Tổng quan về Lịch sử Trung Quốc (Lời mở đầu – Phần 4): Sử quan và Quan sử
Xem lại: Tổng quan về Lịch sử Trung Quốc (Lời mở đầu – Phần 3): Ý nghĩa chân chính của văn hóa
Cái tên “Trung Quốc” rốt cuộc có ý nghĩa gì?
Nghĩa gốc của chữ “quốc” (國) chính là để chỉ đô thành nơi Quân vương ngự trị, hoặc phong ấp của các chư hầu. Cho nên, nó cũng có nghĩa chỉ nơi Quân vương cai quản và giáo hóa muôn dân, khác hẳn với khái niệm “quốc gia” (như “country” hoặc “nation”) đến thời hiện đại về sau mới xuất hiện.
“Trung Quốc” là để chỉ “nước” nằm ở trung ương, ở vị trí trung tâm. “Trung ương” ở đây cũng thay đổi tùy theo khu vực lãnh thổ và văn hóa khác nhau của từng triều đại. Cái bất biến không đổi chính là hàm nghĩa của nó. Nó vẫn có nghĩa là bậc Quân vương hay Thiên tử thuận theo thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ngự tại trung ương mà cai quản và giáo hóa bốn phương. Trong các sách cổ như “Thượng thư”, “Kinh Thi” hay “Tả truyện”, “Trung Quốc” còn có nhiều tên gọi khác như “Trung Nguyên”, “Trung Thổ”, “Thần Châu”, “Hoa Hạ”, “Chư Hạ”, v.v. Mặc dù nghiên cứu khảo cổ học hiện đại phát hiện rằng hai chữ “Trung Quốc” xuất hiện sớm nhất vào đầu thời Tây Chu, dưới thể chữ minh văn khắc trên một loại bình rượu gọi là “Hà tôn”, nhưng như đã đề cập trong phần bài viết về nền văn minh tiền sử, khái niệm và cách nói “Trung Quốc” này có thể còn xuất hiện trước thời nhà Chu rất lâu.
Nền văn minh Trung Hoa trải dài 5,000 năm, bắt đầu từ Hoàng Đế khai sáng nhân văn, đạt đến đỉnh cao vào thời Đường Thái Tông, đến thời lưỡng Tống rực rỡ nhưng ngắn ngủi, và suy yếu vào cuối thời nhà Thanh. Mỗi triều đại dù là hưng thịnh hay suy tàn đều mang vẻ đẹp và nét huy hoàng độc đáo của riêng mình diễn dịch Thiên mệnh, dùng phong cách và khí chất riêng biệt để rèn luyện đức hạnh và giáo hóa con người, từ đó tạo nên nền văn minh rực rỡ độc nhất vô nhị của riêng mỗi triều đại.
Trải dọc chiều dài lịch sử, “Trung Quốc” chính là một vũ đài mà các triều đại khác nhau lần lượt trình diễn trên vùng Trung Thổ. Kịch bản từ Thiên Thượng đưa đến diễn tại nhân gian, hóa thành một quá trình sinh mệnh đồ sộ của từng triều đại. Tuân theo Thiên đạo, thuận mệnh ái nhân, kính Thần lễ Phật, tu đức hướng thiện, vẫn luôn là những chủ đề diễn luyện xuyên suốt 5,000 năm thăng trầm với quy trình thành – trụ – hoại – diệt. Nhìn xa hơn, tất cả các nền văn minh tiền sử trước nền văn minh 5,000 năm lần này chẳng phải thậm chí còn là một quá trình sinh mệnh đồ sộ hơn thế hay sao? Chẳng phải cũng từng diễn luyện những chủ đề tương tự hay sao?
Trong suốt bề dày lịch sử diễn ra như một quá trình tân trần đại tạ (tế bào mới thay thế tế bào cũ) của một sinh mệnh đồ sộ như vậy, Thiên Thượng vẫn luôn dùng những phương thức khác nhau vào những thời kỳ khác nhau để an bài, che chở và kịp thời cảnh tỉnh cho thế nhân còn đang đắm chìm trong vở kịch mê hoặc. Thuở ban đầu, Bàn Cổ và Nữ Oa sáng tạo ra thế giới và con người. Tam Hoàng Ngũ Đế khai sáng và kiến tạo nhân văn bằng thần thông và đức hạnh phi thường. Tam Đại Thánh Vương giáo hóa thiên hạ bằng đạo đức, lòng kính Thần và lễ nhạc. Về sau, có những vị Thánh vương, Thánh hiền với những thần ngôn và thần tích triển hiện thường xuyên qua các triều đại. Những điểm hóa và cảnh tỉnh từ thiên, địa, nhân qua nhiều hiện tượng kỳ lạ; hay lời nhắc nhở về những viên ngọc ẩn mình trong vỏ trai từ hệ thống các dự ngôn; hay như vô số những triển hiện và diễn luyện việc tu luyện thành Thần của Phật gia và Đạo gia. Cho đến sau này, nền giáo dục nhân văn phong phú được truyền lại bởi các nhà Nho giáo và Bách Gia Chư Tử dựa trên nguyên tắc “pháp thiên kính tổ”… Tất cả những điều đó đều tỏ rõ những an bài to lớn và có hệ thống của Thiên Thượng đối với thế gian con người, không nơi nào không có. Thiên Thượng luôn giáo hóa và che chở, từng bước đặt nền móng cho nội hàm rộng lớn của nguyên lý “Thiên nhân hợp nhất”. Ngài rèn luyện cho con người những phẩm chất và năng lực cơ bản để đến bước cuối cùng có thể chân chính bước trên con đường “Thiên nhân hợp nhất” này.
Mục đích và ý nghĩa căn bản của con đường đó là điều đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm thật sâu sắc.
Suốt gần trăm năm qua, quá trình văn minh vĩ đại do lý tương sinh tương khắc và thành trụ hoại diệt của vũ trụ, cùng với rác thải, phế vật và độc tố văn minh tích tụ qua năm tháng lâu dài mà nuôi dưỡng nên một loại quái thai gọi là “tà linh cộng sản” hay “phụ thể Trung Cộng”. Nó lấy cắp pháp khí Trung Nguyên, tự xưng là một “quốc” và tiến hành phá hủy văn hóa truyền thống Trung Quốc một cách có hệ thống. Từ đó, truyền thống về Đạo và Pháp của Trung Quốc không còn tồn tại, Thần khí cũng không còn tỏa ánh hào quang. Vòng luân hồi của các sinh mệnh suốt 5,000 năm lịch sử đang dần bước sang thời kỳ “diệt”. Những quá trình sinh mệnh to lớn trong lịch sử ở vô số nền văn minh tiền sử xa xôi hơn nữa của Trung Hoa và nhân loại cũng đã sánh bước cùng mảnh đất Thần Châu cho tới ngày hôm nay.
Tuy nhiên, ma cao một thước, Đạo cao một trượng. Chúng ta có được niềm tin, lòng dũng cảm và năng lực do Thiên Thượng cùng nền tảng lịch sử văn hóa sâu sắc truyền tặng. Cho nên, chắc chắn không điều gì có thể ngăn cản được sự hồi sinh và phục hưng của sinh mệnh lịch sử văn hóa Trung Hoa vĩ đại, cũng như của lịch sử văn hóa toàn nhân loại được dẫn dắt theo đó. Điều này giống như mô tả trong truyền thuyết cổ xưa “Phượng hoàng Niết Bàn”. Dưới hồng ân hạo đãng của Sáng Thế Chủ, từ trong thanh âm tĩnh mịch nhất, sự hồi sinh và phục hưng bỗng hiện lên thật hào hùng, ngay hôm nay, ngay lúc này đây.
Quan sát lịch sử cho tới thời điểm này, có một câu hỏi đáng để mỗi người trong chúng ta suy ngẫm: Đến bước này của lịch sử, liệu chúng ta có còn cơ hội xung phá vòng luân hồi “thành, trụ, hoại, diệt”, nhảy khỏi kiếp “diệt” vốn định sẵn để luôn được đồng tại bất tử cùng đất trời? Đây là câu hỏi căn bản nhất của mỗi sinh mệnh.
5. Sử quan và quan sử
Lịch sử giống như một chiếc gương, không chỉ cho ta thấy muôn vàn hiện tượng trong quá khứ, mà còn phản chiếu rõ tâm hồn và thế giới qua con mắt chúng ta.
Người xưa có câu “Chương vãng sát lai”, nghĩa là tiết lộ quá khứ sẽ có thể suy đoán được tương lai. Một trong những mục đích của việc đọc sử chính là để thấy rõ chúng ta đến từ đâu. Từ đó hiểu được tình trạng hiện tại, nguyên do mọi việc, và có thể xác định những lựa chọn cũng như hướng đi cho tương lai.
Đọc sử, học sử, trị sử, tu sử, đều nằm ở việc “quan sử” (quan sát lịch sử) như thế nào.
“Quan” ở đây là nói ngoài việc nắm bắt được toàn cảnh và tổng thể sự việc, còn cần có tầm nhìn sâu sắc phi thường. Đây chính là cái “thức” (trong “nhận thức”) mà người xưa vẫn nói. Tuy nhiên, kiến “thức” cũng có thâm sâu và nông cạn; tầm nhìn cũng có tinh tường và hạn chế.
Mấu chốt nằm ở tâm người “quan sử”. Thứ nhất, cần có chính tín và lòng kính ngưỡng đối với Thiên Thượng và Thần Phật. Thứ hai, cần có đức tín và thành ý đối với cổ nhân. Thứ ba, cần có một tấm lòng cởi mở và khiêm nhường, cùng với thái độ và hành xử chính trực, lý trí và nghiêm khắc.
Bất kỳ ai khi “quan sử”, nhất định cần có cơ điểm, góc nhìn và nhận định riêng về thời không. Nói cách khác, họ nhất định cần có “sử quan” (quan điểm lịch sử). “Sử quan” dù có thiên hướng đơn nhất hay hỗn tạp, thì điểm khó nhất nằm ở chỗ làm thế nào cho “trung chính”. “Trung” ở đây là để chỉ trung lập, không thiên vị, “chính” ở đây là chỉ chính trực, một lòng kính Thiên thuận Đạo.
Từ xưa đến nay, có vô vàn những cách quan sát khác nhau đối với lịch sử (nhiều “sử quan” khác nhau). Từ góc độ nghiên cứu cơ điểm và phân tích tổng quát, có thể phân thành bốn loại sử quan cơ bản như sau:
1. Sử quan dựa trên Thiên Đạo và Nhân luân:
Đây là một sử quan phổ biến thời Trung Quốc cổ đại. Đặc điểm của nó là kính Thiên thuận mệnh, kính Đạo lễ Phật, thuận theo Trời và thờ cúng tổ tiên, tuân thủ nghiêm ngặt đạo trung dung cùng với đạo lý làm người nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Từ thời Tây Hán trở về sau thì sử quan này lấy kinh Xuân Thu làm gốc, lấy lễ nghĩa làm chuẩn mực, trong đó “ngụ bao biếm, biệt thiện ác” (có chứa đựng lời khen chê, có phân biệt rõ thiện ác), là một quan điểm lịch sử lấy giáo hóa nhân luân làm căn bản.
2. Sử quan dựa trên niềm tin ngày phán xét cuối cùng:
Sử quan này dựa trên thuyết độc Thần và niềm tin vào ngày phán xét cuối cùng trong truyền thống phương Tây. Các chính giáo phương Tây như Do Thái giáo, Cơ đốc giáo, Thiên Chúa giáo đều đứng trên cơ sở sử quan này. Đây là sử quan chính thống trong truyền thống phương Tây.
3. Sử quan dựa trên thuyết Tiến hóa:
Nhìn một cách tổng thể, sử quan này lấy thuyết Tiến hóa làm khung tư tưởng cơ bản, lấy thuyết Tiến hóa, thuyết duy vật và vô Thần luận làm hình thái ý thức chủ đạo. Trong suốt 150 năm qua, do những tư tưởng biến dị làm cho khoa học hiện đại dần trở nên cố chấp, mà sử quan này đã trở nên phổ biến. Về bản chất, nó là một loại sử quan phản Thần, vô Thần, vật chất hóa ở nhiều mức độ và làm con người trở nên biến dị, cuối cùng đi đến hủy diệt.
4. Sử quan dựa trên văn hóa đảng:
Sử quan này tổng hợp những gì xấu xa nhất trong lịch sử nhân loại từ các học thuyết như thuyết chuyên chính độc đảng của Đảng Cộng sản, thuyết phản Thần, thuyết vô Thần, thuyết duy vật biện chứng, thuyết Tiến hóa, học thuyết đấu tranh giai cấp, v.v. Bản chất của nó là phản Thần, bạo lực (thuyết duy vật biện chứng) và dối trá (phép biện chứng). Đây là sử quan tà ác, phản văn hóa và phản nhân loại, hợp lực một cách có hệ thống để hủy hoại văn hóa truyền thống Trung Quốc, hủy hoại bản năng tín Thần của con người, cuối cùng đạt mục đích hủy diệt dân tộc Trung Hoa, tiếp đó là toàn nhân loại.
Sử quan chúng tôi lựa chọn là sử quan văn hóa Thần truyền, với cơ điểm là nguyên lý “Thiên nhân hợp nhất” mà Thần truyền lại cho con người. Nói cách khác, lịch sử Trung Quốc cũng là lịch sử của văn hóa Thần truyền, là quá trình Thiên Thượng an bài có trật tự và giáo hóa cho con người. Đồng thời đây cũng là nội hàm văn hóa và khả năng tương ứng mà Thiên Thượng ban cho con người, giúp con người hướng đến “Thiên nhân hợp nhất”, quay về với lịch sử của Thần.
Chúng ta hãy dùng tâm thái thành kính, chính trực, cởi mở và có lý trí, dũng mãnh vượt qua tự ngã, thành ý hướng tới hiện thực và tương lai, nhìn vào khía cạnh tích cực và triển hiện tươi sáng của lịch sử Trung Quốc. Đồng thời, chúng ta cần tiếp thu một cách tích cực bài học giáo huấn từ những diễn biến tiêu cực, thể hội và biết ơn đối với sự từ bi và an bài của Thiên Thượng.
Chúng tôi hy vọng có thể thông qua “sử quan” này để “quan sử”, trở về với bản tính thuần chân nơi sâu thẳm sinh mệnh chúng ta, trở về với lòng thành kính và biết ơn đối với Thiên Thượng. Thông qua đó, không những lấy lại được hàm dưỡng văn hóa 5,000 năm huy hoàng, mà còn có thể đường đường chính chính quay trở về là một con người có nội hàm văn hóa Thần truyền, tìm kiếm con đường “Thiên nhân hợp nhất” có thể thực sự thông thiên. Cuối cùng, có thể may mắn trở thành những người con trên thiên quốc của Sáng Thế Chủ.
Đây chính là sử quan dựa trên văn hóa Thần truyền của chúng tôi.
Nhóm nghiên cứu Lịch sử Trung Quốc trong Văn hóa Thần truyền thực hiện
Chu Hi Thiết biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ