Tống cựu nghênh tân – Những phong tục truyền thống trước đêm giao thừa
“Giao thừa” là đêm cuối cùng của một năm, đêm cuối cùng của tháng 12 Âm lịch, năm cũ chuyển giao sang năm mới vào giờ Tý, cũng được gọi là “Trừ dạ”, “Tuế trừ”, “Đại niên”. “Lễ mừng năm mới” trong văn hóa truyền thống phương Đông không chỉ là đón một đêm giao thừa này, mà còn rất nhiều phong tục mang ý nghĩa mừng một Nguyên (một chu kỳ) lại bắt đầu, tống cựu nghênh tân – trừ bỏ cái cũ, đón chào cái mới.
Cúng Thần Bếp tiễn năm cũ
Vào thời thượng cổ, lễ: “Tịch tế” vào ngày Tịch nhật (mùng 8 tháng Chạp) là nghi lễ trọng đại cúng tế Trời Đất, Ngũ lộ Thần linh và tổ tiên, nhằm tuyên cáo hoàn thành một năm, chính là lễ cúng tế lớn trong năm. Từ thời Nam Bắc triều trở về sau, “Tịch nhật” và “Tịch bát nhật” hợp thành ngày cúng Phật.[1] Trong ngày này, mọi người đội mũ Hồ công đánh trống eo lưng, đồng thời làm lực sĩ Kim cương để xua đuổi tà ma dịch bệnh, mang tới không khí nghênh đón cát tường. Trong “Kinh Sở Tuế Thời Ký” của thời Nam Bắc triều có lưu truyền một câu ngạn ngữ rằng: “Tịch cổ minh, xuân thảo sinh”, ý rằng tiếng trống eo lưng vang lên, cỏ xuân mọc.
Ngày 16 tháng Chạp âm lịch còn được gọi là “Vĩ nha” (tiệc cuối năm). Vào ngày này, dân gian long trọng cúng bái Thổ Địa Công, đây là lần cuối cùng trong năm nên được gọi là “Tác nha vĩ”. Sau “Vĩ nha”, các phong tục mừng năm mới liên tiếp diễn ra. Đầu tiên là “Tết Táo Quân” – cúng ông Táo.
Ngày 24 tháng Chạp tết ông Táo
Thành kính cúng tế ông Táo nhờ truyền giúp
Đồ ngọt, ngựa giấy đưa tiễn ông Táo lên Ngọc Hoàng,
Báo cáo việc thiện ác trong năm hưởng phúc dài.
Ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp chính là ngày lễ cúng ông Táo, đây là một phong tục lễ tế vô cùng cổ xưa. Trong “Lễ Ký” có ghi chép việc cúng tế Táo Quân, là một lễ lớn trong “Tế tổ ngũ tự” vào cuối năm của thời nhà Chu. Lúc đó, các nhà các hộ cúng tế tổ tiên, Thần Thổ địa, Thần linh ngũ phương bao gồm môn, hộ (* cửa một cánh, cũng có ý chỉ cửa ra vào phòng, nhà), trung lưu (phòng chính, gian nhà chính), táo (bếp lò), hành (đường đi).
Các đời, các triều đại về sau đều rất chú trọng lễ cúng tế Táo Quân, thậm chí ngày này còn được gọi là “Tết ông Táo”. Khi cúng tế Táo Quân, các gia đình treo một con “Táo mã” (ngựa ông Táo) lên bức tường nhà bếp hoặc ở bếp lò để Thần Táo cưỡi, đưa tiễn Táo Thần về Thiên Đình báo cáo công tội thiện ác của gia đình này trong một năm qua. Giờ tiễn Thần tiếng pháo nổ vang, không khí mừng năm mới đã nồng đậm, cho nên dân gian gọi ngày này là “Quá tiểu niên”, “Tiểu niên hạ”, “Giao niên”.
Những vật phẩm cúng tế thường dùng các loại bánh điểm tâm ngọt và bánh trôi nước là chính, mang ý muốn cho Táo Quân “miệng ngọt” báo cáo toàn việc tốt. Trong cuốn “Vũ Lâm Cựu Sự” thời Nam Tống có ghi, ngày 24 tháng Chạp, gọi là “Giao niên”, dùng hoa đường (đồng âm với từ ‘Hành’, ‘đường’, chỉ loại đường mạch nha, hoặc giống loại kẹo đường), bánh ngọt bột gạo (bánh trôi nước, bánh dày), chè đậu … để cúng ông Táo. Tập tục này trong thời hiện đại thường hay dùng chè trôi nước đậu đỏ, bánh kẹo cúng Táo Quân, chính là kế thừa tập tục từ thời cổ xưa.
Cúng tế Táo Quân không thể xum xoe “nịnh nọt”, chỉ có thể tự xét bản thân, tự mình kính sợ, hành thiện tích đức, tinh thần cúng tế Táo như vậy mới được Trời cao chiếu cố nhất. Qua “Tết ông Táo”, năm mới cũng đã đến gần, chỉ cách một tuần mà thôi.
Sắm đồ Tết mang tinh thần truyền thống
“Đồ Tết” chính là tất cả những đồ dùng, thực phẩm liên quan đến lễ mừng năm mới. Việc chuẩn bị đồ Tết thể hiện hương vị Tết và ý nghĩa tinh thần truyền thống. Sau tiệc cuối năm, chuẩn bị đồ Tết sẽ mang đến hương vị Tết đậm đà hơn.
“Tế thần tế tổ bạn niên hóa
hương đăng hoa chúc cung thần phật
Điềm đường qua tử nam bắc hóa
bạo trúc xuân liên tụng phong ốc.”
Tạm dịch:
Chuẩn bị lễ vật tế Thần, tế tổ,
hương đèn, hoa, cháo dâng Thần Phật.
Hàng hóa nam bắc kẹo ngọt, hạt dưa,
pháo trúc, câu đối xuân mừng phú quý.
Từ những phong tục được ghi chép trong dân gian, vào thời Tống, những vật phẩm tiêu biểu chuẩn bị cho lễ mừng năm mới là cành đào, hoành phi chiêu tài chiêu lộc, tranh treo cửa… Những cánh cửa, cổng nhà được trang trí tràn đầy hương vị Tết, và các bức hoành phi cầu tài cầu lộc này chính là tiền thân của câu đối xuân, thiếp xuân về sau này.
Trong “Đông Kinh Mộng Hoa Lục” thời Bắc Tống ghi: “Vào thời gian gần Tết, chợ búa đều in bán tranh các vị Môn Thần (Thần giữ cửa), Chung Quỳ, thẻ gỗ đào, bùa đào, cùng với tranh dán cửa Tài môn độn lư, Hồi đầu lộc mã (âm đọc gần giống với hoành phi cầu tài cầu lộc dán trên xà cửa)…, Kẹo dính răng (kẹo mạch nha), chuẩn bị để dùng đêm giao thừa.” Món điểm tâm Kẹo mạch nha được nhắc đến trong đó cũng giống như các loại bánh kẹo ngọt mà ngàn năm sau người hiện đại vẫn thích dùng trong đêm giao thừa và năm mới, đều là thứ tượng trưng cho năm mới “ngọt vào miệng, ngọt đến tâm”.
Vào thời nhà Thanh, những vật dụng quan trọng trong ngày Tết là những vật phẩm cần thiết để cúng tế các vị Thần linh, như hương đèn, nến, đỉnh vàng Nguyên Bảo, tiền giấy, và pháo trúc, v.v. (xem “Đế Kinh Tuế Thời Kỷ Thắng”). Ngoài ra, lễ vật dâng cúng các vị Thần trên bàn thờ Thiên Địa (bàn thờ Thần) trong đêm giao thừa cũng là điểm quan trọng của hàng hóa ngày Tết, bao gồm lễ vật mật ong, trái táo, trái cây khô, bánh bao, đồ chay, bánh mật, trái lựu, đỉnh vàng Nguyên bảo, hoa Phật, v.v… (xem “Yên Kinh Tuế Thời Ký”). Ngoài ra, còn có truyền thống ẩm thực đặc biệt trong năm mới như rượu bách, rượu Đồ tô, hạt dưa, kẹo đường, rau Ngũ tân đón xuân. Những nguyên liệu làm món ăn sum họp gia đình, đương nhiên cũng được xếp vào hàng hóa ngày Tết. Tinh thần truyền thống mua sắm đồ Tết và dâng cúng tế Thần, xua điều xấu nghênh đón điều tốt lành có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện nội hàm tinh thần của Tết truyền thống.
Tổng vệ sinh, dán thiếp xuân, bỏ cũ bày mới
Sau khi cúng ông Táo đưa Thần về Thiên Đình cho đến đêm giao thừa đón Thần, là khoảng thời gian có thể yên tâm tiến hành tổng vệ sinh từ đường, gian thờ Phật, bỏ cũ bày mới, “Đón một nguyên trở lại, mừng vạn vật canh tân.”
Tống thần nghênh phục đại tảo trừ, tảo khứ hôi bại phất trần cố
Trừ cựu bố tân hoán xuân thiếp, nghênh tân hoán nhiên chiêu lai phú
Tạm dịch:
Tiễn Thần, tổng vệ sinh, quét đi bụi trần vận rủi
Bỏ cũ bày mới đổi thiếp xuân, đón chào năm mới mời phú quý.
Theo “Đế Kinh tuế Thời Kỷ Thắng” thời Thanh, sau khi tiễn ông Táo người Bắc Kinh bắt đầu bận rộn, quét dọn sạch sẽ từ đường miếu thờ, nhà cửa, sân vườn, lau chùi các loại đồ đạc trang trí trong nhà, dụng tâm chuẩn bị tốt các đồ dùng cúng tế.
Ngoài ra, sau khi dọn dẹp vệ sinh, thì dán câu đối xuân chữ vàng ở cửa, dán tranh màu lên kính, cắt giấy thành hình quả bầu hồ lô cát tường và các loại thiếp xuân khác. Ở gian giữa lập bàn tế Thiên Địa (chuẩn bị để rước Thần, cúng tế), buộc đèn trời, treo đèn lưu ly, phòng thờ treo ảnh chân dung của tổ tiên. Ở Đài Loan có một câu tục ngữ rằng: “Đại bính thố, tài hội phú”, nghĩa là dọn dẹp nhà cửa mới có thể sung túc, điều này khuyến khích mọi người cẩn thận chăm chỉ quét dọn trước thời điểm cuối năm, không nên để rác bẩn, bụi bặm chồng chất mà đón năm mới, thể hiện năm mới cảnh mới.
Chưng bánh mật, bói năm mới
Sau khi tổng vệ sinh sạch sẽ, chuẩn bị xong đồ dùng cho việc cúng tế, thì bắt đầu chuẩn bị chưng bánh mật, chuẩn bị thực phẩm để cúng tế Thần linh.
Hai món đồ cúng trong thời nhà Chu là bánh ngọt, bánh hấp được làm từ bột gạo, bột mì. Trên bàn thờ Thần đặt các loại “Bánh ngọt” (Niên cao 年糕), đồng âm với “Niên cao” (年高), mang ý nghĩa là “mỗi năm đều thăng tiến”. Trước kia, vào dịp lễ tết, việc chưng bánh ngọt là một sự kiện lớn của mỗi gia đình, mang đậm màu sắc lễ hội. Ở Đài Loan, Hồng Kông, loại bánh ngọt phổ biến nhất là bánh củ cải. Củ cải trắng tiếng Phúc Kiến gọi là “Thái đầu” đồng âm với “Thải đầu” (điềm tốt, tiền thưởng), vì vậy bánh ngọt củ cải cũng mang ngụ ý cát tường, điềm tốt lành.
Trên bàn thờ còn thường có bánh “Phát cao” (bánh bò, bánh xốp). “Phát cao” là loại bánh ngọt đơn giản làm từ bột gạo hoặc bột mì thêm đường và men bột điều chế rồi chưng thành. Mỗi nhà tự làm bánh “Phát cao” cũng mang hàm nghĩa “bói năm mới”. Nếu bánh làm ra lên men tốt nở to phồng, hơn nữa đường vân các khía rõ ràng, thì cho thấy điềm tốt, năm mới sẽ phát đạt từng bước lên cao, ngụ ý tài lộc sung túc một mạch “phát”. Ngoài ra trên bàn thờ còn có bánh “Điềm niên cao” (bánh mật ngọt), được làm từ các nguyên liệu như đường đỏ, đường đen, đậu đỏ…, cũng mang ý nghĩa mừng một năm mới ngọt ngào hạnh phúc!
Dán câu đối xuân, khắp chốn mừng vui đón phúc nguyên
Sau khi quét dọn vệ sinh xong, là có thể dán câu đối xuân và treo tranh Môn Thần (Thần giữ cửa), cửa nhà sẽ khoác lên mình một diện mạo mới, rực rỡ hẳn lên. Dán câu đối Tết, treo tranh cửa, nghênh đón gió xuân mang hơi ấm vào rượu Đồ tô, đón điềm lành đón phúc ý nghĩa sâu sắc.
Đào phù khu tà lịch cửu truyện Minh triều Thái Tổ phổ xuân liên
Quan phủ dân gia thổ địa miếu phổ thiên đồng khánh nghênh phúc nguyên
(Đào phù trừ tà lưu truyền từ xưa, Thái Tổ triều Minh phổ biến câu đối xuân
Quan phủ, nhà dân, miếu thổ địa, khắp chốn vui mừng đón phúc nguyên).
Thời cổ, câu đối xuân được gọi là “Đào phù”, là tiền thân của câu đối xuân sau này. Thời kỳ Hoàng Đế truyền rằng gỗ đào có thể trừ tà, mọi người điêu khắc gỗ đào thành những lá bùa gọi là “Đào phù”, treo lên trên cửa, trở thành nguyên mẫu cổ xưa nhất của câu đối xuân. Về sau, người xưa vẽ tượng Thần lên gỗ đào để trừ tà đón cát tường, trở thành nguồn gốc của tranh vẽ Môn Thần (Thần Đồ và Úc Lũy là hai vị Môn Thần xuất hiện sớm nhất). Hoàng Đế Mạnh Sưởng của Hậu Thục thời Ngũ Đại Thập Quốc đã từng viết một câu đối cửa: “Tân niên nạp dư khánh, gia tiết hào trường xuân” (Năm mới thêm nhiều phúc, tết lành còn mãi xuân), được các văn nhân nhã sĩ noi theo, viết một số câu đối chúc mừng treo trên cửa cung, cửa nội điện.
Đến thời Minh, Đào phù trở nên phổ biến khắp các nha môn, miếu thờ, nhà dân. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương yêu thích đào phù, hạ lệnh trong cả nước đều treo đào phù đêm giao thừa, từ nhà của Công khanh sĩ nhân cho đến người dân thường, đều dán một bộ “câu đối xuân” lên cửa; quan phủ, nha môn địa phương, miếu Thổ Địa khắp nơi cũng đều phải dán. Đến lúc này câu đối xuân mới phổ biến và đi vào đời sống dân gian.
Thời nhà Thanh, từ đầu tháng 12 âm lịch, có các văn nhân mặc khách viết câu đối xuân ở chợ, thu tiền nhuận bút. Cúng ông Táo xong, mọi người mọi nhà dần dần dán treo câu đối, có người dùng giấy màu đỏ thắm, có người dùng giấy đỏ, trong xã hội người Hoa hiện nay, câu đối xuân cũng theo phong tục như vậy (xem “Yên Kinh Tuế Thời Ký” triều Thanh) [3]. Dán câu đối xuân trước đêm giao thừa, nhà nhà rực rỡ sắc xuân, nghênh đón gió xuân vào nhà, nhất nguyên phục thủy, vạn tượng canh tân, ý tứ hàm xúc.
Qua các phong tục đón năm mới trước đêm giao thừa được nhắc đến ở trên, có thể thấy được rằng, phong tục đón năm mới của dân tộc Trung Hoa là sự kế thừa tiếp nối dấu chân của tổ tiên, triển hiện truyền thống mỹ đức sùng kính Thiên Địa Thần linh của văn hóa Trung Hoa.
Chú thích:
[1] : “[Văn Sử] Nguồn gốc và tập tục của ‘Tịch bát’”; “Tịch với ‘Tịch bát” hợp thành làm một như thế nào? Từ kinh điển và thơ ca thấy kết quả”.
[2]: Trong “Chu Lễ – Thiên Quan – Biên nhân” ghi “Biên thực”: “Tu biên chi thực, khứu nhị phấn từ”. Biên là đồ dùng cúng tế đựng các thực phẩm khô (xem “Thuyết Văn Thông Huấn Định Thanh – Tiên Bộ”), “Khứu nhị phấn từ” chính là loại bánh ngọt điểm tâm. Trịnh Huyền thời Đông Hán chú thích: “[Bánh] nhị, từ đều làm từ bột gạo, bột kê (bột xay), hấp lên gọi là nhị, bánh nướng gọi là từ.” Bánh Niên cao, Phát cao dùng trong cúng tế ngày Tết của người ngày nay chính là loại bánh này. Trong “Ngọc Chúc Bảo Điển” của Can Bảo Chú nói rằng người xưa dùng gia vị táo, đậu làm bánh ngọt: “Bánh Khứu nhị, dùng đậu gạo, gạo nhỏ chưng với táo đậu làm vị.” Bánh ngọt ngày nay giống như vậy.
[3] Trong “Yên Kinh Tuế Thời Ký” nói về câu đối xuân: “Chỉ có trong cung và các vương công Hoàng tộc mới có lệ dùng giấy trắng, viền xanh, viền đỏ, người không thuộc Hoàng tộc không được dùng.”
Do Dung Nãi Gia thực hiện
Lý Mai biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ