Ngôn ngữ vô hình của mỹ thuật: Ẩn mình trong những điều triển hiện
Tác phẩm ‘Lady With an Ermine’ (Thiếu nữ cùng một chú chồn ermine) của danh họa Leonardo da Vinci
Nếu không hiểu ngôn ngữ của nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng hoặc các phong tục và lễ nghi thời bấy giờ, thì bất kỳ ai thưởng lãm tác phẩm “Lady With an Ermine (Portrait of Cecilia Gallerani)” (Thiếu nữ cùng một chú chồn Ermine; Chân dung của nàng Cecilia Gallerani) của danh họa Leonardo da Vinci có lẽ sẽ cảm thấy bức tranh này hơi kỳ lạ. Tác phẩm này vẽ về một thiếu nữ đang ôm một chú chồn ermine.
Vào thời đó, bức chân dung nàng Gallerani của danh họa Leonardo đã truyền tải rất nhiều thông điệp mà không cần một từ ngữ nào. Thay cho cú pháp, các họa sĩ thời kỳ Phục Hưng như ông Leonardo đã cẩn thận xâu chuỗi một loạt chủ đề với nhau để khắc họa địa vị, tính cách, và các phẩm chất của nhân vật chủ thể. Những người thưởng lãm tranh thời kỳ Phục Hưng nhận biết được ngôn ngữ nghệ thuật thị giác này, bất kể họ nói ngôn ngữ nào.
Ý nghĩa của các chủ đề này đã được đặt định từ nhiều thế kỷ trước. Các tín đồ Cơ Đốc thời Trung Cổ tin rằng mỗi tạo vật của Chúa đều chứa đựng một mục đích thiêng liêng, vì vậy họ đã phân loại các loài chim, động vật, và thậm chí các loài sinh vật kỳ quái trong những tư liệu tôn giáo được biết đến như những quyển “ghi chép về loài vật.” Tác phẩm này đã mô tả chi tiết về môi trường sống, nơi cư ngụ, và các đặc tính bề ngoài của mỗi loài vật và sau đó kết nối các loài vật này với các giá trị đạo đức và truyện ngụ ngôn của Cơ Đốc Giáo.
Thư viện & Bảo tàng Morgan tại New York lưu giữ một bản thảo cuối thế kỷ 12 đầy thú vị “Workshop Bestiary” (Chuyên đề về sinh vật). Khải thị đầu tiên của bản thảo này là thuộc về Đấng Christ. Trên cùng một trang, hai chú sư tử liếm những đứa con chết non của chúng sống lại, một câu chuyện ngụ ngôn về sự phục sinh của Đấng Christ.
Lấy cảm hứng từ truyền thống ghi chép về sinh vật, những cuốn sách biểu tượng (emblem book) của thế kỷ 16 và 17 đã trở nên phổ biến trên toàn châu Âu lục địa. Những cuốn sách này hàm chứa nội dung tín ngưỡng và thế tục, với việc các nghệ sĩ đôi khi tìm về các tác phẩm văn học Hy Lạp và La Mã thời cổ đại chẳng hạn như “Aesop’s Fables” (Truyện Ngụ Ngôn của Aesop) và “Lives of the Noble Greeks and Romans” (Cuộc Đời Của Các Quý Tộc Hy Lạp và La Mã) của Plutarch để lấy nguồn cảm hứng. Mỗi mục trong cuốn sách biểu tượng đều có một hình ảnh minh họa, một câu phương châm, và lời giải thích.
Chú chồn Ermine của danh họa Leonardo thì sao?
Danh họa Leonardo đã tạo ra một bản ghi chép về sinh vật thần thoại của riêng mình vào những năm cuối đời, cùng một mục cho loài chồn ermine phỏng theo các ghi chép về sinh vật thần thoại khác. Trong tác phẩm này, ông kể rằng chồn ermine ăn mỗi ngày một bữa, và nó sẽ sớm đầu hàng những người thợ săn thay vì chạy trốn vào hang ổ vấy bùn của mình.
Do đó, bộ lông trắng muốt của chồn ermine tượng trưng cho sự thuần khiết và chừng mực về đạo đức, và như vậy, tầng lớp giàu có trong xã hội rất quý bộ lông trắng tinh khôi của chồn ermine cùng chiếc đuôi có ngọn màu đen của nó. Thậm chí các vị vua và hoàng hậu Âu Châu còn khoác lên mình những chiếc áo choàng lông chồn ermine trong lễ đăng cơ, ngụ ý tuyên bố rằng họ sẽ trị vì [đất nước] với sự thuần khiết và chừng mực về đạo đức.
Danh họa Leonardo đã minh họa tài tình hành vi của chồn ermine trong bức tranh “Chồn Ermine là một biểu tượng của sự thuần khiết” vẽ bằng bút mực của ông. Trong bức họa, một người thợ săn đang chuẩn bị giết loài sinh vật này. Chồn ermine không nao núng hay chạy trốn. Chú chồn đó thà chết chứ không làm vấy bẩn bộ lông trắng tinh khiết của mình trong khi chạy trốn.
Vì sao thiếu nữ lại ôm lấy một loài vật gặm nhấm?
Trong tác phẩm “Thiếu nữ cùng một chú chồn ermine,” danh họa Leonardo đã khắc họa nàng Gallerani mới 16 tuổi trong một chiếc váy nhung sang trọng và thêu họa tiết bằng chỉ vàng, nàng đang quay đầu ngược hướng với thân thể, một tư thế năng động thời bấy giờ. Các họa sĩ thời kỳ Phục Hưng khắc họa những thiếu nữ đến tuổi cập kê với mái tóc buông xõa, trong khi những quý cô đã đính hôn hoặc đã kết hôn sẽ chia ngôi giữa và buộc tóc ở phía sau. Danh họa Leonardo không vẽ mái tóc của nàng Gallerani buộc lên hay xõa xuống, mà là kiểu tóc coazzone, một kiểu bím tóc của người Tây Ban Nha phổ biến ở miền bắc nước Ý. Mái tóc của nàng buộc ở phía sau nhưng vẫn vấn quanh khuôn mặt, cùng một dải ruy băng buộc quanh trán để giữ cố định tấm mạng che mặt có viền bằng vàng.
Ông đã khắc họa phần đầu của chú chồn ermine giống với tư thế của nàng Gallerani, ngụ ý rằng người thiếu nữ này cũng có sự thuần khiết và khiêm tốn điển hình của chồn ermine.
Tuy nhiên, nhiều ngụ ý cũng nằm ở chú chồn ermine của nàng Gallerani. Một số học giả tin rằng chú chồn tượng trưng cho tên gọi của nàng Gallerani, “Gale” trong ngôn ngữ Hy Lạp có nghĩa là chồn ermine. Những người khác tin rằng chú chồn cho thấy mối liên kết giữa nàng Gallerani và người bảo trợ quan trọng nhất của danh họa Leonardo, quan nhiếp chính người Ý kiêm Công tước xứ Milan, ngài Ludovico Sforza, người đã yêu cầu sáng tác bức họa này cũng là người thuộc Dòng hiệp sĩ Ermine. Câu phương châm của dòng hiệp sĩ này là “MALO MORI QVAM FOEDARI,” ngôn ngữ Latinh có nghĩa là “Thà chết vinh còn hơn sống nhục.”
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times