Tác phẩm của danh họa thời Nguyên – bức tranh cổ Trung Quốc đắt giá nhất trong lịch sử hiện đại
Trong lĩnh vực hội họa Trung Quốc, tác phẩm của Vương Mông thời nhà Nguyên và Tề Bạch Thạch thời nhà Thanh đã lập kỷ lục bán đấu giá tranh cổ đắt nhất trong lịch sử hiện đại. Tác phẩm của danh họa Vương Mông được sáng tác vào thế kỷ 14. Bức “Cát Trĩ Xuyên di cư đồ” của ông (Cát Trĩ Xuyên chính là danh sĩ Cát Hồng thời Đông Tấn) thể hiện tiên cảnh đào nguyên, nơi ẩn sĩ rời xa khói bụi nhân gian.
“Cát Trĩ Xuyên di cư đồ”
Họa gia Vương Mông (tự Thúc Minh, 1308-1385, người Hồ Châu, tự hiệu là Hoàng Hạc Sơn Tiều, Hương Quang cư sĩ), là một trong “Nguyên tứ đại gia” (bốn danh họa lớn thời nhà Nguyên), đồng thời xuất thân trong gia đình có truyền thống học vấn uyên thâm. Ông là cháu ngoại của nghệ thuật gia nổi tiếng Triệu Mạnh Phủ. Vương Mông là nhà nghệ thuật toàn năng. Trong cả ba lĩnh vực thư, thi, họa, ông đều thể hiện tài hoa trong sáng tác. Danh họa thời nhà Nguyên Nghê Toản khen ngợi bút lực của Vương Mông: “Vương Hầu bút lực năng giang đỉnh, ngũ bách niên lai vô thử quân” (Tạm dịch: Bút lực của Vương Hầu có thể khiêng đỉnh vạc, năm trăm năm nay không có người như ông). Ông làm văn chương không câu nệ quy tắc thông thường. Du Hữu Nhân, người đứng đầu kỳ thi Hội thời nhà Minh, khi đọc thơ từ của Vương Mông, đã ca ngợi: “những câu thơ hay này như của người thời Đường vậy.” Du Hữu Nhân rất ngưỡng mộ nên đã gả em gái cho Vương Mông.
Vương Mông lưu danh trong lịch sử nghệ thuật nhờ tranh sơn thủy. Ông cũng rất giỏi vẽ tranh nhân vật. Trong bức “Cát Trĩ Xuyên di cư đồ” của ông, đã thể hiện câu chuyện danh sĩ Cát Hồng (tự Trĩ Xuyên, người Đan Dương, Câu Dung) nổi tiếng thời Đông Tấn, dẫn dắt gia tộc di cư đến núi La Phù ẩn cư tu luyện. Vậy cảnh đẹp trong tranh đó như thế nào?
“Cát Trĩ Xuyên di cư đồ” của Vương Mông có hai bức. Bài viết này giới thiệu bức được lưu giữ tại Cố Cung Bắc Kinh. Một bức khác được lưu giữ trong dân gian, năm 2011 được đem bán đấu giá và đã lập kỷ lục bức tranh cổ Trung Quốc có giá đắt nhất từ trước đến nay.
Câu chuyện của Cát Hồng, nhân vật trong bức tranh
“Cát Trĩ Xuyên di cư đồ” miêu tả cảnh tượng danh sĩ Cát Hồng thời Đông Tấn mang theo vợ con và cháu ngoại, đang trên đường di cư đến La Phù Sơn tu đạo. Cát Hồng tính tình thanh đạm quả dục, không có hứng thú với ăn uống vui chơi, cả đời hiếu học. Thuở nhỏ, gia cảnh nghèo khó, ban ngày ông đi đốn củi để đổi lấy giấy bút từ người khác, ban đêm nỗ lực học tập, đọc đủ loại kinh điển. Ông nhờ Nho học mà nổi danh. Địa phương và triều đình mấy lần mời ông ra làm quan, nhưng ông đều từ chối. Ông không có hứng thú với vinh hoa, công danh, lợi lộc, chỉ yêu thích chuyện tu đạo thành Tiên. Cát Hồng muốn tu luyện đan dược để mong trường thọ. Ông nghe nói vùng đất Giao Chỉ có nhiều quặng đan tốt, liền thỉnh cầu được bổ nhiệm làm huyện lệnh Câu Lậu. Hoàng đế cho rằng Cát Hồng tài cao, không đồng ý cho ông phải chịu thiệt thòi làm một huyện lệnh nhỏ bé. Cát Hồng biểu đạt nguyện vọng trong lòng, nói: “Thảo dân làm quan không vì vinh hoa, mà bởi vì Giao Chỉ là nơi sản sinh nhiều nguyên liệu chế đan, nên mới muốn đến đó.” Hoàng đế liền đáp ứng thỉnh cầu của ông.
Thế là Cát Hồng mang theo vợ, con và cháu cùng đi đến Giao Chỉ. Đến Quảng Châu, Thứ sử Đặng Nhạc yêu mến tài của ông nên giữ gia đình ông lại, không cho đi Giao Chỉ. Vì vậy, Cát Hồng bèn đi tới núi La Phù gần đó để tu luyện. Cát Hồng sống ở trong núi nhiều năm, cuộc sống an nhàn rảnh rỗi, không dừng sáng tác.
Cảnh trời đất trong tranh
Núi La Phù được ca ngợi là Lĩnh Nam đệ nhất sơn, non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình, trên núi lại có nhiều chu sa. Hiện nay trên núi vẫn còn lưu lại di tích Cát Hồng luyện đan, được Đạo giáo gọi là Động Thiên thứ bảy.
Bức tranh này vô cùng đẹp mắt, tràn ngập phong cảnh thiên nhiên mùa thu khiến lòng người sảng khoái. Bố cục của bức tranh khiến người xem có cảm giác như mình thực sự đang có mặt ở đó. Núi non trùng điệp, những tán cây cổ thụ cong queo, vách đá dựng đứng, thác nước tuôn chảy, cây cầu nhỏ bắc qua dòng nước uốn lượn. Sự hùng vĩ của thiên nhiên như hiện lên trước mắt. Trong sự tĩnh mịch của trời đất, lại thấp thoáng mái nhà tranh và hoạt động của nhân vật, thể hiện tình ý sâu xa của cảnh tượng thiên nhân hợp nhất.
Khung cảnh trước mắt của bức họa là cây cầu gỗ bắc qua khe suối. Ở đây thể hiện tình tiết câu chuyện Cát Hồng di cư, hình ảnh nhân vật rất rõ nét. Cát Hồng với thần thái thanh tao nho nhã; ông mặc trang phục Đạo giáo, tay phải đang dắt con hươu (đang thồ thư tịch của ông), tay trái cầm một chiếc quạt lông, đang quay đầu lại nhìn người nhà đang đi theo mình. Một người đàn ông đi phía sau ông, tiếp theo sau là vợ ông đang bế một đứa trẻ ngồi trên lưng con bò, do một người hầu dắt đi trước. Phía sau con bò còn có hai người phụ nữ theo hầu. Phía trước có vài người hầu đi dọc theo con đường núi. Con đường nhỏ nằm uốn lượn quanh co bên trong dãy núi, lúc ẩn lúc hiện. Khi lên đến chỗ hõm sâu nhất của khe núi, ở chỗ giữa những vách đá sừng sững trên núi cao có một khoảng đất khá trống trải, có thể nhìn thấy mấy túp lều tranh hiện ra mờ mờ ảo ảo, hiện lên sự tịch mịch xa rời nơi bụi trần đông đúc huyên náo. Đó chính là nơi mà cả gia đình Cát Hồng sẽ đến ẩn cư.
Chủ đề của bức tranh
Chủ đề cuộc sống ẩn dật tu Tiên của bức tranh “Cát Trĩ Xuyên di cư đồ” nhận được nhiều tình cảm yêu mến của các văn nhân và nghệ thuật gia truyền thống Trung Quốc. Không chỉ có một mình Vương Mông vẽ về chủ đề này, nhưng bức tranh của ông là nổi tiếng nhất. Chủ đề này đã ký thác việc truy tìm ý nghĩa đích thực của sinh mệnh và thực tế hành động của Cát Hồng. Các văn nhân truyền thống cũng muốn thông qua khắc họa việc lánh đời ẩn cư và tu Tiên xuất thế trong “Cát Trĩ Xuyên di cư đồ,” để ký gửi tâm ý muốn lui về ở ẩn giữa thiên nhiên núi rừng.
Con hươu trong bức tranh này thể hiện cuộc sống ẩn dật và làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Trong Đạo giáo, hươu là vật cưỡi của các vị Tiên nhân hoặc ẩn sĩ, nên nó còn được gọi là Tiên thú. Đạo gia nói rằng, hươu là động vật trường thọ, có thể sống tới ngàn năm. Cát Hồng viết trong “Bão Phác Tử” rằng: “Hổ, hươu và thỏ đều thọ ngàn năm, thọ đủ năm trăm năm, lông đuôi có màu trắng.” Thi tiên Lý Bạch cả đời tầm đạo hỏi Tiên, có câu nói nổi tiếng trong bài “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt” khi cưỡi hươu trắng đi thăm những ngọn núi nổi tiếng: “Thả phóng bạch lộc thanh nhai gian, tu hành tức kỵ phóng danh sơn” (Tạm dịch: “Hãy thả con hươu trắng giữa những vách đá xanh, Muốn đi thăm những ngọn núi nổi tiếng thì có thể cưỡi nó). Con hươu có sự tương hợp tinh thần với các ẩn sĩ cổ xưa, và đã trở thành một cách gửi gắm, biểu đạt tình cảm ẩn dật của cổ nhân.
Bức tranh này cũng ký thác thế giới tinh thần muốn lánh đời đi ở ẩn của họa gia Vương Mông. Trong “Minh sử” có ghi chép rằng, Vương Mông từng làm một chức quan nhỏ vào thời nhà Nguyên. Vào cuối thời Nguyên, do loạn thế nên ông từ quan quy ẩn ở núi Hoàng Hạc (huyện Dư Hàng, tỉnh Chiết Giang ngày nay), tự xưng là Hoàng Hạc sơn tiều (người tiều phu ở núi Hoàng Hạc).
Bố cục trong tác phẩm “Cát Trĩ Xuyên di cư đồ” của Vương Mông được bán tại cuộc đấu giá ở Bắc Kinh năm 2011 cũng tương tự tác phẩm này. Tuy nhiên, các nhân vật di chuyển theo hướng ngược lại, bút vẽ và màu sắc cũng khác nhau, mực tập trung dày đặc, bút vẽ đậm và ẩm ướt, thể hiện phong cách xanh tươi và trù phú.
Kỹ pháp và ý cảnh trong hội họa
Triệu Mạnh Phủ, ông ngoại của Vương Mông, là một nhà thư pháp và nhà hội họa nổi tiếng trong lịch sử. Gia tộc của ông có truyền thống học vấn uyên thâm, sinh xuất rất nhiều nghệ thuật gia nổi tiếng. Vương Mông giỏi cả thi và họa. Về hội họa, ông đặc biệt có sở trường vẽ tranh sơn thủy, xa thì học hỏi tranh của danh họa Vương Duy thời Đường, gần thì có được những khai sáng bởi các danh họa Đổng Nguyên và Cự Nhiên thời Ngũ Đại. Tranh sơn thủy của ông có bố cục độc đáo riêng biệt, với khối vẽ cảnh lớn, núi non tầng tầng trùng điệp như hiện lên ngay trước mắt, tưởng chừng như lấp đầy toàn bộ bức tranh. Tuy nhiên, ở phía xa xa một vệt núi non mờ mờ ảo ảo đã mở ra khung cảnh vô tận ngoài bức tranh. Gần đó, một dòng suối trong vắt để lại một vệt nước trắng xóa, ảo và thực hòa vào nhau. Ông rất giỏi sử dụng thuân pháp vẽ núi, vẽ đá của các bậc tiền nhân và thêm phần sáng tạo của mình, thể hiện những dãy núi trùng điệp um tùm xanh tốt cùng những vách đá lớn dựng đứng hùng vĩ khoáng đạt. Ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến tranh sơn thủy thời nhà Minh và nhà Thanh.
Núi trong bức tranh này trước tiên lấy mực nhạt lập cốt, sau đó nhuộm thêm mực màu, cuối cùng lại phác họa, xoa, gọt giũa lại. Người họa sĩ đem sở trường của mình về Phi ma thuân, Giải sách thuân [1], Cự phủ thuân cùng với việc dùng mực nhạt phác họa cốt đá, để tạo nên sự thần diệu của nó. Dưới cách sử dụng khéo léo các kỹ pháp bút khô, mực nhạt, thuân và xoa, khiến cho những ngọn núi cao chót vót, những vách đá cheo leo kiên cố trong tranh rất chân thực, tầng lớp biến hóa đa dạng. Ở chỗ trên cao bên vách núi, chỉ cần mấy nét bút đường viền đã vẽ ra những cây xanh cành đỏ khỏe khoắn đầy sức sống, bôi thêm màu xanh đỏ và vàng đậm, liền điểm xuất ra khí thu ngập tràn sắc vàng. Hình ảnh con người trong tranh tuy nhỏ, nhưng hình thể và thần thái của những nhân vật chính thì kiêm đủ. Các nhân vật khác cũng có sắc thái riêng. Tâm trạng phóng khoáng và bầu không khí của mùa thu vàng như được dung hòa làm một.
Đời sau ca tụng
Sau thời nhà Nguyên, các nhà thư pháp và nhà hội họa thời nhà Minh và nhà Thanh đều hết lòng ca ngợi Vương Mông. Vương Thế Trinh, người thời Minh đã nói trong “Nghệ uyển chi ngôn” rằng: “Thúc Minh (Vương Mông) học theo thầy Vương Duy, đạt đến chỗ phồn thịnh, sâu sắc.” Uẩn Thọ Bình (Uẩn Cách) người thời nhà Thanh nói trong “Nam Điền họa bạt”: “Hoàng Hạc Sơn Tiều (Vương Mông), chú tâm học hỏi các nhà thư pháp thời trước, tài năng có thể tự lập thành trường phái riêng, sánh ngang với Hoàng và Nghê (ngang tài với Hoàng Công Vọng và Nghê Toản), có phần lấn át cả Bắc Uyển (Đổng Nguyên), thật thâm hậu vậy.” Uẩn Thọ Bình còn nói: “Hoàng Hạc Sơn Tiều có được kỹ pháp vẽ đậm đặc, cẩn mật của Đổng Nguyên, thuân pháp lối thảo thư của Trương Điên, đạt đến chỗ trầm sâu nhưng suy cho cùng quy về chỗ diệu vợi, bay bổng.” Đánh giá của Uẩn Thọ Bình về các bức họa của Vương Mông “đạt đến chỗ trầm sâu nhưng suy cho cùng quy về chỗ diệu vợi, bay bổng,” đã nói lên sự điêu luyện về nghệ thuật tạo cảnh của Vương Mông, dùng nét bút trầm ổn để thể hiện tình ý phiêu dật, thật là hiếm có. Người đời sau đã tán thưởng Vương Mông cùng với Hoàng Công Vọng, Ngô Trấn và Nghê Toản là “Nguyên Tứ gia” (bốn danh gia thời Nguyên).
Tác phẩm hội họa của Vương Mông để lại cho đời sau chỉ có khoảng mười mấy bức. Các tác phẩm tiêu biểu gồm “Thanh Biện ẩn cư đồ,” “Xuân Sơn độc thư đồ” được lưu giữ tại Bảo tàng Thượng Hải, “Cát Trĩ Xuyên di cư đồ” được lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh, và “Thu Sơn thảo đường đồ” được lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung ở Đài Bắc.
Chú thích
[1]: “Ma phi thuân” còn được gọi là “ma bì thuân,” sử dụng tổ hợp các đường vững chắc nhưng mềm mại, linh hoạt để thể hiện cấu trúc và các đường vân của đá núi. Hình dạng của nó giống như cây gai dầu phân tán và rơi xuống. Kĩ pháp này rất tốt trong việc thể hiện đường vân tinh tế, nhẹ nhàng của những ngọn núi ở Giang Nam. Đổng Nguyên chủ yếu sử dụng đường thuân sợi gai dầu cắt ngắn, trong khi Cự Nhiên thích sử dụng đường thuân sợi gai dầu dài. Phái vẽ sơn thủy do Đổng Nguyên và Cự Nghiên sáng tạo sử dụng đường thuân sợi gai dầu làm một trong những đặc điểm nổi bật. Đặc điểm của “giải sách thuân” là các đường nét của kĩ pháp thuân hơi dài mà nhiều đoạn gãy sóng, giống như một sợi dây được tháo ra, cho nên gọi là “giải sách thuân.” Kĩ pháp này giống như một đoạn dây rối, phần dưới được tháo ra, để thể hiện các đường vân của mạch núi có kết cấu phức tạp.