Triết lý về luân hồi: Bình chân như vại
Con người sống trên đời thường gặp phải một số chuyện không đoán trước được. Khi đối diện với những điều này, có người hoảng hốt lo sợ, có người bình chân như vại, vẫn có thể bình tĩnh giải quyết mọi chuyện trong lúc khó khăn nhất. Trong trạng thái tâm lý như vậy, họ có thể lo liệu mọi chuyện rất tốt. Bài viết này kể về một câu chuyện liên quan đến phương diện này.
Thời nhà Thanh có một vị quan họ Phạm vô cùng liêm chính và thấu hiểu nỗi khổ của bách tính. Ông thường xuyên cải trang vi hành, quan sát dân tình.
Có một lần, ông cải trang đến nơi đang xảy ra thiên tai, gần một con sông nọ. Nơi đây đang xảy ra lũ lụt, người dân vô cùng lo lắng bất an. Ông cùng tùy tùng của mình dừng chân ở một tửu quán cách đó không xa, muốn vào trong nghỉ ngơi một lát, tiện thể nghe ngóng xem người dân xung quanh nói những gì.
Rất nhiều người dân ở đây bắt đầu than trách ông Trời không có mắt, trách quan lại địa phương, trách tổ tiên không phù hộ… Dù bất cứ chuyện gì khiến người dân bất bình thì họ cũng đều có thể trách mắng được. Quan viên họ Phạm đang nhấm nháp rượu ở đây, từ từ nghe ngóng mọi việc. Sau đó, có một người tầm 50 tuổi nói: “Tôi nghe nói con đê ngăn sông gần nơi chúng ta là do một người họ Phạm xây dựng. Điều thú vị là có một vị quan lớn trong triều đình cũng mang họ Phạm. Nghe người ta nói bọn họ có quan hệ họ hàng với nhau.” Nghe đến đây, thuộc hạ của vị quan muốn đứng ra dập tắt loại tin đồn này, nhưng bị ông ngăn lại. Họ tiếp tục lắng nghe. Những người trong căn phòng nghe nói vậy liền lập tức trút hết lòng oán hận lên vị quan họ Phạm.
Vị quan họ Phạm thấy tình huống này nhưng vẫn im lặng không nói gì. Ông đứng dậy vẫy tay gọi chủ quán tới và trả tiền rượu cho tất cả những người đang có mặt tại đây, nói rằng: “Cuộc sống của những người dân đang chịu nạn thiên tai nơi đây thật không dễ dàng gì.” Sau đó ông quay trở lại kinh thành, bắt đầu điều tra một cách triệt để các nguyên nhân gây ra lũ lụt nơi đây.
Sau một thời gian điều tra, ông phát hiện việc xây dựng con đê xác thực có vấn đề. Người dân nơi đây thường làm ruộng gần con đê và thường xuyên đến lấy đất ở con đê này. Đó là một trong những nguyên nhân.
Sau khi tìm hiểu được những sự tình này, ông liền cách chức Huyện lệnh nơi này và cả người họ Phạm xây dựng con đê kia. Sau đó, ông đích thân phái người đến giúp đỡ những người dân đang chịu nạn, tiến hành trùng tu con đê sau trận lũ lụt. Hành động này của ông khiến bách tính vô cùng vui mừng. Người mà lúc trước đã nói những lời không tốt về ông, cũng đích thân lên kinh thành chịu đòn nhận tội. Tuy nhiên, ông không những không trách cứ, ngược lại còn giữ người đó ở lại phụ việc cho mình.
Về sau, có người trong triều đình vu cáo ông kết bè kết phái, người của Bộ Lại muốn tìm ông để nói chuyện. Vì Hoàng thượng không tin những lời vu cáo đó, nên đã ngụy trang thành người hầu đứng bên cạnh quan viên Bộ Lại để quan sát. Khi vị quan họ Phạm đi đến nơi hẹn, sắc mặt của ông vẫn không chút thay đổi. Ông kể hết những việc mình đã làm trong nhiều năm qua một cách chi tiết và cặn kẽ. Đồng thời ông cũng bày tỏ rằng, bản thân không tham lam chức quan gì, chỉ hy vọng có thể mang đến lợi ích cho dân chúng.
Người của Bộ Lại muốn thử xem những lời vị quan họ Phạm nói có thật lòng hay không, vì vậy đã cách chức ông thành thường dân, và phái hai người thân cận đi theo ông về quê. Vị Hoàng thượng cải trang thành người hầu thấy ông như vậy, trong tâm cảm thấy ông đúng là bị oan uổng rồi, xem ra quan viên Bộ Lại muốn thử ông một chút. Thế nên, Hoàng thượng cũng chẳng nói lời nào.
Trên đường trở về quê, vị quan họ Phạm đều ăn ngon ngủ yên. Hơn nữa trên đường đều xuất hiện những người dân chủ động hộ tống ông. Hai người thân cận của quan viên Bộ Lại kia thấy vậy bèn hỏi ông: “Tại sao sau khi bị biếm chức, ông vẫn có thể bình thản như vậy? Chẳng lẽ ông thật sự không quan tâm đến chức vị sao?” Vị quan họ Phạm cười lớn, đáp: “Thật ra trong lòng chỉ cần có bách tính, thì tôi có thể an giấc và ăn ngon rồi.”
Hai người họ sau khi nghe được câu trả lời thì nhanh chóng quay về bẩm báo với vị quan Bộ Lại. Vị quan ấy lại bẩm báo lên Hoàng thượng. Hoàng thượng lập tức hạ chỉ triệu hồi vị quan họ Phạm về kinh.
Khi thánh chỉ đến, cũng là lúc vị quan họ Phạm vừa mới về gần tới cửa nhà mình. Ông còn chưa kịp bước vào trong, lại phải bất đắc dĩ quay trở về kinh thành. Mọi người trong thôn làng, ai nấy đều rơi nước mắt lưu luyến, không nỡ giã từ.
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ