Khai bút nghênh tân xuân, ban phúc cho thương sinh, vậy ‘phúc’ từ đâu đến?
Một năm mới lại bắt đầu, thiếp xuân chiêu mời phúc đến đón mừng năm mới! Ngày đầu năm, nhà nhà treo thẻ đào mới [đào phù, biểu tượng trên miếng gỗ đào] tiễn đưa năm cũ và đón bình an. Vậy chữ viết trên thiếp xuân mà mọi người thường nhìn thấy nhất là chữ gì ? Chiếm ngôi quán quân đương nhiên là chữ Phúc “福”. Chữ phúc này không chỉ được bách tính thường dân yêu thích, mà cả hoàng thất triều đình cũng rất ưa chuộng. Vào thời nhà Thanh, Hoàng đế khai bút chào đón năm mới, ban phúc cho thương sinh. Vậy “phúc” khí từ đâu mà đến?
Các Hoàng đế nhà Thanh có điển nghi khai bút ban phúc cho thương sinh. Thanh Thánh Tổ Khang Hy Hoàng Đế là người đóng vai trò mở đầu điển lệ này. Thư pháp và ngọc tỉ của Hoàng đế Khang Hy có chữ phúc “福” truyền từ đời này sang đời khác, được người dân khắp nơi ưa chuộng. Từ Trung Quốc đến khắp nơi trên thế giới, chữ này có mỹ xưng là “chữ Phúc đệ nhất thiên hạ”.
Thư pháp do Hoàng đế Khang Hy ngự bút, nghênh “phúc,” ban “phúc”
Mỹ xưng “chữ Phúc đệ nhất thiên hạ” của Hoàng đế Khang Hy không phải là lời tâng bốc hay khen ngợi vô căn cứ của mọi người. Công phu siêng năng cần mẫn luyện tập thư pháp (viết chữ bằng mực) của ông không mấy ai sánh được. Vị Hoàng đế này “từ nhỏ thích ngắm ao hồ, mỗi ngày đều viết hơn ngàn chữ, chưa từng dừng bút … trong hơn 30 năm” (“Khang Hy triều thực lục”).
Lại nói, là một người bình thường, hỏi có bao nhiêu người có thể viết hơn một ngàn chữ thư pháp mỗi ngày trong hơn ba mươi năm mà không gián đoạn? Hơn nữa, chữ Phúc là công phu dùng bút mực tích lũy trong hơn 30 năm rèn luyện mới có được, chắc chắn không phải là hứng khởi nhất thời. “Chữ Phúc đệ nhất thiên hạ” do Hoàng đế Khang Hy viết là sự tích lũy công lực và sự sáng tạo đổi mới từ thư pháp của thư Thánh Vương Hy Chi cùng những tâm đắc của bản thân. Đó là chữ “Phúc” hồn hậu, “trong phúc có thọ, trong thọ có phúc.”
Chữ Phúc này từ trên xuống dưới dài hơn 50cm, hình dáng triển hiện dài và mảnh, mọi người thích gọi nó là “trường thọ phúc” (chữ phúc trường thọ). Chữ “phúc” (福) của ông mang ý nghĩa của chữ Phúc “福” trong lối viết Thảo thư của Vương Hy Chi. Đồng thời, ông cũng bổ sung thêm phép viết chữ “Thọ” trong “thiếp ngày sáu tháng mười hai” theo lối Thảo thư của Vương Hy Chi, triển hiện ở phía trên bên phải của chữ Phúc, giống như chữ “đa” (多), hàm chứa ý nghĩa “đa” thọ, trường “thọ.”
Hoàng đế Khang Hy viết “chữ Phúc đệ nhất thiên hạ” này để cầu phúc cho tổ mẫu. Ngoài ra, vào ngày mùng Một tháng Chạp cuối năm, ông thường khai bút, viết một chữ “Phúc” lớn ban cho các vương công đại thần và những người hầu thân cận, là một chữ Phúc đón chào năm mới. Việc khai bút chúc phúc của Hoàng đế Khang Hy đã trở thành hình mẫu cho các Hoàng đế nhà Thanh sau này.
Hoàng đế Ung Chính khai bút: Phúc là của chung thiên hạ, không phải của riêng một người hay một nhà
Chữ Phúc mà Thanh Thế Tông Ung Chính, vị Hoàng đế thứ năm của triều Thanh viết, không chỉ ban cho cận thần trong triều mà còn thưởng cho tướng lĩnh, thống đốc, tuần phủ các tỉnh trực lệ. Khi họ hồi tấu cung kính cảm tạ ban thưởng chữ Phúc, Hoàng đế Ung Chính cũng châu phê chỉ dụ, giáo huấn khích lệ các quan viên rằng: Phúc là của chung thiên hạ, không phải của riêng một người hay một nhà nào; những người đứng đầu các tỉnh phải trông coi, suất lĩnh quan viên văn võ, nhất định phải khiến dân chúng trong địa phương mình quản hạt được no đủ, an cư lạc nghiệp, đó mới là phúc của một tỉnh; mở rộng ra khắp thiên hạ thì khắp nơi đều an cư lạc nghiệp.
Hoàng đế Càn Long khai bút: Ban phúc cho thương sinh, kế thừa gia pháp
Dưới thời trị vì của Thanh Cao Tông Càn Long, vị Hoàng đế thứ sáu của nhà Thanh, khai bút ban phúc đã trở thành một việc thông lệ trong triều đình hàng năm. Hoàng đế Càn Long khai bút ban chữ “Phúc” trong cung Trùng Hoa. Chữ “Phúc” đầu tiên ông viết được dán ở chính điện cung Càn Thanh. Các chữ Phúc tiếp theo được dán ở mỗi cung điện và vườn thượng uyển. Sự kiện khai bút ban phúc này được tiến hành trong suốt tháng 12 âm lịch. Đầu tiên là “đặc tứ” (đặc biệt ban thưởng) phúc cho những người có công lao đặc biệt. Ngày 17, Hoàng đế triệu kiến các quan đại thần và thị vệ vào diện kiến để ban phúc. Ngày 26 và 27, ông triệu kiến các vương công, đại thần, hàn lâm nội đình đến cung Trùng Hoa để ban phúc.
Cây bút được Hoàng đế Càn Long ngự dụng để khai bút có bốn chữ “Tứ Phúc Thương Sinh” (賜福蒼生) viết lối Khải thư, được đặc biệt xưng là “bút tứ phúc thương sinh.” Tương truyền, đây là bút ngự dụng mà Thánh Tổ ban cho. Thân bút được sơn màu đen và có bốn chữ “Tứ Phúc Thương Sinh” dát vàng. Sau khi khai bút hàng năm, cây bút được cất giữ trong hộp đàn hương để bảo đảm bút luôn mới. Giấy dùng để viết chữ Phúc được làm bằng lụa trộn chu sa, trên vẽ mây và rồng vàng, được sản xuất từ Giang Tô và cung cấp theo tiêu chuẩn hàng năm.
Năm Bính Dần thời Hoàng đế Càn Long, chùa Xiển Phúc được xây dựng. Sau năm Nhâm Thân, trước mỗi lần khai bút hàng năm, Hoàng đế Càn Long đều đến chùa thắp hương, sau đó hồi cung viết thư pháp chữ Phúc. Khi khai bút, trước tiên ông thắp hương để tỏ lòng thành kính. Dùng một chiếc đĩa có chạm trổ hình mây rồng được sơn son đỏ, ở giữa đặt một lư hương cát tường bằng đồng cổ và hai đĩa hương cũng bằng đồng cổ, Hoàng đế cầm thân bút hơ qua trên lư hương, rồi mới bắt đầu chấm mực viết.
Khi Hoàng đế Càn Long khai bút vào năm Kỷ Tị, ông cũng viết bài thơ “Thư phúc”.
Thơ rằng:
Cận thủy phiên bình đãi bách liêu, Lâm hiên thư phúc khánh ân chiêu.
Cửu trù ki tử trù thư diễn, Nhất bút vương gia bút trận siêu.
Gia dữ hồng tiên nghênh giới chỉ, Tương phu thải thắng hoán nguyên triêu.
Bất đồ lộng hàn khâm phu tích, Gia pháp thằng thừa nghênh Thánh Nghiêu.
Tạm dịch nghĩa:
Sắp đến lúc chở che khắp bá quan, dưới hiên viết chữ Phúc mừng khánh ân rực rỡ.
Nơi cửu trù đã có sàng lọc trù liệu, một cây bút của vương gia đủ vượt qua hết thảy.
Giấy hồng và những lời tốt lành nghênh đón nền phúc, cùng thể hiện vẻ rực rỡ hào quang năm mới.
Chẳng dám xem thường bút mực mà vâng theo lệ rộng ban thưởng, thừa truyền gia pháp cung nghênh bậc Thánh Nghiêu.
Trong bài thơ của mình, Hoàng đế Càn Long bày tỏ hai ý nghĩa chính của việc viết thư pháp chữ Phúc để ban cho triều thần. Một là ban phúc lành cho các thần tử trong triều; hai là trong lòng ông ngưỡng mộ điển phạm của Tiên Tổ Khang Hy trong việc nghênh đón năm mới, ban phúc lành cho các bề tôi của mình, bởi vậy mà ông thành kính kế thừa gia pháp.
Ngoài viết thư pháp chữ Phúc, Hoàng đế Càn Long còn viết câu đối. Câu đối có hoa văn mây rồng màu son với đủ loại từ năm chữ, bảy chữ đến mười ba chữ. Ngoài ra, ông còn viết thiếp xuân với những chữ như chữ “Thọ” dài, “Nghi xuân nhạ tường,” “Nghi nhập tân niên,” “Nhất niên khang thái,” v.v. lên đến hàng trăm bức.
Thanh Nhân Tông Gia Khánh, vị Hoàng đế thứ 7 của nhà Thanh, mỗi năm đều đến Đông Noãn các ở điện Dưỡng Tâm để khai bút viết thư pháp chữ Phúc. Trên bàn bài trí nến ngọc, bình vàng, còn có một cây ngự bút “vạn niên thanh” (thân bút gọi là “vạn niên chi”). Đầu tiên, ông chấm chu sa để viết một số chữ mang ý nghĩa tốt lành, sau đó mới dùng mực viết thư pháp.
Tại sao từ Hoàng đế cho đến thường dân đều ưa chuộng chữ “Phúc” và nghênh “phúc” vào năm mới? “Phúc khí” từ đâu mà đến?
“Phúc khí” từ đâu đến?
Trong văn tự Giáp cốt văn thời nhà Thương, chữ “Phúc” (福) là chữ tượng hình, ban đầu có hình dáng “hai tay nâng chén (vật đựng rượu) dâng lên trước mặt Thần Đất (đồng âm với chữ kỳ “祇”, chỉ Thần Đất”… chính là chữ phúc “福” sau này ( “Tăng đính Ân hư thư khế khảo thích”, La Chấn Ngọc). Đây là hình tượng biểu thị một người cung kính, dùng rượu để kính Thần. Trong “Thuyết văn giải tự” nói: “Phúc, nghĩa là có Thần phù hộ vậy.”
Vào thời nhà Chu có chức quan Đại Tông Bá, chưởng quản việc tế tự theo “lễ dành cho Thiên Thần, Người, Quỷ và Thần Đất” (“Chu Lễ – Xuân quân – Đại Tông Bá”). Trịnh Huyền chú giải rằng: “Kỳ 示, âm như chữ kỳ 祇, nghĩa là Thần Đất.” Từ ý nghĩa ban đầu và sau này của chữ Phúc mà nói, phúc có được là từ Thần, xuất phát từ tâm kính Thần, phụng thờ Thần một cách kiền thành mà có được. Phúc trạch của đất nước, phúc và thọ của mỗi người, đều có được từ sự phù hộ của Thần. Đây cũng là nguồn gốc phúc khí của “chữ Phúc đệ nhất thiên hạ” mà Hoàng đế Khang Hy viết.
“Khoan nhân hành thiên mệnh, từ thiện thuận thiên ý” đều là đức hạnh được Thượng thiên khẳng định. Thuận theo trời mà hành xử, phúc khí tự sẽ có giữa nhân gian. Nếu hành xử trái ngược với Đạo này, thì con người sẽ rời xa Đạo và bị Thần rời bỏ. Lúc đó, không chỉ cầu phúc, phúc không đến, mà đến khi vô số tội nghiệp cuồn cuộn dâng trào, thì hối hận cũng đã muộn!
Tài liệu tham khảo: “Thanh bại loại sao”, “Quốc triều cung sử tục biên, quyển 64”, “Khang Hy triều thực lục”.
Xem thêm:
Thiên hạ đệ nhất ‘Phúc’, vì sao không được đảo ngược thiếp xuân chữ Phúc?
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ