Thiên hạ đệ nhất ‘Phúc’, vì sao không được đảo ngược thiếp xuân chữ Phúc?
Khi Tết Nguyên Đán đến, muôn vàn gia đình trong nhân gian đều “tranh bả tân phù hoán cựu đào” (lấy đào mới đổi đào cũ, tục xưa cứ Tết thì cắm cành đào lên mái nhà để trừ ma gọi là đào phù). Ngoài câu đối xuân trên cột trụ của cửa chính, thì còn có “Thiếp xuân” khoảng một thước vuông bằng giấy kẻ ô, thường thấy nhất là viết chữ Xuân, hoặc chữ Phúc (福), tượng trưng cho “Xuân” đã đến nhân gian, “Phúc” tinh soi chiếu.
Mọi người có thể cũng sẽ phát hiện ra, thường hay thấy thiếp xuân có chữ “Xuân” bị dán đảo ngược, ý nói là “Xuân đáo”, là xuân đến (chữ ‘đáo’ trong “xuân đáo” đồng âm với chữ ‘đảo’ trong đảo ngược), còn thiếp xuân chữ “Phúc” thì rất hiếm thấy bị dán đảo ngược, thậm chí còn nói “Phúc” không được dán ngược! Vì sao vậy? Là bởi vì “Phúc” không thể “đi ngược ra bên ngoài” sao? Hay ý là nói bất chính thì không thể trấn được tà, không thể nghênh đón phúc được? Bên trong chuyện này còn ẩn chứa điển cố văn hóa Trung Quốc.
Chữ Phúc của Hoàng Đế Khang Hy, thiên hạ đệ nhất Phúc
Trong các thiếp xuân chữ “Phúc”, có một thiếp chữ “Phúc” được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất phúc”, chuyện này là bắt đầu từ thời triều Thanh. Năm Khang Hy thứ 12 triều Thanh (năm 1673), Hiếu Trang Thái Hoàng Thái Hậu bị bệnh, tương truyền rằng Hoàng đế Khang Hy tự tay viết chữ “Phúc” 福, đồng thời dùng ngọc tỷ “Khang Hy ngự bút chi bảo” ấn lên gia trì, để cầu phúc cho tổ mẫu Hiếu Trang Thái Hoàng Thái Hậu.
Theo Hoàng lịch, giữa tháng 2 năm Khang Hy thứ 12 triều Thanh, là đại thọ 60 tuổi của Hiếu Trang Thái Hoàng Thái Hậu, vậy mà Hoàng Thái Hậu đột nhiên gặp phải một trận bệnh nặng, khiến cho bầu không khí trong cung cũng trở nên nặng nề. Hoàng Đế Khang Hy trong khi lo lắng đã tìm được từ trong sách cổ “Thừa Đế sự” thời thượng cổ có nói đến việc “Thỉnh phúc thêm thọ”, ý là nói chân mệnh Thiên Tử là người vạn phúc vạn thọ, có thể hướng lên ông Trời để “Thỉnh phúc thêm thọ.”
Vậy vì sao lại không “Thỉnh phúc thêm thọ” cho Hoàng Thái Hậu chứ? Thế là, Hoàng Đế Khang Hy hiếu thuận liền cung kính tắm gội trai giới ba ngày, tuyển chọn một cây bút, dùng lực vững vàng mạnh mẽ viết xuống trên tấm lụa chữ “Phúc” cao dài khoảng chừng nửa mét, lại lấy ngự ấn của Hoàng Đế “Khang Hy ngự bút chi bảo” ấn lên ngay phía trên đầu để gia trì. Sau đó, bệnh của Hiếu Trang Thái Hoàng Thái Hậu quả nhiên đã khỏi, từ đó dân gian truyền rằng “Phúc” này là “Trời ban hồng phúc”, “Phúc tinh soi chiếu, trấn yêu tà trong thiên hạ”, hình chữ “Phúc” cao dài này cũng có tên gọi đặc biệt là “Trường thọ phúc.”
“Ngũ phúc lâm môn”, ngự bút của Hoàng Đế Khang Hy
Chữ “Phúc” có hình dáng cao gầy này của Hoàng Đế Khang Hy viết rất khác với chữ “Phúc” kiểu phúc hậu bình thường. Chữ “Phúc” của ông có mang hơi hướng kiểu chữ “Phúc” theo lối thảo thư của Thư Thánh Vương Hi Chi, đồng thời lại thêm vào cách viết phần trên chữ “Thọ” theo lối thảo thư trong “Thập nhị nguyệt lục nhật thiếp” của Vương Hi Chi, mang hàm ý nhiều trường thọ. Người đời gọi thiếp phúc này của Hoàng Đế Khang Hy là “trong Phúc có Thọ, Phúc Thọ song toàn.”
Quan sát cẩn thận tỉ mỉ cách viết chữ “Phúc” này của Hoàng Đế Khang Hy, thì trên thực tế có chứa toàn bộ hình tượng của “Ngũ phúc” là “Thọ, điền, tử, tài, phúc.” Quan sát thêm nữa thì thấy, nét bút góc trên bên phải của “Phúc” giống chữ “đa” (nhiều), là giống với đầu chữ “Thọ” theo lối thảo thư trong “Thập nhị nguyệt lục nhật thiếp” của Vương Hi Chi (mời tham khảo tranh bên dưới):
Góc dưới bên phải có chữ Điền “mở miệng”, cũng thường thấy cách viết này trong lối viết chữ thảo của Vương Hi Chi. Mọi người cho rằng nó thể hiện cho “phúc vô biên”, “hồng phúc vô biên” (mời tham khảo tranh bên dưới), bộ thủ “Kỳ” (礻) của chữ phúc tựa như chữ “Tử” (子: con cái) lại giống như chữ “Tài” (才: tài năng):
Một chữ “Phúc” hàm chứa ý nghĩa “nhiều thọ, nhiều ruộng, nhiều con, nhiều tài, nhiều phúc”, quả là “Ngũ phúc lâm môn”! Lại còn thêm Ngọc ấn của Khang Hy trấn phúc, vì vậy chữ “Phúc” này có danh xưng là “thiên hạ đệ nhất Phúc.”
Về sau chữ “Phúc” này được khắc ở trên tảng đá hình chữ nhật, làm thành bia chữ Phúc. Thời vua Càn Long không biết vì sao bị giấu kín trong động Bí Vân dưới hòn giả sơn của Tụy Cẩm Viên ở Cung Vương Phủ. Cung Vương Phủ hiện nay là Viện bảo tàng Cung Vương Phủ, mọi người có thể nhìn thấy bia chữ phúc này trong viện bảo tàng đó.
Tâm thành ý cung, kính Trời tin Thần, ban phúc đến nhà
Chữ “Phúc” theo kiểu chữ Giáp cốt là “Hai tay dâng Tôn (尊: bình đựng rượu) hướng về Kỳ (示 – 礻:Thần đất) đứng trước… chính là chữ Phúc (福) của hậu thế.” Đến thời Đông Hán, trong cuốn “Thuyết văn giải tự”, Hứa Thận nói: “Phúc, cũng là phù hộ vậy. Đầu là chữ Kỳ 礻, thêm âm Phú 畐.” [1] Nếu đem hai loại ý nghĩa hợp lại với nhau, là Thần ban phúc, bắt nguồn từ một lòng chân thành tôn kính đối với Thần. “Thiên hạ đệ nhất phúc” của Hoàng Đế Khang Hy ý nghĩa thâm sâu, thể hiện chân thực tấm lòng chí hiếu cảm động Đất Trời của ông, mời “Phúc” đến bảo hộ, tăng phúc Thọ cho tổ mẫu. Ý nghĩa khác nữa, là tâm nguyện của người đời sau được tích lũy và thêm vào mà thành phong tục dân gian đón năm mới.
Trung tâm tư tưởng mà văn hóa Trung Hoa truyền thừa chính là kính Trời tín Thần, tâm thành ý kính, thuận theo đạo Trời, ban phúc lành đến nhà, đến quốc gia, đây chính là một loại tinh thần cốt lõi của văn hóa truyền thống Trung Hoa! Cho nên hàng năm đến thời khắc tiễn năm cũ đón năm mới, nhà nhà đều thành kính đem chữ “Phúc” truyền thống này dán ngay ngắn ở vị trí dễ thấy nhất trong nhà, để nghênh đón Thần ban phúc.
Trong “Khang Hy tự điển” nói rằng “Phúc: là phù hộ, là tốt đẹp, là thiện, là tốt lành vậy”, là phù hộ của Thần, là phúc lộc, may mắn, là tốt đẹp thiện lành, là cát tường. Ý chính là có thể được sự bảo hộ của Thiên Địa Thần linh thì chính là phúc; tích đức hành thiện tự nhiên có thể được Thần phù hộ, có thể thỉnh mời được phúc lộc may mắn đến. Nếu như đem chữ “Phúc” dán đảo ngược lại thì gọi là “Phúc đảo” (Phúc bị đổ), phúc đổ rồi, là giẫm đạp Thần ở dưới chân, là làm điều ngang ngược, thì họa cũng sẽ đến ngay thôi!
Trong tâm mỗi người đều có nhất 一 khẩu 口 điền 田 (một khoảnh ruộng), có thể thành kính tu phúc điền (ruộng phúc), hành thiện tích đức, phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của Thượng Thiên, thì có thể được Thượng Thiên che chở, thì có thể tạo phúc cho chính mình, tạo phúc cho gia đình, đạt được bình an và phúc thọ kéo dài của Phúc chân chính. Năm nay đón năm mới, mỗi chúng ta hãy thành kính mà dán cho chính mình chữ “Phúc” cho ngay ngắn nhé!
Chú thích [1]: Trong “Hán ngữ đại tự điển”: Theo hình dáng chữ viết Giáp cốt “Phúc” là đại biểu “Địa kỳ”, chính là Địa Thần – Thần đất. Theo “Thuyết văn giải tự – Kỳ bộ”: Kỳ, giống như trên Trời rủ xuống, thấy cát hung, cho nên kỳ cũng chỉ người vậy.”
Nhẫm Thục Nhất thực hiện
Phương Phái biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ