Tổng quan về Lịch sử Trung Quốc (Lời mở đầu – Phần 3): Ý nghĩa chân chính của văn hóa
Xem lại: Tổng quan về Lịch sử Trung Quốc (Lời mở đầu – Phần 2): ‘Thiên’ và ‘Thần’
Phần ba trong lời mở đầu của loạt bài Tổng quan về Lịch sử Trung Quốc trong văn hóa Thần truyền nói đến ý nghĩa chân chính của “văn hóa” vốn là từ được dùng phổ biến trong xã hội nhân loại hiện nay.
Trong tư duy của người hiện đại, “văn hóa” là từ được dịch tương ứng từ khái niệm “Culture” trong tiếng Anh. Sự đối ứng này đầu tiên là do các học giả Nhật Bản đưa ra. Nguồn gốc của từ “culture” là có nghĩa “trồng trọt, bồi dưỡng”. Trong quá trình Tây phương hóa, các học giả Nhật Bản đã ‘đoạn chương thủ nghĩa’ (lấy chữ nghĩa ra khỏi ngữ cảnh), mượn dùng một số cách diễn đạt trong sách cổ Trung Quốc, kết hợp hai chữ “văn” và “hóa” để làm thuật ngữ dịch tiếng Hán tương đương cho từ “culture”. Vào cuối triều Thanh và đầu thời Dân Quốc, do làn gió văn hóa Tây phương thâm nhập, các học giả Trung Quốc lúc bấy giờ cũng tiếp nhận luôn bản dịch này và tiếp tục sử dụng cho đến ngày nay.
Ban đầu, từ “văn hóa” dịch từ “culture” được sử dụng với nghĩa giống như “văn minh” (civilization). Nghĩa này đã có cách đây 100 năm, do các học giả “nhân chủng học” dựa vào giả thuyết tiến hóa đầy lỗ hổng mà đưa ra định nghĩa mô tả một cách hời hợt các sản vật lịch sử mang tính vật chất và tinh thần của nhân loại.
Tuy nhiên, nếu sử dụng khái niệm “văn hóa” hiện đại này để mô tả và lý giải về cơ chế phát triển không ngừng và quá trình suy diễn đồ sộ, cũng như sự bác đại tinh thâm từ thiên văn đến nhân văn của nền văn minh Trung Hoa trên dưới năm ngàn năm lịch sử, thì quá sức hời hợt, đơn điệu và sơ sài, thậm chí còn xa mới xứng tầm.
Vì vậy, chúng tôi nhất định phải giải thích sơ lược nội hàm cơ bản của từ “văn hóa” trong truyền thống Trung Quốc, làm rõ hàm ý phong phú vốn có của nó, để có thể nhìn nhận sự việc chính xác hơn.
Chỉ xét về nội hàm phong phú và rộng lớn vốn có của hai Hán tự “văn” và “hóa”, thì nghĩa của chữ “Culture” không thể đủ để diễn giải được. Biển cả Hán tự Thần truyền mênh mông vẫn lặng lẽ dung hòa những sai lệch, hiểu lầm và cả sự sơ sài trong quá trình trưởng thành của văn minh nhân loại. Do độ dài bài viết có hạn, chúng tôi xin phép không đi sâu vào khía cạnh này. Quý vị có thể tham khảo “Thuyết văn giải tự” bản Đoàn Ngọc Tài chú dẫn hoặc “Từ điển Khang Hy”, sau đó so sánh với phiên bản mới nhất của “Bách khoa toàn thư Britannica” hoặc bất kỳ từ điển ngoại văn có uy tín nào, để thấy rõ sự khác biệt. Một học giả đã nói: “Giải thích được một Hán tự, cũng chính bằng như viết nên cả một bộ văn hóa sử”. Cách lý giải này thật đúng đắn.
Hán tự có nguồn gốc Thần truyền, là loại chữ viết độc nhất vô nhị, vừa tượng hình, vừa biểu âm và vừa hội ý. Trong truyền thống, “văn” và “tượng” tồn tại như một cặp song sinh. “Văn” có thiên văn, nhân văn; “Tượng” có thiên tượng, nhân gian vạn tượng. “Văn” là ngôn từ để miêu tả “tượng”, “tượng” là “văn” được hình tượng hóa để giáo hóa thiên hạ, truyền tải chân lý đại Đạo, biểu đạt thiên tâm nhân ý. Đây chính là cảnh giới cao nhất mà câu nói “ý dĩ tượng tận, tượng dĩ ngôn trứ” (ý diễn tả hết qua tượng, tượng lại dùng ngôn từ để diễn tả) của người xưa có khả năng đạt tới.
Trong quá trình diễn biến của vở diễn lịch sử tráng lệ, truyền thống về hệ thống Đạo và Pháp 5,000 năm của Trung Hoa lấy “nội Đạo ngoại Nho” làm cương lĩnh, lấy sự triển hiện đa dạng sắc màu của mỗi triều đại cùng với sự dung hòa về tư tưởng và thực tiễn của Bách Gia Chư Tử để xác lập và tạo dựng.
Lão Tử nói: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên” (Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên). Ý nói rằng con người về cơ bản chính là học theo, hay nói cách khác là nhận sự giáo hóa từ pháp của Thiên Địa và lấy đại Đạo tự nhiên làm nguồn gốc.
Kinh Dịch là cuốn kinh sách trong đó Đạo gia luận đàm về đạo sinh hay lý âm dương sinh khắc, từ lâu đã được Nho gia tôn vinh là “kinh sách hàng đầu”. Trong Kinh Dịch có những đoạn sau:
Đoạn 1: “Thiên sinh thần vật, Thánh nhân chấp chi. Thiên địa biến hóa, Thánh nhân hiệu chi. Thiên thùy tượng, kiến cát hung, Thánh nhân tượng chi. Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, Thánh nhân tắc chi.” (Tạm dịch: Thần vật do trời sinh ra, Thánh nhân cần cai quản. Trời đất biến hóa, Thánh nhân cần thuận theo. Trời triển hiện tượng, thấy điều lành dữ, Thánh nhân cần thuận theo. Xuất hiện Hà đồ và Lạc thư, thánh nhân cần hành theo.)
Đoạn 2: “Thánh nhân hữu dĩ kiến thiên hạ chi trách, nhi nghĩ chư kỳ hình dung, tượng kỳ vật nghi, thị cố vị chi tượng. Thánh nhân hữu dĩ kiến thiên hạ chi động, nhi quan kỳ hội thông, dĩ hành kỳ điển lễ.” (Tạm dịch: Thánh nhân chứng kiến bí ẩn nơi thiên hạ, sau đó mô phỏng và miêu tả lại cho phù hợp, đó gọi là “tượng”. Thánh nhân chứng kiến động tĩnh nơi thiên hạ, sau đó quan sát thông suốt và cử hành điển lễ).
Đoạn 3: “Cương nhu giao thác, thiên văn dã. Văn minh dĩ chỉ, nhân văn dã. Quan hồ thiên văn dĩ sát thì biến; quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ.” (Tạm dịch: Cương nhu hòa hợp chính là “thiên văn”. Nền văn minh cho đến hiện tại, chính là “nhân văn”. Quan sát thiên văn để thấy thời gian biến đổi, quan sát nhân văn để giáo hóa thiên hạ.)
Đoạn 4: “Sinh sinh chi vị dịch, thành tượng chi vị càn, hiệu pháp chi vi khôn, …… âm dương bất trắc chi vị thần.” (Tạm dịch: Sinh sinh bất tận gọi là “dịch”, hình thành nên tượng gọi là “càn”, thuận theo gọi là “khôn”,… Âm dương biến hóa khôn lường gọi là “thần”.)
Nhìn chung, đại ý : Thần tích trực tiếp hiển hiện, hoặc Thiên đạo và Thần ý thông qua thiên tượng của âm dương sinh khắc mà triển hiện, — đó gọi là “thiên văn”. Thánh nhân tuân theo Thiên mệnh mà minh giải và biểu thị “thiên văn” đó cho con người, khiến nó trở thành phương pháp tư duy, tín ngưỡng, tư tưởng và hành vi cho đến chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất trên bề mặt. Hơn nữa, Thánh nhân thông qua “thiên văn” tạo thành quy tắc ứng xử, quy chế pháp luật, v.v. của con người. Tất cả chúng gọi là “nhân văn”. Quan sát và thuận theo thiên văn (thiên tượng) sẽ hiểu được Thiên ý và thuận được theo Thiên đạo, Thiên thời và biến hóa của Thiên tượng. Truyền bá và học tập theo nhân văn có thể giáo hóa và giành được chúng sinh trong thiên hạ, cũng như tạo nền tảng diễn biến liên tục và không ngừng cho truyền thống văn hóa, tạo dựng nên nền văn minh của các triều đại.
Từ đây, không khó để hiểu được câu trong sách sử ghi chép: “Thương Hiệt tác thư, nhi thiên vũ túc, quỷ dạ khốc” (Tạm dịch: Thương Hiệt sáng tạo ra chữ viết, Trời mưa ra thóc, ban đêm quỷ kinh hãi kêu khóc). Bởi vì từ “thiên văn” mà thành được “nhân văn”, con người từ đó được thụ hưởng giáo hóa có hệ thống của Thiên thượng, cuối cùng có được cơ hội bước trên con đường “thiên nhân hợp nhất”, có lại hy vọng hồi thiên. Như thế, sao có thể không làm kinh thiên động địa và khiến ma quỷ gào khóc!
Vậy, “Thánh nhân” nghĩa là gì?
Trong văn hóa Trung Quốc, “Thánh nhân” dùng để chỉ Thần, Phật, bán Thần hoặc những con người phi phàm được Thiên thượng ban cho năng lực dị bẩm và mang một sứ mệnh đặc biệt. Họ sáng tạo nên nhân văn để giáo hóa con người. Giống như hàm nghĩa mà chữ “Thánh” (聖) tượng trưng là vị vương nghe hiểu Thiên mệnh ở trên và chỉ lệnh cho chúng sinh ở dưới. Họ là “Thần vu thiên, Thánh vu địa” (Thần trên trời, Thánh dưới đất), như các vị Thần và bán Thần Bàn Cổ, Nữ Oa, Phục Hy, Thần Nông, v.v. Hay như những vị đế vương vĩ đại “nhận Thiên mệnh” kiến lập nên những cột mốc văn hóa lịch sử từng thời đại là Hoàng đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, v.v. Hay như những vị Thánh nhân quảng truyền văn hóa tu luyện, diễn dịch nguyên lý “thiên nhân hợp nhất” qua con đường tu luyện là Lão Tử, Trương Tam Phong, Thích Ca Mâu Ni. Hay như những bậc tôn sư về nhân văn luôn kính sợ Thiên mệnh và truyền bá đạo đức nhân luân như Khổng Tử.
Từ những điều trên, có thể thấy rõ rằng: Cội nguồn sâu xa của văn hóa chính là ‘Thiên lý chí đạo’ mà Thần truyền cho con người. Văn hóa là sự an bài có hệ thống và là thành tựu cũng như triển hiện của Thần và Thiên thượng. Chức năng then chốt và mục đích nền tảng của nó nằm ở việc tạo dựng giáo hóa nhân văn theo “thiên nhân hợp nhất”, khiến cho con người cuối cùng sẽ tuân theo. Từ đó tìm được đạo lý và Thiên pháp thực sự có khả năng dẫn đạo con người phản bổn quy chân, trở nên minh bạch, thuận theo và đồng hóa với những Thiên lý và đại Đạo ở những tầng diện khác nhau.
Như vậy, có thể hiểu rằng văn hóa bao gồm sáu khía cạnh sau:
- Thiên (Trời) “văn hóa” con người, hoặc có thể hiểu văn hóa là triển hiện trực tiếp của Thiên lý, Thần ý, Thần ngôn và Thần tích để coi sóc chúng sinh. Ví như Bàn Cổ khai thiên tịch địa, Nữ Oa dùng đất nặn ra con người, phân biệt nam nữ và định ra hôn nhân. Hay như “Hà đồ”, “Lạc thư” mà Thiên thượng truyền thụ trực tiếp để trợ giúp Đại Vũ Vương trị thủy giáo hóa thiên hạ. Hoặc như thể hiện qua vô số thiên cơ bao hàm trong các đạo lý và dự ngôn mà Thần trực tiếp truyền cho con người. Hay như các đạo sĩ vận dụng thần thông (công năng đặc dị) có được qua tu luyện hay những pháp lý gần với tầng thứ con người có được thông qua quan sát thiên tượng, địa lý, gợn sóng nước, v.v. để thấu hiểu chân tướng ẩn chứa bên trong, v.v.
- Thánh nhân thuận theo trời mà sáng tạo nhân văn, hóa chuyển thiên hạ, như Phục Hy sáng tạo Bát quái, Thần Nông nếm trăm loại thảo dược, Thương Hiệt tạo ra Hán tự, Văn Vương diễn giải Kinh Dịch, v.v.
- Trong quá trình diễn biến của lịch sử tại nhân gian, quân vương từng triều đại dẫn dắt các vương hầu, tướng lĩnh, tài tử giai nhân, cùng tinh anh từ mọi tầng lớp văn hóa cùng nhau tạo dựng nền văn minh và bài học lịch sử của mỗi triều đại. Những vị quân vương thánh minh như Nghiêu, Thuấn, Vũ, đã lập công đức lớn khi định ra “Hồng Phạm Cửu Chương” nơi thiên hạ; hay như Tần Thủy Hoàng đã đặt nền móng cho sự nghiệp đế vương muôn đời; cho đến Đường Thái Tông sáng tạo đỉnh cao văn hóa ngàn đời… Quân vương mạt thế như Kiệt, Trụ, diễn dịch sự sụp đổ của những triều đại ly khai khỏi Thiên lý mà bại hoại đạo đức. Hay như Tùy Dạng Đế, dù đạt nhiều thành tựu nhưng lại trở nên kiêu căng, cuối cùng bị Thiên ý và nhân tâm ruồng bỏ…
- Hai gia là Đạo và Phật tu luyện văn hóa, đắc Đạo thành Phật, không ngừng triển hiện cho thấy khả năng thật sự có thể tu đức thành Thần của con người và nhiều phương thức tu luyện khác nhau.
- Sản phẩm văn minh qua từng triều đại trong lịch sử, cũng chính là sản phẩm nhân văn, bao gồm sự lưu truyền, tích lũy và những ghi chép liên quan về tư tưởng, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, v.v. Khía cạnh này về đại ý bề mặt là tương tự với ý nghĩa của “culture” và “civilization”, nhưng nội hàm thì vẫn khác nhau một trời một vực.
- Quá trình tạo dựng nền văn minh qua các triều đại cũng tạo ra sản phẩm tiêu cực. Do lý “tương sinh tương khắc” trong quá trình “thành, trụ, hoại, diệt” của vũ trụ vẫn vận hành và chế ước, cho nên có âm ắt có dương, có chính ắt có phụ. Chính tà vì để đồng tại mà sinh ra, thiện ác cũng nhờ đồng tại mà tiếp diễn.
Cặn bã từ những sản phẩm nhân văn qua các triều đại, theo dòng chảy lịch sử, bùn cát lẫn lộn trôi theo dòng. Cho đến ngày nay, những quan niệm, hành vi biến dị và loạn tượng càng trở nên bại hoại đến mức xa rời Thiên đạo. Đồng thời, những điều ấy cũng là do Thiên thượng mượn đó để triển hiện cho con người thấy: cái gì là tà, là ác và biến dị. Trong đó, “văn hóa đảng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc là tà ác nhất. Tác dụng của nó chính là hủy hoại một cách hệ thống văn hóa truyền thống Trung Hoa, phá hoại chính tín của con người vào Thần, phá hủy quan niệm đạo đức của con người, và cuối cùng đẩy toàn bộ dân tộc Trung Hoa, thậm chí toàn thể nhân loại đến bờ vực diệt vong của sự nghịch Thiên phản Đạo. “Cửu bình – 9 bài bình luận về Đảng Cộng sản” và “Giải thể văn hóa đảng” đã bàn luận có hệ thống về vấn đề này, xin vui lòng tham khảo thêm.
Ngoài ra, nói đến văn hóa và văn minh, không thể không nhắc đến khái niệm “văn hóa tiền sử” hay “văn minh tiền sử” mà người ta ngày càng quen thuộc và dần trở thành kiến thức phổ thông.
Khái niệm “văn minh tiền sử”, đơn giản mà nói, chính là khảo cổ học và nghiên cứu hiện đại phát hiện ra rằng các nền văn minh trên Trái đất đã nhiều lần sinh ra và bị hủy diệt. Nghiên cứu cho thấy, lịch sử văn minh của nhân loại có thể truy ngược lại hàng vạn năm, hàng chục vạn năm, hàng triệu năm, thậm chí hàng tỷ năm trước, lâu đời hơn nhiều so với nhận thức thông thường hiện đại. Hơn nữa nó còn tồn tại theo quá trình “thành, trụ, hoại, diệt” và theo hình thức luân hồi như trong khái niệm của Phật gia.
Việc khám phá và phát hiện ra nền văn minh tiền sử, chính là một sự xác thực lý tính nhất định đối với các truyền thuyết và thần thoại cổ xưa của Trung Quốc cũng như thần thoại về sáng thế của các dân tộc khác trên thế giới. Đồng thời, nó càng làm thức tỉnh lòng biết ơn và tôn kính trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta đối với nhiều đời tổ tiên đã gìn giữ những truyền thuyết này. Mặt khác, nó cũng giúp người ta nhìn ra rõ ràng sự vô lý và sơ sài của thuyết tiến hóa Darwin, suy nghĩ nghiêm túc hơn về nguồn gốc thực sự của con người, lịch sử nhân loại và ý nghĩa của sự luân hồi lặp đi lặp lại này.
Vậy câu hỏi tiếp theo là, trong quá trình diễn biến lặp đi lặp lại vô số nền văn minh tiền sử từ khi vũ trụ khai sinh, mãi cho đến khi vén màn nền văn minh 5,000 năm qua của chúng ta thời này, và liên tục diễn biến cho đến ngày nay, trong một quá trình lịch sử văn minh vĩ đại như vậy, ý nghĩa thực sự của hai chữ “Trung Quốc” là gì?
Nhóm nghiên cứu Lịch sử Trung Quốc trong văn hóa Thần truyền thực hiện
Chu Hi Thiết biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ