Tinh thần lưu giữ sách của cổ nhân
Văn hóa Trung Hoa cổ xưa được truyền thừa và kế tục cho đến ngày nay, là không thể tách rời những áng văn chương bất hủ đầy tâm huyết của các bậc tiền nhân. Những tác phẩm kinh điển này, trải qua lưu truyền qua các triều đại và qua tay bao người đọc khắp nơi, cuối cùng đã được bảo tồn một cách hoàn hảo cho đến hôm nay, bắc lên nhịp cầu giúp chúng ta khám phá lịch sử và có thể “đối thoại” cùng cổ nhân.
Tất cả những điều này, càng làm chúng ta phải biết ơn những hoạt động lưu trữ sách (tàng thư) có từ ngàn năm chưa bao giờ gián đoạn. Người giữ sách thời cổ, chủ yếu là các văn nhân sĩ đại phu được học đủ các loại thi thư. Việc lưu giữ sách không chỉ là một hiện tượng văn hóa nho nhã, mà còn là sự nghiệp của nhân sĩ thời xưa, là nơi họ gửi gắm chí hướng và lý tưởng của bản thân mình.
Lịch sử lưu giữ sách 3,000 năm của các văn nhân
Hoạt động lưu giữ sách thời xưa, chủ yếu là nói về việc lưu giữ sách ở tư gia và trong triều đình, việc lưu trữ sách của văn sĩ là lưu giữ sách tại gia. Dường như từ khi bắt đầu lưu trữ sách, cổ nhân đã bắt đầu chú ý đến việc chỉnh lý và sưu tầm cất giữ thư tịch rồi. Thông qua các phát hiện khảo cổ đối với chữ giáp cốt, ngay từ triều nhà Thương đã xuất hiện các tư liệu văn hiến có giá trị, khi đó người ta đem những tư liệu văn tự giáp cốt đặt vào một nơi gọi là “hầm lưu trữ”, trong triều đình cũng có chức quan “Ngự sử” nắm giữ các tư liệu văn hiến. Thời nhà Chu, thẻ gỗ, thẻ tre, sách lụa đã xuất hiện, việc lưu trữ sách của vương triều nhà Chu và các nước chư hầu đã bước đầu có quy mô, tuy nhiên hoạt động lưu trữ sách lúc đó chỉ giới hạn ở trong triều .
Vào thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, hình thức học tại quan phủ và cất giữ sách nơi quan phủ đã bị đả phá, xuất hiện các loại học thuật mới và việc tự học phát triển, các phái học thuyết nổi lên như ong vỡ tổ, bách gia chư tử tranh nhau lên tiếng. Những học giả này cũng trở thành những người lưu giữ sách tại gia vào thời kỳ đầu. Câu “Học phú ngũ xa” chính là sự hình dung đối với kiến thức uyên bác, học thức phong phú của họ. Sau đó, hoạt động lưu giữ sách trong dân gian ngày càng phát triển, cộng với việc quan phủ cất giữ sách, cả hai điều này đã thúc đẩy nền văn hóa Trung Hoa được kế thừa liền mạch. Đặc biệt là thời kỳ Hán Sở, Sở Bá Vương thiêu cháy cung Hàm Dương đã làm rất nhiều điển tịch văn hóa thời kỳ Tiên Tần tan theo mồi lửa, chính là nhờ những người lưu giữ sách tại gia đã dốc hết sức mình bảo lưu được văn hiến lịch sử trân quý.
Đến thời kỳ lưỡng Hán, triều đình khuyến khích tự học và lưu giữ sách trong dân gian, xuất hiện những người cất giữ sách xuất thân từ quý tộc và những thế gia nho học uyên thâm như Lưu An, Lưu Hâm, Thái Ung, Trịnh Huyền, v.v, quy mô và chất lượng cất giữ sách đều vượt qua thời trước. Sau thời Ngụy Tấn, bởi vì giấy đã được phát minh và sử dụng rộng rãi, việc lưu giữ sách dần dần trở thành một trào lưu. Mọi người cất giữ sách không chỉ vì tìm tòi tự học, mà có người còn vui vẻ cho người ngoài mượn, và còn quyên tặng cho người hiếu học, cho nên người dân bình thường cũng có thể gia nhập vào quần thể những người lưu giữ sách tại gia. Trong tường cao viện sâu, ngàn quyển tàng thư đã không đủ để khoe khoang nữa, vạn quyển tàng thư cũng là nhìn riết quen mắt.
Từ thời Tùy Đường trở đi, chế độ khoa cử đã được xác lập và đã sử dụng kỹ thuật khắc bản in ấn, cho nên đã thúc đẩy hoạt động cất giữ sách lên đến cực thịnh. Khắp tứ hải cửu châu, học trò và các thư sinh hoặc là vì cầu công danh, hoặc là tu tâm dưỡng tính, mà càng chú trọng cất giữ sách, cũng chính là kết hợp lưu trữ và sử dụng.
Đầu thời Đường còn xuất hiện thư viện, cung cấp sách cho các văn nhân, người đọc sách, giúp họ nghiên cứu học vấn. Rất nhiều người đã nguyện ý đem tất cả thư tịch mà mình cất giữ tặng cho thư viện hoặc các thư sinh học tập. Hành động này cũng dẫn dến sự phát triển của việc lưu trữ sách ở các thư viện, ví dụ như thư viện Tập Hiền ở Lạc Dương đã cất giữ được hơn 100 nghìn quyển sách, các thư sinh không cần đi quá xa, vẫn có thể đọc cả vạn cuốn sách, đề cao học thức của mình.
Rất nhiều thư tịch trải qua thời gian lâu dài, trong quá trình sao chép, in ấn và lưu truyền mà rất dễ xuất hiện tình trạng sai sót và thất tán. Việc này yêu cầu cổ nhân trong khi cất giữ điển tịch, phải giám định tỉ mỉ, khảo đính, bảo đảm hoàn mỹ như lúc ban đầu. Vậy nên, vào thời Tống Nguyên đã xuất hiện các hoạt động tương quan như học về thư mục, học về bản gốc, học về khảo đính, học khắc bản,v.v. Trong “Mộng khê bút đàm” ghi chép rằng, danh thần thời Bắc Tống là Tống Thụ nhờ vào việc hiệu đính sách mà trở nên nổi tiếng. Ông từng nói: “Hiệu đính sách như quét bụi, một bên quét bụi, một bên sinh bụi; Cho nên có một số sách trải qua ba bốn lượt hiệu đính, vẫn còn có chỗ sai sót“. Có thể thấy được cổ nhân khi hiệu đính sách công phu như thế nào.
Đến thời nhà Minh và nhà Thanh, kinh tế hàng hoá phát đạt, nghề khắc sách và cửa hàng sách, tiệm sách đã ra đời, cung cấp cơ sở vật chất tốt hơn cho các hoạt động cất giữ sách của cổ nhân. Các văn tự của hai triều này ghi chép rằng, những người cất giữ sách có đến gần hai ngàn người, mà chỗ họ cất giữ sách – Tàng Thư Lâu, cũng trở thành thắng địa văn học nổi tiếng thiên hạ.
Giữ cho riêng mình và giúp đỡ cho người khác
Sưu tầm tựa hồ là thiên tính của con người, quý tộc thích sưu tập đồ cổ, võ tướng thích cất giữ kiếm khí, phụ nữ thích cất giữ châu báu, vậy thì những văn nhân có tình cảm đối với thư tịch cũng không có gì khác lạ. Chỉ là, động cơ và mục đích lưu giữ sách của các văn nhân thì mỗi người mỗi hướng. Có một loại là chân chính “Tư gia tàng thư”, họ ôm ấp một loại “tình yêu” đối với thư tịch, tàng thư chỉ là vì bản thân vì gia đình mà lưu giữ. Một đặc điểm rõ nhất là, họ đa số định ra “lệnh cấm” đối với thư tịch của nhà mình, cũng làm gia quy để răn dạy con cháu đời sau.
“Tạp chí Thanh Ba» ghi chép, sách trong nhà tể tướng Đỗ Xiêm thời Đường ở trang cuối có đề câu: “Sách dùng bổng lộc trong sạch mua về rồi tự tay hiệu đính, con cháu đọc để biết đạo Thánh hiền, bán và cho mượn là bất hiếu“.
Đường Nghiêu Thần thời Minh cũng in chữ “Mượn sách là bất hiếu” trên những cuốn sách lưu trữ. Như có câu “bất hiếu hữu tam” (có ba loại bất hiếu), trong mắt những người cất giữ sách, bất hiếu lại có thêm một nội hàm. Cho bên ngoài mượn thư tịch cũng là hành vi bất hiếu, dường như có chút khoa trương, tuy nhiên chúng ta có thể thấy được tình cảm sâu đậm của văn nhân đối với thư tịch.
Tàng thư “Lâu Thiên Nhất Các” của Phạm Khâm triều Minh có thể gọi là thư viện lâu đời nhất ở Trung Hoa. Ông khi còn sống đã đưa ra quy định trong gia tộc rằng: “Các đời không phân sách, sách không được ra khỏi lâu các“. Nếu như hậu nhân tự tiện cho mượn sách, trong ba năm không được tham dự cúng bái tổ tiên, mức độ khắc nghiệt có thể coi là bậc nhất trong những người cất giữ sách.
Quản lý thự tịch kiểu phong bế như vậy đã làm tăng thêm cảm giác thần bí của những người cất giữ sách tại gia, cũng ở một mức độ nào đó mà giữ gìn cổ thư không bị tản mát khắp nơi. Tuy vậy, có một số cổ tịch độc bản, một khi bị tổn hại, đã gặp phải nguy cơ thất truyền. Ví như đại văn nhân Tiền Khiêm Ích thời đầu nhà Thanh có một tòa Giáng Vân Lâu , lưu giữ được một lượng lớn những điển tịch hiếm thấy thời Tống Nguyên. Tiền Khiêm Ích cũng vì thế mà kiêu ngạo, không khỏi sinh lòng bủn xỉn, những bản quý giá không bao giờ cho mượn. Đến một ngày, đứa cháu gái nhỏ của ông chơi đùa tại Giáng Vân Lâu đã vô ý đánh đổ cây nến, gây ra một trận hỏa hoạn, dẫn đến tàng thư trong lầu bị cháy hết, trở thành một sự kiện vô cùng đáng tiếc trong lịch sử văn học.
Đối lập với việc chỉ lưu giữ cho gia tộc, cũng có những người cất giữ sách thích kết thiện duyên, vui vẻ chia sẻ. Danh thần Phạm Úy đời Tấn lưu trữ hơn 7,000 cuốn sách, đều nhiệt tình đón tiếp những văn nhân đến đọc sách, thậm chí còn cung cấp cả cơm áo cho họ. Lòng tốt của Phạm Úy xa gần đều biết tiếng, ước chừng có khoảng hơn 100 người lần lượt đến nhà ông làm khách đọc sách. Thạch Ngang thời Ngũ Đại Thập Quốc lưu giữ được mấy ngàn cuốn sách, ông rất thích đón tiếp tân khách bốn phương. Những nhân sĩ cho dù gần xa đều rất thích đến thăm thư các của ông để nâng cao học vấn. Có một số người còn ở tại nhà ông mấy năm liền, Thạch Ngang đều theo lễ đón tiếp. Thôi Úy Tổ thời Nam Tề còn rộng rãi hơn, vạn cuốn sách được cất giữ trong nhà đã thu hút những người trẻ tuổi tấp nập đến mượn sách, có khi một ngày cho mượn mấy chục cuốn. Và ông mỗi lần đều kiên nhẫn tìm sách cho họ mượn, không bao giờ chối từ.
Bạn đã bao giờ nghe nói rằng, cho mượn sách cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế? Thời Tống có một trường hợp. Văn nhân Tống Mẫn Cầu kế thừa tàng thư hơn ba vạn cuốn sách của cha, phần lớn là những bản đầy đủ, ông có tiếng thơm là cho mượn sách rộng rãi. “Khúc Vị cựu văn” có ghi chép, Tống Mẫn Cầu sống ở phường Xuân Minh tại đô thành, các sĩ đại phu đều chuyển nhà đến gần đó, để thuận tiện mượn sách. Cứ như vậy, giá nhà ở phường Xuân Minh đã đắt hơn gấp đôi so với địa phương khác.
Thế gian vật hiếm thì quý, có người đối với đồ vật mà nhà mình cất giữ không nỡ cho bên ngoài mượn, chúng ta cũng không nên trách móc nặng nề; còn nếu như có thể gặp được một người cất giữ sách rộng rãi khoáng đạt, thì quả đúng là một chuyện may mắn.
Đời Minh có học giả Tống Liêm, đối với quãng tuổi thơ đi mượn sách luôn nhớ mãi không quên. Trong cuốn sách “Tặng lời tựa cho học sinh họ Mã ở Đông Dương”, ông đã cảm khái hồi ức rằng: Nhà ông vốn nghèo khó, không mua nổi sách, chỉ có thể đến nhà những người cất giữ sách xung quanh để mượn đọc, rồi tự mình viết tay ghi chép lại, phải tính toán thời gian kịp thời để trả. Ông luôn đúng hẹn và chăm học, cho nên đã nhận được sự ủng hộ của những người lưu giữ sách, họ đều sẵn lòng đem sách cho ông mượn. Tống Liêm lúc này mới có thể đọc nhiều sách vở, và đã có ngày thành tựu.
Lưu giữ sách tức là cất giữ Đạo
Từ lác đác mấy quyển sách cho đến chồng sách chất như núi, là cả một công trình đã phải tốn thời gian tích lũy, hao tốn tâm tư chỉnh lý lại, và phải bỏ ra bao nhiêu tâm huyết của người lưu giữ sách. Đây là niềm vui thú riêng của những người cất giữ sách, là khu vườn tinh thần của các văn nhân. Các văn nhân nhã sĩ cũng muốn đem loại cảm giác hạnh phúc vi diệu này thể hiện trên ngòi bút, toát lên một loại tinh thần cất giữ sách đặc biệt phong lưu. Từ việc họ hàng ngày ngâm vịnh thơ về việc lưu giữ sách, chúng ta cũng có thể nhìn ra.
Ví dụ về việc đưa “tàng thư” vào thơ ca, có thể ngược dòng tìm đến câu thơ của Trần Giang Tông thời kỳ Ngụy Tấn: “Tá vấn tàng thư xứ, duy quân cố nhân tại” (Tạm dịch nghĩa: Xin hỏi nơi nào giữ sách, chỉ có chỗ cố nhân thôi) – (Trích từ “Di khổng trung thừa hoán thi”).
Vào Thời Đường, số lượng thơ về tàng thư đã dần dần nhiều lên, Hàn Dũ có câu: “Nghiệp hầu gia đa thư, sáp giá tam vạn trục. Nhất nhất huyền nha thiêm, tân nhược thủ vị xúc” (Tạm dịch nghĩa: Hầu gia đất Nghiệp rất nhiều sách, xếp trên kệ ba vạn cuốn. Từng cái treo như cây tăm, còn mới như chưa chạm tay) – (Trích từ “Tiễn Gia Cát Giác đi Tùy Châu đọc sách”). Đỗ Tuân Hạc có thơ rằng: “Mại khước ốc biên tam mẫu địa, thiêm thành song hạ nhất sàng thư”, (Tạm dịch nghĩa: Bán đi ba mẫu đất cạnh nhà, thêm được dưới cửa một giường sách) – (Trích từ “Thư phòng tức cảnh làm thơ”).
Từ thời Tống, Minh trở đi , thơ về việc lưu giữ sách càng thêm phong phú. Ở trong thơ là cuộc sống đọc sách đơn giản mà mãn nguyện của các văn nhân, ví như cuộc sống đạm bạc và thanh nhàn của Du Biện: “Tâm ái kì biên vũ hãn lưu, sơn thê tiếu ngã bất phong hầu. Thâu nhàn bát nguyệt nhàn trung tả, nhất bút khán lai trực đáo đầu”. (Tạm dịch nghĩa: Trong tâm thấy mồ hôi và nước mưa đan xen vào nhau rất lạ, người vợ vùng sơn cước cười ta không được phong tước Hầu. Tranh thủ thời gian tháng tám nhàn nhã để viết, một bút xem ra thẳng đến đầu) – (Trong lời bạt “Tùy ẩn mạn lục”). Nhiều bài thơ càng có tình cảm quyến luyến của người lưu giữ sách đối với thư tịch, như Lục Du tự tán dương trong bài “Thư tích” rằng: “Nhân sinh bách bệnh hữu dĩ thời, độc hữu thư phích bất khả y” (Tạm dịch nghĩa: Nhân sinh bách bệnh có lúc dừng, chỉ có đam mê sách là không thể chữa được) – (Trích từ “Thị nhi thi”).
Người đọc sách yêu sách, người yêu quý sách lại càng yêu thích lưu giữ sách. Có câu rằng “Quân tử chí vu đạo”, nghĩa là chí của người quân tử nằm ở Đạo. Những điển tịch được truyền lại từ thời xa xưa, là phương tiện truyền đạt để phổ biến trí tuệ của các bậc Thánh hiền, chính là kết tinh của “Đạo”, là con đường tắt căn bản để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của cổ nhân. Đối với các văn sĩ, lưu giữ sách tức là lưu giữ Đạo, cho nên họ tự nguyện dùng hết sức lực cả đời để cất giữ, bảo tồn sách. Có người không tiếc số tiền lớn, tìm mua cổ thư; Có người cả ngày lẫn đêm, đọc sách cặn kẽ rồi hiệu đính rõ ràng; có người lưu luyến quên về, đọc sách mà không biết mỏi mệt.
Người cất giữ sách mộ Đạo nên kính sách, bởi vậy cũng có rất nhiều giai thoại về việc trân quý sách. Ví dụ như Triệu Tử Ngang thời Nguyên vì để thế nhân quý trọng thư tịch, đã đặc biệt định ra một “lễ nghi” nghiêm ngặt về việc đọc sách: “Không được gập sách, không được làm gãy góc, không được dùng móng tay cào vào chữ, không được nhấm nước bọt giở trang, tùy theo tổn hại phải tu sửa, phải giữ nguyên vẹn quyển sách” (Theo “Độc thư tứ quan”). Hoàng Phi Liệt triều Thanh tôn kính thư tịch như tôn kính Thần linh, vào giao thừa hàng năm ông đều trịnh trọng cử hành nghi lễ tế sách. Ông đem những cuốn sách quý cung kính đặt trên hương án, thắp hương, đốt giấy tiền, vái ba vái, thậm chí còn làm một bức tranh tế sách. Qua đó, Hoàng Phi Liệt không chỉ truyền đạt tình cảm trân quý đối với sách, mà còn muốn gửi gắm kỳ vọng rằng những điển tịch này ở đời sau vẫn tiếp tục được cất giữ thích đáng như thế.
Chính là nhờ trải qua các đời văn nhân không ngừng cố gắng, chúng ta ngày nay mới may mắn được đọc một lượng lớn các tác phẩm kinh điển quý giá. Cổ nhân yêu sách, trân quý sách như thế, vì sao chúng ta không kế tục tinh thần này và tiếp tục truyền thừa cho các thế hệ mai sau?
Tác giả: Lan Âm
Vương Du Duyệt biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ