Nhà nghèo sinh con hiếu, quốc nạn biết trung thần
Giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống Trung Hoa chính là Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa. Vì vậy, trung thần và hiếu tử trong các triều đại đều được mọi người tôn kính. Nhưng hầu hết những người con có hiếu đều xuất thân từ những gia đình nghèo khó, còn những gia đình giàu sang thì hiếm có hiếu tử. Đại đa số trung thần sinh ra khi đất nước lâm nguy, còn thời thái bình thịnh trị chỉ có các năng thần (bề tôi tài giỏi) và gián thần (bề tôi can gián). Dưới sự trị vì của bậc minh quân, gian thần không có chỗ đứng, cũng chính là không thể hiện được cái trung của trung thần. Lão Tử, Thủy tổ Đạo gia, đã nói trong Chương 18 của “Đạo Đức Kinh” rằng: “Đại Đạo phế, hữu nhân nghĩa; trí tuệ xuất, hữu đại ngụy; lục thân bất hòa, hữu hiếu từ; quốc gia hôn loạn, hữu trung thần.” (Tạm dịch: “Khi đại Đạo suy vi thì xuất hiện người nhân nghĩa; Khi xuất hiện người tài trí thì sẽ có người giả dối; Khi họ hàng bất hòa thì sẽ có người nhân từ, hiếu thuận; Khi quốc gia loạn lạc thì sẽ có trung thần.” Theo cách nói trong dân gian thì chính là “Hàn môn xuất hiếu tử, quốc phá thức trung thần.” (Tạm dịch: Nhà nghèo sinh con hiếu, quốc nạn biết trung thần)
Vị trung thần Nhạc Phi được người đời ca tụng sinh vào cuối thời Bắc Tống. Năm ông 23 tuổi, quân Kim công phá đô thành Đông Kinh của triều Tống (nay là Khai Phong, tỉnh Hà Nam). Ngoài việc đốt phá cướp bóc, người Kim còn bắt giữ Tống Huy Tông, cha con Tống Khâm Tông, một số lượng lớn hoàng tộc Triệu Thị cùng phi tần hậu cung, quý tộc, quan chức triều đình, tổng cộng hơn 3,000 người đưa về nước Kim ở phương bắc. Tất cả tiền bạc của triều đình lẫn quan viên, dân chúng tích góp được ở thành Đông Kinh vì thế trống không. Sự việc này được hậu thế gọi là “Nỗi nhục Tĩnh Khang”. Nhạc Phi viết một cách khẳng khái mãnh liệt trong bài “Mãn giang hồng” mà ai cũng biết đến rằng: “Tĩnh Khang sỉ, do vị tuyết, thần tử hận, hà thì diệt!” (Tạm dịch: Nỗi nhục Tĩnh Khang còn chưa gột, hận của bề tôi, bao giờ diệt!) Một vị trung thần khác được người đời ca tụng là Văn Thiên Tường, cũng sinh ra vào lúc quốc gia nguy nan, khi Nam Tống sắp bị quân Nguyên tiêu diệt. Ông vốn là người trung nghĩa, nên chiêu binh cần vương. Chí lớn bất thành, ông bị tướng quân Nguyên là Trương Hoằng Phạm bắt và dùng trăm phương ngàn kế thuyết phục ông đầu hàng mà không được. Vào năm Chí Nguyên thứ 19, ông bị Hốt Tất Liệt sát hại ở Sài Thị, Yên Kinh. Bài “Chính khí ca” ông viết trong tù là một kiệt tác bất hủ. Trong bài có câu: “Triết nhân nhật dĩ viễn, điển hình tại túc tích. Phong diêm triển thư độc, cổ đạo chiếu nhan sắc.” (Tạm dịch: Hiền triết ngày càng xa, gương sáng lưu muôn thuở. Gió bên thềm đọc sách, Đạo xưa chiếu rạng ngời). Những câu thơ này thực sự là ‘độc nhất vô nhị’ trong thiên cổ.
Trong bài “Chính khí ca” lưu truyền từ xưa đến nay, Văn Thiên Tường còn nhắc đến một số vị trung thần nghĩa sĩ trong câu thơ: “Thời cùng tiết nãi kiến, nhất nhất thùy đan thanh.”(Tạm dịch: Lúc tận cùng mới nhìn thấy tiết tháo, người người lưu sử xanh). Trong đó có “Vi Trương Tuy Dương xỉ, vi Nhan Thường Sơn thiệt.” “Nhan Thường Sơn thiệt” là sự tích tráng liệt nói về Nhan Cảo Khanh dù lưỡi đứt vẫn phun máu mắng chửi giặc. Còn “Trương Tuy Dương xỉ” nói về vị tướng Trương Tuần đời Đường cố thủ thành Tuy Dương. Khi xông trận, ông căm thù giặc nghiến đến gãy cả răng, lấy chính khí hạo nhiên của bản thân hiến cho nghĩa lớn. Hai vị anh hùng nhà Đường này đều hy sinh trong “Loạn An Lộc Sơn” khi nhà Đường đang trên bờ vực diệt vong.
Số mệnh khiến như vậy! Những bề tôi đại trung thành thường được sinh ra cùng thời với một vị hôn quân. Khi quốc gia đứng trước nguy cơ tiêu vong, không có cách nào xoay chuyển tình thế, thì ắt sẽ có các bậc trung thần tận trung hy sinh vì đất nước. Vì vậy, số trung thần nghĩa sỹ được ghi vào sử sách qua các thời đại nhiều không kể xiết. Vào thời Nam Đường của Ngũ Đại Thập Quốc, mặc dù Hậu chủ Lý Dục là quân vương không có năng lực cai trị đất nước, nhưng ông có rất nhiều bề tôi trung thành. Khi đó, tướng quân Lý Hùng trấn giữ phía Tây của Nam Đường. Khi quân Tống đến tấn công, ông đã chỉ huy quân lính của mình chiến đấu quyết liệt, không ai địch nổi. Nghe tin kinh đô Kim Lăng bị bao vây, ông không ngồi yên như những người khác mà đích thân dẫn quân tiến về phía đông để giải cứu. Ông bày trận ở Lật Dương cùng quyết chiến với quân Tống, kết quả tử trận nơi sa trường. Những người con trai của ông đều ở trong quân ngũ, và cũng tử trận dưới đao kiếm của quân Tống. Tám người trong gia đình ông đã hiến dâng sinh mệnh cho nhà Nam Đường. Điều đáng tiếc là, họ vì nước quên thân nhưng chưa từng nhận được sự phong tặng của triều đình. Người đời sau chỉ có thể biết được công tích của họ từ cuốn “Ngô Đường thập di lục.”
Âu Dương Tu, một nhà văn lớn thời Bắc Tống, cũng viết “Ngô mỗ mộ minh” cho một Huyện chủ bạ (tên chức quan) thời Nam Đường. “Ngô mỗ” này cũng là một văn nhân trung thành với nhà Nam Đường. Sau khi tướng quân nhà Tống Tào Bân dẫn quân đánh hạ được Trì Dương, ông đã cử sứ thần đến các huyện khác để chiêu hàng. Huyện lệnh Bành Trạch muốn mở thành đầu hàng, nhưng Ngô mỗ thân là Chủ bạ lại nói, ăn lộc của vua chính là vì nước tận trung, có thể được sống chết tồn vong cùng đất nước là vinh dự của bề tôi. Sau đó, Ngô Chủ bạ bèn giết sứ thần, và quyết tâm tử thủ cùng Huyện lệnh Bành Trạch. Sau khi Lý Dục đầu hàng, quân Ngô Chủ bạ bị quân Tống bắt. Chủ tướng quân Tống trách ông tội giết sứ giả, Ngô Chủ bạ khẳng khái hiên ngang đáp: “Mọi người đều vì quân chủ của mình, vốn dĩ phải nên như vậy.” Tướng quân Tống khâm phục lòng trung trinh của ông, vì thế mà phóng thích ông. Những câu chuyện về trung thần thời Nam Đường này trong tư liệu lịch sử thời đầu rất ít được ghi lại. Mãi đến khi Hoàng đế Nam Tống hạ chỉ cho biên soạn quốc sử của chín triều đại thì mới thấy tản mát trong các ghi chép nhỏ nhặt. Nhà văn nổi tiếng thời Nam Tống Hồng Mại trong “Dung Trai tùy bút” đã bày tỏ sự kính trọng sâu sắc đối với những vị trung thần này. Ông nói, nếu như sau này có sử quan nào có thể đem tên tuổi và chiến tích của họ đính kèm vào “Lý Dục truyện” thì sẽ là niềm an ủi lớn nhất đối với vong linh của các vị trung thần.
Các trung thần trong lịch sử cuối cùng hầu hết đều rơi vào tuyệt lộ, rất ít người được ra đi trong yên lành. Nhạc Phi bị hôn quân và gian thần treo cổ ở đình Phong Ba với tội danh “mạc tu hữu” (cần gì phải có). Viên Sùng Hoán, trung thần của nhà Minh, liều chết chống lại quân Mãn Thanh, chiến công hiển hách, cuối cùng lại bị xử tử lăng trì vì tội thông đồng với giặc. Trước khi bị lăng trì, Viên Sùng Hoán không nghĩ nhiều về án oan của mình, trong lòng ông nghĩ đến vẫn là Liêu Đông của Hoàng đế. “Tử hậu bất sầu vô dũng tướng, trung hồn y cựu thủ Liêu Đông” (Tạm dịch: “Sau khi mất đi, không lo không có dũng tướng, linh hồn trung thành vẫn sẽ bảo vệ Liêu Đông như xưa.” Bài thơ tuyệt mệnh này đủ để thể hiện phong thái của một vị trung thần.
Vu Khiêm, một vị trung thần khác của triều Minh cũng là danh tướng đánh giặc. Ông đã lập nên những chiến công lẫy lừng, công tích trác việt. Ông là người chính trực liêm khiết, không a dua nịnh bợ. Bài thơ “Vịnh thạch khôi” (Vịnh đá vôi) do ông sáng tác được xem là danh tác thiên cổ. Thơ viết: “Chùy vạn tạc xuất thâm sơn, liệt hỏa phần thân nhược đẳng nhàn. Phấn thân toái cốt hồn bất phạ, yếu lưu thanh bạch tại nhân gian.” (Tạm dịch: Gõ ngàn cái đục khoét ra từ núi sâu, lửa hừng hực đốt thân mình cũng thấy bình thường. Xương tan thịt nát vẩn đục cũng không sợ, muốn lưu lại sự trong sạch ở nhân gian.” Nhưng kết cục cuối cùng của Vu Khiêm cũng bởi vì gian thần hãm hại mà bị triều đình xử tử. Điều đáng mừng là sau khi mất, ông được an táng dưới chân núi Tam Đài ở Hồ Tây, đối ứng với lăng mộ của Nhạc Phi. Viên Mai, người thời nhà Thanh viết thơ rằng: “Giang sơn dã yếu vĩ nhân phù, thần nhập đan thanh tức họa đồ. Lại hữu Nhạc Vu song thiếu bảo, nhân gian thủy giác trọng Tây hồ.” (Tạm dịch: Giang sơn cũng cần vĩ nhân phò trợ, tinh thần được đưa vào sử sách như một bức tranh. Nhờ vào hai Thiếu bảo là Nhạc Phi và Vu Khiêm, nhân gian bắt đầu xem trọng Hồ Tây.) Trung hồn nghĩa cốt của họ được hậu thế truyền tụng hàng ngàn năm.
Vân Trung Quân thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ