“Ngũ Phúc” là gì? Làm sao Ngũ Phúc tới cửa
Trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta thường nghe một số lời chúc mừng may mắn, trong đó chứa đựng những nét văn hóa lâu đời, phản ánh tầm nhìn phi thường sâu rộng của dân tộc Trung Hoa! Ta thường nghe nói đến “Ngũ Phúc Lâm Môn” chính là một trong những điều sâu sắc ấy.
五福临门 – Ngũ Phúc Lâm Môn! Ngũ phúc cùng giáng hạ, năm loại hạnh phúc cùng tới cửa nhà, đúng là hồng phúc tề thiên (Phúc lớn ngang Trời)! Vậy bạn đã bao giờ nghĩ tới “Ngũ Phúc” là 5 Phúc nào chưa? Hay là bạn dùng nó như một từ đồng nghĩa với danh từ ‘Hạnh phúc’?
Điển tích Ngũ phúc lưu truyền trong văn hóa lâu đời Trung Hoa
“Ngũ Phúc” xưa nay có truyền thuyết, trong Lạc Dương cung vào thời nhà Tấn có một kiến trúc gọi là 五福堂 “Ngũ phúc đường” [1].
Trong các tác phẩm Sử ký và Hán thư thời Hán, đã xuất hiện câu nói 飨用五福 “Hưởng dụng ngũ phúc”. Sử ký – Tống vi tử thế gia có câu 飨用五福, 畏用六极 “Hưởng dụng ngũ phúc, úy dụng lục cực” (Hưởng dùng 5 Phúc, sợ dùng 6 điều cùng cực hung xấu), Hán thư, Cốc vĩnh đỗ nghiệp truyện cũng có đoạn: “Kinh viết: ‘Hưởng dụng ngũ phúc, úy dụng lục cực’ ” Có thể thấy trước thời đại nhà Hán “Ngũ Phúc” đã được ghi chép trong kinh điển.
Vậy nội dung cụ thể của “Ngũ Phúc” là gì? Nó ra đời từ kinh điển nào?
Nội hàm của “Ngũ Phúc Lâm Môn” xuất phát từ sách Thượng thư thời Xuân Thu và trong Chu thư. Hồng phạm có nói đến “Ngũ Phúc”: một là Thọ, hai là Phú, ba là Khang ninh (an khang, mạnh khỏe), bốn là Hảo đức, năm là Thiện chung.
寿 “Thọ” có nghĩa là trường thọ, sống lâu; 富 “Phú” có nghĩa là phú quý, đủ giàu, giàu có sung túc; 康宁 “Khang ninh” (hoặc An khang) có nghĩa là mạnh khỏe không bệnh tật; 好德 “Hảo đức” có nghĩa là hảo đức tu thiện; 考终 “Khảo chung” tức 善终 “Thiện chung” có nghĩa là một đời người có thể kết thúc yên lành, chết mãn nguyện, đối với trên có thể phụng dưỡng cha mẹ, đối với dưới có thể nuôi dạy con cái đến khi kết hôn thành gia, đối với trên dưới đều làm tròn trách nhiệm mà không hối tiếc.
Hồ thị thượng thư tường giải đời Tống giải thích “Ngũ Phúc”: “Nhất viết thọ vĩnh niên; nhị viết phú túc tài; tam viết khang ninh vô tật bệnh; tứ viết du sở hảo đức; ngũ viết khảo thành chung mệnh, phụ mẫu toàn nhi sinh chi, tử toàn nhi quy chi.” (Nghĩa là: Một là sống trường thọ; thứ hai là đủ giàu có; thứ ba là khỏe mạnh không bệnh tật; thứ tư là hảo đức, thứ năm là khảo chung (thiện chung), cha mẹ còn sống, toàn bộ con cái đều tụ họp về.)
Hảo đức tạo Phúc
“Hảo đức” trong ngũ phúc là quan trọng nhất, “Hảo đức” là con đường dẫn tới hưởng phúc. Thượng thư. Chu thư. Hồng phạm nói: “ ‘Dư du hảo đức’, nhữ tắc tích (tứ) chi phúc” – “Tôi hảo đức’ bạn ban phúc cho”. Trong tâm giữ thiện niệm, ngầm tu thiện đức, sẽ được thiên thượng ban cho 4 phúc: trường thọ, giàu có, mạnh khoẻ, thiện chung, đều do “Hảo đức” mang lại, do đó “Hảo đức” là mấu chốt của ngũ phúc, thông qua tu dưỡng đạo đức mà phúc khí có thể vô tận.
Nếu không có Hảo đức, khi nhận được phúc cũng sẽ chuyển thành tai họa [2], trong Thượng thư. Chu thư. Hồng phạm gọi là “Lục Cực”. Tai họa “Lục Cực” và “Ngũ Phúc” là đối lập nhau, theo thứ tự như sau: một là 凶 Hung (xấu), 短 Đoản (ngắn), 折 Chiết (gãy) (không thể sống lâu), hai là 疾 Tật (bệnh tật), ba là 忧 Ưu (lo âu, buồn rầu), bốn là 贫 Bần (nghèo), năm là 恶Ác (tội ác, hung dữ), sáu là 弱 Nhược (yếu) (không thể tự chủ, không cách nào tự suy chọn).
Trong “Tây Du Ký” cũng có một cảnh “Ngũ Phúc đường”: “Ngũ phúc đường tiền, diễm diễm thiên điều hồng vụ nhiễu” (tạm dịch: “Phía trước Ngũ phúc đường có hàng ngàn nhành hoa đỏ phủ sương kiều diễm”). Từ Xuân Thu truyền đến nay, bất luận là ở trong kinh điển, trong tác phẩm văn học hay ở nhân gian, mọi người đều yêu thích “Ngũ Phúc Lâm Môn”, có thể thấy được văn hóa lâu đời sâu sắc của Trung Hoa; tuy nhiên rất nhiều người không còn biết rằng “Hảo đức” chính là điều chủ yếu quyết định đưa Ngũ Phúc tới nhà, và chủ quyền này lại nằm trong tay chính mình! Hảo đức tu thiện là cách tạo Phúc!
Chữ “Phúc” được viết bởi Hoàng đế Khang Hy có bút pháp mạnh mẽ đầy đặn, bên trên đỉnh là ấn tỷ “Khang Hy ngự bút chi bảo”, được biết đến như là một lời chúc thể hiện ra phúc khí chân chính của văn hóa truyền thống. Dân gian gọi đó là “gốc rễ của ngũ phúc, cội nguồn của vạn phúc”.
Ghi chú:
[1] Thái bình ngự lãm trích Tấn cung các danh: Lạc Dương cung có Bách đường, Chung Tư đường, Hưu Chinh đường, Diên Lộc đường, Nhân Thọ đường, Tuy Phúc đường, Hàm Phương đường, Nhạc Nhật đường, Tiêu Hoa đường, Phương Âm đường, Hiển Thành đường, Thừa Tiên đường, Ngũ Phúc đường, Gia Ninh đường.
[2]Thượng thư. Chu thư. Hồng phạ nói: “Vô hảo đức, nhữ tuy tích (* thông “Tứ”) chi phúc, kỳ tác nhữ dụng cữu (tai họa).” – “Không có hảo đức, dù bạn ban phúc, hắn vẫn đắc tội với bạn”
Dung Nãi Gia
Lê Trần biên dịch
Xem thêm: