Khi nào thiện ác hữu báo, Thần Phật đều có an bài
Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, đây là niềm tin phổ quát trong văn hóa Á Đông. “Kinh Dịch – Khôn quải – Văn ngôn” viết: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (nhà tích điều thiện, ắt dư niềm vui; nhà tích điều bất thiện, ắt dư tai ương). Trong các trước tác của cổ nhân đã lưu lại rất nhiều ghi chép lịch sử liên quan đến “thiện ác hữu báo,” mở ra con đường nhân sinh tươi sáng cho thế hệ sau. Một số gia tộc nhiều đời hành thiện đã nhận được phúc báo phi thường, còn một số người hành ác phải chịu nhận quả báo ngay trong đời này. Chủ nghĩa vô thần không thể phủ nhận những sự thật lịch sử này.
Phúc báo năm đời
Vào năm Tân Tỵ, niên hiệu Càn Long thứ 26 triều Thanh (năm 1761), Hoàng Hà phát sinh lũ lụt. Từ ngày 15 đến ngày 19 tháng Bảy âm lịch, các dòng phụ lưu của Hoàng Hà như sông Y, sông Lạc, sông Thấm, cùng dòng chảy chính của Hoàng Hà giữa Đồng Quan và Mạnh Tân đều phải hứng chịu những cơn mưa rất lớn. Trong đó, trọng tâm mưa nằm ở huyện Tân An, tỉnh Hà Nam. Nước sông Y và sông Lạc đều tràn bờ. Vào thời điểm đó, các con đê ở Vũ Trắc, Huỳnh Trạch, Dương Vũ, Tường Phù, Lan Dương .v.v. đều bị vỡ. Ở hạ lưu sông Hoàng Hà có tổng cộng 26 nơi bị vỡ đê. Hàng chục châu, huyện ở ba tỉnh Hà Nam, Sơn Đông và An Huy bị nhấn chìm. Có nơi, mực nước dâng cao tới 5, 6 thước, thậm chí có nơi nước sâu tới vài trượng. Nhà cửa của rất nhiều người dân gần như bị nước nhấn chìm toàn bộ.
Huyện Trần Lưu (nay là trấn Trần Lưu, huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam) nằm ở bờ nam sông Hoàng Hà cũng hứng chịu thảm họa lớn, mực nước sâu tới một trượng. Gia đình họ Tào ở địa phương này cũng bị thiệt hại nặng nề, nhà cửa bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn.
Sau ba ngày ba đêm, cơn đại hồng thủy mới dần dần rút đi. Lúc này, trước mắt mọi người hiện ra một cảnh tượng kỳ dị. Ngôi nhà của Tào gia lộ ra khỏi mặt nước vẫn y nguyên như lúc ban đầu, không hề bị sập. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là người nhà họ Tào đều bình yên vô sự. Những người may mắn sống sót ở địa phương đã kéo đến thăm hỏi gia đình họ.
Mọi người đều rất tò mò hỏi: “Nhà các vị làm thế nào mà có thể sống sót dưới nước như vậy?”
Tào gia trả lời: “Mấy ngày nay chúng tôi chỉ cảm thấy có sương mù dày đặc bao phủ xung quanh, không nhìn thấy mặt trời, hoàn toàn không biết mình đang ở dưới nước!”
Huyện lệnh địa phương biết được chuyện khó tin này liền đến thị sát, hỏi gia đình họ Tào rằng: “Các vị bình thường có làm việc thiện gì không?”
Người nhà họ Tào trả lời: “Tiền cho thuê ruộng mà chúng tôi nhận được hằng năm, ngoài việc đóng thuế và khấu trừ chi tiêu của gia đình, phần còn lại chúng tôi đều cố gắng giúp đỡ những người hàng xóm láng giềng nghèo khổ xung quanh. Chúng tôi đã làm việc này từ thời cao tổ, tằng tổ. Cả năm đời gia tộc đều chưa từng gián đoạn việc này, đến nay đã hơn một trăm năm rồi.”
Huyện lệnh lập tức báo cáo việc này lên triều đình, đồng thời phát biển ngạch biểu dương việc làm thiện hạnh của Tào gia.
Câu nói “thiện hữu thiện báo” của người xưa quả thực không hề sai lệch. Chính vì năm đời nhà họ Tào đều kiên trì hành thiện, nên khi tai họa ập đến, Thần linh đã bảo hộ. Nhà bị ngập nước ba ngày ba đêm, cả gia đình vẫn bình an vô sự.
Phá hủy tượng Phật, tự chiêu mời ác báo
Chùa Tứ Diện cao lớn tráng lệ ở quận Vũ Xương được xây vào thời nhà Minh. Đến thời Ung Chính nhà Thanh, ngôi chùa này đã có lịch sử mấy trăm năm, hương hỏa rất thịnh. Tượng Phật thờ tự trong chùa cao khoảng hai thước, thân bằng sắt, đầu bằng đồng, phần đầu có bốn mặt, do đó được gọi là Tứ Diện Phật. Giữa thời Ung Chính, có ba mươi sáu nho sinh nói chùa này trấn áp long mạch của tỉnh, sẽ cản trở vận may thi cử của các thí sinh trong tỉnh. Vì vậy, họ đề nghị phá hủy ngôi chùa, thỉnh cầu quan phủ chấp thuận.
Tuy nhiên, thân Phật rất cao lớn, đầu Phật lại càng kiên cố hơn, cho nên dù dùng rìu lớn đục đẽo liên tục cả ngày cũng không làm tổn hại được chút nào. Sau đó, họ thương lượng việc xoay lưng của sáu bức tượng Phật trong chùa. Khi họ di chuyển và xoay tượng Phật, khiến đầu tượng Phật Cẩm Hóa rời ra và rơi xuống đất.
Những nho sinh đó nhìn thấy đồng nguyên chất, liền quyết định phân chia để làm đồ dùng. Không lâu sau, những người tham gia đề nghị phá chùa đều lần lượt bị bệnh lạ. Trên lưng họ đều có vết lở loét lớn, mưng mủ lan rộng đến cổ, cuối cùng đầu rơi xuống đất vong mạng. Những người ký vào bản kiến nghị phá chùa đều bị đau đầu, hơn một trăm người không ai thoát khỏi. Về sau, người ta phát hiện một người họ Tư trong số đó đã sử dụng tên giả để ký vào bản kiến nghị. Vốn dĩ anh đã nhiều lần muốn rút lui khỏi chuyện này, nhưng lại sợ mọi người oán giận nên mãi vẫn chưa rút lui.
Khi nhìn thấy những người khác lần lượt bị trừng phạt mất mạng, trong tâm anh ta cảm thấy bất an. Mặt khác, anh ta lại cho rằng tai họa không phải do mình gây ra, có lẽ sẽ may mắn thoát nạn. Sau này, khi đang chuẩn bị khởi hành đi nhận chức vụ mới, anh ta đột nhiên nhìn lên bầu trời và kêu lên một tiếng kinh hãi, nói rằng có một vị Thần mặc áo giáp vàng đã dùng một cây gậy lớn đánh vào đầu anh ta. Anh ta lập tức vô cùng đau đớn, âm thanh đột nhiên im bặt, tử vong ngay tại chỗ.
Những người trong vụ việc đều là thư sinh nhưng lại không hiểu Thiên lý, chỉ vì tư lợi mà lấy chuyện phong thủy để mù quáng, bất kính với Thần Phật. Chuyện phong thủy chẳng phải cũng là một loại ân thưởng hồi báo của Thần Phật dành cho người có đức hạnh hay sao? Người không có đức có thể đắc được chăng? Vì mưu cầu tư lợi mà phá hủy tượng Phật, dù là hành động kiến nghị hay tán thành cũng đều là khinh nhờn Thần Phật. Những kẻ giả vờ tán thành lấy lệ thì tâm địa càng xảo quyệt và xấu xa hơn. Sinh mệnh ở nhân gian là đến từ Thần giới, phá hủy tượng Thần Phật, kỳ thực là hủy hoại chính mình. Phải chịu quả báo ngay ở đời này cũng là điều hợp tình hợp lý.