Một chút khám phá về văn hóa ‘Thổ’ thời Trung Quốc cổ đại (Phần 2)
Xem thêm: Một chút khám phá về văn hóa “Thổ” thời Trung Quốc cổ đại (Phần 1)
Trong phần trước, bài viết đã đề cập đến những hiểu biết có hệ thống của cổ nhân về chất đất và giá trị dược dụng của đất. Trong phần này, người viết nói đến ý nghĩa biểu tượng mang tính triết học của ‘Thổ’ (đất) và Thần thoại, truyền thuyết liên quan đến một loại đất gọi là “tức nhưỡng.”
Ý nghĩa biểu tượng mang tính triết học của ‘Thổ’
Khi nói đến những sự vật có “tính triết lý,” chúng ta thường gọi những tư duy và tự thuật triết lý có tính hệ thống trừu tượng là “triết lý” hay “triết học.” Nhưng, trong văn hóa truyền thống Trung Quốc cổ đại, một sự vật đơn giản và phổ biến thường có thể được biểu tượng hóa và trở thành một lý niệm đạo thuật cao siêu. “Thổ” chính là một trong những lý niệm đó.
“Thượng Thư – Đại Vũ Mô” trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Đại Vũ: “Đức duy thiện chính, chính tại dưỡng dân. Thủy, hỏa, kim, mộc, thổ và cốc, duy tu; chính đức, lợi dụng, hậu sinh, duy hòa” (Tạm dịch: Đức là để cai trị tốt, chính trị nằm ở việc dưỡng dân, cần sửa trị Thủy, Hỏa, Kim, Mộc, Thổ và Cốc; dung hòa giữa các việc chính đức, sử dụng và dưỡng nuôi). Đại Vũ tin rằng thực thi “nền chính trị tốt nằm ở việc dưỡng dân” và đề xuất sửa trị “lục phủ” và dung hợp “tam sự.” Trong đó, “lục phủ” dùng để chỉ sáu loại sự vật “Thủy, Hỏa, Kim, Mộc, Thổ, Cốc (ngũ cốc),” là những tài vật cần thiết cho sản xuất và đời sống của con người. Sau này, đến “Thượng Thư – Hồng Phạm” còn định hình cụ thể thuyết “Ngũ hành”: “Ngũ hành: một là nước, hai là lửa, ba là gỗ, bốn là kim loại, năm là đất. Nước ẩm ướt, lửa hun nóng, cây thẳng thắn, kim loại thuận dùng nhiều việc, đất để trồng trọt. Ẩm thì mặn, nóng thì đắng, thẳng thì chua, dùng nhiều việc thì cay nồng và cây trồng thì ngọt.” Như thế, lý niệm đạo thuật siêu hình về “Thổ” không chỉ cho phép đạt được quản trị và quy phạm một cách lý tính trong sản xuất và đời sống ở các tầng diện chính trị và kinh tế nói chung, mà “Thổ” còn được xem như một yếu tố biểu tượng đưa vào trong hệ thống tuần hoàn phức tạp của “ngũ hành.” Sau này, người ta tiếp tục sử dụng nguyên lý tương sinh tương khắc của ngũ hành để vận dụng và giải thích mối quan hệ vật lý của nhiều vật chất ở bề mặt.
Trên thực tế, mô thức tư duy này cũng đã có ở nước ngoài. Học thuyết Phật gia từ Ấn Độ cũng đề xuất “tứ đại” dựa trên văn hóa Ấn Độ cổ gồm đất, lửa, nước và gió. Trong đó, lý niệm về “Thổ” cơ bản ứng đối và gần gũi với “Thổ” trong “Ngũ hành” của Trung Quốc.
Ngoài ra, khi tác phẩm kinh điển “Chu Dịch” giải thích ý nghĩa biểu tượng của “Bát Quái” cũng đem “quẻ Khôn” đối ứng thành hình ảnh của “Địa.” Vì vậy, “Thổ Địa” đã trở thành một trong những yếu tố mang tính biểu tượng cơ bản của “Bát quái.”
Vậy, những ý nghĩa tượng trưng mang “tính triết lý” này có vai trò gì? Tác giả cho rằng, ý nghĩa tượng trưng mang “tính triết lý” này khác với những khái niệm trừu tượng, tư duy trừu tượng của triết học phương Tây thời cận hiện đại, mà nó dẫn đến một kiểu tư duy “đạo thuật” siêu hình. “Chu Dịch – Hệ Từ” nói: “Hình nhi thượng giả vị chi Đạo. Hình nhi hạ giả vị chi khí.” (Tạm dịch: Cái gì từ hình chất trở lên gọi là Đạo, cái gì từ hình chất trở xuống gọi là khí.” Vì vậy, lý niệm về “Thổ” không chỉ nằm ở vật chất “thổ nhưỡng” mà con người thế gian có thể thấy, có thể sờ, có thể cảm giác được một cách cụ thể, mà còn nằm ở cảnh giới nhận thức về “Thổ” ở cấp độ cao hơn. Sở dĩ “Đạo thuật” được gọi là “Đạo thuật” không chỉ bởi “Đạo” đã được thăng hoa đến cảnh giới cao hơn, mà nó còn có thể mở rộng thành “thuật” (phương pháp, sách lược) có thể ứng dụng vận hành cụ thể trong thế giới hiện thực. Vì vậy, thuyết “Ngũ hành” và “Bát quái” có thể được áp dụng cho các loại “thuật số” và “y thuật” khác nhau. “Thổ” được xem như một trong những yếu tố trong đó, phát huy đầy đủ vai trò vận hành vật lý linh tính của nó.
Trong phần “Thổ Bộ” sách “Bản thảo cương mục,” Lý Thời Trân đã tóm tắt đúc kết nói rõ: “Thổ là chủ của ngũ hành, là thể của Khôn. Cả thảy có năm màu sắc nhưng lấy màu vàng là màu chủ đạo, có năm vị nhưng lấy ngọt làm vị chính. Dựa vào đó, “Vũ Cống” phân biệt màu đất của chín châu và “Chu Quan” phân biệt tính chất đất của mười hai loại đất. Xét tổng thể về đức, đạt đến chỗ ‘chí nhu’ thì sẽ cương, đạt đến chỗ ‘chí tĩnh’ sẽ tồn tại lâu dài, nếu kiêm đủ ngũ hành sẽ sinh ra vạn vật mà không can thiệp vào công dụng của nó. Đức của Trời thực to lớn thay. Trong cơ thể con người, tì vị ứng với thổ, cho nên nhiều loại đất được dùng làm thuốc, lấy sự giúp đỡ của chúng làm công bổ trợ cho phần hư hao.”
Các thầy thuốc thời cổ đại giỏi về y thuật đều biết tận dụng triệt để các nguyên lý “Ngũ hành” và “Bát quái” để điều trị các loại bệnh khác nhau. Lý Đông Viên, một trong “Tứ đại gia thời nhà Kim và nhà Nguyên” của giới y học Trung Quốc đã khởi xướng “học thuyết về tì vị.” Ông trước tác ba quyển “Tì vị luận, và về sau lại tiếp tục soạn viết, đề xướng mô thức trị liệu tì vị (lá lách và dạ dày). Trong học thuyết ngũ hành của Trung y, các vấn đề về lá lách và dạ dày đối ứng với ý nghĩa tượng trưng là “Thổ.” Trong sách “Tứ khố toàn thư đề yếu” chỉ ra: “Ông (Lý Đông Viên) nói rằng “Thổ” là mẹ của vạn vật, nên lá lách và dạ dày là trọng yếu duy nhất. Ông ấy trích dẫn kinh điển để lý giải, tinh cần chuyên chú nghiên cứu.” Lý luận và thực hành y học của Lý Đông Viên đã được hậu thế phát triển một cách mạnh mẽ và đạt được một số thành công nổi bật. Trường hợp học thuật y học này chứng minh rằng “Thổ” với tư cách là một ý nghĩa biểu tượng mang tính triết học có cơ chế thể hệ lý luận “Đạo thuật” rất rộng và hoàn mỹ.
Lời tiên tri về việc Trọng Nhĩ giành lại đất
Về thuật toán số, có một câu chuyện nổi tiếng liên quan đến ý nghĩa biểu tượng của “Thổ.” Câu chuyện này được ghi lại trong “Quốc Ngữ – Tấn Ngữ tứ:”
Công tử của Tấn quốc là Trọng Nhĩ (người sau này trở thành Tấn Văn Công, một trong Ngũ bá thời Xuân Thu) và nhóm người của ông vẫn ở trong thời kỳ sống lưu vong. Họ chuẩn bị lên đường đến Tề quốc. Khi đi qua vùng đất Ngũ Lộc của Vệ Quốc, Trọng Nhĩ và nhóm của ông đã xin ăn từ những người nông phu trên đồng ruộng. Người nông phu kia không hề khách khí mà nhặt một cục đất đưa cho họ. Hoàng tử Trọng Nhĩ nhìn thấy thì rất tức giận và muốn dùng roi đánh người nông phu đó.
Cậu của Trọng Nhĩ là Hồ Yến (tự Tử Phạm) vội vàng bước tới can ngăn ông và nói: “Người nông phu đưa cho chúng ta cục đất là điềm báo họ sẽ quy phục công tử. Chúng ta còn muốn cầu gì nữa? Tất cả Thiên mệnh xảy ra đều nhất định có điềm báo trước. Tôi vừa nhìn đã thấy: sau mười hai năm nữa, chúng ta nhất định sẽ giành được đất này.Tất cả mọi người hãy nhớ lời tôi nói nhé. Tôi tính toán được rằng: khi Tuế Tinh ở vào chỗ của Thọ Tinh và Thuần Vĩ thì công tử sẽ có được đất này! Trời đã hiển thị điềm báo khi ngôi sao Tuế Tinh xuất hiện trở lại nơi Thọ Tinh, công tử nhất định sẽ xưng bá các nước chư hầu. Số ngày sẽ không vượt quá mười hai, nên từ hiện tại có thể tính toán được khi chúng ta chiếm được vùng đất này, chắc hẳn là ngày Mậu Thân! Vì Mậu tượng trưng cho đất, nên Mậu Thân cũng tượng trưng cho việc mở rộng đất đai.”
Trọng Nhĩ nghe thấy thì nhận ra đó là một phép tính chiêm tinh. Hơn nữa, người nông phu vô tình đưa cho ông một cục đất, đây cũng là một điềm báo và nó phù hợp với ý nghĩa của quẻ bói trong Dịch học. Trọng Nhĩ không còn cách nào khác đành phải chấp nhận. Thế nên, ông bái lạy Trời đã ban tặng và hướng đến người nông phu để cảm tạ rồi nhận cục đất để lên xe. Sau đó, Trọng Nhĩ trở về Tấn quốc và trở thành Tấn Văn Công, xưng bá thiên hạ.
Vi Chiêu, một học giả nước Ngô thời Tam Quốc, khi chú giải giai đoạn lịch sử này đã suy đoán và nhìn nhận rằng: Thời điểm Trọng Nhĩ nhận được cục đất từ người nông phu ở Ngũ Lộc là vào năm thứ 16 đời Lỗ Hi Công (năm 644 Trước Công nguyên). Đến năm Lỗ Hi Công thứ 28 (năm 632 Trước Công nguyên), Trọng Nhĩ được lập làm vua nước Tấn, đời sau gọi ông là Tấn Văn Công. Năm này, nước Tấn phạt nước Vệ. Vào ngày Mậu Thân, mùng sáu tháng Giêng, quân Tấn chiếm được Ngũ Lộc của nước Vệ.
Thần thoại, truyền thuyết về ‘tức nhưỡng’ (Thổ)
Có thể mọi người đã từng nghe nói, thời Trung Quốc cổ đại có một loại đất rất đặc biệt tên là ‘tức nhưỡng.’ Truyền thuyết kể rằng loại đất này có thể tự động sinh sôi nảy nở. Ghi chép sớm nhất đến từ cuốn “Sơn Hải Kinh – Hải Nội Kinh”: “Hồng thủy ngập trời. Cổn lén lấy tức nhưỡng của Đế ngăn lũ mà không chờ lệnh của Ngài. Đế ra lệnh cho Chúc Dong giết Cổn ở Vũ Giao.” Còn trong “Hoài Nam Tử – Địa Hình Huấn” gọi là “tức thổ” (息土). Đoạn ghi chép này trong “Sơn Hải Kinh” rất đơn giản, khiến người ta tưởng tượng xa vời không thôi. Đặc biệt là việc lấy trộm ‘tức nhưỡng’ của Cổn (thân phụ của Đại Vũ), nhiều người giải thích chữ “Đế”(帝) là “Thiên Đế” (天帝) tức Thần ở trên trời. Nói cách khác, nhiều nhà chú giải đã Thần thoại hóa câu chuyện này là Cổn đã trộm loại đất thần bí “tức nhưỡng” ở chỗ Thiên Đế. Nếu Cổn có thể lên trời thì tất nhiên việc trộm lấy như vậy có thể xảy ra. Tuy nhiên, dựa vào tính liên tục của ngữ cảnh, chúng ta cảm thấy chữ “Đế” này cũng có thể là Đế Nghiêu hoặc Đế Thuấn (xét theo thời gian, Đế Thuấn có nhiều khả năng hơn). Vậy phải chăng điều này có nghĩa là vào thời Đế Thuấn, con người đã phát hiện ra ‘tức nhưỡng’ là một loại đất thần bí có thể tự sinh trưởng? Nếu lý thuyết này là đúng thì làm thế nào họ phát hiện hoặc phát minh ra ‘tức nhưỡng’ trong thời kỳ Đế Nghiêu và Đế Thuấn? ‘Tức nhưỡng’ rốt cuộc trông như thế nào?
Người đời sau cũng luôn đồn đoán về ‘tức nhưỡng.’ Từ thời nhà Hán, nhà Đường đến thời nhà Minh và nhà Thanh, đều có những ghi chép và tranh luận cá biệt lẻ tẻ. Người ta cho rằng, ‘tức nhưỡng’ vẫn luôn tồn tại, chủ yếu ở vùng đất Sở của Kinh Châu. Một trong những ghi chép nổi tiếng nhất là “Vĩnh Châu Long Hưng tự tức nhưỡng ký” được viết bởi Liễu Tông Nguyên vào thời nhà Đường. Trong bài ký của mình, Liễu Tông Nguyên nói: ở góc đông bắc của chùa Long Hưng ở Vĩnh Châu có một sảnh đường chính. Trong sảnh đường chính có một chỗ nhô cao trên mặt đất, làm cho gạch ở trên đất theo đó nhô lên. Chỗ nhô cao ấy rộng bốn bộ (một bộ bằng 5 thước) và cao một thước năm tấc. Lúc đầu, người ta tưởng mặt đất không bằng phẳng nên dùng dụng cụ để san bằng. Không ngờ nơi đó sau khi bị san phẳng vẫn phình ra. Hiện tượng kỳ lạ này khiến mọi người không biết phải làm gì. Sau này, mọi người cảm thấy nó phù hợp với hiện tượng ‘tức nhưỡng’ trong truyền thuyết cổ xưa nên đã đặt tên cho khối đất cao trong sảnh đường này là ‘tức nhưỡng.’
Tuy nhiên, cái gọi là ‘tức nhưỡng’ trong chùa Long Hưng được Liễu Tông Nguyên ghi lại có thực sự là ‘tức nhưỡng’ được Cổn thời cổ đại sử dụng không? Hai loại đó có phải là chỉ cùng một loại không? Quả thực không có bằng chứng vững chắc nào có thể so sánh được, và nó vẫn khiến mọi người vô cùng thắc mắc.
Vào thời nhà Minh, Chu Quốc Trinh còn viết một thiên ngắn tên là “Tức nhưỡng biện” trong quyển 15 của “Dũng tràng tiểu phẩm.” Sau khi khảo chứng và biện luận, ông thực sự cho rằng ‘tức nhưỡng’ là ‘cánh đồng dâu tằm.’ Chúng tôi thực sự cảm thấy kết luận này không có căn cứ, cũng không có chứng cứ thực tế nào giải thích rõ ràng được điều gì đang xảy ra ở loại đất có thể tự sinh trưởng này.
Tuy nhiên, có vẻ như những Thần thoại, tin đồn về ‘tức nhưỡng’ vẫn chưa kết thúc.
Tiểu kết
Liên quan đến văn hóa về “Thổ” (土) còn rất nhiều điều hơn thế mà bài viết ngắn này khó có thể đề cập đầy đủ. Cũng giống như việc các nền văn minh phương Đông và phương Tây đều có những Thần thoại, truyền thuyết rằng “con người được tạo ra từ đất sét.” Liệu nó có phải giống như một câu chuyện ghi chép lại lời khải thị cổ xưa và truyền cảm hứng cho thế nhân làm thế nào để lý giải hiện tượng sinh mệnh trong vũ trụ này không?
Một bên là đất và nước, một bên là con người. Đất đai là vật chất sinh tồn mà nền văn minh nhân loại dựa vào. Nó cũng là yếu tố cơ bản mà đấng Sáng Thế Chủ sử dụng để tạo nên Trái Đất và mang lại môi trường cho nhân loại sinh tồn. Các loại chức năng và văn hóa của “Thổ” không ngừng truyền cảm hứng cho chúng ta trân trọng sự sống của vạn vật, kính sợ trước sự linh thiêng của tự nhiên và ngạc nhiên trước sự ảo diệu trong sáng tạo của Sáng Thế Chủ.
Tư liệu tham khảo: