Ôm trọn Chiang Mai, Thái Lan, bằng một cây cọ vẽ
Ông Richie Cheung nói: ‘Tôi thấy người Nga và người Ukraine ngồi trò chuyện với nhau, rất hòa bình. Nghệ thuật thực sự là cầu nối có thể gắn kết thế giới lại với nhau.’
Người ta từng thấy nghệ sĩ ký họa Richie Cheung thường xuyên xuất hiện trên đường phố Hồng Kông. Ông đã từng đặt chân qua 18 quận để ghi dấu lại cái hồn của thành phố. Giờ đây trong những năm tháng tuổi hưu, ông đã cùng vợ chuyển đến Chiang Mai, Thái Lan, nơi ông tiếp tục tận hưởng cuộc sống với cây cọ vẽ của mình.
Từ chợ bán buôn trái cây Yau Ma Tei ở Hồng Kông, đến chợ Warorot ở Chiang Mai, ông Cheung đều trải nghiệm được sự hối hả và nhộn nhịp giống như nhau, chỉ là ngôn ngữ và mùi vị thì khác nhau. Trong suốt nhiều tháng liền, đây là nơi ghé thăm ưa thích của ông.
Sau khi đến Thái Lan, ông Cheung thường ngồi trên một chiếc ghế và cứ thế vẽ trong một thời gian dài, như cái cách ông vẫn từng làm trước đây. Mỗi khi ghé thăm những cửa tiệm nhỏ xung quanh Chợ Warorot, ông thường trò chuyện cùng những người bán hàng, làm thân với họ bằng vốn tiếng Thái ít ỏi của mình.
“Tôi đã phát hiện ra một cửa hàng vải đã 70 năm tuổi, [tên là] Mengyuchiang, nó rất thú vị!” Ông thốt lên, đồng thời tâm sự rằng cái cảm giác về cung cách đối xử thân thiện và dễ chịu tại các cửa hàng lâu đời ở cả Hồng Kông và Thái Lan rất ư giống nhau.
Trải nghiệm nhịp sống chậm hơn ở Chiang Mai
Ông Cheung và vợ đã nộp đơn yêu cầu cấp thị thực Hưu trí Không nhập cư của Thái Lan, có thời hạn một năm và có thể được gia hạn hàng năm. Loại thị thực này cho phép hai vợ chồng họ được sống ở đất nước này nhưng không được làm việc. Vợ chồng ông Cheung nằm trong số đông đảo những người Hồng Kông chọn Thái Lan làm nơi lý tưởng để cư ngụ. Giá cả, khí hậu, và điều kiện sống ở nơi đây đều dễ thích nghi hơn so với ở Anh quốc.
Ông Cheung bày tỏ: “Hồng Kông là một thành phố lớn với các loại hình giao thông công cộng rất dễ tiếp cận, nhưng thành phố này giống như một cái nồi áp suất, với áp lực và chi phí sinh hoạt đắt đỏ, khiến nơi đó trở thành một nơi không mấy dễ chịu để sinh sống.”
“Sau khi đến thăm Chiang Mai, tôi cảm thấy khí hậu ở đây thực sự rất tốt. Áp lực không quá cao, chi phí sinh hoạt rẻ, và con người Thái Lan mang lại cho tôi cảm giác rất yên bình.”
Sau khi chuyển đến Chiang Mai, về cơ bản họ không đến bất kỳ điểm tham quan nổi tiếng nào mà sống ở thành phố như người dân địa phương để cảm nhận sự ấm áp của nơi này.
Ông nói: “Hầu hết thời gian, chúng tôi chỉ đi bộ xuống đồi, dạo phố, khám phá, và ăn thứ gì đó.”
Vốn là người thích tìm đồ ăn ngon, ông Cheung rất ấn tượng trước sự đa dạng về ẩm thực ở Chiang Mai: Không chỉ có đồ ăn Thái, mà còn có rất nhiều món ăn nguyên bản của ngoại quốc.
“Ở Chiang Mai có rất nhiều nhà hàng nhỏ, chẳng hạn như những nhà hàng do người Ý và Pháp mở, và các tiệm bánh do người Áo mở,” ông chia sẻ. “Chúng tôi có thể thưởng thức đồ ăn Ý chính hiệu. Ví dụ, với 250 baht (khoảng 7 USD), chúng tôi có thể có một bữa ăn Ý ngon miệng, bao gồm salad, món chính, món tráng miệng, và đồ uống.”
Thăm thú các cửa hàng địa phương và học tiếng Thái
“So với Hồng Kông, nơi tràn ngập các chuỗi cửa hàng, cảm giác khi mua sắm tại các cửa tiệm nhỏ ở Thái Lan thích hơn nhiều, qua đây quý vị có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống truyền thống của người dân địa phương.”
Khó khăn duy nhất là ngôn ngữ, vì tiếng Thái là ngôn ngữ chính ở Thái Lan, và không phải ai cũng biết tiếng Anh hay tiếng Trung, thế nên cặp vợ chồng này đã đến lớp học tiếng Thái vào mỗi cuối tuần, điều này khiến cuộc sống của họ thật trọn vẹn.
“Có một mục sư đã sống cùng vợ mình ở Thái Lan được hơn 20 năm. Họ đã biên soạn một bộ tài liệu [dạy tiếng Thái] bằng tiếng Quảng Đông rất thú vị, nên tất cả chúng tôi đều học cách phát âm tiếng Thái rất nhanh,” ông Richie kể. “Hiện tại chúng tôi có hơn 60 người Hồng Kông đang học tiếng Thái với ông ấy, và các buổi học hàng tuần đã trở thành nơi tụ tập của người Hồng Kông.”
Để học tiếng Thái, người ta cần thuộc lòng 44 phụ âm, 32 nguyên âm, và năm thanh điệu. Viết chữ Thái cũng giống như vẽ tranh, và ông Cheung, vốn có nền tảng về hội họa, rất thích thú với việc này.
“Lớp tiếng Thái của chúng tôi có các học viên ở mọi độ tuổi, người lớn tuổi nhất đã trên 70 tuổi,” ông cho biết. “Tất cả họ đều đang học rất tốt. Họ có thể giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như chào hỏi, đặt hàng, mặc cả, và nhận hàng từ bưu tá.”
‘Hội họa mang thế giới lại gần nhau’
Ở Hồng Kông, ông Cheung là một trong những nghệ sĩ ký họa năng nổ nhất trong “Nhóm Ký họa Wahayeah,” vốn là nơi trưng bày nhiều tác phẩm của ông.
Sau khi chuyển đến Thái Lan, ông mong muốn duy trì tinh thần của nhóm này nên đã lập nên một nhóm vẽ ký họa để kết bạn với các nghệ sĩ.
Ông cho biết: “Tôi kết bạn với những người trong giới nghệ thuật, chẳng hạn như các giáo sư dạy nghệ thuật thuần túy ở trường đại học cũng như các sinh viên của họ, những nghệ sĩ mà họ biết rõ, những người Trung Quốc và Thái Lan điều hành các bảo tàng, v.v..”
“Ngoài ra còn có một số nhóm ký họa thành phố của những người ngoại quốc đến từ Anh, Mỹ, Úc, Nga, và Ukraina. Điều thú vị nhất là tôi thấy người Nga và người Ukraine ngồi trò chuyện với nhau, rất hòa bình. Nghệ thuật thực sự là cầu nối có thể gắn kết thế giới lại với nhau.”
Hồi tháng 10/2023, ông Cheung đã tổng hợp lại 25 bức tranh mà ông vẽ trong một năm ở Thái Lan. Nhận được lời mời của một người phụ nữ Đức—chủ sở hữu một phòng trưng bày, ông đã mở cuộc triển lãm với tựa đề “Nhịp điệu Ngày và Đêm”, để chia sẻ ấn tượng của mình về phong cảnh và chủ nghĩa nhân văn của Chiang Mai.
“Chúng tôi kết hợp video và tranh vẽ để mang lại trải nghiệm sống động cho khán giả. Ví dụ, ở chợ Warorot nơi tôi rất thích, có rất nhiều âm thanh như tiếng xe cộ, tiếng người, và tiếng người bán hàng rong. Tôi đã ghi lại những âm thanh đó và kết nối chúng với các bức họa của mình, điều này khiến toàn bộ tác phẩm trở nên thật trọn vẹn.”
Người họa sĩ sáng tạo ra lối vẽ đặc biệt của riêng mình
“Tôi thích vẽ đường dây điện trên cao ở Chiang Mai,” ông nói. “Cọ vẽ của tôi không phải loại bình thường, mà được làm từ bìa cứng, và một cành cây mà tôi nhặt được. Cành cây rất khó điều khiển, nhưng những đường nét vẽ ra, dù dày hay mỏng, đều rất sống động, đó là một thử nghiệm mới đối với tôi.”
Lấy hội họa làm sở thích cả đời, ông Cheung quyết tâm theo đuổi nghề hội họa chừng nào ông vẫn còn sức lực. Ông đang sắp xếp các bức họa của mình và hy vọng sẽ xuất bản một cuốn sách để chia sẻ tác phẩm của mình với nhiều người hơn.
Ông cho biết: “Tôi rất biết ơn khi có thể tổ chức một cuộc triển lãm ở Thái Lan, được mọi người đánh giá cao và ủng hộ, cũng như có được một nhóm bạn cùng chí hướng. Cuộc triển lãm còn là cơ hội gắn kết mọi người lại với nhau.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times