‘Kính chào Ngài Caesar! Chúng tôi, những người sắp lìa đời, kính cẩn chào Ngài’
Danh họa Gérôme của Viện hàn lâm Pháp đam mê với văn hóa thị giác thời cổ đại, nền văn hóa mà ông đã nghiên cứu và tái hiện tỉ mỉ trong các bức tranh lịch sử của mình.
Một bức tranh lớn trên nền vải canvas, treo trong Phòng trưng bày Nghệ thuật Đại học Yale ở New Haven, tiểu bang Connecticut, mô tả một khung cảnh sử thi lấy bối cảnh ở Đấu trường La Mã. Chính giữa tác phẩm, một nhóm đấu sĩ giơ tay về phía hoàng đế tối cao, kêu thầm một câu thoại mà chỉ có thể được nghe thấy trong nhan đề bức tranh: “Ave Caesar! Morituri te salutant” (“Kính chào Ngài Caesar! Chúng tôi, những người sắp lìa đời, kính cẩn chào Ngài”).
Câu thoại định mệnh này lần đầu tiên được các sử gia cổ đại ghi lại nhưng đã trở nên nổi tiếng trong thời hiện đại, đặc biệt là nhờ bộ phim lừng lẫy “Gladiator” (Võ sĩ giác đấu) (2000). Tuy nhiên, trong khi các nhà làm phim có 155 phút để phát triển câu chuyện của mình, thì họa sĩ chỉ có một khoảnh khắc để ghi lại cảnh tượng đó. Và danh họa Jean-Léon Gérôme đã gói gọn tất cả những căng thẳng về cảm xúc, tính phức tạp của câu chuyện, và nỗi bi thương của thời đại giải trí đại chúng tang thương đó vào khoảnh khắc này.
Tấm gương phản chiếu lịch sử
Danh họa Gérôme, một họa sĩ và giảng viên của Viện Hàn lâm Pháp ở Paris, được cho là nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới vào nửa sau thế kỷ 19. Ông xuất hiện lần đầu tại Paris Salon vào năm 1847 và nhanh chóng trở thành cộng tác viên thường xuyên. Năm 1859, ông trưng bày tác phẩm “Ave Caesar! Morituri te salutant” tại Salon này. Đây là một bức tranh lớn không chỉ ghi lại cảnh bạo lực và tàn ác của các trò chơi đấu sĩ La Mã mà còn cả bầu không khí kinh hoàng của đấu trường náo loạn này.
Khung cảnh của bức tranh gọi cho người ta nhớ đến một sân vận động bóng đá thời hiện đại, mở ra tầm nhìn bao quát về công trình kiến trúc, tràn ngập khán giả, tuy nhiên đây chỉ là một phần nhỏ của cấu trúc hình bầu dục đồ sộ bao xung quanh chúng ta. Chúng ta, những khán giả, được xếp ngồi dưới đất, ngay trước cảnh [các đấu sĩ] chào hoàng đế, đủ gần để thấy được vẻ mặt khinh bỉ của vị hoàng đế thô kệch và bộ áo giáp sáng bóng của các đấu sĩ, sắp bị nhuốm máu như những người nằm trên cát trước mặt chúng ta. Thật vậy, trong khi độ kịch tính của câu chuyện nằm ở sự tương tác giữa những người lính và hoàng đế, họa sĩ Gérôme đã nỗ lực cho chúng ta thấy các chi tiết khác, dường như không mấy quan trọng đang xảy ra trong bức tranh này — những chi tiết tinh tế khiến chúng ta tạm thời sao lãng khỏi chủ đề chính nhưng lại kéo dài thời gian miêu tả vở kịch.
Chuyển sang tiền cảnh bên trái, chúng ta thấy một thân người đang vật vã với tử thần được vẽ rút gọn theo luật xa gần, nằm giữa những dấu vết của giao tranh và đổ máu. Phía sau anh ta, nhiều thi thể hơn nữa đang được kéo đi một cách nặng nhọc bởi những người mà chúng ta có thể gọi là nhóm phục vụ sân khấu của buổi biểu diễn, rõ ràng là độ ma sát của cát đã gây ra cho họ một số khó khăn.
Bên trái họ, một người đàn ông sải bước tới, dường như không biết gì về khung cảnh hỗn loạn xung quanh đấu trường mà khá tập trung vào công việc phủ lại cát trên mặt đất đẫm máu. Với tư thế giống như trong tác phẩm “Sower” (Người gieo hạt) của họa sĩ Jean-François Millet, vừa được trưng bày tại Salon Paris vào năm 1850, người đàn ông gần như mang thân phận của một người nông dân đang thực hiện một hoạt động tẻ nhạt nhất.
Phía sau anh ta, hai nhân viên trong trang phục thần thoại bước về phía cổng, một người quay lại như để kiểm tra khi nào sân khấu sẵn sàng cho trận chiến tiếp theo. Trong khi đó, ở hai bên hoàng đế, một số linh mục và quý tộc trong số khán giả thản nhiên trò chuyện với nhau, không để ý đến những người đàn ông đang hấp hối trước mặt họ.
Sự hiện diện của những nhân vật phụ này đưa phần kịch tính của tác phẩm vào bối cảnh rộng lớn hơn. Nó nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù các đấu sĩ phải dũng cảm trong trận chiến cuối cùng, nhưng đó chỉ là một tình tiết tầm thường khác trong một chuỗi các cảnh tượng thường ngày. Trong khi một số khán giả có thể bị cuốn vào sự sôi nổi của trận đấu, thì những người khác chỉ đơn giản là đã quen với những cảnh tượng khủng khiếp như vậy.
Thông qua bức tranh này, họa sĩ Gérôme cho chúng ta thấy cuộc sống thường nhật ở Rome vào những ngày cuối cùng của triều đại Julio-Claudian. Trong suốt thế kỷ 19, nền học thuật cổ điển phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, các học giả nghiên cứu văn tự và hiện vật còn sót lại từ thời cổ đại. Là một họa sĩ hàn lâm, tác giả Gérôme không chỉ thành thạo trong việc khắc họa hình tượng con người mà còn có niềm đam mê với lịch sử — điều mà ông đã tỉ mỉ nghiên cứu và tái hiện trong những cảnh lịch sử như vậy. Tuy vậy, thay vì lấy bối cảnh dưới triều đại của Hoàng đế Claudius như các tác giả cổ đại, ông chỉ định người cai trị là Hoàng đế Vitellius — một trong bốn vị hoàng đế trong cuộc nội chiến hỗn loạn vào năm 69, người đã chịu nhận một cái chết khủng khiếp chỉ tám tháng sau khi lên ngôi.
Trong cuốn sách “Lịch Sử về Sự Suy Tàn và Sụp Đổ của Đế chế La Mã” (The History of the Decline and Fall of the Roman Empire) (1776-1789), tác giả Edward Gibbon đề cập đến “Hoàng đế Vitellius quái thú” thuộc trong số “những người kế vị đáng khinh của Hoàng đế Augustus,” đề cập rằng “Vitellius vơ vét ít nhất sáu triệu của chúng tôi trong khoảng bảy tháng chỉ để ăn uống. Thật không dễ dàng để diễn đạt những tật xấu của ông ấy một cách đàng hoàng, thậm chí đứng đắn.” Họa sĩ Gérôme đã chú ý phác họa hình ảnh vị hoàng đế thô kệch đó. Khi vẽ nên sự tàn ác và trụy lạc của triều đại đang sụp đổ đó, họa sĩ đã liên kết sự suy đồi đạo đức của nhà cai trị này với cuộc sống bại hoại và sự xuống dốc về phong tục của toàn xã hội, trình bày cho hậu thế vô cùng sinh động như một tấm gương.
Khi thế giới nghệ thuật bị mối quan tâm non trẻ đối với Chủ nghĩa Ấn tượng khuấy động, họa sĩ Gérôme vẫn giữ vững lập trường, nhấn mạnh rằng phương thức trình bày hình ảnh mang tính hàn lâm, truyền thống vẫn còn nhiều điều thú vị, ngay cả trong thời đại nhiếp ảnh. Quả thực, những bức tranh của ông như tác phẩm “Ave Caesar! Morituri te salutant” cho thấy người nghệ sĩ như một bậc thầy kể chuyện, và chính những bức tranh như thế này đã truyền cảm hứng cho các nhà quay phim học hỏi theo, từ những ngày đầu làm phim cho đến nay.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times