Những chú mèo hoang ở làng chài Tai O
Nếu bạn là một người yêu mèo, người luôn phải dừng lại để cưng nựng từng chú mèo đi lạc mà bạn nhìn thấy khi tản bộ trong một con hẻm nhỏ nhắn đâu đó ở Hồng Kông, thì bạn sẽ mê mẩn câu chuyện về những chú mèo đi lạc tại Tai O (một làng chài ở Hồng Kông).
Trong khi một số con mèo có bản năng sợ không dám lại gần và không tin tưởng con người, thì những con mèo hoang khác hoặc “những con mèo cộng đồng”, dù “không có nhà để về”, nhưng vẫn được cho ăn đầy đủ và sống tự do. Đôi khi sự thật này khiến người ta tự hỏi tại sao những con mèo vô chủ đó lại có thể là những quả bóng lông mượt mà béo tròn như vậy.
Có những người tốt bụng cho “những con mèo cộng đồng” của họ ăn hàng đêm và giúp đỡ khi chúng bị bệnh hoặc bị thương. Những người này không sở hữu bất kỳ con mèo hoang nào, nhưng những quả bóng lông mềm này nhận ra họ. Nếu không có những người tốt bụng này, thì những con vật đi lạc đó sẽ dễ bị xe hơi đâm hoặc bị các vết thương khác mà không được giúp đỡ.
Những con mèo lạc trong khu vực này có thể là mèo vô chủ, nhưng nhiều con không phải là mèo hoang dữ dằn. Theo thời gian, chúng đã học cách cùng chung sống và tin tưởng những người tình cờ đi ngang qua mình. Nếu bạn có thể khiến một con mèo tin tưởng bạn, thì bạn sẽ là người bạn tốt nhất của nó suốt đời.
Anh Jason Ng là một trong những người hảo tâm được nhiều mèo lạc tin tưởng ở làng chài xa xôi tên Tai O. Nơi đây có rất nhiều cá, cá tươi hoặc cá khô, và nhiều con mèo hoang thân thiện đang thong dong sải bước trên các đường phố của Tai O.
Mèo hoang là sợi dây liên kết cộng đồng
Tai O Stray Cat Home là một tổ chức từ thiện được thành lập tại Tai O, chuyên giúp đỡ mèo lạc. Tình nguyện viên và những người yêu mèo đi khắp làng để cho những con vật lang thang này ăn, cũng như chữa bệnh và tìm cho chúng một ngôi nhà vĩnh viễn, nơi chúng có thể cuộn tròn thân mình mà sưởi ấm.
Một số con mèo dữ hơn so với những con khác và không thích hợp để nhận nuôi nên sẽ bị triệt sản.
Nhờ có các tình nguyện viên yêu mèo, những chú mèo hoang ở Tai O không còn lang thang nữa. Chúng đã trở thành một phần của Tai O.
Mèo lạc không phải lúc nào cũng được dân làng Tai O chào đón. Nhưng người sáng lập Tai O Stray Cat Home, cô Trương Mẫn Phương (German Cheung), rất biết ơn vì cô đã chứng kiến sự thay đổi: dân làng Tai O đã chuyển từ xua đuổi mèo hoang đến chào đón chúng như một đại gia đình trên đảo.
Cuốn sách ảnh có tên “Part of Us” được xuất bản vào tháng 01/2023. Cuốn sách kể những câu chuyện cảm động về những chú mèo, tình nguyện viên, và những người nhận nuôi. Mỗi bức ảnh là một minh chứng cho tình yêu lan tỏa trên hòn đảo làng chài này.
Các nhiếp ảnh gia Jason Ng và Jonas Chan đã cùng nhau chụp lại những sắc thái của loài mèo.
Năm năm trước, cô Trương, được mệnh danh là “Catwoman” (Miêu nữ), đã phát hành một cuốn sách về việc trở thành một tình nguyện viên chăm sóc mèo. Giờ đây, cô chỉ ra cách những con mèo chiếm được trái tim của dân làng Tai O qua ống kính máy ảnh. Những bức ảnh cho thấy sự cần mẫn mà mỗi tình nguyện viên đã bỏ ra trong mười năm qua để thay đổi cách dân làng Tai O nhìn nhận về cộng đồng mèo này.
Nhiệm vụ của tổ chức từ thiện này là khuyến khích người dân nhận nuôi. “Bước vào Tai O, tôi tìm thấy vẻ đẹp của những chú mèo hoang và giao lưu với các tình nguyện viên chăm sóc mèo để ghi lại những khoảnh khắc khó quên,” cô Trương nói.
Một bức ảnh chụp một con “mèo bay” đã kết nối cô Trương với anh Ng. Một ngày nọ, cô Trương lướt qua tài khoản “Nhất lộ hữu miêu” (tạm dịch: “Trên đường có mèo”) trên mạng xã hội. Cô thích cách nhiếp ảnh gia chớp được cảnh con mèo đó nhảy qua mặt nước ở Tai O. Cô đang chuẩn bị chụp ảnh cho lịch từ thiện năm 2021 vào thời điểm đó. “Tôi thích cảm giác như ở Nhật khi nhìn vào những bức ảnh đó. Vì vậy, tôi đã liên lạc với anh Jason ngay lập tức.” Và đó là cách cuộc hành trình về mèo của họ bắt đầu.
Người thợ săn ảnh mèo này đã lang thang trên đường phố Hồng Kông với chiếc máy ảnh của mình trong gần một thập niên. Anh Ng từng làm việc ở Thạch Giáp Vĩ (Shek Kip Mei), phiên bản phố hải sản khô của bán đảo Cửu Long (Kowloon) ở khu Thượng Hoàn (Sheung Wan). Những hình ảnh ít được chú ý của cộng đồng này và “những con mèo cửa tiệm” trong các cửa hàng có thể được nhìn thấy ở các quận cũ của Hồng Kông.
Dần dần, anh Ng mở rộng hoạt động khám phá mèo của mình sang các khu vực khác, từ Thâm Thủy Bộ (Sham Shui Po) đến Thổ Qua Loan (To Kwa Wan), Cửu Long Thành (Kowloon City), Khu Trung Tây, và rồi là Tai O. Anh là nhân chứng cho sự phát triển của các quận này. Quá trình thay đổi diễn ra liên tục, giống như những loại mèo khác nhau mà anh gặp trong các ngõ hẻm.
Tuy nhiên, việc thỉnh thoảng quay lại và tìm kiếm chốn xưa đôi khi khiến anh Ng thấy mình đa cảm. “Đô thị và nông thôn đang phát triển quá nhanh, điều này ảnh hưởng đến nguồn sinh sống của mèo cộng đồng. Những gì tôi thấy hôm nay có thể không còn ở đó vào ngày mai hoặc vào lần sau tôi ghé thăm.”
Anh Ng hiểu rằng mèo có thể có chín mạng, nhưng con người thì không có lần thứ hai. Anh trân trọng từng khoảnh khắc anh gặp những con mèo cộng đồng trên khắp Hồng Kông. Khi nói về Tai O, anh Ng lúc nào cũng mang một nụ cười trên môi. Anh nói, “Trong tất cả những nơi tôi từng chụp ảnh mèo, tôi yêu Tai O nhất.”
Anh Ng đã quen làm việc và sống trong “rừng bê tông.” Nhưng ngay khi đặt chân đến làng chài Tai O, mọi thứ bỗng nhiên trở nên chậm lại.
Giống như con người, mèo phải thích nghi với bất kỳ môi trường nào mà chúng sinh tồn. Vì vậy, mèo trong cộng đồng ở Tai O khác với mèo thành thị.
Mèo ở Tai O cũng có cuộc sống ổn định hơn. “Chúng không rụt rè như khi đi lạc ở thành thị. Ngoài ra, ở đây không có đường phố đông đúc nên khả năng xảy ra tai nạn giao thông tương đối thấp hơn so với trong thành phố.”
An ninh và an toàn là tấm chăn bao bọc cho mèo ở Tai O. Tình nguyện viên cho những con mèo này ăn. Làng Tai O khiến anh Ng nhớ đến “Đảo mèo” ở Nhật Bản. Nhờ con mắt sắc bén của anh Ng, các tình nguyện viên có thể tìm ra manh mối mà những con mèo lang thang để lại. Cô Trương rất trân trọng thiên phú này, đặc biệt là khi trong tình huống có những con mèo đang gặp nguy hiểm.
Còn Jonas thì khác, anh bén duyên với Tai O Stray Cat Home khi anh tham gia một cuộc triển lãm về động vật cộng đồng với bộ sưu tập ảnh mèo đường phố của mình vào năm 2017. Trong những năm gần đây, anh Jonas đã đến thăm nhà của những người nhận nuôi cùng các tình nguyện viên để tìm kiếm một ngôi nhà “hoàn hảo” cho những con vật vô gia cư này.
Mỗi lần chụp ảnh đánh dấu một điểm nhấn trong hành trình của anh Jonas với tư cách là một nhiếp ảnh gia. Qua ống kính của mình, anh có thể cảm nhận được tình yêu thương bao trùm lên những con vật đi lạc và những người gắn bó với cộng đồng này như thế nào.
Con người có thể thay đổi
Không ai có thể thấu hiểu cuộc đời dưới ánh nhìn của một con mèo hoang. Một số người nghĩ rằng chúng hoang dã và tự do. Những người khác cảm thấy tiếc cho chúng khi phải đi bộ dưới trời mưa và bị xe cộ hoặc người dân va vào.
Mười năm trước, khi cô Trương bắt đầu làm tình nguyện cho động vật, nhiều người đã không hiểu được cô. Tai O không phải lúc nào cũng là một khu dân cư thân thiện với mèo. Nhiều người dân làng Tai O xem mèo là “công cụ” để bắt chuột. Họ chưa bao giờ nghĩ về tầm quan trọng của việc chủng ngừa, triệt sản, hoặc chăm sóc cho những con mèo không có nhà để về.
Là một tình nguyện viên, cô Trương phải gánh vác trách nhiệm triệt sản cho mèo hoang. Nhưng công việc của cô không kết thúc ở đó. Cô phải chăm sóc mèo bệnh và những con mèo bị chó làng tấn công.
Bất kỳ người yêu mèo nào cũng sẽ hiểu tình yêu vô điều kiện dành cho những con mèo họ gặp trên đường, chứ không chỉ riêng những con mèo mà họ là chủ.
Khi cô Trương bắt đầu làm việc trong tư cách là một nữ anh hùng cho mèo (“Catwoman”), để cứu những chú mèo trong khu rừng bê tông đô thị, cô đã phải tự bỏ tiền túi ra chi trả cho các hóa đơn bác sĩ thú y và thuốc men đắt đỏ. Cô cũng tin rằng “một sinh mệnh có thể tác động đến một sinh mệnh khác.”
Sự kiên trì của cô đã chứng minh điều đó là đúng. Nhiều anh hùng và nữ anh hùng cứu mèo đã tham gia sứ mệnh của cô thông qua quyên góp hoặc tình nguyện hỗ trợ cho mèo hoang ở Tai O. Một trong những người ủng hộ trung thành là bác sĩ Trang.
Bác sĩ thú y
Vài năm sau, bác sĩ Trang bắt đầu đến khám bệnh cho những con mèo hoang và phát hiện ra rằng nhiều con bị cúm mèo.
Cúm mèo có thể phòng ngừa được. Nếu họ có thể chích ngừa trước cho những con vật đi lạc này, thì có thể ngăn ngừa được các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và viêm ruột do virus, đồng thời làm giảm số mèo nhiễm bệnh. Ngoài ra, việc chủng ngừa giúp tiết kiệm khối lượng công việc của tình nguyện viên về lâu về dài.
Không có phòng khám thú y nào ở Tai O. Các tình nguyện viên phải mang mèo lên thành phố để chạy chữa nếu chúng bị ốm.
Chuyến đi từ làng chài đến chỗ bác sĩ thú y mất bốn giờ cả đi lẫn về. Đây là điều khó khăn đối với những con mèo bị bệnh và các tình nguyện viên. Vì vậy, bác sĩ Trang đã quyết định đích thân đến Tai O, giúp đỡ những mèo hoang và chích ngừa cho chúng.
Lúc đầu, khi dân làng nhìn thấy bác sĩ Trang, họ không mấy hài lòng. Cô Trương kể lại rằng có lần một số dân làng đã nhìn thấy vị bác sĩ thú y này chích thuốc cho mèo. “Họ chạy ra ngoài và la hét vào mặt bác sĩ Trang!” họ chỉ bình tĩnh lại sau khi được giải thích về những gì đang diễn ra.
Vị bác sĩ thú y này có lẽ không thường xuyên gặp phải những phản ứng bộc trực như vậy từ những khách hàng của mình tại phòng khám. Có lẽ đó là nét tự nhiên của một người dân làng Tai O.
Vaccine 3 trong 1 dành cho mèo là vaccine đa phòng ngừa để bảo vệ mèo khỏi nhiễm ba loại virus chính trong không khí có thể khiến chúng tử vong: Rhinotracheitis (virus gây viêm phổi ở mèo), Calicivirus (virus gây nhiễm trùng đường hô hấp trên và bệnh răng miệng ở mèo), và Panleukopenia (virus gây bệnh giảm bạch cầu ở mèo).
Thay đổi cách nhìn
Chứng kiến hành động vị tha của các tình nguyện viên đã mở mang tầm mắt cho những người hàng xóm của trung tâm Tai O Stray Cat Home. Dân làng bắt đầu hiểu những gì các tình nguyện viên và bác sĩ thú y đang cố gắng thực hiện.
Một khi rào cản đã vỡ, dân làng trở nên chăm chú hơn trong việc quan sát các loài động vật trong cộng đồng của họ. Họ sẽ ngăn du khách tự ý cho mèo lang thang ăn hoặc trẻ em làm phiền mèo khi chúng nghỉ ngơi.
Cộng đồng Tai O sẽ sớm thông báo cho các tình nguyện viên nếu họ nhìn thấy một con mèo bị thương hoặc bị bệnh. Điều đáng kinh ngạc hơn, họ nhận ra lý do tại sao các tình nguyện viên phải thu nhận những con mèo đi lạc và phẫu thuật triệt sản cho chúng. Ít lâu sau họ cũng sớm làm điều tương tự cho những con mèo nhà của mình.
Nhận thấy sự thay đổi trong khu vực là khoảnh khắc yêu thích của cô Trương. Cô biết ơn vì hành động của họ có thể thay đổi con người và một sinh mệnh có thể tác động đến một sinh mệnh khác.
Cô Trương đặt tên cho cuốn sách ảnh là “Part of Us” để mô tả mối quan hệ của các con vật cộng đồng với dân làng ở Tai O.
“Tôi hy vọng độc giả có thể thấy qua những bức ảnh rằng mèo vô gia cư và mèo ở cửa tiệm là một phần của cộng đồng Tai O và động vật cũng xứng đáng được tôn trọng.”
Nhà thiết kế đồ họa Iris Chan đã tạo ra logo cho Part of Us. Cô đã hòa quyện các yếu tố núi, biển, và những chú mèo trên thuyền tam bản của Tai O.
Những chú mèo mà bạn nhìn thấy trên áp phích, ngồi trên một chiếc thuyền rồng, tượng trưng cho mối liên kết giữa những chú mèo hoang ở Tai O với cộng đồng.
Cô Trương đánh giá cao những nhiếp ảnh gia đã nhiều năm theo dấu công việc của cô trong cộng đồng Tai O và chụp được nhiều khoảnh khắc hiếm hoi khó quên.
Không ai có thể hình dung ra được thế giới này sẽ ra sao nếu loài mèo biến mất, nhưng có một điều chắc chắn rằng: Thế giới sẽ mất đi những cảm giác ấm áp mà loài “lông xù” này mang lại cho mọi người xung quanh.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times