Danh họa Giovanni Bellini: Nghệ sĩ tiên phong thời kỳ Phục hưng
Bức tranh “Portrait of Doge Leonardo Loredan” (Chân dung tổng trấn Leonardo Loredan) của danh họa Giovanni Bellini có thể mang đến cảm giác về một diễn viên mang phục trang chụp ảnh hơn là một bức vẽ chân dung; tác phẩm nghệ thuật này thể hiện được vẻ đẹp tinh tế nhưng có phần gò bó. Chiếc áo choàng và khuôn mặt của vị tổng trấn dường như có kết cấu chân thực của lụa và da: Những nếp gấp trên lụa và nếp nhăn trên khuôn mặt trông rất chân thực. Trớ trêu thay, bức chân dung này có lẽ là tác phẩm nhận phải nhiều lời chỉ trích bất công hơn bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào khác.
Nghịch lý ở chỗ bức tranh của danh họa Bellini hoàn toàn phù hợp để mang ra so sánh với một tác phẩm mà học trò của ông là danh họa Titian [vẽ nên.] Danh họa Titan sau này có vẽ một bức chân dung về một trong những người kế nhiệm của tổng trấn Loredan, là tổng trấn Andrea Gritti. Như thường thấy, đối với các bức chân dung ở thời kỳ đó, cả hai họa sĩ đều mô tả phần đầu và phần thân trên tương phản với một phông nền đơn giản. Bức tranh của danh họa Bellini được cho là một ví dụ điển hình về “tính rập khuôn nhạt nhẽo” so với bức tranh của họa sĩ Titan, người thường được xem là có kỹ năng vượt trội hơn nhiều họa sĩ tiền nhiệm lừng lẫy của ông.
Trên thực tế, bức tranh của danh họa Bellini đánh dấu sự lên ngôi của một thời kỳ canh tân và là cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ thời kỳ đầu Phục hưng sang thời kỳ thượng Phục hưng. Bức tranh này đóng vai trò là tác phẩm nền tảng cho trường phái hội họa Venice vĩ đại và giúp thiết lập một phương pháp mà sẽ thống trị hội họa suốt nhiều thế kỷ.
Ảnh hưởng của danh họa Mantegna
Khi ông Bellini chào đời khoảng năm 1430, thì nghệ thuật và kiến trúc thời kỳ Phục hưng đang ở vào giai đoạn sơ khai. Năm 1401, kiến trúc sư và điêu khắc gia người Ý Filippo Brunelleschi (1377–1446), đã khởi xướng thành công phong trào này bằng việc quay về thẩm mỹ kiến trúc thời Hy Lạp và La Mã cổ điển. Không lâu sau đó, người bạn Donatello của ông (khoảng 1386–1466), đã điêu khắc theo phong cách kết hợp giữa chủ nghĩa cổ điển (tuân thủ các học thuyết về vẻ đẹp thời Hy Lạp và La Mã cổ đại) và chủ nghĩa tự nhiên (naturalism: mô tả chính xác về thế giới vật chất) nhằm định nghĩa nghệ thuật thời kỳ Phục hưng. Danh họa Masaccio (1401–1428) đã đưa sự kết hợp đó vào hội họa giữa thế kỷ 15.
Quá trình hình thành phong cách nghệ thuật của họa sĩ Bellini xảy ra khi hội họa thời kỳ Phục hưng đang bắt đầu phát triển chậm rãi. Sự hiểu biết của các họa sĩ về việc tạo ra bề mặt hai chiều có chiều sâu và ảo giác của không gian ba chiều còn khá nguyên thủy, bất kể những tiến bộ đạt được nhờ danh họa Masaccio đã giới thiệu lại [các kỹ thuật] phối cảnh tuyến tính. Màu sắc thì vẫn ở trạng thái tương tự, nhưng nhìn chung thay đổi là từ bán thực tế đến cực kỳ nhân tạo.
Các tác phẩm thời đầu của danh họa Bellini thể hiện cả sự tiến bộ và hạn chế của thời đại. So với những tác phẩm cuối thời Trung cổ như “Lamentation” (Sự thương tiếc bên Chúa Kitô) của danh họa Giotto (khoảng năm 1304–1306), thì bức tranh thời đầu của danh họa Bellini “The Agony in the Garden” (Nỗi Thống khổ trong Vườn) (khoảng 1458–1460) cho thấy sự tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, màu sắc cũng như những ấn tượng về không gian ba chiều và chiều sâu vẫn chưa được cải thiện. May mắn cho danh họa Bellini là em rể của ông — danh họa Andrea Mantegna ưu tú — chính là một trong các họa sĩ quan trọng nhất hoàn thiện cho các yếu tố sau này.
Sự dẫn dắt của danh họa Mantegna hỗ trợ rất nhiều cho quá trình phát triển của họa sĩ Bellini, ngay cả khi hai người trở nên đối lập nhau. Danh họa Mantegna nhanh chóng nâng cao kỹ nghệ và phát triển các kỹ năng kỹ thuật [hội họa.] Về mặt phong cách, ông là họa sĩ thuộc thời kỳ Phục hưng sơ khai chuyển tiếp. Trong thời kỳ đó, các yếu tố cơ bản của nghệ thuật Phục hưng đã hình thành và đang phát triển nhưng chưa đạt đến độ trưởng thành.
Chuyển tiếp sang thời kỳ thượng Phục hưng
Không giống như danh họa Mantegna, danh họa Bellini mất nhiều thời gian hơn để phát triển kỹ năng của mình. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên là họa sĩ Phục hưng thời đầu, ông dần trở thành một trong những nghệ sĩ đầu tiên chuyển sang thẩm mỹ của thời kỳ thượng Phục hưng. Bức họa “Portrait of Doge Leonardo Loredan” (Chân dung tổng trấn Leonardo Loredan) của ông là một trong những tác phẩm tạo ra và đánh dấu cho bước chuyển tiếp đó.
Danh họa Bellini cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khởi xướng quá trình chuyển đổi sang chất liệu sơn dầu trên vải canvas như một kỹ pháp tiêu chuẩn trong hội họa. Điều này mang đến lợi ích rất to lớn. Trước đây, tranh bích họa và màu keo từng thống trị hội họa Ý. Bởi vì tranh bích họa được vẽ trên tường và mau khô nên phạm vi thử nghiệm bị hạn chế. [Nếu muốn] thay đổi thì cần loại bỏ và vẽ lại trên một phần tường rất lớn. Màu keo giữ ít sắc tố hơn các dạng sơn khác, khiến cho việc đạt đến màu sắc chân thực khó khăn hơn.
Kỹ thuật sơn dầu trên vải canvas giúp các nghệ sĩ có nhiều thời gian để làm việc hơn, cho phép thử nghiệm và chỉnh sửa nhiều hơn, tạo điều kiện cho việc thể hiện chi tiết tốt hơn, đồng thời mang đến nhiều màu sắc như mong muốn hơn. Chính họa sĩ Bellini đã giới thiệu màu sắc chân thực ưu nhã mà sau này sẽ trở thành đặc điểm nổi bật của trường phái hội họa Venice.
Tài năng của danh họa Titian chắc chắn là được xây dựng trên nền tảng đó, để tạo ra các tác phẩm vượt trội hơn danh họa Bellini. Nhưng mức độ tiến bộ từ tác phẩm của danh họa Bellini đến tác phẩm của danh họa Titian chắc chắn là khiêm tốn hơn so với sự tiến bộ giữa các tác phẩm nghệ thuật của danh họa Bellini ở thời kỳ trước và thời kỳ sau.
Thiết lập nền tảng
Danh họa Bellini là một trong những nghệ sĩ đầu tiên khắc họa các bức chân dung hoàn toàn chân thực về con người. Phần lớn, ông chỉ đưa chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) trưởng thành này vào các bức chân dung con người trong tư thế trang trọng hóa. Tuy nhiên, danh họa Titian lại đem sự trưởng thành đó vào các tác phẩm miêu tả con người trông như khi họ đang “dừng lại để chụp ảnh.” Đôi khi, ông còn tạo ấn tượng cho tác phẩm của mình như một cảnh video bị tạm dừng mà sau này được danh họa Caravaggio hoàn thiện.
Tuy nhiên, [các tác phẩm] của danh họa Titian nổi tiếng hơn ở cường độ cảm xúc, cảm giác kịch tính, và cái nhìn sâu sắc về tính cách của nhân vật. Đây là một tiến bộ thực sự khi miêu tả các sự kiện đầy cảm xúc như những sự kiện xung quanh việc Chúa bị đóng đinh.
Tuy nhiên, các nhà phê bình của danh họa Bellini lại có xu hướng khẳng định rằng, tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều chứa đầy cảm xúc và kịch tính, ngay cả khi chủ đề của họ vốn không có gì xúc động hay kịch tính. Những nhà phê bình này phủ nhận thành công rằng, nghệ thuật vô cảm và không kịch tính có thể khắc họa đúng với cuộc sống hơn là cách mô tả đầy cảm xúc, kịch tính về các chủ đề và bối cảnh tiêu biểu nhất định — và cũng đẹp về mặt thị giác. Khi vẽ trong những bối cảnh này, danh họa Bellini có thể tạo ra những bức tranh được xếp vào hàng các tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại, đồng thời nắm bắt được cá tính của nhân vật một cách tinh tế — chẳng hạn như qua ánh mắt ôn hòa điềm đạm nhưng đáng chú ý của tổng trấn Loredan.
Thu Quý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times