Leonardo da Vinci và kiệt tác ‘Trận chiến của Anghiari’
Ngay cả khi bức tranh ở dạng chưa hoàn thiện, tài năng của Leonardo vẫn tỏa sáng.
Những hình ảnh về kiệt tác ‘Mona Lisa’ và ‘Bữa tối cuối cùng’ của Leonardo, được sao chép một cách tỉ mỉ, luôn được đám đông hăng hái vây quanh chụp ảnh và được chia sẻ rộng rãi, lan tỏa khắp xã hội Tây phương và hơn thế nữa. ‘Bữa tối cuối cùng’ vẫn chưa bao giờ ngừng thu hút du khách mặc dù đã xuống cấp trong một tu viện ở Milanese từ cuối thế kỷ 15. Còn ‘Mona Lisa’ luôn khiến cho mọi du khách phải mê mẩn khi đến thăm bảo tàng Louvre ở Paris, nơi tác phẩm được trưng bày. Bức tranh này thậm chí còn thu hút cả hành vi trộm cắp và phá hoại.
Vốn là những kiệt tác vĩ đại, những họa phẩm này đã thu hút được sự chú ý quá mức vì sự nổi trội gần như mang tính thần thoại trong trí tưởng tượng của công chúng. Không có gì ngạc nhiên khi một nghệ sĩ đã bắt tay vào rất nhiều dự án nhưng chỉ hoàn thành một vài dự án trong suốt sự nghiệp bền bỉ và cần mẫn của mình. Vì vậy, bất kỳ phát hiện nào về “Leonardo quá cố” đều có khả năng gây chấn động trong thế giới nghệ thuật, và viễn cảnh sở hữu một tác phẩm của ông đều sẽ kích thích những nhà sưu tầm khó tính nhất
Vào thời của Leonardo, vị thiên tài này nổi danh này được biết đến là một người trì hoãn có tiếng, đặc biệt là thói quen nhiều lần phá vỡ hợp đồng. Một bức tranh được thực hiện tại Florence, quê hương của ông, thể hiện tham vọng và tàn tích hoành tráng — là một hình ảnh đặc biệt thu nhỏ, pha trộn một nghịch lý giữa thất vọng, hối tiếc và đồng thời cũng là thiết kế có trình độ nghệ thuật siêu đẳng. Đó là bức bích họa dự định của Leonardo, “Trận chiến của Anghiari.” Tác phẩm nghệ thuật này được chính phủ cộng hòa ủy quyền vào năm 1504 như một phần của màn thể hiện lòng yêu nước vang dội, đặt trong một phòng họp hoành tráng tại tòa thị chính thành phố Florentine, Palazzo Vecchio.
Danh họa Leonardo da Vinci, người đàn ông thông tuệ 52 tuổi với tài năng nghệ thuật vang danh khắp nước Ý, đang làm việc trên một bức tường. Một đối thủ đáng gờm mới nổi của ông là Michelangelo Buonarroti, chủ nhân của bức tượng “Pietà” và “David” bằng đá cẩm thạch đã nhanh chóng trở thành tác phẩm kinh điển. Cả hai nghệ thuật gia đều là người bản xứ Florentine, và họ đều được giao nhiệm vụ tạo ra một bức tranh chiến thắng quân sự của xứ Florence. Đây là một trưng bày nhằm vinh danh niềm tự hào của thành phố — hai trận chiến lịch sử được vẽ bởi các họa sĩ nổi danh lẫy lừng của thành phố, công bố với thế giới cả sức mạnh quân sự của nước cộng hòa và những thành tựu nghệ thuật chủ chốt của họ.
Tuy vậy, giấc mộng yêu nước đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, vì cả hai nghệ thuật gia đều không hoàn thành tác phẩm của mình. Michelangelo được giáo hoàng triệu tập đến Rome sau khi phác thảo một bản cartoon (một bức vẽ được thiết kế trước khi chuyển lên khu vực được vẽ) với đầy những hình tượng điêu khắc. Ông đã để lại những bản phác thảo cho các đồng sự của mình nghiên cứu. Tuy nhiên, Leonardo quyết tâm hoàn thành kiệt tác khổng lồ của mình. Ông đã nghĩ ra một giàn giáo thông minh có thể nâng lên và gấp lại như chiếc đàn accordion, và khởi công việc vẽ tranh lên tường.
Hăng hái bắt tay vào công việc, người nghệ sĩ đã thử nghiệm với một lớp sáp lót dày và chất màu sơn dầu, điều khác lạ trong loại tranh bích họa. Phương pháp sáng tạo mới mẻ này đã sớm đi vào ngõ cụt, sơn bắt đầu chảy giọt xuống và màu sắc bị trộn lẫn với nhau. Sau khi thất vọng và nỗ lực không đem lại lợi ích trong việc làm khô bề mặt sơn bằng than củi, Leonardo nhanh chóng từ bỏ dự án và rời đến Milan, không bao giờ quay trở lại công việc mà ông đã từng bắt tay vào thực hiện.
Trong 50 năm sau đó, khung cảnh chiến trường không hoàn chỉnh vẫn tồn tại trong cung điện Palazzo Vecchio như một bóng ma hiện ra, cho đến khi tòa thị chính được cải tạo hoàn toàn nhằm chào mừng sự nắm quyền của công tước mới. Ngay cả khi bức tranh ở dạng chưa hoàn thiện, tài năng của Leonardo vẫn tỏa sáng. Nhiều thế hệ thợ in đã sao chép bối cảnh trung tâm của bức tranh. Thiết kế này đã lan sang Pháp và Hà Lan vào thế kỷ 17 nhờ những người ngưỡng mộ như họa sĩ Peter Paul Rubens.
Trong khung cảnh hiện lên những người kỵ sĩ và tuấn mã tham gia vào một cuộc chiến nảy lửa khi đang chiến đấu dưới cờ hiệu chiến tranh. Bố cục thống nhất với cường độ cảm xúc của cơ bắp căng cứng của những con ngựa, chuyển động linh hoạt của những nhân vật, và hiện lên rõ ràng nhất là nét mặt dữ dội của những người kỵ sĩ. Bức tranh tái hiện đỉnh điểm của một cuộc xung đột lịch sử và đưa người xem đến tận chiến trường thực. Khi quan sát sự khốc liệt của những kỵ sĩ, chúng ta dường như nghe thấy tiếng va chạm của tiếng vũ khí gây chết người và hý vang của những chú ngựa hiếu chiến.
Đối với Leonardo, việc nắm bắt những nét tinh tế có thể nhìn thấy được thông qua hình thể, là cách mà ông thâm nhập vào tâm lý con người. Tuy nhiên, không thể tìm thấy chủ nghĩa anh hùng và huy hoàng nào để ăn mừng chiến thắng từ những chiến binh đang vật lộn này. Có lẽ không có gì thực sự vinh quang hay đáng để kỷ niệm về chiến tranh đối với người nghệ sĩ. Nhân danh lòng yêu nước, bức tranh có khả năng biến các quý ông thành những con quái vật với khuôn mặt nhăn nhó, chỉ còn sót lại sự tàn bạo, kinh hoàng, đau khổ và cái chết.
Trong suốt cuộc đời mình, Leonardo đã làm việc không mệt mỏi với cọ vẽ để chuyển tải toàn bộ cung bậc cảm xúc của con người. Nếu trong tác phẩm “Bữa tối cuối cùng,” ông cố gắng miêu tả sự tĩnh lặng và tình thương của Đức Chúa, thì ở đây ông lại thể hiện sự dã man và điên cuồng không thể kiểm soát của cái ác. Đối với ông và cả chúng ta, hai điều này đại diện cho các thái cực của hành vi và lý trí con người.
Da Yan là một nghiên cứu sinh về lịch sử nghệ thuật châu Âu. Anh lớn lên ở Thượng Hải, Trung Quốc, sinh sống và làm việc ở Đông Bắc Hoa Kỳ.