàng đế nghe được câu chuyện này, đã ban cho ông danh hiệu “Quảng Minh Chân Nhân,” còn mời ông vào cung và ban thưởng bốn bức tượng Thần Sấm bằng đồng.
Người dân địa phương đều biết Trương Tất Trinh có Đạo thuật phi phàm. Ông không chỉ có thể cầu mưa mà còn dùng nước bùa để trừ dịch bệnh. Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, chỉ cần mời được ông đến đó, những người nhiễm bệnh sẽ nhanh chóng khỏi và không có người nào tử vong.
Đạo sĩ Vương Chí Mân có thể quét mây và khiến mưa tạnh
Theo ghi chép trong “Hòa Châu chí,” vào giữa thời Vĩnh Lạc thời nhà Minh, Vương Chí Mân (còn gọi là Vương Hiệu Đễ) luôn sống ở Bảo Đài quán. Ông có phép thuật và có thể dùng bùa chú để hô mưa, gọi sấm sét, nhưng ít người biết về ông.
Một năm nọ, vùng này bị hạn hán nghiêm trọng nên Huyện lệnh đã mời một đạo sĩ có thể dùng bùa chú cầu mưa từ quận khác đến. Khi ông ấy lập đàn tế làm phép, chẳng mấy chốc những đám mây đen bắt đầu tụ lại, nhưng sau một lúc thì tất cả đều tản mất.
Tình huống này đã lặp lại bốn lần. Ông ấy suy nghĩ một lúc rồi nói với mọi người: “Chắc chắn có ai đó ở phía Đông Nam cách đây không xa đang phá phép thuật của tôi.” Khi ông ta làm lại lần nữa, liền phái người đi về phía Đông Nam để thăm dò. Kết quả phát hiện nơi đó chính là Bảo Đài quán. Người kia bước vào trong và nhìn thấy Vương Chí Mân đang ngồi trong rừng trúc. Ông vừa nhìn lên bầu trời, vừa dùng cây chổi trong tay quét đi tất cả những đám mây đen tụ tập trên bầu trời. Cứ như vậy, đám mây dày đặc nhanh chóng biến mất.
Huyện lệnh thấy vậy, liền mời Vương Chí Mân đến cầu mưa. Quả nhiên, ông vừa bước lên đàn tế làm phép thì mưa như trút nước. Tất cả ruộng đất khắp nơi trong huyện đều chứa đầy nước mưa mát lành.
“Đồng Nguyên Chân Nhân” cầu tuyết cho Hoàng đế
Theo ghi chép trong “Giang Tây thông chí,” Phó Đồng Nguyên, tên là Lý Đạo, vừa mới sinh ra đã có hình dáng đặc biệt. Khi lớn lên một chút, ông bắt đầu học “Bí quyết trường sinh” – bí thuật đầu tiên của Đạo gia. Ông thường vân du ở bên ngoài và đặc biệt thích sống cạnh bờ sông, bờ hồ. Sau này khi trở về quê hương, ông không sống cùng gia đình, mà dựng một túp lều trên ngọn núi Thiên Thu để độc tu.
Ông từng gặp được một vị thế ngoại cao nhân, được người này truyền cấp cho một số bí thuật. Học xong, ông có thể dùng Đạo thuật để chữa bệnh cho người khác, đồng thời còn rất giỏi dùng bùa chú để đuổi hổ, xua đuổi châu chấu.
Vào năm Thành Hóa thứ 15 thời nhà Minh, kinh thành gặp hạn hán, ông được người khác tiến cử vào kinh cầu mưa. Trời đổ mưa to, Hoàng đế vui mừng khôn xiết và muốn phong cho ông một chức quan, nhưng ông kiên quyết từ chối. Khi quan Thượng thư thuyết phục ông ở lại, ông bèn nói: “Một người tu Đạo sao có thể ham muốn vinh hoa phú quý ở thế gian?”
Lúc đó là tháng Sáu, Hoàng đế muốn biết, liệu ông có thể làm tuyết rơi vào mùa hè hay không. Thế là ông đăng đàn tế làm phép, chẳng bao lâu sau, tuyết rơi dày tới ba thước. Lúc này, bên ngoài trời lạnh như mùa đông, các quan viên đều thỉnh ông làm tuyết ngừng rơi. Chẳng mấy chốc, mặt trời lại ló dạng.
Hoàng đế ban cho ông một thanh kiếm vàng và một bức tranh bạc, và nói với ông rằng thanh kiếm này có thể hàng yêu trừ ma. Trên bức tranh bạc viết bốn chữ “Bỉnh tâm đoan túc” (Giữ tâm đoan chính, nghiêm cẩn). Sau đó, Hoàng đế tiễn ông trở về núi và ban hiệu “Đồng Nguyên Chân Nhân.”
Đạo sĩ Diệp Xương Linh có thể làm mưa theo khu vực
Theo ghi chép trong “Ôn Châu phủ chí,” Diệp Xương Linh là một đạo sĩ ở Ngọc Thanh quán. Ông từ nhỏ đã có thiên tư thông minh, dĩnh ngộ. Sau này, ông gặp được một lão nhân trên núi. Lão nhân này đã đem bí thuật Đạo gia “Ngũ lôi pháp” truyền cấp cho ông.
Vào giữa những năm niên hiệu Chính Đức thời nhà Minh, trong quận bị hạn hán nghiêm trọng. Có người đã tiến cử ông với Quận thủ. Khi Quận thủ mời ông đến, ông bèn hỏi: “Ngài chỉ muốn trời mưa trong thành phải không?” Quận thủ đáp: “Nước mưa là dùng để tưới tiêu đất nông nghiệp. Vậy nên, tốt nhất ông có thể làm mưa lớn bên ngoài thành!”
Diệp Xương Linh nghe xong, dùng bút lông vẽ một vòng tròn trên giấy, tô những chấm mực giống như những giọt mưa lên đầy bên ngoài vòng tròn, rồi ném cây bút lên không trung. Lúc này, một luồng không khí màu trắng xung lên bầu trời, ngay sau đó mưa trút xuống rất lớn. Trận mưa lớn này không thiên không lệch, vừa vặn đều rơi xuống vùng đồng ruộng ở ngoại ô, trong khi trong thành, mưa chỉ rơi một chút.
Tài liệu tham khảo: “Khâm định cổ kim đồ thư tập thành”.